© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Tiếng đàn của người ca nữ bến Tầm Dương được miêu tả như thế nào qua đoạn trích “Tì bà hành” của Bạch Cư Dị.

Thứ bảy - 20/05/2017 04:21
Bạch Cư Dị viết bài Tì bà Hành vào năm 816, lúc ông bị giáng chức làm quan Tư mã ở Giang Châu. Ông tả tiếng đàn và cảnh ngộ của một người ca nữ đang lưu lạc nơi góc bể chân trời, đồng thời nói lên cảnh ngộ của riêng mình.
Từng cung bậc, giai điệu của tiếng đàn được miêu tả bằng nghệ thuật độc đáo, vừa so sánh, ẩn dụ, vừa liên tưởng mạnh mẽ, gợi bao xúc cảm sâu lắng cho người đọc qua đoạn thơ sau đây:
 
Ngón buông bắt khoan khoan dìu dặt,
…………………………….
Áo xiêm khép nép hầu mong giãi lời.
 
Mở đầu Tì bà hành là cảnh tiễn bạn trên bến Tầm Dương vào một đêm thu lạnh và buồn. Bạch Cư Dị bỗng nghe tiếng đàn tì bà văng vẳng ven sông, liền cho ghé thuyền lại rồi cho mời người đánh đàn. Đó là một người ca nữ có ngón đàn tuyệt vời, ngày xưa đã từng làm cho bao chàng trai điên đảo. Đến nay nhan sắc tàn phai, phải sống nghèo khổ, em trai đi lính, người dì mất, nàng đành lấy một người lái buôn. Người chồng ham lợi bỏ đi buôn bán đường xa, để mình nàng bơ vơ trên chiếc thuyền không, ôm đàn tì bà đánh những khúc ai oán dưới ánh trăng thu. Chờ cho mọi người hết lời mời mọc, nàng ca nữ mới chịu bước ra:
 
Tay ôm đàn che nửa mặt hoa.
Tuy tác giả chưa nói rõ thân phận của nàng, nhưng qua dáng điệu bỡ ngỡ, ngượng ngùng trong buổi đầu gặp mặt, có thể đoán được nàng mang nhiều tâm sự buồn sầu:
 
Vặn đàn vài tiếng dạo qua,
Dẫu chưa nên khúc, tình đã thoáng bay.
 
Cho đến khi người ca nữ thực sự gởi gắm tâm sự vào tiếng đàn thì tiếng đàn đó trở thành tiếng tri âm đối với Bạch Cư Dị. Vì cùng một hoàn cảnh và tâm trạng, nhà thơ nắm bắt ngay cung bậc của tiếng đàn, dùng hàng loạt so sánh để nói về những biến đổi của giai điệu như mưa rào, mâm ngọc nảy hạt châu, oanh ríu rít, nước tuôn róc rách, bình bạc vỡ tuôn đầy dòng nước, xô xát tiếng dao, tiếng buông xé lụa... Bao nhiêu giai diệu là bấy nhiêu niêm tâm tức, bấy nhiêu buồn bực, phẫn uất của người gảy đàn và người nghe đàn.
 
Tiếng đàn lúc trầm lúc bổng, khi khoan khi nhặt, lúc rạt rào, khi tỉ tê như biểu hiện một cuộc đời sóng gió, khi thịnh khi suy của người ca nữ, cũng là của nhà thơ:
 
Dây to đường đổ mưa rào,
Nỉ non dây nhỏ khác nào chuyện riêng.
Tiếng cao thấp lựa chen lần gáy,
Mâm ngọc đâu bỗng nảy hạt châu,
Trong hoa oanh ríu rít nhau,
Nước tuôn róc rách, chảy mau xuồng ghềnh.
 
Khi cung đàn trọn khúc thì bỗng nhiên bốn dây buông như tiếng xé lụa và im bặt. Bốn bề lặng ngắt, chỉ còn một vầng trăng trong vắt lòng sông. Tiếng đàn đã hay, tiếng đàn dứt lại càng hay và tình tứ hơn. Cách ngắt câu đặc biệt với thanh trắc của thể thơ song thất lục bát diễn tả sự biến chuyển khi tiếng đàn đột ngột ngưng lại:
 
Nước suối lạnh, dây mành ngừng đứt,
Ngừng đứt nên phút bặt tiếng tơ;
 
Bặt tiếng tơ làm âm thanh thêm thấm sâu, lắng đọng trong lòng người nghe.
 
Một vầng trăng trong vắt lòng sông.
 
Đối chiếu với câu:
 
Nước mênh mông đượm vẻ gương trong.
 
Diễn tả một lần chứng kiến cảnh tiễn đưa, một lần chứng kiến cảnh thịnh suy của người ca nữ. Lúc từ biệt thì ánh trăng đắm trong lòng sông mênh mang, khi cung đàn trọn khúc, thì vầng trăng thu trắng xóa giữa lòng sông. Nhà thơ điểm xuyết ánh trăng trong khung cảnh thiên nhiên thật cần thiết, có ý nghĩa xiết bao.
 
Ngươi xưa thường mượn văn chương để kí thác tâm sự. Người ca nữ ôm đàn tì bà đánh lớn bài ca ai oán của cuộc đời mình, cảnh ngộ và tâm sự đó có một chút gì gần gũi với cảnh ngộ và tâm sự của Bạch Cư Dị. Ông bị biếm trích, phải chịu đựng nỗi cô quạnh, u uất... Cho nên qua lời thơ của ông, tiếng đàn được miêu tả nhiều cung bậc, nhiều giai điệu tuyệt vời, vừa mang nặng tâm tư của người gảy đàn, vừa khơi gợi nỗi lòng thầm kín của người nghe đàn.
 
Hai con người lận đận trên đường đời gặp nhau trên một dòng sông và hiểu nhau qua cung đàn. Họ cảm thông nhau bởi cùng một lứa bên trời lận đận. Đọc Tì bà hành càng rung động về ngón đàn của người ca nữ bao nhiêu, chúng ta càng trân trọng tấm lòng nhân ái sâu sắc và ngòi bút tài hoa của Bạch Cư Dị bấy nhiêu. Quả thật cái “tâm” và cái “tài” của Bạch Cư Dị đã để lại cho hậu thế một tuyệt tác bất hủ vậy.
© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây