© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Phân tích bài “Sự giàu đẹp của tiếng việt” của Đặng Thai Mai.

Thứ tư - 18/01/2017 04:56
Văn bản “Sự giàu đẹp của tiếng Việt” là một phần nhỏ được trích trong bài “Tiếng Việt, một biểu hiện hùng hồn của sức sống dân tộc” của Giáo sư Đặng Thai Mai viết năm 1967.
Mở đầu, tác giả nói rõ niềm tự hào về tiếng Việt, tin tưởng hơn nữa vào tương lai của tiếng Việt của mỗi con người Việt Nam chúng ta ngày nay.
 
Đoạn văn (3 câu) tiếp theo, giáo sư giải thích về những đặc sắc của tiếng Việt, một thứ tiếng đẹp và hay. Về mặt âm hưởng, thanh điệu thì “hài hòa”; cách đặt câu thì “rất tế nhị và uyển chuyển”. Tiếng Việt lại giàu có, phong phú “có đầy đủ khả năng diễn đạt tình cảm, tư tưởng của người Việt Nam và để thỏa mãn cho yêu cầu của đời sống văn hóa nước nhà qua các thời kì lịch sử”. Nhận xét ấy rất sâu sắc.
 
Đoạn thứ ba có 22 câu, tác giả dùng 21 câu để chứng minh tiếng Việt đẹp và hay, dùng 1 câu để tiểu kết.
 
Giáo sư chỉ ra rằng, về mặt cấu tạo, tiếng Việt có những đặc sắc của một thứ tiếng khá đẹp. Đẹp như thế nào?. Nhiều người ngoại quốc sang thăm nước ta, tiếp xúc với nhân dân ta đã nhận xét: “tiếng Việt giàu chất nhạc”. Một giáo sĩ phương Tây (rất thạo tiếng Việt) đã ca ngợi tiếng Việt là một thứ tiếng “đẹp” và “rất rành mạch trong lời nói, rất uyển chuyển trong câu kéo, rất ngon lành trong những câu tục ngữ”. Tác giả đã sử dụng trích dẫn, một lối viết nghiêm túc “nói có sách, mách có chứng” (xem chú thích 1 SGK Ngữ Văn 7, tr. 138).
 
Tiếng Việt rất đẹp, “có một hệ thống nguyên âm và phụ âm khá phong phú”, lại “giàu về thanh điệu” (có 2 thanh bằng và 4 thanh trắc). Do đó tiếng Việt “giàu hình tượng ngữ âm như những âm giai trong bản nhạc trầm bổng”.
 
Tiếng Việt rất đẹp, “cân đối, nhịp nhàng” về mặt cú pháp; có một từ vựng dồi dào về cả ba mặt thơ, nhạc, họa. Và Giáo sư đã nói thêm rằng: “Tác dụng của đặc tính này đối với văn học là rất quan trọng”.
 
Chúng tôi xin minh hoạ:
 
“Cân đối, nhịp nhàng” là vẻ đẹp tự nhiên của câu văn tiếng Việt:
 
“Miền Nam là máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lí ấy không bao giờ thay đổi”
(Hồ Chí Minh)
 
“Mùa xuân của tôi - mùa xuân Bắc Việt, mùa xuân của Hà Nội - là mùa xuân có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xa, có câu hát huê tình của cô gái đẹp như thơ như mộng”
(Vũ Bằng)
 
Tiếng Việt rất hay, nó thỏa mãn được nhu cầu của xã hội, vì nó là một phương tiện, một công cụ “trao đổi tình cảm, ý nghĩ giữa người với người”. Tiếng Việt hay như thế nào?
 
Về từ vựng, tiếng Việt “tăng lên mỗi ngày một nhiều” (giàu có). Về ngữ pháp, tiếng Việt “dần dần trở nên uyển chuyển hơn, chính xác hơn” (trong sáng).
 
Tiếng Việt “đã không ngừng đặt ra những từ mới, những cách nói mới hoặc Việt hóa những từ và những cách nói của các dân tộc anh em và các dân tộc láng giềng để thỏa mãn yêu cầu của đời sống văn hóa ngày một phức tạp về mọi mặt kinh tế, chính trị, khoa học, kĩ thuật, văn nghệ, v..v...”
 
Câu cuối đoạn, giáo sư khẳng định rằng, tiếng Việt, về mặt cấu tạo, về khả năng thích ứng với hoàn cảnh lịch sử đã chứng tỏ “sức sống của nó”. Đó là câu kết đoạn.
 
Văn bản trên đây là một bài nghị luận chứng minh đã khẳng định và ca ngợi sự giàu đẹp của tiếng Việt. Trước khi chứng minh, tác giả đã giải thích ngắn. Phần chứng minh, cách lập luận rất chặt chẽ, được thể hiện qua một hệ thống lí lẽ và dẫn chứng làm sáng tỏ 2 luận điểm: tiếng Việt đẹp, tiếng Việt hay (giàu có, trong sáng). Cách mở đoạn, cách trình bày lí lẽ và dẫn chứng, cách chuyển ý chuyển đoạn, cách tiểu kết của giáo sư vừa khoa học chặt chẽ, vừa tinh tế.
 
Đọc văn bản này, ta càng thêm yêu quý và tự hào tiếng Việt rất giàu đẹp. Đồng thời, chúng ta học tập cách viết của Giáo sư Đặng Thai Mai: cách dùng từ, đặt câu, cách chứng minh... mẫu mực.
© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây