© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Phát biểu cảm nghĩ của em sau khi đọc bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan

Thứ hai - 16/03/2020 12:33
Bà Huyện Thanh Quan là một thi sĩ nổi tiếng của nền văn học Việt Nam cuối thế kỉ XVIII nửa đầu thế kỉ XIX. Bà sáng tác không nhiều nhưng hầu hết các tác phẩm của bà đều có giá trị lớn. Ai đã từng đọc thơ của bà đều không thể quên được vẻ dịu dàng, trang trọng với nỗi buồn kín đáo, sâu xa ẩn trong từng câu từng chữ của nữ sĩ này. Bài thơ Qua Đèo Ngang là minh chứng cho điều đó:
Bước tới đèo Ngang, bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi, tiều vài chú,
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia.
Dừng chân đứng lại, trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta.

Mở đầu bài thơ là không gian hoang vu, tĩnh mịch của cảnh đèo Ngang lúc chiều về:

Bước tới đèo Ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.

Bà Huyện Thanh Quan bước tới đèo Ngang khi “bóng xế tà”, ngày bắt đầu lụi tắt, cảnh vật không còn mang hơi ấm rực rỡ của ban ngày mà chỉ sót lại vài tia nắng vàng vọt, yếu ớt, “bóng xế tà” gợi lên trong người đọc nỗi buồn man mác bâng khuâng. Âm điệu của từ “tà” hạ xuống, kéo dài như âm điệu mênh mang của nốt nhạc trầm buồn sâu lắng. Cái “bóng xế tà” của bà Huyện Thanh Quan làm ta nhớ đến buổi chiều buồn buồn như ca dao xưa:

Chiều chiều ra đứng ngõ sau,
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.

Những tình cảm thiêng liêng của con người có thể gặp nhau ở một điểm, đó là thời gian. Thời gian dễ gợi trong lòng người bao nỗi cô đơn buồn bã chính là khoảnh khắc hoàng hôn buông xuống. Bà Huyện Thanh Quan ngắm khung cảnh hoành sơn với đôi mắt buồn ngấn lệ và cảnh vật càng vắng lặng hơn khi điệp từ “chen” cho ta hình dung thấy thiên nhiên nơi đèo Ngang không phải là “hoa chen, cỏ xén, lối phẳng cây trồng” mà thiên nhiên ở đây um tùm, rậm rạp, hoa lá, đá chen chúc nhau, xô đẩy nhau để cố vươn lên đón những ánh nắng cuối ngày. Bà Huyện Thanh Quan vẽ nên bức tranh đèo Ngang hoang vu, vắng lặng sao mà buồn đến thế! Tâm hồn buồn bã cô đơn, Bà Huyện Thanh Quan ngắm cảnh để vơi đi nỗi buồn, thế nhưng càng ngắm càng buồn, phải chăng đó là bởi:

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ
(Truyện Kiều - Nguyễn Du)

Nỗi buồn của Bà Huyện Thanh Quan như lan tỏa thấm vào vạn vật. Và rồi từ đỉnh đèo Ngang, nữ sĩ phóng tầm mắt về phía xa để tìm chút sự sống: xa xa dưới chân núi thấp thoáng bóng người:

Lom khom dưới núi, tiều vài chú,
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.

Con người nơi đây sao mà nghèo khổ, lam lũ đến vậy! Những từ láy gợi hình “lác đác”, “lom khom” đứng đầu câu càng làm cho cảnh vật trở nên thưa thớt, vắng lặng. Con người hiện lên trên cái ngút ngàn mênh mông của thiên nhiên không làm cho cảnh chiều tươi vui, nhộn nhịp mà càng làm cho bức tranh thiên nhiên vắng lặng, quạnh hiu hơn. Cảnh đấy, thời gian ấy hòa vào tâm trạng của nhà thơ khiến cho nỗi buồn của bà như tăng lên gấp bội và càng xoáy sâu vào tâm hồn nữ sĩ khi văng vẳng bên tai tiêng chim quốc quốc, chim gia gia khắc khoải lúc hoàng hôn đang từ từ buông xuống:

Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia.

Câu thơ sao mà tha thiết, khác khoải đến thế! Các từ ghép “đau lòng, mỏi miệng” càng làm cho lòng ta ray rứt, bâng khuâng. Tiếng chim gia gia da diết hay đó chính là nỗi nhớ nhung tha thiết của Bà Huyện Thanh Quan khi phải rời gia đình quê hương, vượt nghìn trùng vào kinh đô Huế nhậm chức “Cung trung giáo tập”. Một con người đa sầu đa cảm như bà thì hỏi làm sao không nhớ không thương quê hương cho được! Còn tiếng chim quốc quốc “nhớ nước đau lòng” khắc khoải? Phải chăng đó là tâm sự sâu kín của nhà thơ, sống trong cảnh đất nước do nhà Nguyễn cai trị, trước những bạc nhược hung tàn của vua chúa, Bà Huyện Thanh Quan luôn hoài niệm về quá khứ vàng son. Bà sống lại những kỷ niệm thời dĩ vãng để rồi nhớ, rồi đau. Nỗi đau ấy càng thâm thìa, xót xa như Tú Xương đã từng viết:

Đêm nghe tiếng ếch bên tai,
Giật mình lại tưởng tiếng ai gọi đò.
(Sông Lấp)

Tiếng chim quốc, chim gia gia bùi ngùi, khắc khoải trong cảnh chiều ảm đạm hay vang lên trong tâm tưởng của nhà thơ? Thiên nhiên bao la đã gợi lên trong thi sĩ bao suy tưởng lớn lao và bây giờ thiên nhiên lại kéo bà trở về với hiện thực một mình cô lẻ:

Dừng chân đứng lại, trời, non, nước,
Một mảnh tinh riêng, ta với ta.

Trời rộng non cao, nước mênh mông, ta nghe như trong đó có tiếng kêu sững lại của tác giả trước cảnh thiên nhiên bao la, ngút ngàn. Câu thơ với hai hình ảnh đối lập “trời non nước”“ta với ta” càng gợi cho ta thấy sự cô đơn, lẻ loi của Bà Huyện Thanh Quan. Cụm từ “ta với ta” không mang nỗi vui sướng hân hoan, thắm thiết như của Nguyễn Khuyên mà lại trầm buồn, đơn lẻ. Không chỉ “ta với ta” mà còn “mảnh tình riêng” cho nước cho nhà. Đọc câu thơ ta không khỏi nghẹn ngào, mủi lòng trước sự cô đơn, trống vắng của nữ sĩ. Thân nữ nhi yếu đuối, bà phải xa nhà, xa quê hương mà giờ lại ôm trọn trong lòng nỗi buồn man mác ấy.

Bài thơ sử dụng nghệ thuật ước lệ tượng trưng, trang nhã thanh tao, lối tả cảnh ngụ tình điêu luyện hòa với lời thơ nhẹ nhàng, sâu lắng, xao xuyến, bâng khuâng. Cảnh đèo Ngang hiện ra nên thơ, trầm buồn. Đó cũng chính là bức tranh độc đáo không những bộc bạch tâm hồn tác giả mà còn thể hiện bút pháp tài tình, trang nhã của một tài năng. Mãi mãi và mãi mãi, chúng ta, thế hệ mai sau có dịp đi Qua Đèo Ngang thì không thể nào quên được bài thơ và hình bóng người nữ sĩ lồng lộng trên đỉnh đèo cao vời vợi ấy của nghệ thuật.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây