© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Phân tích bài thơ Tụng giá hoàn kinh sư của Trần Quang Khải

Thứ sáu - 20/03/2020 13:10
Phân tích bài thơ Tụng giá hoàn kinh sư của Trần Quang Khải
Bài Tụng giá hoàn kinh sư là khúc khải hoàn chiến thắng, được nói ra từ con người làm nên chiến thắng. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai (1285), với cương vị Thượng tướng thái sư, Trần Quang Khải cùng Trần Quốc Tuấn là hai người giữ vai trò chủ chốt.
Trần Quang Khải có mặt ở nhiều chiến trường quan trọng, tham gia nhiều chiến dịch, từng trực tiếp chỉ huy giành thắng lợi trong trận Chương Dương nổi tiếng, từng giữ vai trò hỗ trợ đắc lực cho chiến thắng Hàm Tử do Trần Nhật Duật chỉ huy. Là một trong những tác giả của chiến dịch Chương Dương - Thăng Long giải phóng hoàn toàn đất nước, lại trực tiếp hộ giá hai vua Trần là Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông trở về kinh đô giữa ngày vui chiến thắng, tâm trạng Trần Quang Khải khi viết Tụng giá hoàn kinh sư thật vô cùng sảng khoái, phơi phới niềm tin tưởng.

Dòng cảm xúc trong hai câu thơ đầu nóng hổi tính thời sự, như chảy thẳng từ trái tim qua ngòi bút lên dòng thơ.

Chương Dương cướp giáo giặc,
Hàm Tử bắt quân thù.

Hai câu thơ ngắn gọn, chắc nịch như sức mạnh dồn nén và sự thần tốc chớp nhoáng của chiến công nhưng lại ngân tỏa niềm vui. Mỗi câu thơ năm chữ, hai dòng thơ mười chữ mà gợi lên được cả một không khí sôi động với những sự kiện lịch sử vang dội nhất, tầm cỡ nhất, xoay chuyển cục diện chiến trường. Tuy chiến thắng mở màn nhưng hai trận đánh này lại quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông. Hai địa danh Chương Dương, Hàm Tử là những tên riêng, giờ đây chói ngời chiến công lịch sử nên đã trở thành biểu tượng vinh quang của toàn dân tộc. Chỉ cần nhắc tên hai địa danh đó, bài thơ đã khơi dậy niềm phấn khởi tự hào to lớn về thời đại Đông A, về dân tộc Đại Việt. Các động từ mạnh mẽ, dứt khoát - đoạt là cướp lấy, cầm là bắt – được chuyển trực tiếp tới đối tượng (đoạt sóc, cầm Hồ), mang phong cách ngôn ngữ của một vị tướng. Nhịp thơ nhanh, dồn dập, chắc nịch, nói như đinh đóng cột, không cầu kì, không hoa mĩ nhưng khơi gợi lai láng ý tình, tràn trề cảm xúc.

Là người chỉ huy với tầm nhìn chiến lược, Trần Quang Khải không dừng lâu ở những chiến công, không an lạc trong chiến thắng. Câu thơ lướt nhanh trên những sự kiện để rồi đọng lại những suy tư:

Thái bình nên gắng sức,
Non nước ấy nghìn thu.

Nhịp thơ vẫn ngắn gọn, chắc nịch, vẫn rần rật khí thế nhưng không phải là khí thế hừng hực như hai câu thơ đầu mà là khí thế trong sự ung dung, điềm tĩnh. Câu thơ thể hiện một bản lĩnh Việt Nam. Trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng vẫn có sự thanh thản của tâm hồn, hành động quyết liệt mà vẫn thâm thẳm nghĩ suy.

Vị chiến tướng trên, giáp binh chưa kịp cởi, chưa kịp nghỉ ngơi đã lo nhiệm vụ trước mắt và cũng là kế sách lâu dài cho muôn đời con cháu về sau. Bốn câu thơ cùng thể hiện tầm nhìn. Hai câu đầu là tầm nhìn cao về chiến công. Hai câu sau là tầm nhìn xa về chiến lược, về đất nước trong tương lai.

Bài thơ ngắn gọn, chỉ hai mươi chữ nhưng vừa bố cáo hai chiến công vang dội, kết thúc cuộc kháng chiến, vừa kêu gọi nỗ lực xây dựng đất nước bền vững muôn thuở với niềm tin sắt đá. Ý thơ rõ ràng, bố cục rành mạch mà chất thơ lại lai láng không cùng. Chất thơ gợi lên cảm hứng, từ vẻ đẹp ngôn từ, từ nhịp điệu câu thơ. Chất thơ trong cảm xúc nóng hổi tính thời sự ở dồn nén tình cảm đến mức “khách quan”, ở sự chân tình đến mức giản dị khi thể hiện niềm vui cũng như tinh thần trách nhiệm. Chất thơ trong vẻ đẹp ngôn từ mộc mạc, rắn rỏi, cô đọng nhưng chất chứa bao ý nghĩa sâu xa. Chất thợ nói về chân lí cũng giản dị như chân lí và có sức mạnh như chân lí.

Chất thơ trong Tụng giá hoàn kinh sư có vẻ đẹp riêng, vì vậy rất độc đáo và hấp dẫn.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây