© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Viết bài tập làm văn số 5 - Văn tả cảnh, Ngữ Văn 6

Thứ sáu - 22/02/2019 00:21
VIẾT BÀI TẬP LÀM VĂN SỐ 5 - VĂN TẢ CẢNH - NGỮ VĂN 6 (làm ở nhà)

I. ĐỀ VĂN
Đề 1: Hãy tả lại hình ảnh cây đào hoặc cây mai vàng vào dịp tết đến, xuân về.
Đề 2: Hãy tả lại cây phượng mà em từng thấy.
Đề 3: Em đã từng chứng kiến cảnh bão lụt ở quê mình hoặc xem cảnh đó trên truyền hình, hãy viết bài văn miêu tả trận bão lụt khủng khiếp đó.
Đề 4: Em hãy tả lại khu phố hay thôn xóm, bản làng nơi mình ở vào một ngày mùa đông giá lạnh.
Đề 5: Em hãy tả lại quang cảnh đổi mới ở quê em.
II. MỘT SỐ BÀI LÀM THAM KHẢO
Đề 1: Hãy tả lại hình ảnh cây đào hoặc cây mai vàng vào dịp Tết đến, xuân về.
 
Trong các loài hoa, em thích nhất là Mai Vàng. Vì sao ư? Có quá nhiều lí do để Mai Vàng chiếm vị trí độc tôn trong lòng em, vì Mai nở là mùa xuân đã về, vì sắc màu của hoa quý phái thanh tao, vì hoa không chỉ đẹp mà còn có hương thơm, và cả vì mẹ rất yêu Mai mà em lại rất yêu mẹ.
 
Nhà em không có sân, trước cổng nhà có một ô trống nhỏ, vừa đủ chỗ cho một cây Mai nằm gác cửa. Gọi là nằm vì dáng cây bè bè và nghiêng sát mặt đất, cây được uốn theo hình ngoạ long (Rồng nằm). Bởi vậy dù bằng tuổi em nhưng Mai thấp hơn em rất nhiều. Ngày em chào đời ở bệnh viện thì ở nhà bố em cũng bắt đầu trồng cây Mai này. Mẹ đã dặn bố như vậy trước khi vào bệnh viện.
 
Đúng vào ngày rằm tháng chạp em bắc ghế trảy hết lá cho Mai. Theo kinh nghiệm dân gian làm như vậy thì Mai mới nở nhiều bông vào dịp Tết. Lần đầu tiên thấy mẹ làm như vậy em cứ sợ cây chết vì trảy lá hết cây chỉ còn trơ lại những cành khẳng khiu gầy guộc run run trong gió. Thế nhưng kì diệu thay chỉ độ một vài hôm cây đã khác hẳn, chồi non, búp non bắt đầu nhú lên. Mai rất khó phân biệt nụ và chồi khi mới nhú, phải là người giàu kinh nghiệm và có sự quan sát tinh tế mới phân biệt được, vì chúng cùng một màu xanh biếc, giống nhau về hình dạng như những tháp bút nho nhỏ, xinh xinh. Và chỉ trong mấy ngày nó lớn dần, lớn dần và nở thành những chùm nụ chi chít, màu xanh non hình bầu dục. Mỗi chùm như vậy có tới gần chục nụ và đủ mọi cỡ: to, nhỏ, bé xíu, lứa này nở xong sẽ có lứa khác kế tiếp. Bởi vậy Mai nở bông mãi gần hai tháng mới hết nụ.
 
Hoa Mai thường có năm cánh, nhưng cũng có những bông sáu cánh. Đối với Mai ghép thì cánh có thể lên tới mười, mười hai cánh. Cánh Mai thường mỏng tanh, màu vàng tươi thanh sáng. Ngày mồng một Tết mà có Mai nở sáu cánh đó là điềm lành của sự khấm khá phát đạt cho cả năm - Mẹ em bảo thế. Màu của nhụy cũng điệp với màu của cánh nở lâu dần chuyển màu cánh gián, khi cánh Mai đã rụng hết nó kết lại thành từng chùm trái, trái Mai non có màu xanh kết lại thành từng chùm gần giống như nụ nhưng dẹt hơn và ngắn hơn. Mẹ dặn có chùm trái nào thì nhớ ngắt đi, kẻo cây kiệt sức, sang năm lại ít bông.
 
Hương Mai rất thơm, mùi thơm dịu nhẹ thanh khiết, thoảng trong không gian nhưng ai thật tinh ý mới biết. Lúc Mai nở rộ thường vào độ mồng hai, mồng ba Tết, cả cây vàng rực lộng lẫy cao sang. Những ngày Tết, bên cạnh Mai Vàng là chồng bánh chưng xanh còn gì đẹp hơn thế nữa.
 
Thường khoảng hai tám Tết là em đã bưng chậu Mai vào nhà. Em lau chùi, kì rửa xung quanh chậu cho hết bụi, đất, cho thật sạch sẽ. Ba em được chọn khai bút đầu xuân vì chữ của ba rất đẹp. Trên nền giấy màu đỏ, ba nắn nót đậm tô dòng chữ: “Nhất sinh đệ thủ bái Mai hoa” (Một đời chỉ biết cúi đầu trước hoa Mai) câu nói nổi tiếng của chí sĩ Cao Bá Quát. Sau đó, chọn cành Mai cao nhất ba treo lên. Mẹ giảng giải cho em rằng: “Làm người chỉ cúi đầu trước cái đẹp, cái thiên lương cao cả, Mai là một trong những cái đẹp mà con người nên cúi đầu”.
 
Mỗi lần Tết đến em lại nhớ chậu Mai Vàng, nhớ những kỉ niệm xưa cũ, thật tuyệt vời và đáng yêu.
 
Đề 2: Hãy tả lại cây phượng mà em đã từng thấy.
 
HOA PHƯỢNG TRƯỜNG CHUYÊN
 
Sân trường tôi có một cây phượng, và chỉ một cây độc nhất mà thôi. Bạn đã bao giờ để ý đến vị trí đặc biệt của cây phượng trường mình chưa? Nó nằm ngay chính giữa ở góc cuối và bốn bên có bốn chàng lim sét lực lưỡng bảo vệ. Dáng cây giống như một tiểu thư thanh mảnh yếu đuối. So với các bậc đàn anh đàn chị xung quanh nó có vẻ thấp bé rụt rò hơn nhiều.
 
Vào một chiều ngày đông ngồi ở cửa lớp nhìn ra sân trường ngơ ngẩn, tôi bỗng phát hiện ra một điều kì diệu: có những chùm hoa lấp ló trên tán phượng. Không tin ở mắt mình tôi chạy ra tận nơi để kiểm chứng, quả đúng như vậy. Hoa phượng thật rồi! Tôi loan báo với cả lớp, tất cả chạy ùa ra xôn xao bàn tán: “Phượng có hoa trong mùa đông” “Dấu hiệu của điềm lành” “Một lần hay mãi mãi”...
 
Tôi lặng lẽ ngắm nhìn, chỉ có một vài chùm nhưng sắc màu hoa vẫn thắm tươi như vốn có của nó, không bị nhạt phai. Giữa những cành cây trơ trụi, giữa những tán lá cằn cỗi vàng úa thì màu đỏ tươi của những chùm hoa kia thật là kiêu hãnh, thật bất chấp, ngạo nghễ biết bao. Tôi cảm phục và yêu quý sự kiêu hãnh, bất chấp, ngạo nghễ ấy... Rồi từng ngày đông đi, ngày nào chúng tôi cũng nhìn lên cây phượng đón đợi... Không phụ lòng người, ngày nào phượng cũng có những chùm hoa mới, không nhiều, nhưng trải dài hết mùa đông.
 
Sang xuân hoa vẫn có, cho đến thu về phượng vẫn cứ đơm bông, dẫu không nhiều như mùa xuân. Vậy là phượng có hoa suốt bốn mùa, có lẽ chỉ có cây phượng trường tôi mới có sự kì diệu ấy. Ngày hè đến, tôi nghĩ “có thể phượng kiệt sức mà cho hoa ít đi chăng?”. Nhưng không, phượng vẫn cứ trĩu bông chi chít, hàng vạn đoá tầng tầng lớp lớp chồng xếp lên nhau. Những cành phượng chao mình cười trong nắng gió. Phượng hào phóng ban tặng cho các cô cậu học trò những cánh hoa còn tươi nguyên để ép vào trong vở làm kỉ niệm.
 
Tôi đem điều kì diệu phượng nở hoa trong bốn mùa của trường tôi kể với một người bạn. Người ấy bảo tôi rằng: “Hoa phượng trường chuyên nên vậy đấy”!
 
Hoa phượng trường chuyên! Thật hay!
 
Học trò trường chuyên! Cũng vậy nhé! Hãy nở hoa suốt bốn mùa!
 
Đề 3: Em đã từng chứng kiến cảnh bão lụt ở quê mình hoặc xem cảnh đó trên truyền hình, hãy viết bài văn miêu tả trận bão lụt khủng khiếp đó.
 
Ở Huế năm nào cũng có lụt, không chỉ một lần mà tới hai ba lần trong năm, cứ mỗi trận lụt là cướp đi biết bao nhiêu tài sản, công sức mồ hôi nước mắt của con người. Đáng sợ nhất là cơn lũ khủng khiếp năm 2000, đó là cơn lũ lịch sử mà mãi tận bây giờ mỗi khi nhắc lại người dân Huế vẫn còn thấy kinh hoàng.
 
Đó là những ngày mà mưa trút xuống như thác đổ triền miên không dứt, xối xả trắng trời. Khắp nơi nước ngập lênh láng. Sông Hương thường ngày vẫn vốn hiền hoà, êm đềm là vậy thế mà giờ đây trở nên gầm réo dữ dội nước xoáy cuồn cuộn đục ngầu. Mực nước dâng cao lên tới vài ba mét. Đi trên cầu Tràng Tiền, cầu Bạch Hổ nhìn xuống dòng nước mới kinh hãi làm sao, nước như xô lệch cả chân cầu thành những vòng xoáy sâu hoắm cuồn cuộn. Những thân cây bị lũ cuốn về ngoi ngóp trên mặt nước. Không có một chiếc thuyền nào trên dòng sông, tất cả nép mình sợ hãi, nhìn dòng nước hung dữ. Đường phố nước ngập đến đầu gối, xe máy phải dắt bộ, có những nơi ngập sâu đến nửa người. Bờ Nam đã vậy, bờ Bắc càng thê thảm hơn, các cửa lớn vào nội thành: Cửa Thượng Tứ, cửa Ngăn, cửa Nhà Đồ… nước chảy xiết không thể qua lại được, đã có tới mấy người bị nước cuốn trôi mất luôn xác. Con đường đi qua đập đá vốn thơ mộng là thế, hữu tình là thế! Giờ đây nước chảy tràn cao tới vài ba mét… Ở Kim Long những ngôi nhà vườn nước cao ngập cả nóc nhà, người dân không có thức ăn, không có nhà ở, ngồi trong mưa lạnh. Trẻ con đói khóc gào trong mưa đến thảm thiết.
 
Ra vùng ngoại thành, xuôi về vùng An Cựu cầu Ngói Thanh Toàn càng thê thảm hơn. Không thấy ruộng, thấy nhà cửa cây cối đâu hết tất cả chìm trong biển nước. Thế mà trời mưa không ngớt, ào ào hết trận này đến trận khác, bầu trời xám xịt nặng trĩu như sắp rơi xuống đất. Tiếng người xao xác hốt hoảng: “Lại một xác người nữa!” “Có xác người ở đập đá…” “Xác người ở Vĩ Dạ”.
 
Cả đến tuần lễ nước mới bắt đầu rút. Thành phố đầy bùn đất nhão nhoét, bẩn thỉu. Những khuôn mặt phờ phạc. Đường phố hoang tàn, cây cối đổ nát, nhà cửa xiêu vẹo. Dòng sông lừ đừ mệt mỏi, đau đớn, cảnh tượng thật não lòng thê lương..
 
Sự cuồng nộ của thiên nhiên, muôn đời vẫn là sự huyền bí – ám ảnh kinh sợ của con người. Em ước mong làm sao con người có đủ trình độ, có đủ sức mạnh để có thể chế ngự được thiên nhiên, để cuộc sống được yên bình no ấm hạnh phúc.
 
Đề 4: Em hãy tả khu phố hay thôn xóm, bản làng nơi mình ở vào một mùa đông giá lạnh.
 
Khi những cơn gió heo may nhẹ nhàng hiu hắt ẩn mình đi nhường chỗ cho gió mùa đông bắc dữ dội, cáu kỉnh mang theo giá lạnh tê tái, ấy là mùa đông đã về.
 
Bầu trời thôi không còn màu xanh ngắt nữa mà như một chiếc vung thiếc khổng lồ, và dường như thấp hơn so với bình thường. Cây cối trở nên tàn úa, cằn cỗi, lá rụng dần và cuối cùng chỉ còn những cành cây trơ trụi in trên nền trời run rẩy. Gió càng lúc càng mạnh, đi cùng với nó là thần mưa và thần băng giá thành một bộ tam uy hiếp đe doạ con người và cảnh vật. Chim chóc bay đi hết, bầu trời buồn vắng, thương nhớ đến ngẩn ngơ và trở nên ảm đạm.
 
Ngoài đường dường như ít người đi lại hơn, chỉ có công việc mới buộc con người ra khỏi nhà, còn tất cả đều ở trong nhà tránh rét. Gió luồn theo các kẽ hở của cửa sổ, và vách nứa. Những nhà nghèo phải lấy giấy dán lại, hoặc giẻ nhét lấp các lỗ hở cho đỡ lạnh. Em mặc trong người những bốn chiếc áo mà vẫn thấy lạnh run. Bà em lúc nào cũng ngồi bên bếp lửa, hai tay xoa xoa vào nhau. Buổi sáng ngủ dậy mới từ trong chăn chui ra thật không dễ chút nào, nhất là khi phải nhúng tay vào nước lạnh để rửa mặt. Tay vừa chạm nước đã phải rụt lại ngay như phải bỏng, vì nước lạnh tê cứng nhức buốt cả tay. Có những lúc trời lạnh quá ghi bài không được, chữ viết cứ y như là giun bò trên trang giấy. Ai ra đường cũng đội mũ, trùm khăn kín mít, không còn nhận ra được người quen hay lạ. Người cứ to kềnh càng cả ra “mập đột biến”.
 
Những lúc nhìn cảnh trời mưa dầm dề, lòng lại nôn nao nhớ cái nắng vàng đến lạ. Vui nhất trong buổi tối mùa đông là cả nhà ngồi quây quần bên bếp lửa, vừa uống nước chè nóng và ăn mứt gừng, hoặc bắp rang. Chuyện trò rôm rả. Lúc ấy mới thấy hết ý nghĩa của mái ấm gia đình, của tình thương yêu. Và là mứt gừng lúc đó cũng thơm và ngon lắm. Nó ngấm vào hồn ta, lòng ta đến hết cuộc đời.
 
Dẫu biết rằng người này thích mùa hè, kẻ kia thích mùa xuân, nhưng quy luật tuần hoàn của thiên nhiên, của tạo hoá là luân chuyển theo bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Bạn yêu nó hay ghét nó đều phải trải qua, đều phải chịu đựng hay đón nhận. Hãy vui vẻ lên, mùa đông vẫn có cái đáng yêu của nó. Và nếu không có sự lạnh lẽo của mùa đông làm sao bạn hiểu hết giá trị của mùa hè rực rỡ, hay sự dịu ngọt của mùa thu.
 
Đề 5: Em hãy tả lại quang cảnh đổi mới ở quê em.
 
Quê nội em ở Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam nhưng bố mẹ em đã chuyển vào công tác ở Thành phố Hồ Chí Minh, nên thỉnh thoảng chúng em mới được về quê nội. Mỗi lần về quê em lại nhận thấy có rất nhiều sự đổi thay bất ngờ, đặc biệt là mấy năm gần đây.
 
Trước hết là sự thay đổi ở những con đường. Những con đường nhựa láng bóng thênh thang sạch sẽ phẳng lì đã thay thế cho những con đường đất đầy ổ gà, trời mưa nhão nhoẹt bùn đất. Xe ô tô có thể chạy thẳng một mạch vào nhà ông nội, không còn cảnh cả gia đình lễ mễ tay xách nách mang đi bộ từ ngoài đường vào nhà nội như trước đây nữa. Không chỉ một con đường mà khắp ngõ xóm chỗ nào cũng đều như vậy. Dọc theo nó là những trụ điện xếp hàng đều đặn thẳng tắp như những người lính canh phòng, tải điện tới tận mỗi nhà.
 
Những căn nhà ngói đỏ tươi, những ngôi nhà lầu hai, ba tầng xinh xắn, khang trang, đẹp đẽ đã mọc lên san sát như ở phố. Những ngôi nhà tranh đang dần dần lùi vào dĩ vãng. Đèn điện sáng trưng, không chỉ ở trong nhà mà cả ngoài đường. Không còn cảnh tối om phải dò dò từng bước trong đêm như trước đây nữa. Bắt đầu có những quán nhạc xập xình với những bóng đèn xanh đỏ nhấp nháy như ở trong thành phố. Điều này thì em không thích lắm vì nó làm mất đi sự tĩnh lặng của làng quê.
 
Một ống khói cao ngất đã mọc lên ở phía chân núi Trà Linh, ông nội bảo rằng đó là nhà máy đường, mới xây dựng được vài năm. Hèn gì trên đường về em thấy cơ man là mía, bạt ngàn. Nhà nội em cũng có hẳn một máy tuốt lúa. Trước đây lúa gặt về phơi ở sân phải dùng trâu kéo mới rã được hạt khỏi bông. Nay chỉ cần bỏ vào máy chạy ù một lúc là xong, rơm, hạt riêng rẽ sạch sẽ, phần nào ra phần ấy. Cơm vì vậy mà không còn sạn như ngày trước nữa. Hạt gạo cứ trắng ngần. Nội bảo trong xóm cứ vài nhà là có một cái.
 
Ngay chính giữa xã là nhà văn hoá vừa mới khánh thành cao ráo rộng rãi và rất phong phú về hình thức sinh hoạt: Bài chòi, tổ tôm, võ, trò chơi, hội diễn văn nghệ, thi kể chuyện cho thiếu nhi... Lúc nào cũng tấp nập người đến sinh hoạt.
 
Đã có rất nhiều người đi xe máy, tiếng xe nổ giòn giã và cả ồn ào nữa, ngồi trên xe thường là các anh chị đã đi làm, mặt tươi như hoa, những chiếc xe đạp vẫn còn nhưng ít hơn thường là các cô chú đã lớn tuổi. Tối đến nhà nào cũng quây quần bên chiếc ti vi, không còn cái cảnh kéo nhau sang nhà hàng xóm xem nhờ như trước đây. Nhà nội em có tới những hai chiếc. Một chiếc để ông bà xem cải lương còn một chiếc cô chú và mấy em nhỏ xem chương trình thể thao và ca nhạc.
 
Có một điều mà em không thích trước sự thay đổi của quê nội là dòng sông Trường Giang hiền hoà trong xanh không còn nữa. Nó đã bị ngăn ra từng khúc để nuôi trồng thuỷ sản. Em nhìn dòng sông mà xót xa bồi hồi. “Chảy đi sông ơi!” Dòng sông dường như cũng nghẹn ngào tức tưởi phân bua: Tôi không thể chảy được nữa rồi!
 
Chia tay quê nội vào một sáng rực nắng. Kẻ xa quê này hẹn ngày trở lại trong dịp nghỉ hè năm tới.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây