© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Từ tác phẩm Số phận con người của nhà văn Sô-lô-khốp, nghĩ về nghị lực và tuổi trẻ.

Thứ tư - 07/12/2016 04:13
“Nơi đây mọi sắt thép đều tan chảy, chỉ con người là vững vàng đi qua”. Câu văn ghi trên tấm bia tưởng niệm những Hồng quân Liên xô đã anh dũng hi sinh trong Đại chiến thế giới lần thứ hai không khỏi khiến chúng ta tự hào về sức mạnh của nghị lực, của ý chí mà con người có thể đạt tới.
Vững vàng đi qua những thời khắc ác liệt nhất của chiến tranh và tiếp tục gồng mình khoả lấp những nỗi đau mà chiến tranh để lại. Nghị lực phi thường ấy của những người lính bước ra từ Đại chiến thế giới thứ hai được thể hiện sinh động trong hình ảnh nhân vật Xô-cô-cốp trong tác phẩm “ số phận con người” của Sô-lô-khốp. Hình ảnh nhân vật chính trong tác phẩm khơi dậy trong lòng tuổi trẻ hôm nay một câu hỏi lớn về nghị lực và thế hệ của mình.

Xô-cô-lốp là một nhốn vật đầy ám ảnh. Anh là hiện thân của những nỗi đau tột cùng tiêu biểu cho những số phận con người bước ra từ bom đạn chiến trường đầy ác nghiệt. Xô-cô-lốp từng tham gia Hồng quân và chiến đấu rất anh dũng. Anh cũng từng bị quân phát xít bắt giam. Nhưng lửa đạn chiến tranh và nhà giam của kẻ thù chưa phải là thử thách lớn nhất đối với nghị lực Xô-cô-lốp.
 
Chiến trường im tiếng súng cũng là lúc người lính buông vũ khí. Giây phút đó tưởng chừng hạnh phúc tột cùng: hoà bình lập lại, họ sẽ được trở về quê hương xứ sở, được sống trong cảnh yên ấm, vui vầy. Nhưng chính giây phút ấy, xô-cô-lốp cũng như hàng nghìn người lính Hồng quân vấp phải một sự hụt hẫng tột cùng: tổ ấm của anh không còn vẹn nguyên nữa. Người vợ và hai đứa con gái thân yêu của anh đã chết trong chiến tranh. Vậy anh đi đâu và về đâu? Trở về quê hương sẽ phải đối mặt với sự mất mát không gì bù đắp được. Còn ra đi, anh sẽ đi đâu? Trong cơn tuyệt vọng, anh sung sướng nhận được tin người con trai duy nhất của mình còn sống. Chẳng những vậy, đó còn là một đại uý pháo binh quả cảm, con trai anh đang trong đội quân tiến về Béc-lin đập tan sào huyệt cuối cùng của bè lũ phát xít. Trong Xô-cô-lốp loé lên niềm hi vọng cuối cùng, anh vẫn còn một người thân, đó sẽ là lẽ sống còn lại của đời anh... Anh háo hức tiến về phía con trai yêu quý. Bi kịch lên đến tột cùng khi anh nhận tin con trai hi sinh vào chính ngày nhân loại giành chiến thắng trọn vẹn: ngày mồng chín tháng năm. xô-cô-lốp vô cùng đau đớn khi phải “chôn trên đất người niềm vui sướng, niềm hi vọng cuối cùng” của mình.
 
Sẽ có thể có những điều gì xảy ra với nhân vật - một người mất hết gia đình, bị số phận đùa chơi rồi đẩy vào sự tuyệt vọng đến tận cùng? Sau mỗi cuộc chiến, dáng vẻ con người đều trở nên mệt mỏi, tiều tuỵ. Đó là bởi chiến tranh đã tước đi của họ những chiếc bánh mì; đó là bởi tật bệnh đã đánh cắp đi của họ sức khoẻ; đó là bởi những đêm thức trắng, những giờ phút căng thẳng nơi công sự, những tiếng nổ dữ dội đã phá hoại sự thăng bằng trong thần kinh của họ... Họ còn đứng vững, họ còn bước đi bởi họ còn hi vọng, còn mơ ước về cuộc sống yên ấm được dựng xây trở lại. Nhưng Xô-Cô-lốp, anh còn gì? Kiệt quệ về sức lực, suy sụp về tinh thần. Ta tưởng như con người ấy sẽ gục ngã. Anh có thể trở thành một kẻ hoá điên, cũng có thể trở thành một người trầm cảm sống cô độc lặng lẽ như cái bóng trước cuộc đời. Dù hoá điên hay trầm cảm đó cũng là biểu hiện của sự đầu hàng số phận.
 
Nhưng Xô-cô-lốp đã không như vậy. Trở về cuộc sống thường nhật với một nỗi đau và sự mất mát quá lớn, anh lang thang kiếm sống khắp nơi. Và câu chuyện bừng sáng khi xô-cô-lốp làm quen với bé Va-ni-a. Đúng, đó là sự bừng sáng bởi nếu tâm hồn Xô-cô-lốp mãi quẩn quanh trong sự u tối của tuyệt vọng, của nỗi đau thì anh chẳng thể nào thấy được nỗi đau buồn của kẻ khác. Trong con người anh vẫn còn khao khát sự sống, vẫn còn ước mơ vươn lên, vẫn còn nghị lực để trỗi dậy từ khổ đau và mất mát. Có vậy, anh mới nhìn mọi vật xung quanh với một sự cảm thông, chia sẻ đầy tinh tế. Anh thấy chú bé Va-ni-a rách bươm xơ mướp, bẩn như ma lem. Trong khoảnh khắc ấy, hẳn trái tim Xô-cô-lốp đã dâng trào một sự cảm thương sâu sắc. Không dừng lại ở đó, khi Va-ni-a xúc động hỏi: “Thế chú là ai?” anh đã không ngần ngại thầm thì: “Ta là bố cháu”. Xố-lô-cốp chưa hề gục ngã.

Từ tình thương trào dâng trong giây lát anh đã nhen lên khao khát và mơ ước của lòng mình: có một gia đình, có một nơi để yêu thương và được thương yêu. Và chính ước mơ đó là biểu hiện sinh động của một nghị lực phi thường biết vươn lên từ khổ đau và mất mát. Đọc tiếp thiên truyện, ta còn khâm phục Xô-lô-cốp hơn nữa: từ một con người đang ở đáy thẳm tận cùng của sự tuyệt vọng anh đã có lúc rất vui vẻ, sống chỉn chu, lo nghĩ nhiều hơn về cuộc sống. Có điều đó bởi anh ý thức được bản thân mình hiện tại: anh đang cần chăm lo cho đứa con yêu quý của mình. Chính tình thương yêu là biểu hiện của một nghị lực sống phi thường.
 
Nhân vật Xô-cô-lốp đã để lại trong lòng người đọc nhiều suy tưởng. Đó là biểu tượng bất khuất của con người trước sự nghiệt ngã của số phận. Vinh dự thay, vào giờ phút quan trọng nhất, nghị lực của con người đã được tôn vinh. Vậy tuổi trẻ chúng ta nghĩ gì về điều đó?
 
Là thế hệ đi sau, chúng ta chịu ơn nghị lực phi thường của bao thế hệ đi trước, Họ đã đập tan chiến tranh, gắng gượng trở mình dựng lại đất nước giúp chúng ta hôm nay có tổ quốc để tự hào, có cơm ăn áo mặc, có trường lớp để học hành- Tuổi trẻ biết ơn sự kiên cường, bất khuất của cha ông.
 
Đến lượt mình, sống trong thời đại nhiều cam go, thử thách, tuổi trẻ phải làm gì ? vẫn còn đó nỗi đau về hình ảnh một quốc gia Việt Nam nghèo nàn và lạc hậu. Vẫn còn đó những tồn tại, những khiếm khuyết trong cơ chế quản lí. Và cũng vẫn còn đó những nguy cơ xâm lăng của ngoại quốc về nhiều mặt: chính trị, kinh tế, văn hoá,... Là thế hệ tương lai của đất nước, mang trên vai gánh nặng của trách nhiệm, nghĩa vụ và tình thương, tuổi trẻ hôm nay càng cần phát huy tinh thần, nghị lực để chung tay dựng xây quê hương, đất nước. Cha ông xưa đã bảo vệ bờ cõi non sông thì hôm nay, cháu con nguyện tiếp bước Người đắp xây Tổ quốc.
 
Với mỗi cá nhân, mỗi hoàn cảnh riêng, tuổi trẻ tại cần có nghị lực để vượt qua khó khăn. Có những bạn trẻ vừa học hành vừa lo kiếm sống. Có những bạn trẻ vừa học tập, rèn luyện vừa phải chống chọi với những tiêu cực trong gia đình. Có những bạn trẻ tật nguyền gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Lại có những bạn trẻ sống trong xa hoa, phù phiếm luôn bị những tiêu cực của xã hội rập rình cám dỗ,... Biết bao hoàn cảnh riêng, biết bao nỗi khó khăn trong công việc học tập và rèn luyện của mỗi người. Đó là lí do vì sao chính tuổi trẻ phải là thế hệ giàu nghị lực nhất. Nghị lực để phấn đấu, nghị lực để chiến thắng.
 
Có những câu chuyện sẽ theo ta suốt cả cuộc đời. Có những nhân vật để ta hướng đến và noi gương. Và “Số phận con người” của Sô-lô-khốp với hình tượng xô-cô-lốp là một trong những câu chuyện, những nhân vật như vây. Đọc tác phẩm, hiểu nhân vật để ta thấm thía hơn sức mạnh nghị lực con người và nhờ đó tuổi trẻ của ta được nghị lực tiếp thêm sức mạnh.
© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây