© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Nhân dân ta thường khuyên nhau: "Nhiễu điều phủ lấy giá gương... Người trong một nước phải thương nhau cùng"

Thứ ba - 23/06/2020 10:16
Lời khuyên trên có ý nghĩa gì? Hãy chứng minh rằng nhân dân ta đã làm đúng như lời khuyên đó.
Dân tộc ta vốn có truyền thống đoàn kết, yêu thương đùm bọc nhau. Truyền thống cao cả, tốt đẹp đó luôn được nhắc nhở trong nhân dân. Đặc biệt, nhân dân còn dùng hình ảnh ví von để khuyên nhủ nhau trong câu ca dao gợi cảm:
 
"Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng"
 
Với chúng em hôm nay, câu ca dao vẫn còn là một bài học xứng đáng để chúng em tìm hiểu và nghĩ suy. Nhiễu điều là một thứ hàng tơ màu đỏ, giá gương là vật dụng bằng gỗ được chạm khắc cầu kì vừa đỡ lấy tấm gương soi, vừa là vật trang hoàng trong nhà. Hai vật ấy nếu để riêng rẽ không có gì là đặc sắc cả. Nhưng khi đem mảnh nhiễu điều phủ lên giá gương, chúng sẽ tạo nên một cảnh tượng vừa rực rỡ, vừa uy nghiêm. Nhiễu điều giữ cho gương khỏi bụi và được trong sáng thêm, gương phản chiếu ánh sáng, lồng trong tấm nhiễu điều ánh lên sắc màu rực rỡ. Do đâu mà chiếc giá gương trở nên lộng lẫy và tấm nhiễu điều bỗng toát lên vẻ đẹp ưa nhìn? Chính vì đứng cạnh nhau, phủ lấy, bao bọc lấy, che chở lấy mà cả hai hình ảnh trên trở nên có giá trị có ý nghĩa bảo vệ, yêu thương.
 
Từ hai hình ảnh ví von đó, nhân dân ta muốn nêu bật lên nột lời khuyên nhủ thấm đượm nghĩa tình: "Người trong một nước phải thương nhau cùng". Thì ra cái cốt lõi của vấn đề là ở câu này. Chân lí của người bình dân được phát biểu một cách giản dị như thế đó. Lời khuyên nhủ nhau đã trở thành hơi thở của một dân tộc, gìn giữ cho nhau và truyền lại cho nhau đời này sang đời khác, về mặt tình cảm, những người cùng chung một nước có cùng chung nguồn gốc lịch sử, đã cùng trải qua những giờ phút vinh quang cũng như những tháng ngày đen tối. Bên cạnh đó, họ còn có chung nguồn gốc tổ tiên, nói cùng một thứ tiếng mẹ đẻ, sinh hoạt cùng một phong tục, tập quán. Họ không khác gì anh em một nhà, cùng chung sống trong bầu không khí ấm cúng của gia đình, về mặt lí trí, người dân trong một nước có nghĩa vụ tương trợ, giúp cho nhau, nghề này nhờ nghề kia mà phát triển lên, phải đoàn kết, gắn bó nhau để bảo vệ quyền lợi của nhau, không để cho kẻ ngoại bang chiếm đoạt.
 
 Xuất phát từ lý tưởng yêu nước thương dân, vì danh dự của dân tộc, của Tổ quốc, người dân trong một nước sẵn sàng đem xương máu mình để hảo vệ tự do, độc lập. Một người dân trong nước làm được điều hay, việc lạ, cả nước lấy làm vinh dự chung. Một người dân làm điều xấu, cả nước lấy làm hổ thẹn, buồn rầu. Trải qua bốn ngàn năm lịch sử, dân tộc ta dã chứng tỏ được tình yêu thương, đùm bọc của nhân dân trong nước là cơ sở lòng yêu nước, thương nòi. Giữ nước là một công việc lớn lao, không chỉ một người hay một nhóm người nào có thể làm nổi. Nếu có giặc ngoại xâm, ai cũng chỉ khư khư lo giữ của cải riêng mình, chỉ chống giặc khi chính mình bị xâm phạm thì chẳng mấy chốc, giặc sẽ lần lượt tiêu diệt hết người này đến người khác. Nhưng nếu lúc ấy, tất cả mọi người đều đồng lòng, hợp sức lại chống kẻ thù, tất nhiên ta có thể chống đỡ được giặc. Dưới đời Trần, giặc Nguyên Mông hung hãn và thiện chiến mà ba lần xâm lược nước ta đều chuốc lấy thất bại thảm hại. Đó là nhờ lúc ấy từ vua đến dân, từ tướng lĩnh đến quân sĩ, đều gắn bó bên nhau, quyết tâm đánh giặc. Tinh thần đoàn kết chiến đấu đó được phát huy cao hơn từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhờ thế, nhân dân ta từ hai bàn tay không đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vang dội, chiến dịch Điện Biên Phủ lẫy lừng và chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, giữ vững nền độc lập, thống nhất Tổ quốc như ngày nay.
 
Bài học yêu thương, đùm bọc lẫn nhau giữa người trong một nước trong từng thời kì có những điểm khác nhau. Nếu trong đấu tranh dựng và giữ nước có sự đồng tâm hợp lực, trên dưới một lòng đánh đuổi ngoại bang, thì khi thiên tai, hoạn nạn, là tinh thần "Lá lành đùm lá rách", "Chị ngã, em nâng". Chính những lúc này tấm lòng yêu thương, đùm bọc, cưu mang lẫn nhau lại càng thắm thiết hơn bao giờ. Trong đời sống bình thường, thiết nghĩ sự quan tâm giúp đỡ nhau khi tối lửa, tắt đèn, sự qua lại lúc giỗ chạp, hiếu hỉ cũng cần thiết để nói lên nghĩa tình của người dân trong một nước. Tất cả đã trở thành nét đẹp văn hoá trong đời sống tinh thần của dân tộc chúng ta.
 
Là người công dân nhỏ tuổi của một đất nước tự hào có bốn ngàn năm văn hiến, em vô cùng sung sướng được mang trong người dòng máu nhân ái chan hoà của dân tộc anh hùng. Kế thừa truyền thống cao đẹp của cha ông, đối với em lúc này là biết kính yêu ông bà, cha mẹ, hoà thuận với anh em, nhường cơm sẻ áo với người bất hạnh, trẻ mồ côi, tương thân tương ái với láng giềng... Em nghĩ đó cũng là nền tảng của tình cảm yêu thương, đùm bọc lẫn nhau giữa người trong một nước. Câu ca dao đã có tự bao đời em không rõ, nhưng ý nghĩa của nó đã trở nên muôn đời vì bài học đó đã đúc kết bằng tâm huyết của nhân dân, mà em hằng ghi nhớ: phải luôn yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, nhất là trong khó khăn, hoạn nạn. Trong thời đại ngày nay, truyền thống thương yêu, đùm bọc nhau càng cần được phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết ở mỗi người dân, mỗi đoàn thể, mỗi địa phương trong cả nước ta.
© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây