© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Người ta nói bài “Chân quê” là một tuyên ngôn nghệ thuật của Nguyễn Bính được viết bằng thơ. Ý kiến của anh (chị) như thế nào ? Hãy làm sáng tỏ điều đó.

Thứ ba - 24/01/2017 05:37
Cứ thấp thoáng đi về một “người nhà quê” trong thơ Nguyễn Bính. Một mối tình “Chân quê” vối cô thôn nữ yếm thắm, răng đen “cười như mùa thu toả nắng”, với làng quê Việt Nam tưởng như đã xưa cũ tự ngàn đời. Nương về những mái đình, cây đa, bến nước để hồn thơ vương vấn mãi một thuở nào hồn nhiên như cây cỏ, như đất trời, như thầy u, như chúng mình.
 
Nếu Xuân Diệu - lữ khách ly hương bỏ làng quê nông thôn thuần hậu để đến với thế giới thị thành văn minh, thì Nguyễn Bính không thể nào xa rời cái chốn thôn sơ ấy. Mỗi lần đọc thơ, cứ thấy một chàng trai khăn xếp, quần lĩnh đợi ai đầu làng, thấy như lời tỏ tình nào e ấp mãi, thấy như cứ đau đáu ánh mắt trách móc cô gái nào lỡ bỏ cái “Chân quê” để làm khổ ai ... Những điều tưởng như giản dị ấy, lại thầm kín vang ngân thông điệp nghệ thuật của đời thơ Nguyễn Bính. “Chân quê” cũng như tất cả những gì nhà thơ ấy viết chính là lời sứ điệp; là tuyên ngôn nghệ thuật được viết bằng thơ làm ta day dứt khôn nguôi đến bây giờ .
 
Đời cầm bút của bất kỳ một nghệ sĩ nào đều đi theo một lý tưởng thẩm mỹ riêng, được coi như là tuyên ngôn nghệ thuật của nhà thơ. Quan niệm về nội dung tư tưởng cũng như về phương pháp sáng tác chính là thứ nghệ thuật bền vững, thoang thoảng hương hoa nhưng bên lâu mãi với câu thơ, bài thơ. Đọc Nguyễn Bính, không phải cái nồng nàn, sôi nổi, mãnh liệt của cảm xúc tuôn dài theo lời thơ, không phải những sáng tạo độc đáo trong các hình thức nghệ thuật, chỉ giản dị câu ca tưởng đã quen từ lâu:
 
“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ, mười mong một người”
 
Cái nỗi niềm nhớ thương chân thành vậy, đơn sơ vậy sao gần với ca dao, gần làm sao với đời sống tâm hồn của người thôn quê? Ai đó đi tìm cái mới? Thế Lữ mơ lên chốn bồng lai thơ mộng, chốn cảnh đời phù du, tăm tối?.  Lưu Trọng Lư mơ về nẻo quá khứ xa xôi, lại tưởng thấy chú bé mồ côi nhớ mẹ?.  Những nẻo phù hoa ấy không thấy dấu chân Nguyễn Bính, không thấy một lãng tử nào như Nguyễn Bính. Làng quê Việt Nam xanh xanh bờ tre xanh lúa đồng anh, đồng nàng, tím rặng mồng tơi hay con bướm vàng bỏ quên cuộc chơi, nơi ấy đậm đà mãi hồn Chân quê Nguyễn Bính. Chiều nào có một người ngóng trông một người, ngân nga trong sâu thẳm tâm hồn những nỗi buồn về sự đổi thay.
 
Chuyện đời “thương hải vi tang điền". Cái ngày nào văn hoá Việt Nam, câu ca dao, hay bài thơ lục bát làm người ta say mê, đã qua từ lâu rồi. Nền văn minh phương Tây ồ ạt xâm chiếm những chốn thôn quê thuần hậu, nhũng thị thành rực rỡ đèn hoa kêu gọi những lớp trí thức tiểu tư sản đi theo cái mới, cái Tây học. Một thời nho học cứ tàn lụi trong tâm hồn mỗi người. Chiều cuối năm, gặp đâu đó ông đồ viết chữ. Nhưng giấy mực kia mưa gió đã tàn phai.
 
Những con người muôn năm cũ, hồn đã đi về đâu trong cái nhố nhăng của thời đại Âu hoá? Hoạ chăng chỉ còn Nguyễn Bính, vẫn yêu tha thiết nền văn hoá truyền thống. Hồn văn đậm hơi thở Chân quê, và thơ vẫn dịu dàng, ý tứ ca dao như thuở nào “Hoa chanh nở giữa vườn chanh - Thầy u mình với chúng mình chân quê”.
 
Phải chăng đời thơ Nguyễn Bính vẫn trông về, vẫn theo về những lề lối, phong tục truyền thống, mà ai đó tưởng đã mờ nhoà theo thời gian?.
 
“Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi”
 
“Ngày mai trong đám xuân xanh ấy...” người con gái thôn quê một thuở yếm lụa sồi, áo tứ thân đã quên rồi chăng?.  Trong đám xuân xanh ấy còn thấp thoáng sau luỹ tre làng, ai đã xếp cái áo lấm lem bùn đất vào quên lãng?.  Ai đã đánh rơi hồn thôn quê chân thật dịu dàng?.  Chỉ thấy nỗi buồn không chỉ trong đôi mắt đau đáu xa vời, mà câu chữ sao cứ quặn lòng thương những điểu thay đổi. Cô em yếm thắm lụa đào ngày xưa ấy, giờ đây đi theo tiếng gọi thị thành, đi theo cái mới lạ. Chỉ thấy “Khăn nhung, quần lĩnh rộn ràng - Áo cài khuy bấm....”.
 
Sự đổi thay có phải chỉ đơn thuần là cách ăn mặc?. Sao thấy nặng lòng về cả một thời tàn của những bản sắc văn hoá dân tộc?.  Ngày mai, sẽ không còn những tiếng thân thương: “Thầy u mình với chúng mình chân quê”...
 
Ai đang lãng quên quê nghèo từng sống những ngày gừng cay muối mặn?,  những đêm trăng hát hội, con sông Cầu làng bao quanh?,  những ngày “Tương tư thức mấy đêm rồi...”? Tuyên ngôn nghệ thuật của nhà thơ, chính là sự đánh thức những con người, những tâm hồn đang giã từ cái chất phác, thật thà Chân quê, để sống một cuộc đời nửa Âu nửa Việt.
 
“Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê”
 
Làm sao mang cái cổ xưa để hoà hợp với cái hiện đại?.  Làm sao sống cuộc đời của người khác, Tây quá, chứ không phải của người Việt, dân Việt?.  Hoa chanh nở giữa vườn chanh. Chân quê vẫn sống vối những mái đình, cây đa, những bài ca dao vần điệu đằm sâu, thắm thiết.
 
Xuân Diệu đang nhập vào dòng Pháp, viết những câu thơ làm người ta sửng sốt?. Thế Lữ, Chế Lan Viên không một lần quay trở về?. Nguyễn Bính, trong thơ, muôn đời vẫn vậy, vẫn yêu, vẫn trân trọng bản sắc dân tộc. Bài thơ của ông trăn trở với việc gìn giữ những cái đẹp truyền thông đang bị mai một dần, đang bị quên lãng.
 
 “Chân quê” như một tuyên ngôn nghệ thuật viết bằng thơ chất chứa những điều tâm huyết với cái truyền thống, với làng quê ngàn năm khổ cực, bùn đất, với những gái quê dập dìu đêm hội Lim.
 
Dịu dàng thế ! Đằm thắm thế ! Ý tứ thế ! Có nhớ không?
 
“...Em nghe họ nói mong manh
Hình như họ biết chúng mình... với nhau”
 
Cô gái đỏ mặt thẹn thùng. Ý tình như dây tơ thoảng nhẹ mà nao lòng. Nguyễn Bính đấy, một hồn thơ giản dị, mộc mạc. Tiếng thơ không gạt dũa, trang sức, như tự nhiên trời đất tình yêu xưa nay vẫn vậy. Nhuần nhị, trong trẻo thể lục bát Chân quê !.
 
Ai đó nói thơ Nguyễn Bính quê mùa? Vâng, đọc Nguyễn Bính, có cảm giác như trọn vẹn làng quê Việt Nam nguyên sơ trong thơ ông. Dẫu sao cái quê mùa ấy là đáng quí. Nó cảm được những tấm lòng mộc mạc, bình dị. Thấy như yêu hơn bến nước, con đò mà dẫu đã thân quen ta vẫn thường hờ hững. Thương cả đến dậu mồng tơi xanh rờn.
 
“Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn
Hai người sống giữa cô đơn
Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi
Giá đừng có dậu mồng tơi,
Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng”.
 
Có một người như kể lể, như giãi bày với mọi người về cái dậu mồng tơi, về sự cách trở. Mồng tơi ơi ! Sao ngăn cách hai mỗi tơ tình? Nhớ về những chàng trai trong ca dao đã vin vào chuyện mất áo để tỏ tình. Cành sen trong câu ca xưa đến dậu mồng tơi này, tưởng không có gì xa cách. Hồn thơ Nguyễn Bính vẫn chung thuỷ với những câu ca, những cuộc tình dang dở, truân chuyên như thửa trước. Chuyện quan trạng sang sông, quên đò, đọc lại sao thương đến thế?.
 
“Quan trạng đi bốn lọng vàng
Cờ thêu tám lá qua làng trang nghiêm
Mọi người hớn hở ra xem
Chỉ duy có một cô em hơi buồn
Từ ngày cô chửa thành hôn
Từ ngày anh khoá hãy còn hàn vi ...
Thế rồi vua mở khoa thi
Thế rồi quan trạng vinh quy qua làng”

Người quyền quý, sang trọng, đã quên rồi một thuở hàn vi nghèo khó, nghĩa tình, ai người vợ đã bị phụ bạc?. Hay còn cả chuyện những con người đi theo cái mới, cái hào nhoáng, hiện đại mà phụ bạc những tấm lòng sắt son chờ đợi?. Những ai phụ ai rồi?. Hay một thời xưa củ đã tàn lụi?. Nguyễn Bính đau đáu tiếng cầu khẩn một thời nào đừng qua đi, những bản sắc văn hoá truyền thống đừng lụi tàn, một mai. Có nhà thơ đang giữ lửa của những ngày tàn. Có nhà thơ, không viết theo lối cảm xúc mãnh liệt, cái tôi không nổi sôi, hào phóng. Con người ấy vẫn neo đậu hồn mình trong vần điệu ca dao trầm lắng, chân tình. Nguyễn Duy nói về thơ Nguyễn Bính, đúng chăng?.
 
“Mây trôi bằng gió của trời
Là ta, ta hát những lời của ta”.
 
Nguyễn Bính đã, đang, và vẫn hát mãi những lời của những người xưa, của dân tộc Việt Nam, hồn hậu, thuần phác. Nghe rưng rưng.
 
“Nói ra sợ mất lòng em
Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa”
 
Cả một đời Nguyễn Bính, muốn giữ mãi cái quê mùa chân thật của con người, muốn giữ mãi nhịp thở nhuần nhị, trong trẻo vô cùng của thể lục bát dân tộc. Tuyên ngôn nghệ thuật ấy không chỉ một “Chân quê” mà được thắp sáng bằng một đời cầm bút tâm huyết với bản sắc dân tộc Việt Nam.
 
Qui Nhơn sóng hát. Phải chăng con sóng bạc đầu dã chảy trong hồn Xuân Diệu từ khi nhà thơ còn thơ ấu?. Lòng xao động mãnh liệt với xúc cảm của cuộc đời. Tuyên ngôn nghệ thuật của Xuân Diệu, thơ thể hiện “lòng khát khao giao cảm với đời nên thơ như con đường để nhà thơ giao cảm giao hoà với trần thế. Điều ấy lý giải tại sao nhà thơ đi tim những cách biểu hiện cảm xúc “mới nhất trong các nhà thơ mới”.
 
Những câu chữ, hình ảnh ấy đem đặt bên cạnh nhà thơ Nguyễn Bính, thấy sao một bên hiện đại quá, một bên Chân quê như những người nhà quê muôn đời vẫn thế. Nhưng những lúc cô đơn, những khi nhớ nhà, nhớ mẹ, đọc thơ Nguyễn Bính thấy thân thương lạ kỳ ! Có phải sức truyền cảm đến từ tâm hồn mà truyền ra đầu ngọn bút?. Có thể cái thời Nguyễn Bính tiếc nuối đã qua đi, nhưng thời và thơ Nguyễn thì còn lại mãi trong thơ người. Thương nhiều những nét đẹp chân chất, mộc mạc nhưng đậm sâu, nghĩa tình!.
 
Tôi cứ muốn đi tìm lại những nơi nào còn gửi gắm tâm hồn Nguyễn Bính?. Làng quê xưa đã khác nhiều rồi. Những cô gái áo “nâu sòng Chân quê” những con đò một thuở đưa đón, những mái đình, cây đa, đêm nào hội Lim văng vẳng tiếng giao duyên, bây giờ đi đâu, về đâu?. Chỉ biết một thời Chân quê ấy vẫn đẹp vẹn nguyên khi đọc thơ Nguyễn Bính. Đi suốt một đời thơ, cứ văng vẳng sắc điệu dân tộc không thế nhoà mờ, trong cô gái, chàng trai nào ý tứ hò hẹn, trong vần điệu lục bát đậm đà. Như thế, Nguyễn sinh ra và ở lại với cuộc đời .
© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây