© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Phân tích bài thơ Viếng Lăng Bác – Viễn Phương

Thứ bảy - 03/10/2020 10:52
Phân tích bài thơ Viếng Lăng Bác – Viễn Phương
Trong làng thơ ca hiện đại, mỗi khi muốn biểu hiện cảm xúc của mình trước hình ảnh Bác Hồ kính yêu, thì mỗi nhà thơ lại có những vần điệu đặc sắc, truyền cảm theo một cách riêng. Viễn Phương là một trong những nhà thơ đó. Khi ông viết bài thơ “Viếng lăng Bác” vào năm 1976, nhân dịp từ miền Nam ra thăm lăng Bác nơi Thủ đô Hà Nội.
Đây là một bài thơ được viết theo thể Thơ mới gồm bốn khổ và từng khổ bốn dòng. Với số tiếng linh hoạt cùng nhịp thơ phối hợp đa dạng để biểu hiện được những cảm xúc và tình điệu phong phú nơi tâm hồn tác giả. Và từ đó, khi hòa vào dòng thơ mở đầu cho đến dòng cuối. Hình ảnh cùng chữ nghĩa, âm hưởng của bài thơ đã đưa người đọc chúng ta đồng điệu với cảm hứng ngợi ca. Và cảm xúc đầy thương nhớ nơi tâm hồn nhà thơ trước hình tượng Bác Hồ, theo mỗi bước đi vào lăng viếng Bác.

Khổ thơ đầu đã mở ra khung cảnh thân thương:

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác,
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.

Và dòng thơ ấm lên một tình điệu êm đềm, đượm niềm háo hức của người con sắp được hòa trong rộng mở, bao bọc, thương yêu. Rồi ở đây, hình ảnh lăng Bác hòa “trong sương hàng tre bát ngát” trở thành khung cảnh quen thuộc của quê hương, lăng Bác hay hình tượng Bác như ở giữa lòng đất nước mến yêu. Đất nước mà hình ảnh hàng tre kết dệt lên biểu tượng hàm súc, với biết bao ý nghĩa lắng sâu.

Từ đó, những điệp từ luyến láy “hàng tre bát ngát, hàng tre xanh xanh Việt Nam” cùng ẩn dụ ngữ nghĩa kín đáo “Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng”. Tất cả như khắc sâu một khái quát muôn đời: Hình tượng cây tre hòa trong sức sống rộng mở, xanh tươi, dẻo dai, kiên cường của dân tộc Việt Nam. Như thế, qua khổ đầu, khung cảnh quanh lăng Bác đã in dấu vẻ đẹp bình dị, nên thơ của đất nước và thấm đượm tâm hồn vốn có của quê hương.

Tiếp đến, hòa theo dòng người vào lăng thăm Bác, nhà thơ đã biểu hiện những suy tưởng cùng cảm xúc nơi những khổ thơ:

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân

Bác nằm trong lăng giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền,
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim!

Giờ đây, trong vòng vận chuyển của thiên nhiên, trong chuyển tiếp miên man của dòng người. Hình ảnh Bác được nhà thơ trân trọng ngắm nhìn qua những tương quan hình ảnh gợi khơi đầy ý nghĩa. Nơi lăng mộ đồ sộ tạo nên sự tôn nghiêm kia. Bác đã thực sự nằm xuống nhưng hình ảnh thơ lại sáng lên ý nghĩa soosng động:

“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”

Trong đối sánh giữa những dòng thơ, nếu như hình ảnh mặt trời thiên nhiên ngày ngày “đi qua trên lăng”, ngày ngày vận chuyển không ngừng, mãi mãi đem đến ánh sáng cùng sức sống rộng khắp. Thì hình ảnh “mặt trời trong lăng rất đỏ” lại chính là một biểu trưng cho ý nghĩa chiều sâu: Bác nằm xuống nhưng lí tưởng rực rỡ để cứu nước, xây dựng Tổ quốc và sự nghiệp của Người vẫn còn đấy. Vẫn soi đường cho cả nước tiến lên, truyền cảm hứng và sức sống cho con dân đất Việt mai sau.

Trong suy tưởng đó, những dòng thơ sau như thaasm đượm lan truyền một cảm xúc thành kính nhớ thương:

“Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân...”

Làm sao lại có thể quên nhớ thương khi mà lí tưởng cùng sự nghiệp ấy vẫn còn. Nhưng sinh thể sống động của Người chỉ hữu hạn với bảy mươi chín mùa xuân? Ở đây, vẫn trong đối sánh với những dòng thơ trên, hình ảnh thơ “ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ” như hiện lên những kính nhớ, thương cảm khôn nguôi. Mãi mãi trở về trang trọng dâng hoa trước hình ảnh một con người cũng bất diệt với thời gian.

Như thế, mượn được hình ảnh và nhịp điệu thường hằng nơi thiên nhiên ứng cùng con người và sự việc chân thật nơi cuộc sống. Khổ thơ đã biểu hiện được niềm suy tưởng sâu sắc tự hào của nhà thơ khi bước vào lăng Bác.

Dòng suy tưởng chưa thôi khi mà nhà thơ còn được ngắm nhìn dáng hình Bác trong lăng:

“Bác nằm trong lăng giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền”

Vẫn với thủ pháp mượn hình ảnh và như cả nhịp điệu thường hằng của thiên nhiên, hình ảnh thư “giữa một vầng trăng sáng dịu hiền” đã khơi mở thêm ý nghĩa về Bác. Giờ đây Bác đã ngủ bình yên và mãi mãi nhưng dường như tâm hồn Người tưởng cũng hòa vào vầng trăng, lan tỏa không cùng những tình thương, dịu hiền, sáng trong...

Âm hưởng cùng ngữ nghĩa, cảm xúc của dòng thơ bỗng trầm lắng tâm tư. Để mỗi chúng ta cảm nhận được sâu hơn, toàn diện hơn cuộc đời Bác. Một cuộc đời trọn vẹn vì nước, vì dân, mà những vần thơ của Tố Hữu cũng từng xúc động tỏ bày:

“Bác để tình thương cho chúng con
Một đời thanh bạch chẳng vàng son
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.”

Từ những cảm xúc, suy nghĩ, trở lại mạch thơ, hệ thống hình ảnh “lăng Bác... trong sương hàng tre bát ngát, hàng tre xanh xanh Việt Nam...” và Bác như “mặt trời trong lăng rất đỏ” như “vầng trăng sáng dịu hiền”... Nhưng rồi lắng sâu cảm nghĩ, những dòng thơ sau bỗng trở thành xót xa nơi tâm tưởng nhà thơ:

“Vẩn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim”

Cái vô hạn là “trời xanh”, là quê hương, đất trời là tâm hồn dân tộc mà sự nghiệp của Bác đã hòa chung nhưng cái hữu hạn là Người đã không còn. Mất mát trở thành nỗi “nhói ở trong tim”. Hình ảnh thơ chân thật và hàm súc sâu xa.

Và sau cùng khổ thơ cuối là đỉnh cao của cảm xúc trào dâng:

“Mai về miền Nam, thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này”.

Khi sắp rời lăng Bác, câu thơ như vỡ òa cảm xúc, như đi thẳng từ trái tim chân thành, mộc mạc nơi tâm hồn nhà thơ Nam Bộ. Từ nỗi đau “nghe nhói trong tim” đến nỗi nhớ “thương trào nước mắt”, cảm xúc đã mang tính thiêng liêng thành kính và từ đó mở ra ước nguyện thiết tha. Những luyến láy trùng điệp ngôn từ “Muốn làm... Muốn làm...” kết hợp với những hình ảnh “chim hót quanh lăng Bác, đóa hoa tỏa hương đâu đây, cây tre trung hiếu chốn này”.

Tất cả như gợi sâu niềm lưu luyến, thương yêu, nét biểu trưng của những hình ảnh còn gợi lên chí nguyện gắn bó mãi bên lí tưởng cùng sự nghiệp của Người như những phẩm chát muôn đời nơi hàng “tre xanh xanh”, hàng “tre trung hiếu”.

Kết lại, toàn bộ bài thơ là sự hòa quyện giữa quang cảnh lăng Bác, với sức sống của thiên nhiên, quê hương và tâm hồn dân tộc. Cất lên để niềm tự hào cuối cùng đọng lại nơi tâm hồn nhà thơ thành nỗi nhớ thương thành kính cùng ý nguyện thiết tha. Ngữ nghĩa, hình ảnh, tình điệu và âm hưởng của bài thơ phong phú, sâu sắc. Có được những nét riêng chân thành và truyền cảm làm xúc động lòng người, khiến bài thơ “Viếng lăng Bác” trở thành một trong những bài thơ hay về Bác Hồ kính yêu.

* Ghi chú:
- Chú ý đến nhịp điệu, tiết tấu luyến láy cửa thể Thơ mới.
- Chú ý các biện pháp nghệ thuật: nhân hóa, ẩn dụ...
- Xem kĩ phần tiểu dẫn và chú giải trong SGK.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây