© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Thi thử tốt nghiệp trung học phổ thông môn: Ngữ Văn

Thứ năm - 06/08/2020 09:51
Đề thi thử tốt nghiệp trung học phổ thông môn: Ngữ Văn. Đề gồm hai phần: Đọc hiểu và Làm văn, có hướng dẫn trả lời.
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Nền tảng của sự thành công nằm ở tính kỷ luật tự giác và được thể hiện thông qua sự tự chủ. Tự chủ là lòng can đảm được sử dụng đúng lúc, là khả năng tự chế ngự và kiểm soát tất cả các trạng thái cảm xúc của bản thân. Nếu ví con người như một chiếc thuyền thì tính tự chủ chính là bánh lái, giữ cho thuyền đi đúng hướng, vượt qua những sóng gió của cuộc đời. Người hạnh phúc nhất chính là người có thể làm chủ được bản thân.
Điềm tĩnh là một trong những biểu hiện của sự tự chủ. Người giữ được điềm tĩnh luôn ẩn chứa trong mình nguồn sức mạnh to lớn. Điềm tĩnh giúp con người giữ được sự sáng suốt trong khi những người khác không còn kiên nhẫn. Khi bị ai đó đổ lỗi, khi mọi lời chỉ trích đều dồn về bạn, khi bạn liên tục vấp ngã hay khi bị bạn bè quay lưng…ấy là những lúc bạn cần đến tính tự chủ và sự điềm tĩnh. Biết chế ngự bản thân và giữ được sự điềm tĩnh, bạn sẽ có được bình yên cũng như sẵn sàng đấu tranh cho những mục tiêu cao cả của đời mình. Hãy cố gắng giữ được vẻ bình tĩnh và cái tâm bình thản, sáng suốt trong mọi tình huống, bạn nhé!
(Không gì là không có thể - George Matthew Adams, Thu Hằng dịch)

Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ cho văn bản trên.
Câu 2. Theo tác giả, biết chế ngự bản thân và giữ được sự điềm tĩnh, bạn sẽ có được những gì?
Câu 3. Em hiểu như thế nào về ý kiến của tác giả “Nếu ví con người như một chiếc thuyền thì tính tự chủ chính là bánh lái”?
Câu 4. Thông điệp mà anh/chị tâm đắc nhất qua văn bản là gì? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm) Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/ chị hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của sự tự chủ của con người trong cuộc sống.
Câu 2 (5.0 điểm) Trong tuỳ bút Người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân có viết: “Cuộc sống của người lái đò Sông Đà quả là một cuộc chiến đấu hằng ngày với thiên nhiên, một thứ thiên nhiên Tây Bắc có nhiều lúc trông nó thành ra diện mạo và tâm địa một thứ kẻ thù số một.”  (Nguyễn Tuân - Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018, tr.187).
Phân tích hình ảnh thiên nhiên Tây Bắc và cuộc chiến đấu hằng ngày của người lái đò Sông Đà được giới thiệu như trên.
 
----------HẾT----------
 
HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI

Câu 1. Phong cách ngôn ngữ: Chính luận/ ngôn ngữ chính luận/ chính luận
Câu 2. Theo tác giả, biết chế ngự bản thân và giữ được sự điềm tĩnh, bạn sẽ có được:
- bình yên.
- sẵn sàng đấu tranh cho những mục tiêu cao cả của đời mình.
Câu 3. Hiểu câu nói: “Nếu ví con người như một chiếc thuyền thì tính tự chủ chính là bánh lái”
- Tính tự chủ giúp ta chủ động, tự kiểm soát, điều khiển suy nghĩ, lí trí, tình cảm, thái độ, hành động của chính mình.
- Tự chủ giúp mỗi người đi đúng hướng cuộc đời, tỉnh táo, kiên nhẫn vượt qua khó khăn, giông bão để có được thành công.
Câu 4. HS có thể nêu 1 thông điệp mà mình tâm đắc nhất, đồng thời có lí giải hợp tình, hợp lí.

II. Làm văn
Câu 1. Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/ chị hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ ý nghĩa của sự tự chủ của con người trong cuộc sống.
a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 200 chữ
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: ý nghĩa của sự tự chủ của con người trong cuộc sống.
c. Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ ý nghĩa của sự tự chủ của con người trong cuộc sống. Có thể triển khai theo hướng sau:
-Tự chủ là khả năng tự bản thân mình đưa ra quyết định sáng suốt, không bị ép buộc, tự chủ trong lời nói, suy nghĩ, tình cảm, tự chủ với hành vi của mình trong mọi hoàn cảnh. Tự chủ là đức tính tốt cần phải rèn luyện trong quá trình hoàn thiện bản thân.
- Ý nghĩa của sự tự chủ của con người trong cuộc sống.
+Người có tính tủ chủ thì trong mọi trường hợp, mọi vấn đề đều có thái độ bình tĩnh, tự tin. Tự tin vào khả năng, năng lực của bản thân, tin vào điều bản thân sẽ làm và tin vào kết quả mình mang lại.
+Khi rèn luyện được tính tự chủ, con người hình thành lối sống đúng đắn, cư xử có đạo đức, có văn hóa hơn.
+ Tự chủ khiến ta tự tin, mạnh mẽ vượt qua khó khăn, cám dỗ.
+Tự chủ còn mang lại cho con người nhiều cơ hội cao, dám ước mơ, dám thể hiện khả năng bản thân ở mọi lĩnh vực và sẽ thành công
+ Phê phán những ai thiếu tự chủ, dựa dẫm trong cuộc sống.
- Bài học: Mỗi người phải có ý thức cao, trách nhiệm trong mọi công việc, tích cực tham gia học tập và rèn luyện bản thân thật tốt.
d. Sáng tạo
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Câu 2. Trong tuỳ bút Người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân có viết: “Cuộc sống của người lái đò Sông Đà quả là một cuộc chiến đấu hằng ngày với thiên nhiên, một thứ thiên nhiên Tây Bắc có nhiều lúc trông nó thành ra diện mạo và tâm địa một thứ kẻ thù số một.”  (Nguyễn Tuân - Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018, tr.187).
Phân tích hình ảnh thiên nhiên Tây Bắc và cuộc chiến đấu hằng ngày của người lái đò Sông Đà được giới thiệu như trên.
1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề. 
            
2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: hình ảnh thiên nhiên Tây Bắc và cuộc chiến đấu hằng ngày của người lái đò Sông Đà, phong cách tài hoa và uyên bác của Nguyễn Tuân.

3. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Cụ thể:
3.1. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả Nguyễn Tuân và tác phẩm “NLĐSĐ”, nêu vấn đề chính: hình ảnh thiên nhiên Tây Bắc và cuộc chiến đấu hằng ngày của người lái đò Sông Đà (Trích dẫn ý kiến).
- Nêu ý phụ: phong cách tài hoa và uyên bác của Nguyễn Tuân.

3.2. Thân bài:
a. Khái quát sơ lược về tác phẩm cần cảm nhận:
b. Cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên Tây Bắc và cuộc chiến đấu hàng ngày của người lái đò Sông Đà.
* Vẻ đẹp hùng vĩ, hung bạo của con sông Đà.
- Cảnh tượng đá bờ sông dựng vách thành gây cảm giác sợ hãi, ớn lạnh vì choáng ngợp.
- Đoạn ghềnh Hát Loóng với hàng cây số nước, gió, đá xô đập vào nhau tạo nên lưu tốc kinh hoàng đầy thử thách.
- Quãng Tà Mường Vát với những cái hút nước khổng lồ, dễ dàng nuốt chửng, nghiền nát những bè gỗ vững chắc chỉ trong “mươi phút”.
- Nguy hiểm nhất là đoạn vượt thác: tiếng nước gầm lên những âm thanh ghê rợn, kì bí, rống lên kinh hoàng; sóng nước như quân liều mạng lao vào tấn công ông đò và con thuyền bằng những đòn hiểm độc, chí tử; đá trên sông được giao nhiệm vụ qua ba vòng vây thạch trận với mục tiêu duy nhất: dìm chết cái thuyền...
=> một thứ thiên nhiên Tây Bắc có nhiều lúc trông nó thành ra diện mạo và tâm địa một thứ kẻ thù số một.
* Vẻ đẹp trong cuộc chiến đấu của ông lái đò
- Ông lái đò có lai lịch, ngoại hình như gắn chặt với dòng sông; hay nói đúng hơn dòng sông hung bạo đã tôi luyện thể chất, bản lĩnh và giúp ông tồn tại mưu sinh trên dòng sông dữ.
- Ông lái đò thuộc lòng những ghềnh thác Sông Đà; nắm vững quy luật của thần sông thần đá -> yếu tố quan trọng để bước vào cuộc chiến.
- Hình ảnh ông đò giữa cuộc chiến với thác dữ hiện lên như vị dũng tướng với nhiều vẻ đẹp:
+ Sự tự tin, mạnh mẽ: đương đầu với những luồng sóng “vô sở bất chí” với những hành động táo bạo nhưng vô cùng chuẩn xác; dù có lúc đau đến méo bệch gương mặt bởi những đòn âm đòn tỉa nhưng ông vẫn ghì chặt cuống lái vì “cưỡi lên thác Sông Đà phải cưỡi đến cùng như là cưỡi hổ”.
+ Trí dũng tuyệt vời: Dù thủy thần, hà bá liên tục thay đổi chiến thuật bằng những dàn đá méo mó, quái dị nhưng người lái đò vẫn có những đấu pháp linh hoạt: đứa thì rảo bơi chèo mà tránh xa, đứa thì sấn lên mà tiến tới, đứa thì chặt đôi để lao đi như một mũi tên tre phóng qua màn nước; mỗi cửa tử ông đều nhận ra âm mưu của bọn đá thác và đánh sập trận địa của chúng một cách tài tình.
+ Tay lái tài hoa nghệ sĩ: con thuyền dưới sự điều khiển của ông đò đã trở thành con tuấn mã hiểu ý chủ; với sự điều khiển của ông nó không còn bơi mà như đang lướt, đang bay trên mặt nước cuộn sóng.
=> Cuộc chiến đã làm nổi bật tài nghệ, trí dũng của con người trong công cuộc chinh phục thiên nhiên.
* Những đặc sắc nghệ thuật:
-Hình tượng dòng sông hiện lên như một sinh thể có linh hồn, tính cách; sử dụng kiến thức của nhiều lĩnh vực với trường liên tưởng phong phú; từ ngữ, hình ảnh sống động; câu văn dồn dập, gay cấn.
- Phong cách tài hoa, uyên bác của Nguyễn Tuân.
=> Vẫn là sự tài hoa, uyên bác hiếm thấy trên văn đàn nhưng tùy bút của NT sau Cách mạng đã thoát ly khỏi ám ảnh về vẻ đẹp “vang bóng một thời”. Nhà văn đã đem cái tài, cái tôi của mình để hòa vào cuộc sống lao khổ nhưng vĩ đại của nhân dân, của đất nước.

3.3. Kết bài:
- Khẳng định lại ý nghĩa, giá trị của tác phẩm.
- Nêu bài học liên hệ: ý thức xây dựng đất nước, bảo vệ môi trường, tình yêu lao động.

4. Sáng tạo
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

5. Chính tả, dùng từ, đặt câu                        
Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. (Sai từ 2 lỗi trở lên sẽ không tính điểm này).

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây