© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Trình bày cảm nhận về bài ca dao: Gió đưa cành trúc la đà

Thứ sáu - 13/03/2020 11:47
Trình bày cảm nhận về bài ca dao: Gió đưa cành trúc la đà
Trình bày cảm nhận về bài ca dao:

Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.
Hình ảnh quê hương đất nước được nói đến trong nhiều bài ca dao dân ca. Nghệ An có “Đường vô xứ Nghệ quanh quanh, Non xanh nước biếc như tranh họa đồ”. Nơi miền Bắc xa xôi là “Đồng Đăng có phố Kì Lừa, có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh”. Huế đẹp mộng mơ có “Núi Truồi ai đắp mà cao, Sông Hương ai bới, ai đào mà sâu?”, Và có cảnh sáng sớm một mùa thu bên Hồ Tây, nơi kinh thành Thăng Long “ngàn năm văn vật”:

Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.

Bài ca dao mang màu sắc cổ điển, đẹp như một bức tranh thủy mặc.

Cảnh vật Hồ Tây được miêu tả thật nên thơ: Hình ảnh, màu sắc đậm nét: âm thanh hài hòa. sống động. Những khóm trúc ven hồ, cành lá um tùm rậm rạp, rung rinh, đu đưa trước làn gió nhẹ. Từ láy tượng hình la đà là một nét vẽ thoáng và gợi cảm, đầy ấn tượng:

Gió đưa cành trúc la đà,

Cây tre, cây trúc rất gần gũi, thân thuộc với con người Việt Nam: tre, trúc là cảnh sắc làng quê; tre trúc là biểu tượng cho vẻ đẹp tâm hồn người thiếu nữ nơi thôn dã:

Trúc xinh trúc mọc bờ ao,
Em xinh em đứng nơi nào cũng xinh.

Sau khi tả cành trúc, tác giả nói về âm thanh gần, xa:

Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương.

Câu ca dao ngắt thành hai nhịp chẵn 4-4, hai vế tiểu đối cân xứng, hòa hợp như âm thanh tiếng chuông chùa Trấn Vũ và tiếng gà gáy sang canh từ làng Thọ Xương vọng tới. Chùa Trấn Vũ còn gọi là chùa Quan Thánh nằm cạnh Hồ Tây, là nơi thờ đức Huyền Thiên Trấn Vũ. Tiếng chuông Trấn Vũ ngân lên trong sương sớm như ru hồn người vào huyền thoại oai hùng của dân tộc. Tiếng gà gáy sang canh lại làm ta tỉnh mộng, sống lại cuộc sống đời thường dân dã “lao xao gà gáy rạng ngày, vai vác cái cày, tay dắt con trâu..”.

Cùng với tiếng gà gáy báo sáng là nhịp chày giã dó làm giấy ở phường Yên Thái vang lên rộn rã, nhịp nhàng. Lụa làng Trúc, giấy Yên Thái là sản phẩm nức tiếng kinh kì Thăng Long từ thời nhà Lí xa xưa, là niềm tự hào của những người thợ thủ công tài hoa. Tiếng gà gáy, tiếng chày giã dó đã diễn tả nhịp sống lao động cần mẫn của nhân dân ta nơi ba mươi sáu phố phường. Qua âm thanh ấy, ta cảm nhận được cuộc sống sôi nổi của nhân dân ta một thời thanh bình, ấm no và yên vui.

Nhà thơ dân gian như đang đứng trầm ngâm, lặng ngắm cảnh Hồ Tây lúc sáng sớm.
Mùa thu, sáng sớm cảnh vật phủ mờ sương khói. Phố phường, làng mạc, cảnh vật, cỏ cây “mịt mù” trong “ngàn sương”“khói tỏa”. Sương phủ trắng bao la, mênh mông và mịt mù. Huyền ảo và thơ mộng quá. Câu thơ cổ kính, chứa chan thi vị:

Mịt mù khói tỏa ngàn sương

Từ láy tượng hình “mịt mù” và hình ảnh ẩn dụ “ngàn sương” đã làm cho câu ca dao mang màu sắc cổ điển, dẫn dắt cảm xúc người đọc liên tưởng đến những vần cổ thi.
Cuối bài ca dao là hình ảnh Hồ Tây trong sương sớm, được ví với “mặt gương”. Biện pháp tu từ ẩn dụ được vận dụng thần tình, vẽ nên một cảnh sắc tuyệt đẹp: “mặt gương Tây Hồ” Hồ Tây tĩnh lặng, bao la, nước trong xanh, phẳng như một tấm gương khổng lồ. Hồ Tây là một thắng cảnh của thành Thăng Long. Đã có biết bao tao nhân mặc khách viết nên những bài thơ, bài phú kiệt tác về Hồ Tây.

Bài ca dao đưa ta “một thoáng về Hồ Tây” như nhạc sĩ Phó Đức Phương đã cảm. Nhà thơ dân gian đã biểu lộ lòng yêu mến, tự hào quê hương, đất nước qua những vần ca dao dào dạt cảm xúc và hình ảnh, âm thanh. Thăng Long - cố đô của các triều đại Lí, Trần, Lê chói lọi trong sử sách, biểu tượng thiêng liêng của đất nước bốn nghìn năm. Ngày nay, nó là Hà Nội, thủ đô của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Bài ca dao làm đẹp tâm hồn mãi con người Việt Nam, nó làm ta thêm yêu Hà Nội.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây