© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Phân tích bài thơ Bếp Lửa - Bằng Việt

Thứ bảy - 19/09/2020 10:07
Phân tích bài thơ Bếp Lửa - Bằng Việt
Năm 1963, Bằng Việt - Nguyễn Việt Bằng học ngành Luật ở Liên Xô. Sống xa nhà ai cũng nhớ quê, nhớ những hình ảnh thân thương, nhớ những người gần gũi. Sống giữa xứ sở đầy tuyết lạnh, Bằng Việt nhớ những kỉ niệm thuở ấu thơ bên bếp lửa hòa hơi ấm thiêng liêng của tình bà.
Hình ảnh đầy ắp tình bà - cháu hiện ra khá rõ ở khổ đầu của bài thơ:

Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lừa ấp iu nồng đượm
Cháu thương hà biết mấy nắng mưa.

Cảnh và tình lồng vào nhau trong ba câu thơ được viết bằng ngôn ngữ miêu tả trần thuật bình dị, trong sáng và đầy cảm xúc của một sinh viên du học ở phương xa. Thời gian là sáng “sớm” đầy sương lạnh. Không gian là “bếp lửa”. Con người là “cháu”“bà”. Trong cái se lạnh của buổi sớm mai ấy, bếp lửa bà nhóm lên đã tỏa hơi ấm, và càng “nồng đượm” hơn là nhờ tình cảm và đức hy sinh của bà đã dành cho cháu.

Một bức tranh khái quát về cảnh ấm cúng quanh bếp lửa đã gợi nhớ về quá khứ. Thời gian và không gian đã được Bằng Việt mở rộng ra. Kỉ niệm xưa hiện về như những đoạn phim quay chậm. Những kỉ niệm lo buồn nhiều hơn vui. Đó là năm “lên bốn tuổi”', “là năm đói mòn đói mỏi”. Từ “đói” lặp lại để nhấn mạnh “mòn mỏi” thiếu cháo thiếu cơm.

Trận đói hãi hùng năm 1945, lúc dân thiếu gạo cơm chết đầu đường cuối xóm thì quân Nhật đốt thóc thay than cho xe lửa chạy. Bằng Việt, trong hoàn cảnh ấy, chẳng nhớ gì nhiều.

Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu
Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay!

Cái hay của hai câu thơ nói về nỗi nhớ ấy đọng lại ở cụm từ “sống mũi còn cay!”. Bởi nó vừa diễn tả phản xạ sinh học (khói làm cho mắt mũi chảy nước) vừa diễn tả tình cảm dâng trào.

Và cứ thế
Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa

Mẹ cùng cha công tác bận không về
Nên
Cháu ở cùng hà, bà bảo cháu nghe
Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học
Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc

Theo thời gian nhóm bếp, “bố ở chiến khu”, cháu dần lớn khôn, đã biết “đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh” khi bị giặc “đốt làng cháy tàn cháy rụi”. Dù tác giả không viết ra, nhưng người đọc cũng nhận biết đó là những năm dài gian khổ chống Pháp. Bà cố chu toàn công việc ở nhà để bố mẹ yên tâm chống giặc. Và cứ thế “rồi sớm rồi chiều bếp lửa bà nhen”. Cái bếp lửa cụ thể ấy làm sôi nước, chín cơm... nhưng cũng tượng trưng cho:

Một ngọn lửa lòng bà ấp ủ sẵn
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng...

Nhà thơ đã dùng điệp ngữ để nhấn mạnh “ngọn lửa chứa niềm tin” trong lòng bà. Trong lòng biết bao người bà khác, ở hậu phương. Đã giúp cho ngọn lửa nơi tiền tuyến bừng lên chiến thắng khắp các mặt trận, để có một đất nước tạm thanh bình.

Vậy mà “đến tận bây giờ”:

Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui
Nhóm dậy cả tâm tình tuổi nhỏ.

Đoạn thơ như tóm tắt phần đời của cháu, gắn với đời bà bên bếp lửa. Ở tuổi nhỏ, tuổi lên bốn, lên năm ngồi gần bà bên bếp lửa là để nghe bà kể chuyện, là để chờ củ sắn, củ khoai,... Lớn thêm một chút, ngồi bên bếp lửa nghe lời bà dạy bảo rằng “mẹ cùng cha công tác... có viết thư... cứ bảo nhà vẫn được hình yên”...

Hóa ra bếp lửa cùng bà, ngoài việc thông thường là nấu chín đồ ăn thức uống. Còn mang ý nghĩa sâu xa, sống còn là: Bà đã gìn giữ, nhóm lên và truyền lại cho con cháu tình thương yêu gia đình, tình quê hương dân tộc nồng đượm.

Bà và bếp lửa trong gia đình nhà thơ đã thành hình ảnh khái quát tượng trưng cho biết bao người bà đáng kính. Bếp lửa nồng đượm trong mỗi gia đình của ngươi dân Việt. Đúng như nhà thơ đã kính cẩn và hạnh phúc khi thôi lên:

Ôi kì lạ và thiêng liêng - bếp lửa!

Và như thế, “Bếp lửa” đã tròn đầy ý nghĩa. Những dòng thơ tự sự, ngôn ngữ bình dị trong sáng và giàu hình ảnh đã mở rộng không gian, thời gian. Từ bếp lửa khơi lên ngọn lửa và những câu chuyện của bà và cháu đã trở thành bếp lửa khơi bùng ngọn lửa khắp mọi gia đình Việt Nam. Dù đang sống giữa thời đại dùng bếp ga, bếp điện. Ngọn lửa yêu nước thương nhà như thế quả đúng là “kì lạ và thiêng liêng”!

* Ghi chú:
- “Bếp lửa” được làm theo hình thức thơ mới: mỗi câu gồm 7, 8 chữ; số câu trong mỗi khổ thơ nhiều hay ít tùy vào nội dung chứ không bị ràng buộc bởi luật thơ thất ngôn (mỗi khổ gồm 4 câu, mỗi câu 7 chữ).
- Nội dung và ngôn ngữ của bài thơ gần gũi với mọi người.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây