© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Phân tích bài thơ cửa biển Bạch Bằng của Nguyễn Trãi qua bản dịch thơ của Khương Hữu Dụng.

Thứ ba - 23/06/2020 10:16
Nguyễn Trãi (1380-1442) là người anh hùng dân tộc, văn võ song toàn "viết thư thảo hịch tài giỏi hơn hết một thời", là tác giả áng thiên cổ hùng văn “Bình Ngô đại cáo “ức Trai thi tập” và "Quốc âm thi tập " là hai tập thơ của Nguyền Trãi làm rạng rỡ nền thi ca Đại Việt.
Bài thơ "Cửa biển Bạch Đằng” rút trong "Ức Trai thi tập", một trong những bài thơ kiệt tác ca ngợi đất nước và nhân tài Việt Nam. Bài thơ như một thiên bút kí trữ tình về một cuộc du ngoạn tuyệt đẹp của thi nhân:

Biển lùa gió bấc thổi băng băng,
Nhẹ kéo buồm thơ vượt Bạch Đằng.
Ngạc chặt kình băm non lởm chởm,
Giáo chìm gươm gãy bãi dăng dăng.
Quan hà hiểm trở, Trời kia dựng,
Hào kiệt công danh đất ấy từng.
Chuyện cũ ngoảnh đầu, ôi đã dứt,
Dòng trôi tìm bóng dạ bâng khuâng

Mở đầu bài thơ là hình ảnh "cánh buồm thơ" căng gió lướt nhẹ vượt Bạch Đằng Giang. Một không gian mênh mông, bao la biển Trời sông nước. Gió biển lùa thổi mạnh, con thuyền lướt "băng băng" trên mặt biển. Cảnh quan bao la ấy của biển Trời đã khơi dậy một tứ thơ khoáng đạt dâng lên dào dạt trong tâm hồn phơi phới của thi nhân. Du khách cùng với con thuyền và cánh buồm thơ đang sống trong tâm thơ vô cùng ung dung, thư thái:

"Biển lùa gió bấc thổi băng băng,
Nhẹ kéo buồm thơ vượt Bạch Đằng"

Ức Trai đến với dòng sông, cửa biển không chỉ để thưởng ngoạn vẻ đẹp kì thế của thiên nhiên mà còn muốn tìm lại một thời đã qua, một thời oanh liệt về dòng sông| lịch sử này. Hai câu thực là bức tranh hoành tráng về dòng sông, cửa biển Bạch Đằng:

"Ngạc chặt kình băm non lỏm chởm,
Giáo chìm gươm gãy bãi dăng dăng"

Núi, sông, bờ bãi hiện lên qua vần thơ và các hình ảnh ẩn dụ: “Ngạc ”, "kình " "gươm giáo " mang ý nghĩa tượng trưng. Trên cửa biển Bạch Đằng, núi trập trùng như bức trường thành chẳng khác nào đàn cá ngạc, cá kình - lũ giặc phương Bắc bị nhân dân ta căm giận băm vằm và chặt thành từng khúc. Bờ bãi nhấp nhô “dăng dăng " kéo dài vô tận như giáo gươm của lũ giặc ngoại xâm bị nhân dân ta đánh chìm, bẻ gãy chất đống mà thành.

 Phép đối thần tình tạo nên vần thơ cân xứng hài hòa, cảnh vật cao thấp, xa gần đầy ấn tượng. Chất thơ dạt dào cảm hứng lịch sử đã đem đến cho người đọc những liên tưởng đầy tự hào về dòng sông và chiến công oai hùng của tổ tiên. Người đọc như cùng nhà thơ sống lại những năm tháng hào hùng thuở trước. Chính trên dòng sông Bạch Đằng này năm 938, Ngô Quyền đại thắng giặc Nam Hán chém chết thái tử Hoàng Thao; Năm 1288, Trần Quốc Tuấn tiêu diệt 3 vạn quân Mông - Nguyên, bắt sống Ô Mã Nhi. Phải có một tấm lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc mãnh liệt, Ức Trai mới viết nên những vần thơ tráng lệ như vậy.

Tiếp theo phần luận phép đối vẫn được sử dụng sáng tạo, cảm hứng lịch sử của thi nhân bừng sáng, ý thơ càng trở nên thâm trầm sâu sắc. Bài học giữ nước về địa lợi, về nhân hòa, về hào kiệt được nhà thơ nói lên rất thấm thía:

Quan hà hiểm trở Trời kia dựng,
Hào kiệt công danh đất ấy từng

Địa thế Bạch Đằng hiểm yếu, là tử địa đối với lũ giặc phương Bắc, cửa biển lòng sông hiểm yếu ấy là quà tặng của thiên nhiên ban cho nhân dân ta để bảo vệ xã tắc “vững bền muôn thuở". Đất nước ta, dân tộc ta, anh hùng hào kiệt thời nào cũng có. Họ đã đem tài thao lược bài binh bố trận để lập nên những chiến công bất tử trên dòng sông Bạch Đằng. Quan hà với hào kiệt, Trời với đất, được đặt trong thế đăng đối, Ức Trai muốn khắc sâu tư tưởng yêu nước chống xâm lăng. Cuộc chiến đấu chống ngoại xâm để bảo vệ Tổ quốc Đại Việt từng diễn ra trên Bạch Đằng là chính nghĩa, lòng dân hợp lẽ Trời nên dã chiến thắng vẻ vang.

Hai câu kết, giọng thơ sâu lắng với bao cảm xúc mênh mang. Niềm cảm hoài dào dạt. Tâm hồn thi nhân như chan hòa với sông núi, mây Trời, sông nước. Tâm trí người anh hùng "Bình Ngô" sống lại một thời quá khứ oanh liệt của tiền nhân, suy tư trước những "việc cũ", tìm lại "bóng" những anh hùng thuở trước mà lòng bâng khuâng. Câu thơ cảm thán vang lên bồi hồi, luyến tiếc, gợi lên bao nỗi nhớ thương man mác:

"Việc cũ ngoảnh đầu ôi đã dứt,
Dòng trôi tìm bóng dạ bâng khuâng"

Nguyễn Trãi là nhà thơ viết nhiều, viết hay về cảnh trí thiên nhiên với một tình yêu tha thiết đối với tạo vật, với một cảm hứng lịch sử tràn đầy tình yêu nước và niềm tự hào dân tộc:

"Núi Dục Thúy mưa tan, non tựa ngọc,
Cửa Đại An triều dậy, nước ngang Trời"
"Côn Sơn suối chảy rì rầm,
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai"

Đằng sau những cảnh núi sông tráng lệ là hình ảnh nhân dân anh hùng được nhà thơ ca ngợi với tất cả niềm tự hào vé sức mạnh nhân nghĩa Việt Nam.

Đọc bài thơ "Cửa biển Bạch Đằng", tã cảm nhận sâu sắc thêm vế đối của người xưa: "Đằng Giang tự cổ huyết do hồng " - Ta thêm yêu đất nước và con người Việt Nam, tự hào về những trang sử chống xâm lăng của nhân dân ta. Tâm hồn Ức Trai đã hóa núi sông ta.
© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây