© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Phân tích bốn câu thơ đầu trong bài “Tống biệt hành” của Thâm Tâm.

Thứ tư - 07/06/2017 00:35
Bài Tống biệt hành của Thâm Tâm là lời của người đưa tiễn nói về người ra đi, và dường như nỗi lòng ấy được cô đúc lại trong bốn câu thơ đầu.
“Đưa người, ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?” 
 
Chỉ bốn câu thơ mà dựng lên được rất thật và rất gợi cảm cảnh đưa tiễn: có không gian mênh mang, có thời gian buổi chiều ảm đạm, có nỗi lòng của người đưa tiễn và người ra đi. Người đưa tiễn ở đây là Thâm Tâm, còn người ra đi là bạn của nhả thơ đã quyết chí lên đường vì nghĩa lớn. Cảnh chia li thấm đẫm nỗi buồn day dứt, xót xa, sâu lắng,.
 
Hai câu đầu là tâm trạng của người đưa tiễn: day dứt, xót xa, đau nhói trong lòng.
 
“Đưa người, ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng”
 
Bởi vì Thâm Tâm biết rõ cuộc ra đi này của bạn cũng giống như cuộc ra đi của Kinh Kha qua sông Dịch thuở xưa - nó là một cuộc ra đi để thực hiện chí lớn nhưng cũng là cuộc ra đi không mong ngày trở về. “Tiếng sóng” xưa của sông Dịch đã cuộn lên đau nhói trong lòng người đưa tiễn của ngày hôm nay.
 
Hai câu sau là nỗi lòng buồn đau sâu lắng, mênh mang của người đi:
 
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?” 
 
Người đi đong đầy trong mắt ánh hoàng hôn – hẳn là phải buồn đau, thương nhớ lắm thì Thâm Tâm mới diễn tả ánh mắt của bạn như vậy: Bởi vì, cũng như người ở lại, người đi biết rõ cuộc chia li này dường như không có ngày sum họp.
 
Cuộc chia li có đủ khung cảnh, con người và cái thần của nó: nỗi buồn đau xót xa, sâu lắng trước một sự ra đi vì nghĩa lớn và chưa hẳn có ngày trở về.
 
Thâm Tâm viết bài thơ Tống biệt hành để tiễn bạn lên đường vì nghĩa lớn. Nói về người đi, nhưng tình cảm bộc lộ ở đây là tình cảm xúc động của người đưa tiễn. Bốn câu đầu bài thơ, biểu hiện tâm trạng xao xuyến trong buổi tống biệt:
 
“Đưa người, ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?” 
 
Đưa tiễn ai ma day dứt, xót xa vậy?. Đưa tiễn một người nhất quyết ra đi mong thực hiện chí lớn . Nếu chí lớn chưa thành thì không trở về. Quyết chí nhưng không thể không buồn khi người đi bị níu lòng từ nhiều phía: một mẹ già, hai chị đã khóc nhiều để đến lúc chia tay chỉ còn vài giọt lệ sót, người em nhỏ tiễn đưa, thương anh chiếc khăn tay chắc cũng đầy nước mắt. Thời gian không gian đưa tiễn cũng thật ảm đạm.
 
Câu thơ đầu toàn vần bằng Đưa người ta không đưa qua sông tạo nên cái bâng khuâng xao xuyến tiễn đưa. Ở hai câu đột ngột nói lên mấy và vần trắc chụm lại giữa câu (có tiếng sóng ở) tưởng như có sóng thật trong lòng người và nghe trong tiếng sóng như cảm nhận được cả hơi lạnh của gió sông.
 
Buổi tiễn đưa không diễn ra ở bên sông như thái tử Yên Đan tiễn Kinh Kha qua sông Dịch sang đất Tần ngày nào nhưng vẫn nghe âm vang tiếng sóng. Sóng lòng của kẻ ở và người đi đong đầy trong ánh mắt hoàng hôn. Những câu thơ vừa có họa, vừa có nhạc, hay về ý nghĩa, hay về âm thanh.
 
Dòng sông bến đò được thơ xưa sử dụng như là biểu tượng của sự chia li, hoàng hôn là biểu tượng của nỗi buồn. Một buổi chiều li biệt, một dòng sông tưởng tượng, những tiếng sóng trong lòng người... Tất cả đau buồn. Xưa, Lí Bạch Tiễn bạn cũng não nùng:
 
Chia phôi khác cả mối lòng
Người như mây nổi, kẻ trông bóng tà.
 
Thơ xưa thường mượn ngoại cảnh để nói nội tâm ước lệ. Thâm Tâm cũng mượn ngoại cảnh ước lệ nhưng có thêm những chi tiết mới mẻ: Có tiếng sóng ở trong lòng?. Bóng chiều …sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
 
Bốn câu thơ đầu cũng như cả bài Tống biệt hành có một giọng điệu rất riêng: bâng khuâng, rắn rỏi, quyết liệt. Nghệ thuật sử dụng hình ảnh, ngôn từ rất linh điệu: dùng từ, điệp cú (sao có tiếng sóng... sao đầy hoàng hôn) làm tăng thêm chất nhạc và độ sâu cảm xúc. Nói như Hoài Thanh, bài thơ Tống biệt hành đã làm “sống lại cái không khí riêng của nhiều bài thơ cổ... Nhưng vẫn đượm chút bâng khuâng khó hiểu của thời đại . Khó hiểu vì trong hoàn cảnh đất nước bị thực dân thống trị, nhà thơ không thể nói rõ tâm trạng thật của mình: lòng yêu nước sâu kín, tình cảm yêu mến, sự ngưỡng vọng đối với những người bạn, những chiến sĩ cách mạng đang ra đi vì nghĩa lớn. Khổ đầu bài thơ cũng đã cho chúng ta hiểu được phần nào những nỗi lòng đó của Thâm Tâm.
© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây