© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Phân tích truyền thuyết: Sự tích Hồ Gươm

Thứ bảy - 04/07/2020 11:27
Phân tích truyền thuyết: Sự tích Hồ Gươm
I. Các truyền thuyết kể lại về thời đại Hùng Vương, nhân vật xuất hiện thường là những nhân vật thần thoại. Càng về sau, nhân vật xuất hiện trong truyền thuyết thường là các vị anh hùng có ghi trong lịch sử dân tộc, nhân vật thần thoại chỉ xuất hiện ở những tình huống đặc biệt nhất. Đây là nhân vật Long Quân, Rùa Vàng trong truyền thuyết kể về công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm vào thời Hậu Lê, với ý nghĩa là giải thích địa danh hồ Hoàn Kiếm.
II. Nhân vật thần thoại xuất hiện trong truyền thuyết này là Long Quân và Rùa Vàng, còn nhân vật chính có trong sử sách là giặc Minh xâm lược và lãnh tụ nghĩa quân Lê Lợi. Từ năm 1407 đến năm 1427, triều đại nhà Minh bên Trung Quốc xua quân xâm lược và đô hộ đất nước ta. Bọn chúng rất tàn bạo và dã man. Như Nguyễn Trãi viết trong Bình Ngô đại cáo, bọn chúng:

Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ.

“Dân ta phải khổ nhục trăm đường, tiếng oan không kêu ca được” (Việt Nam sử lược - Trần Trọng Kim - trang 204).

Mở đầu truyền thuyết: Sự tích hồ Gươm cũng ghi lại tội ác ấy của quân Minh. Tất nhiên không cam tâm đứng nhìn quân giặc chém giết hành hạ dân mình nên “nghĩa quân nổi dậy chống lại chúng”, nhưng nhiều lần bị thua. “Thấy vậy, đức Long Quân quyết định cho nghĩa quân mượn thanh gươm thần để họ giết giặc”. Người xưa tin rằng tổ tiên luôn phù hộ cho con cháu thoát khỏi hoàn cảnh ngặt nghèo. Đây là một đặc điểm về văn hóa tâm linh của người phương Đông nói chung, và người Việt nói riêng. Từ chi tiết có tính thần kì ấy mà xuất hiện các chi tiết thần kì khác ở các nhân vật tiếp theo. Trước hết là việc kéo lưới của ngư dân Lệ Thận. Kéo lưới lần thứ nhất, “chàng chỉ thấy có một thanh sắt” thay vì một mẻ cá to. Lần thứ hai cất lưới ở một chỗ khác, chàng cũng cất được thanh sắt ấy. Lê Thận vất bỏ thanh sắt xuống nước rồi tiếp tục thả lưới ở chỗ khác nữa. Lần thứ ba, cũng lại cất được thanh sắt ấy. “Lấy làm lạ, Thận đưa thanh sắt lại cạnh mồi lửa nhìn xen. Bỗng chàng reo lên: - Ha ha! Một lưỡi gươm!”.

“Lưỡi gươm” cũng chỉ là thanh sắt bình thường nếu Lê Thận không gia nhập nghĩa quân, và Lê Lợi không đến thăm nhà Lê Thận. Một hôm, chủ tướng Lê Lợi đến thăm nhà Lê Thận. “Trong túp lều tối om, thanh sắt hôm đó tự nhiên sáng rực lên ở xó nhà. Lấy làm lạ, Lê Lợi cầm lên xem và thấy có hai chữ “Thuận Thiên” khắc sâu vào lưỡi gươm”. Trên đường tránh giặc, Lê Lợi đi ngang qua một khu rừng. Chủ tướng thấy ánh sáng lạ trên ngọn cây đa, bèn trèo lên xem thì thấy chuôi gươm nạm ngọc. “Nhớ đến lưỡi gươm ở nhà Lê Thận, Lê Lợi rút lấy chuôi giắt vào lưng”. Ba ngày sau, Lê Lợi gặp lại mọi người, kể cho họ nghe, rồi “tra gươm vào chuôi thì vừa như in”. Lúc đó, “Lê Thận nâng gươm lên ngang đầu nói với Lê Lợi: - Đây là Trời có ý phó thác cho minh công làm việc lớn. Chúng tôi nguyện đen xương thịt của mình theo minh công, cùng lớp thanh gươm thần này để báo đền Tổ quốc”. Người đời sau nghĩ gì về những chi tiết thần kì ấy? Khu rừng chắc có nhiều người đi qua, nhưng tại sao chuôi gươm chỉ phát sáng khi Lê Lợi bước tới đó? Tại sao Lê Lợi không phát hiện luôn cả lưỡi gươm lẫn chuôi gươm? Chuôi gươm là phần dùng cầm để chiến đấu hoặc để chỉ huy. Có lẽ Long Quân đã biết Lê Lợi có mạng đế vương nên mới cho gặp chuôi gươm, còn Lê Thận gặp được lưỡi gươm Thuận Thiên. Trước mặt quân sĩ, Lê Thận thành kính dâng gươm cho Lê Lợi, và cho rằng “Đây là Trời có ý phó thác cho minh công làm việc lớn” há chẳng phải là đòn tâm lí làm cho thanh thế và nhuệ khí của nghĩa quân ngày một tăng sao? Long Quân là một vị thần khởi đầu dân tộc bao giờ cũng sáng suốt, khi giúp con cháu bao giờ Ngài cũng đặt sự vật, sự việc vào đúng hoàn cảnh, đúng người như đặt thanh gươm Thuận Thiên vào tay Lê Lợi để Lê Lợi chỉ huy nghĩa quân đánh đuổi giặc Minh. Truyền thuyết kể tiếp việc “Gươm thần mở đường cho lọ đánh tràn ra mãi, cho đến lúc không còn bóng một tên giặc nào trên đất nước”. Phần cuối của truyền thuyết là cảnh vua Lê Lợi trả lại gươm thần. Khung cảnh hồ Tả Vọng lúc ấy cũng thật kì ảo. Hiện tượng Lê Lợi trả gươm cho Rùa Vàng cũng vậy, nhưng cũng rất phù hợp với hiện tượng kì ảo trong việc trao gươm thần. Hãy tưởng tượng cảnh rùa há miệng đớp lấy thanh gươm. “Gươm và rùa đã chạm đáy nước, người ta vẫn còn thấy vật gì sáng le lói dưới mặt hồ xanh”. Đấy cũng là hình ảnh giải thích việc đổi tên hồ Tả Vọng thành hồ Hoàn Kiếm, và thể hiện lòng yêu hòa bình của người Việt Nam.

III. Tóm lại, truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm xuất hiện vào thời trung đại tuy có những hình ảnh kì ảo nhưng tính chất lịch sử rõ ràng hơn bởi có sự xuất hiện của những nhân vật thực có ghi trong sử sách. Thông qua việc giải thích hồ Tả Vọng đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm, truyền thuyết chỉ ra rằng cuộc chiến đấu có chính nghĩa thì sẽ chiến thắng. Chính nghĩa ấy chính là sự khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam ở bất kì thời đại nào.

 * Các điểm cơ bản:
- Ý nghĩa lịch sử càng rõ ràng hơn các truyền thuyết trước.
- Nội dung: giải thích ý nghĩa của địa danh hồ Hoàn Kiếm.
- Nhân vật có ghi danh trong sách sử: giặc Minh, Lê Lợi, Lê Thận, nghĩa quân Lam Sơn.
- Nhân vật truyền thuyết (thần thoại): Đức Long Quân, thần Rùa Vàng(Kim Quy).
- Thương con cháu mà trao kiếm thần.
- Khởi nghĩa chống giặc hợp với lòng trời, hợp với lòng người nên thắng giặc, và trả lại kiếm thần.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây