© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Phân tích bài thơ Mao ốc vị thu phong sở phá ca của Đỗ Phủ.

Thứ ba - 23/06/2020 10:16
Những năm cuối đời, Đỗ Phủ phải trải qua nhiều đau khổ: nghèo túng, mắt bị mù, già yếu bệnh tật, hoạn nạn xảy ra liên tiếp... Bài thơ "Mao ốc vị thu phong sở phá ca" nói lên một trong những hoạn nạn, bi kịch của Đỗ Phủ. Bài thơ viết theo thể "ca ", lối thơ cổ tự do, câu dài, ngắn xen kẽ, câu ngắn nhất 4 chữ, câu dài nhất 10 chữ, phần lớn là câu thất ngôn.
Bài thơ đã thể hiện tấm lòng cao đẹp của Đỗ Phủ: ông ước mơ về hạnh phúc cho những kẻ sĩ gần xa khắp thế gian.

1. Năm câu thơ đầu nói về thiên tai. Trận bão tố "gió thét gào " trong tháng 8. Ngôi nhà lá của Đỗ Phù bị gió thu phá nát. Ba lớp tranh bị gió thu cuốn bay đi. Thủ pháp liệt kê kết hợp với miêu tả làm hiện lên ngôi nhà tranh bị gió thu phá nát:

"Tranh bay sang sông rải khắp bờ,
Mảnh cao treo tót ngọn rừng xa,
Mảnh thấp quay lộn vào mương sa "

2. Năm câu thơ tiếp theo cho thấy tai họa giáng xuống dồn dập. Sau trận gió thu thét là cuộc ăn cướp của lũ "quần đồng" hạ lưu tham lam. Chúng coi khinh nhà thơ già yếu, xô đến “cướp giật ” từng chiếc tranh. Nhà thơ vô cùng "ấm ức" đau khổ. Câu thơ tự sự và biểu cảm nói lên một nỗi đau riêng về nhân tình thế thái trong xã hội loạn lạc:

“Môi khô miệng cháy gào chẳng được,
Quay về, chống gậy lòng ấm ức ”

3. Tám câu trong đoạn ba ghi lại bao cảnh đau khổ trong trận mưa thu. Nỗi đau chồng chất. Mây đen bao phủ đất trời, đêm thu tối mịt, mưa tầm tã thâu canh. Nhà bị dột tứ tung:

"Đầu giường nhà dột chẳng chừa đâu,
Dày hạt mưa, mưa, mưa chẳng dứt"

- Mền vải mỏng, lâu năm bị đàn con thơ "đạp lót nát". Mưa thu phương Bắc “lạnh tựa sắt ”, lạnh thấu xương. Đó là nỗi khổ cơ hàn xưa nay. Chi tiết nghệ thuật rất cụ thể cảm động:
 
"Mền vải lâu năm lạnh tựa sắt,
Còn nằm xấu nết đạp lót nát "

- Đêm như dài ra. Nhà thơ thao thức ngồi trong mưa lạnh. Lo nghĩ về thời loạn, buồn vì gia cảnh nghèo đói. Vừa thương mình, vừa thương vợ con. Đằng sau câu thơ là những tiếng thở dài trong hoạn nạn:

"Từ trải cơn loạn ít ngủ nghê,
Đêm dài ướt át sao cho trót? "

4. Năm câu thơ cuối bài bừng sáng lên một ý thơ rất tốt đẹp. Đỗ Phủ mơ ước có một ngôi nhà "rộng muôn ngàn gian", vững chắc "như thạch bàn" làm nơi ăn chôn ở cho kẻ sĩ gần xa. Ngôi nhà "muôn ngàn gian " ấy là biểu tượng về ấm no hạnh phúc mà Đỗ Phủ mơ ước, không chỉ cho riêng mình mà là cho tất cả những hàn sĩ trong thiên hạ.

- Ước mơ đẹp, khát vọng cháy bỏng về hạnh phúc đã nói lên đức hi sinh to lớn, nỗi lo đời chứa chan tinh thần nhân đạo:

"Than ôi! Bao giờ nhà ấy sừng sững dựng trước mắt,
Riêng lều ta nát, chịu chết rét cũng được"

"Bài ca nhà tranh bị gió thu phá " rất giàu giá trị hiện thực và tinh thần nhân đạo. Tác giả vừa sử dụng vần bằng kết hợp với vần trắc, trong đó vần trắc là ãm điệu chủ đạo đã diễn tả bao nỗi đau và cay cực như uất kết lại trong lòng nhà thơ.

Tự sự, miêu tả, liệt kê kết hợp với trữ tình, Đỗ Phủ đã tạo nên những vần thơ vô cùng xúc động, cổ nhân có nói: "Phúc bất trùng lai, hoạ vô đơn chí", đó là sự thật xưa nay. " Lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ " là tấm lòng của kẻ sĩ chân chính. Bài thơ của Đỗ Phủ đã cho ta hiểu thêm những ý tưởng ấy.
© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây