© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Sử dụng một số biện pháp nghệ thuật trong văn bản thuyết minh.

Thứ tư - 27/09/2017 04:34
Mục đích của bài học giúp em biết sử dụng một số biện pháp nghệ thuật trong văn bản thuyết minh.

A- Hướng dẫn tìm hiểu bài
I. Ôn tập văn bản thuyết minh


Văn bản thuyết minh là kiểu văn bản thông dụng trong mọi lĩnh vực đời sống, nhằm cung cấp tri thức về đặc điểm, tính chất, nguyên nhân... của các hiện tượng và sự vật trong tự nhiên, xã hội bằng phương thức trình bày, giới thiệu, giải thích.

Đặc điểm của văn bản thuyết minh:
+ Tri thức trong văn bản thuyết minh đòi hỏi khách quan, xác thực, hữu ích cho con người.
+ Văn bản thuyết minh cần được trình bày chính xác, rõ ràng, chặt chẽ và hấp dẫn.
Các phương pháp thuyết minh thường dùng:
+ Nêu định nghĩa, giải thích,
+ Liệt kê,
+ Nêu ví dụ,
+ Dùng số liệu (con số),
+ So sánh,
+ Phân loại, phân tích.

II. Văn bản thuyết minh có sử dụng một số biện pháp nghệ thuật

Muốn cho văn bản thuyết minh được sinh động, hấp dẫn, người ta vận dụng thêm một số biện pháp nghệ thuật như kể chuyện, tự thuật, đối thoại theo lối ẩn dụ, nhân hoá hoặc các hình thức vè, diễn ca,...

Các biện pháp nghệ thuật cần được sử dụng thích hợp, góp phần làm nổi bật đặc điểm của đối tượng thuyết minh và gây hứng thú cho ngươi đọc.

Đọc văn bản Hạ Long - đá và nước trong SGK, trang 12 - 13 và trả lời câu hỏi.

Văn bản thuyết minh về sự kì lạ của thắng cảnh Hạ Long. Chỉ với Đá và Nước đã đem lại cho Hạ Long vẻ đẹp vô tận, luôn tạo sự bất ngờ đối với du khách. Thiên nhiên Hạ Long còn thể hiện sự “thông minh đến bất ngờ” của tạo hóa.

Văn bản đã cung cấp tri thức khách quan về đối tượng. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất khó đối với những người không am hiểu về thiên nhiên Hạ Long.

Để làm sáng tỏ vấn đề được thuyết minh, tác giả đã sử dụng phương pháp liệt kê:

+ Nước tạo nên sự di chuyển, và di chuyển theo mọi cách.
+ Tùy theo góc độ và tốc độ di chuyển của ta trên mặt nước quanh chúng...
+ Tùy theo cả hướng ánh sáng rọi vào chúng...
+ Thiên nhiên tạo nên thế giới bằng những nghịch lí đến lạ lùng...

Ngoài ra tác giả còn sử dụng biện pháp nhân hóa. Theo tác giả, nước ở Hạ Long tạo cho du khách sự hưởng ngoạn tự do đủ kiểu. Sự hoạt động tự do đó cùng với ánh sáng mặt trời làm thay đổi thường xuyên các góc nhìn, thay đổi hình dáng sự vật làm cho chúng sống động, có hồn như con người.

+ ... Đá chen chúc khắp vịnh Hạ Long kia, già đi, trẻ đi, trang nghiêm hơn hay bỗng nhiên nhí nhảnh, tinh nghịch hơn, buồn hơn hay vui hơn...
+ Đá trẻ trung ta chừng đã quen lắm bỗng bạc xóa lên, và rõ ràng trước mắt ta là một bậc tiên ông không còn có tuổi.

Cùng với việc sử dụng phép liệt kê, miêu tả và trí tưởng tượng, tác giả còn sử dụng phép lập luận giải thích... để tạo thành những dẫn chứng sinh động, có tính thuyết phục cao. Cuối cùng, tác giả nâng lên thành triết lí: Trên thế gian này, chẳng có gì là vô tri cả, cho đến cả đá . Từ đó, người viết khen tạo hoá thông minh.

Với cách viết này, bài viết không những tạo sức thuyết phục đối với người đọc, mà còn đánh thức ham muốn được đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Hạ Long.

© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây