© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Ngữ Văn 12, Bài 4. Thực hành một số phép tu từ Ngữ Âm

Chủ nhật - 24/05/2020 11:17
- Những biên pháp tu từ ngữ âm thường dùng trong thơ và văn xuôi tiếng Việt là tạo nhịp điệu và âm hưởng; điệp âm, điệp vần, điệp thanh.
- Tạo nhịp điệu và âm hưởng: Sự thay đổi nhịp điệu có khả năng gợi tả âm thanh, hành động, cử chỉ, thể hiện giọng điệu thích hợp với tình cảm cần thể hiện khi nói hoặc viết: mạnh mẽ, lôi cuốn, nhẹ nhàng thuyết phục, dồn dập, gấp gáp, mô phỏng âm thanh, hình dáng,.. Việc tạo nhịp điệu phụ thuộc nhiều vào việc ngắt nhịp ngắn hay dài, đều đặn hay không đều đặn cùng với cách sử dụng từ ngữ, thanh điệu.
- Điệp âm, điệp vần, điệp thanh điệu góp phần gợi cảm xúc, khơi gợi trí tưởng tượng ở người đọc, người nghe nhằm khắc họa hình tượng một cách ấn tượng, rõ nét.
* Bài tập
Câu 1. Phân tích hiệu quả của việc sử dụng toàn thanh bằng trong dòng cuối của đoạn thơ sau:
Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Nghìn thước lên cao, nghìn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
(Tây Tiến - Quang Dũng)

Hiệu quà của việc sử dụng toàn thanh bằng trong câu thơ “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”: Ba câu thơ đầu bị ngắt giữa dòng cùng với cách sử dụng nhiều thanh trắc gợi cảm giác gập ghềnh, khúc khuỷu của con đường, gợi thế cheo leo hiểm trở của vách núi, gợi sự hùng vĩ của núi cao vực sâu. Câu thơ cuối với toàn thanh bằng và không ngắt quãng, đọc nhẹ một hơi gợi một không gian rộng mở, mênh mông bát ngát ngút tầm mắt. Câu thơ như một tiếng thở phào sáng khoái của một người vừa lên đến đỉnh dốc cao, phóng tầm mắt ra xa để thu vào tầm nhìn của mình một không gian mênh mang nhạt nhoà trong màn mưa, màn mây, màn sương.

Câu 2. Phân tích hiệu quả của biện pháp điệp vần trong đoạn thơ sau:
Em ơi. Ba Lan mùa tuyết tan
Đường bạch dương sương trắng nắng tràn
(Em ơi Ba Lan – Tố Hữu)
Sương nương theo trăng ngừng lưng trời
Tương tư nâng lòng lên chơi vơi
(Xuân Diệu)
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
(Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử)

Hiệu quả của biện pháp điệp vần trong các câu thơ:
Em ơi. Ba Lan mùa tuyết lan
Đường bạch dương sương trắng nắng tràn
Phép điệp vần liên tục đường...dương...sương/...trắng...nắng gợi hình ảnh con đường cuồn cuộn khói sương bỗng bừng lên trong nắng ban mai rực rỡ làm cho không gian như rộng thêm ra, thênh thang vô tận.
Sương nương theo trăng ngừng lưng trời
Tương tư nâng lòng lên chơi vơi
Phép điệp vần Sương...nương /...ngừng...lưng/...trời...chơi vơi phối hợp với điệp toàn thanh bằng trong cả hai dòng thơ gợi một không gian mênh mang, mờ ảo như thực như mộng, trời mây sương khói dường như không phân chia ranh giới, như hoà làm một càng làm cho cái chơi vơi của tâm trạng trong nỗi sầu tương tư thêm khó diễn tả.
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Phép điệp vần xa...ra... phối hợp với điệp ngữ khách đường xa gợi hình ảnh một không gian mờ ảo, vừa thực vừa mộng, vừa chập chờn trước mặt vừa mênh mang xa ngái, vừa ẩn vừa hiện trong Mịt mờ sương khói của sông nước buồn thiu, của bến sông trăng Vĩ dạ.

3. Phân tích hiệu quả của biện pháp điệp phụ âm đầu trong đoạn thơ sau:
Thông reo hờ suối rì rào
Chim chiều chiu chít ai nào kêu ai
(Tiếng hát đi đày - Tố Hữu)

Làn ao lóng lánh bóng trăng loe
(Nguyễn Khuyến - Uống rượu mùa thu)

Dưới trăng quyên đã gọi hè
Dầu tường lửa lựu lập loè đâm bông
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Mênh mông muôn mẫu một màu mưa
Mỏi mắt miên man mãi Mịt mờ
(Tú Mỡ)

Hiệu quả nghệ thuật của biện pháp điệp phụ âm đầu trong các câu thơ
Thông reo bờ suối rì rào
Chim chiều chiu chít ai nào kêu ai
Sự lặp lại phụ âm đầu trong các tiếng reo...rì rào/ chim chiều chiu chít gợi một không gian của núi rừng với tràn ngập tiếng chim kêu, tiếng suối chảy, tiếng gió trên những cành thông cao...
Làn ao lóng lánh bóng trăng loe
Âm “l” được lặp lại 4 lần trong một câu thơ diễn tả vẻ quyến rũ của ánh trăng in trên mặt ao: vừa rực rỡ long lanh vừa mềm mại lan toả, bóng trăng như in như hoà vào bóng nước...
Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập loè đâm bông
Trong một câu thơ có 4 lần âm “l” được lặp lại liên tiếp gợi tả hình ảnh những bông hoa lựu đỏ như những ngọn lửa nhỏ ẩn hiện trong lá cây, trong ánh trăng ngời lên một vẻ đẹp bí ẩn huyền ảo.
Mênh mông muôn mẫu một màu mưa
Mỏi mắt miên man mãi Mịt mờ
Phụ âm đầu “m” lạp lại ở tất cả các tiếng trong dòng thơ theo kiểu chơi chữ gợi một không gian mênh mông bát ngát trắng xoá môht màu mưa như kéo dài đến tận chân trời.

Câu 4. Phân tích hiệu quả của biện pháp tạo nhịp điệu và âm hưởng trong các đoạn sau:
- “Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc
thuổng gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân cứu nước.”
(Hồ Chí Minh)
- “ Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có thể sánh vai với các cường quốc năm châu hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
(Hồ Chí Minh)
- “Chửi. Kêu. Đấm. Đá. Thụi. Bịch. Cẳng chân. Cẳng tay. Như mưa vào đầu. Như mưa vào lưng. Như mưa vào chân nó.
(Nguyên Công Hoan)
- Mõ thảm không khua mà cũng cốc
Chuông chùa không đánh cớ sao om
- Gió đập cành tre khua lắc cắc
Sóng dàn mặt nước vỗ long bong
(Hồ Xuân Hương)

Hiệu quả của biện pháp tạo nhịp điệu và âm hưởng trong
- Đoạn văn trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chí Minh: Âm hưởng mạnh mẽ, lôi cuốn như thôi thúc lòng người.
- Đoạn văn trong Thư gửi các cháu học sinh nhân ngày khai trường của Hồ Chí Minh: Nhẹ nhàng, trìu mến nhưng có sức thuyết phục sâu sắc.
- Đoạn văn của Nguyên Công Hoan: thể hiện sự dồn dập tới tấp của những động tác rất nhanh trong một vụ ẩu đả.
- Đoạn thơ của Hồ Xuân Hương: sử dụng các từ mô tả âm thanh cùng với sự đối lập thanh điệu (bằng - trắc) ở cuối dòng thơ khiến người đọc như cảm thấy được âm thanh của tiếng mõ, tiếng chuông, tiếng cành tre khua trong gió, tiếng sóng nước vỗ long bong...

Câu 5. Xác định cách gieo vần, nhịp điệu và âm hưởng được tạo ra trong đoạn thơ sau:
Những đêm hè
Khi ve ve
Đã ngủ
Tôi lắng nghe
Trên đường Trần Phú
Tiếng chổi tre
Xao xác hàng me...

Những đêm đông
Khi cơn giông
Vừa tắt
Chị lao công
Như sắt như đồng
Chị lao công
Đêm đông
Quét rác...

Gieo vần liền (dòng 1, dòng 2), kết hợp với vần cách (dòng 1, 2 và dòng 4) cùng với cách ngắt nhịp ngắn (mỗi dòng thơ thường chỉ có 3, 4 tiếng) và tương đối đều đặn gợi âm hưởng như âm thanh sắc gọn của tiếng chổi tre đều đặn, miệt mài trên đường phố trong những đêm hè khuya khoắt hay những đêm đông giá lạnh.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây