© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Phân tích bài thơ Vọng Lư sơn bộc bố

Thứ ba - 23/06/2020 10:16
Lí Bạch (701 - 762) là một trong những nhà thơ nổi tiếng nhất đời Đường. Ông được người đời mến mộ, gọi là Thi tiên - ông tiên làm thơ. Thơ Lí Bạch là thơ của mộ tâm hồn phóng khoáng, đầy hùng tâm, tráng chí, giàu tình yêu thiên nhiên, yêu đời, yêu tự do và đất nước, coi thường công danh, coi trọng tình bằng hữu, sống hào hiệp, nghĩa khí.
Lí Bạch để lại trên một nghìn bài thơ, với phong cách lãng mạn bay bổng, tràn đầy cảm xúc và tưởng tượng, khắc họa thành công những hình tượng kì vĩ, hào hùng.

Lí Bạch đi nhiều, hầu như các danh lam thắng cảnh trên đất nước Trung Hoa bao la, ông đều đặt chân tới và làm thơ. "Xa ngắm thác núi Lư" là một trong những bài thơ tả cảnh tuyệt bút của ông:

“Nắng rọi Hương Lô khói tía bay.
Xa trông dòng thác trước sông này.
Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước,
Tưởng dải Ngân Hà tuột khỏi mây”

Bài thơ miêu tả cảnh thác núi Lư hùng vĩ, tráng lệ, biểu lộ một tình yêu thiên nhiên, yêu núi sông Tổ quốc.

Núi Hương Lô trong dãy Lư sơn trùng điệp ở tinh Giang Tây, Trung Quốc. Hương Lô nghĩa đen là lò hương; dáng núi như vậy nên mới được đặt tên là Hương Lô. Núi cao có mây khói bao phủ, xa trông như chiếc lò hương thiên tạo khổng lồ. Hương Lô càng trở nên nổi tiếng nhờ có thác đẹp, nhất là những ngày rực nắng, trời xanh trong.

Hai câu đầu cho thấy Lí Bạch đứng xa ngắm thác:

"Nắng rọi Hương Lô khói tía bay,
Xa trông dòng thác trước sông này "

Sau gần 13 thế kỷ, không biết Lý Bạch đến thăm thác núi Lư vào buổi sáng hay buổi chiều, chi biết đó là một ngày rất đẹp có "nắng rọi". Lưu truyền tiếng thác "như sấm động, như ngàn vạn con ngựa hí vang trời". Ở đây, nhà thơ không tả âm thanh của tiếng thác mà chỉ tả bằng mắt vì đứng rất xa ngắm thác. Nắng chiếu xuống núi, chiếu xuống thác "khói tía bay" mù mịt, bao phủ một vùng bao la. “Khói tía" là khói màu đỏ pha tím sầm. Thác núi Lư phản quang ánh mặt trời, du khách đứng xa tưởng như nhìn thấy Hương Lô có hàng ngàn vạn mảnh trầm, có muôn triệu cây hương đốt lên “khói tía bay” trông rất ngoạn mục.

 Hình ảnh vừa thực vừa ảo làm hiện lên vẻ đẹp kỳ lạ của thác núi Lư. Câu thơ đầy màu sắc: màu trắng của thác, màu xanh của núi, màu vàng của nắng và màu tía của sương khói. Đằng sau câu thơ, người đọc cảm thấy Thi tiên đang đứng lặng trầm ngâm và say sưa ngắm thác núi Lư. Thác núi Lư trong xa như dòng sông treo trước mặt:

"Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước,
Tưởng dải Ngân Hà tuột khỏi mây "

Từ núi cao, thác đổ xuống, trút xuống, "nước bay thẳng xuống", tạo thành dòng trắng xóa "ba nghìn thước". Trước cảnh tượng hùng vĩ lạ lùng ấy, Lí Bạch thốt lên ngạc nhiên... Với cảm hứng lãng mạn, nhà thơ đã sáng tạo nên một hình ảnh ẩn dụ để so sánh thác núi Lư với “dải Ngân Hà tuột khỏi mây”. Một nét vẽ phóng đại thần tình ca ngợi công trình tráng lệ và kỳ vĩ của tạo hóa. Nói rằng thơ Lí Bạch tràn đầy hùng tâm và tráng chí là như vậy.

Với một tình yêu thiên nhiên đến say đắm, với một trí tưởng tượng đến phi thường, Thi tiên đã để lại một bức tranh hoành tráng về thác núi Lư bằng ngôn ngữ thi ca hiếm có. Hơn một thiên niên kỉ trôi qua, đã mấy ai được đến núi Lư Sơn Trung Quốc ngắm thác trong "nắng rọi"? Quả vậy, thác núi Lư làm cho thơ Lí Bạch trở nên vĩnh hằng, và thơ Lí Bạch cũng góp phần làm cho cảnh thác núi Lư kì vĩ in sâu vào tâm hồn nhân loại.

Bài " Xa ngắm thác núi Lư" được viết bằng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt. Trí tưởng tượng hiếm có, nét vẽ thậm xưng tráng lệ, cảm hứng lãng mạn dạt dào là những yếu tố đã làm nên cốt cách áng thơ kiệt tác này. Qua bài thơ, ta thấy rõ hồn thơ Lí Bạch: một tình yêu lớn đối với thiên nhiên và đất nước.

 Nhiều danh lam thắng cảnh của đất nước Trung Hoa đã soi bóng vào thơ Lí Bạch, để từ đó đi sâu vào lòng người khắp mọi nơi trên hành tinh. Bài thơ "Xa ngắm thác núi Lư" đã mở rộng tầm nhìn, làm phong phú hơn tâm hồn chúng ta trong cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên, nâng tâm hồn chúng ta lên một tầm cao nhân văn khi tiếp cận các danh lam thắng cảnh trong và ngoài nước.
© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây