Khiêm nhường là sự khiêm tốn trong quan hệ ứng xử với mọi người, là sự nhìn nhận, đánh giá đúng đắn về bản thân mình. Đó là sự cầu thị, ham học hỏi và không đề cao bản thân quá mức. Lão Tử từng nói: “Hậu kì thân nhi thân tiến, ngoại kì thân nhi thân tồn”, hiểu khái quát có nghĩa là: đặt thân mình lùi sau (khiêm) mà được đưa lên trước, đặt thân mình ra ngoài (nhường) mà được vẹn toàn. Khiêm nhường không có nghĩa là tự ti, thiếu niềm tin vào bản thân mà tự hạ thấp mình. Người khiêm nhường luôn “biết mình, biết ta”, vì thế cách ứng xử của họ luôn có chừng mực nhất định.
Nếu ví cuộc đời như một bức tranh thì khiêm nhường là những gam màu trầm trong bức tranh đó. Sống khiêm nhường sẽ giúp con người nhận ra được những thiếu sót, hạn chế của bản thân, từ đó khắc phục để hoàn thiện mình hơn. Người khiêm nhường thường thật lòng chúc mừng cho thành công của người khác và lấy đó làm gương để phấn đấu, vươn lên. Người Á Đông xưa nay thường giữ cho mình thái độ sống “mình vì mọi người” và ý thức được rằng “một điều nhịn chín điều lành” nên cư xử rất ôn hoà, biết sống vì tập thể. Điều đó làm cho quan hệ xã hội được tốt đẹp, tầm hiểu biết và các mối giao lưu được mở rộng. Con người khi sóng đoàn kết, hoà thuận sẽ góp phần tạo nên một xã hội công bằng, văn minh, vì thế đức tính khiêm nhường như sợi chỉ đỏ giúp con người được gần nhau hơn.
Trái với khiêm nhường là kiêu ngạo, tự cho mình là hơn người khác. Cách sống đó thường thấy ở những người ích kỉ, bảo thủ, hiểu biết nông cạn. Dần dần những người đó sẽ bị mọi người xa lánh, rơi vào tình trạng cô độc, không có bạn bè. Bởi mỗi cá nhân như một giọt nước giữa đại dương bao la, như con sóng nhỏ giữa muôn trùng biển khơi. Sự hiểu biết của mỗi người chỉ là một phần rất nhỏ của kho tàng tri thức nhân loại. Nếu anh tự cho mình là thông minh, uyên bác tài giỏi hơn người thì chẳng khác gì “Ếch ngồi đáy giếng”!
Sự huênh hoang, tự mãn khiến con người ta trở nên u mê, không xác định đúng mục tiêu, lí tưởng của mình. Nếu như đức khiêm tốn là những người khổng lồ biết cúi mình xuống để nâng những người lùn cao lên thì kẻ có tính kiêu ngạo chẳng khác nào kẻ lùn nhưng tự cho mình là khổng lồ. Tuy nhiên cũng cần phân biệt giữa khiêm nhường và tự ti. Người tự ti có cái nhìn bi quan vào bản thân, cho mình là kém cỏi, không đủ khả năng nên khó có thể đạt được những thành quả như mong đợi. Còn người khiêm tốn biết cư xử đúng mức. Khi đạt được thành quả nào đó, họ không khoe khoang, tự đắc mà luôn biết cầu thị để ngày càng tiến bộ hơn. Hơn ai hết, người khiêm tốn luôn là người đầu tiên nhìn ra những thiếu sót của bản thân, tự rút kinh nghiệm, sửa chữa những sai lầm.
Ta có thể thấy rất nhiều những con người như thế trong cuộc sống. Họ là những tấm gương sáng về lối sống khiêm nhường, giản dị. Einstein là một người như thế. Ông là một nhà bác học vĩ đại, có nhiều đóng góp to lớn cho ngành Vật lí nói riêng và nền khoa học kĩ thuật hiện đại của thế giới nói chung. Được coi như “bộ óc thế kỉ” với “Thuyết tương đối”, “Hiệu ứng quang điện”, từng đoạt giải Nobel nhưng ông luôn tự nhận mình chỉ là một người bình thường, không thông minh hơn bất kì ai khác. Trong một buổi phỏng vấn, khi được hỏi lí do phát minh ra “thuyết tương đối”, ông đã trả lời rằng: “Một người bình thường hầu như không nghĩ nhiều về không gian, thời gian. Còn tôi do trí tuệ chậm phát triển nên rất hay ngạc nhiên về điều đó. Một cách tự nhiên, tôi đã thâm nhập sâu hơn vào những vấn đề mà những đứa trẻ bình thường khác không để ý tới”. Câu nói của Einstein cho thấy sự khiêm nhường đáng nể của nhà bác học thông thái.
Trong lễ đăng quang, Tổng thống Mĩ Barack Obama đã có lời phát biểu như sau: “Tôi đứng đây, khiêm nhường giữa những sứ mệnh phía trước, biết ơn những gì các bạn đã dành cho tôi và nhớ đến những hi sinh mà Tổ quốc đã trải qua”. Lời tuyên bố thấm thía, xúc động cho thấy ý thức sâu sắc về trách nhiệm, nghĩa vụ và tấm lòng của vị tổng thống tài giỏi nhưng rất mực khiêm nhường.
Vậy chúng ta học được gì từ những điều ấy? Đó là rèn luyện cho mình cách cư xử hoà nhã gắn với lòng khiêm tốn, tinh thần cầu thị, cầu tiến. Phải biết tự hào vì những thành tích, thành quả của bản thân, đồng thời cũng phải biết khiêm nhường, không ngừng học hỏi mọi người xung quanh để phát triển toàn diện hơn. Mặt khác cũng không nên sống khép kín, thiếu tự tin, không dám thể hiện, khẳng định bản thân, như vậy, cá nhân sẽ không có cơ hội bộc lộ tài năng, sở trường của mình cũng như những nhược điểm cần sửa chữa. Với học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, rèn luyện đức khiêm nhường rất cần thiết. Xã hội càng phát triển thì càng cần những con người có đức tính khiêm tốn, biết cách đối nhân xử thế. Trên một chừng mực nào đó, sự khiêm tốn không những lấp đầy những chỗ trống, những “lỗ hổng” tri thức mà còn tạo được thiện cảm, sự yêu mến, tôn trọng của mọi người xung quanh. Sống khiêm nhường tức là bạn đã tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển nhân cách của mình rồi đây!
Cuộc sống cần lắm những mối quan hệ xã hội, sự giao lưu, gắn kết giữa con người với nhau mà đức tính khiêm nhường là chất xúc tác cần thiết làm nên điều đó. Sự hiểu biết của con người có hạn mà tri thức nhân loại lại vô cùng vô tận. Vì vậy, tôi và bạn - thế hệ trẻ chúng ta hãy rèn luyện cho mình lòng khiêm tốn, sự cởi mở, chân thành ngay từ bây giờ nhé!