© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Truyện trung đại Việt Nam: Con hổ có nghĩa – Vũ Trinh

Chủ nhật - 26/07/2020 09:59
Truyện trung đại Việt Nam: Con hổ có nghĩa – Vũ Trinh
Truyện do Vũ Trinh viết bằng chữ Hán, văn xuôi, in trong Lan Trì kiến văn lục. Hoàng Hưng dịch ra Việt ngữ. Con hổ có nghĩa là tựa đề chung qua hai mẩu chuyện khác nhau. Một, kể về con hổ đực ở Đông Triều (nay là một huyện ở tỉnh Quảng Ninh), và truyện kia viết về con hổ trán trắng ở Lạng Giang (nay là một huyện thuộc tỉnh Bắc Giang). Kết cấu truyện khá đơn giản. Nhân vật truyện được tác giả miêu tả trực tiếp qua ngôn ngữ của mình, hoặc hành động hay dối thoại của nhân vật. Cái lạ và cũng là điều lôi cuốn người đọc là tình cảm và cách đối xử với người cứu mạng của loài động vật vốn xem con người là thực phẩm của chúng.
“Bà đỡ Trần là người huyện Đông Triều”, câu văn mở đầu truyện ngắn gọn giới thiệu nhân vật, nghề nghiệp đỡ đẻ và nơi chốn xảy ra sự việc. Nó như một chứng cứ để người đọc tin câu chuyện sắp được kể ra.

Tình huống truyện xảy ra trong đêm, được kể với nhịp điệu nhanh. Nghe tiếng gõ cửa, bà đỡ Trần mở cửa ra xem, chẳng thấy ai, “một lát, có con hổ chợt lao tới cõng bà đi”. Nhân vật thứ hai xuất hiện và sự việc diễn ra nhanh chóng rất phù hợp với thói quen của nhân vật ấy. Hổ là loài động vật lấy đêm làm ngày nhờ vào đôi mắt sáng và tài đánh hơi, đi đứng nhẹ nhàng, không gây tiếng động. Khi hổ chợt lao tới cõng bà đi thì bà đỡ “sợ đến chết khiếp” là phải. Người nào mà chẳng sợ cọp ăn thịt mình, nhất là khi đã sa vào tay nó. Sự việc cứ ngỡ là diễn tiến theo lẽ tự nhiên, bà đỡ Trần sẽ bị hổ phanh thây trong chốc lát. Không ngờ “khi tỉnh, thấy hổ dùng một chân ôm lấy bà chạy như bay”, lại dùng chân khác dẹp bỏ bụi rậm, gai góc. Những chi tiết ấy chứng tỏ một chút thân thiện đến lạ lùng giữa một động vật ăn thịt đối với con mồi. Nếu hổ rình bắt con mồi để ăn thịt thì chắc không thể có những hành vi ấy. “Tới nơi, hổ thả bà xuống. Thấy một con hổ cái đang lăn lộn, cào đất”. Một nhân vật nữa xuất hiện. Bà đỡ Trần vẫn nghĩ cặp hổ này ăn thịt mình. Bà run sợ đứng im. Bỗng “hổ đực cầm tay bà nhìn hổ cái, nhỏ nước mắt”. Cử chỉ thân thiện ấy, những giọt nước mắt ấy của con hổ đực đã làm bà đờ Trần quên bớt nỗi sợ hãi. Bà nhìn kĩ con hổ cái và biết ngay nó đang đau đớn vì đẻ khó. Sẵn có thuốc mang theo, bà hoà với nước suối cho hổ cái uống, lại xoa bóp bụng cho hổ cái sinh được hổ con. Sau khi mừng rỡ đùa giỡn với con, hổ đực đến quỳ xuống bên gốc cây, đào lên một thỏi bạc. Bà đỡ Trần cầm lấy rồi theo hổ ra khỏi rừng. Người và hổ chia tay nhau, bà đỡ Trần thì nói tiếng người, còn hổ đực đáp lại bằng tiếng gầm vang dậy. Nhờ thỏi bạc nặng hơn mười lạng ấy mà bà đỡ Trần vượt qua cơn đói kém vì mất mùa trong năm ấy.

Mẩu truyện thứ hai viết về “con hổ trán trắng”, nhân vật người trong truyện là “người kiếm củi... ở huyện Lạng Giang” (thuộc tỉnh Bắc Giang). Không như truyện trên, truyện này giới thiệu nhân vật cùng với nguyên nhân dẫn đến tình huống chính: người gặp hổ. Bác tiều gặp con hổ trán trắng đang bị mắc xương ngang họng “máu me, nhớt dãi trào ra”. Hố càng đưa chân trước vào họng, “càng móc, khúc xương càng vào sâu”. Ở tình huống này chúng ta thấy khác với tình huống của truyện trên. Nếu ở trên hổ tìm đến người (bà đỡ Trần) thì ở truyện này con người (bác tiều) lại tìm đến hổ. Và khi biết đang gặp phải điều có thể nguy hiểm đến tính mạng thì bác đã chủ động uống rượu say (để tăng thêm can đảm), trèo lên cây cao mà nói lớn: “Cổ họng ngươi đau phải không, đừng cắn ta, ta sẽ lấy xương ra cho”. Có lẽ nhận ra được lòng tốt của bác tiều nên hổ “nằm phục xuống, há miệng ra nhìn bác tiều ra dáng cầu cứu”. Bác tiều đã lấy khúc xương ra khỏi cổ họng hổ trán trắng. Nó liếm mép, nhìn bác tiều rồi bỏ đi, còn bác tiều thì nói to: “Nhà ta ở thôn mỗ, hễ được miếng gì lạ thì nhớ nhau nhé”. Hổ nhìn bác tiều với ý gì thì người đọc không rõ, nhưng lời nói của bác tiều đối với hổ ta cứ ngỡ như lời nhắn gửi với người thân. Hổ trán trắng đã đền ơn bác tiều một con nai. Hơn mười năm sau, bác tiều chết. Khi chôn cất, hổ trán trắng bỗng xuất hiện. Thiên hạ bỏ chạy. “Từ xa, nhìn thấy hổ dùng đầu dụi vào quan tài, gầm lên, chạy quanh quan tài vài vòng rồi đi”, sau đó thì mỗi năm, đến ngày đến ngày giỗ của bác tiều, “hổ lại đưa dê hoặc lợn đến để ở ngoài cửa nhà bác tiều”.

Cả hai truyện (Ông lão đánh cá và con cá vàng, Con hổ có nghĩa) đều được viết cùng một kiểu kết cấu: gặp nạn -> được cứu -> đền ơn.

Kẻ gặp nạn là hổ, hoặc gia đình hổ. Hổ được cứu là nhờ người, và cuối cùng hổ đền ơn cho người. Dù có xuất hiện nhân vật người nhung đó chỉ là cái cớ để nói đến chuyện ân nghĩa của hổ. Khi so sánh con vật dữ dằn như con hổ mà còn biết đền ơn đáp nghĩa huống gì con người, và như thế thì tác giả đã mượn hổ để nói chuyện con người. Đúng, con hổ đực đền ơn bà đỡ Trần thỏi bạc, và nhờ đó bà đã vượt qua nỗi khó khăn đói kém vì mất mùa. Nhận ân sâu nghĩa nặng là con hổ trán trắng. Con hổ này còn dự đám tang của bác tiều và đền ơn vào những ngày giỗ của bác vào những năm sau. Thật là hiếm thấy!

Thành ngữ có câu “Cứu vật, vật trả ơn; cứu nhơn (nhân: Con người), nhơn trả oán”. Thực tế không biết có con hổ nào trả ơn người như hai con hổ trong truyện của Vũ Trinh hay không, nhưng chúng gợi cho người đọc những suy nghĩ sâu xa, thấm thía về cách ứng xử giữa người với người. Mượn chuyện con vật để bàn về cách sống của con người ta đã được biết qua truyện ngụ ngôn dân gian, nay người đọc lại thấy từ những trang văn thời trung đại. Đây là hình thức quen thuộc giúp mỗi người tự nhận ra chuyện ân nghĩa là điều đáng quý để đời sống ngày càng đẹp, càng có ý nghĩa hơn.

 * Ghi chú:
- Thời trung đại: khoảng thời gian có tinh lịch sử thường được tính từ thế kỉ X đến cuối thế kỉ XIX.
- Truyện trung đại là tên gọi chung thể loại truyện được viết từ thế kỉ XIX. Nội dung phong phú và thường mang tính chất giáo huấn, có cách viết không giống hẳn với truyện hiện đại. Ở đây vừa có loại truyện hư cấu (tưởng tượng nghệ thuật) vừa có loại truyện gần với kí (ghi chép sự việc), với sử (ghi chép chuyện thật), cốt truyện hầu hết còn đơn giản. Nhân vật thường được miêu tả chủ yếu qua ngôn ngữ trực tiếp của người kể chuyện, qua hành động và ngôn ngữ đối thoại của nhân vật.
- Cả hai truyện viết về sự việc người cứu hổ, và được hổ trả ơn. - Mượn truyện của hổ để giáo dục con người.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây