© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Hướng dẫn trả lời câu hỏi GDCD 6, bài số 4: Lễ độ

Thứ bảy - 01/04/2017 00:26
Hướng dẫn trả lời câu hỏi GDCD 6, bài số 4: Lễ độ, Em Thuỷ
Câu hỏi: Trước khi đi học, ra khỏi nhà, việc đầu tiên em thường làm là gì?
 
Trước khi đi học, em chào ông bà, cha mẹ rồi mới đi.
 
Câu hỏi: Đến trường, khi cô giáo vào lớp, việc đầu tiên các em làm là gì?
 
Cả lớp đứng nghiêm chào cô giáo.
 
Câu hỏi: Khi vào lớp, cô giáo đứng nghiêm chào các em thể hiện điều gì?
 
Thái độ của cô giáo thể hiện sự tôn trọng, lịch sự đối vói học sinh.
 
Câu hỏi: Câu khẩu hiệu treo trên tường lớp học “Tiên học lễ, hậu học văn”. Em hiểu “lễ” ở đây là gì?
 
“Lễ” ở đây là lễ nghĩa đạo đức, đến trường học sinh phải học lễ nghĩa trước rồi mới học văn hóa sau.
 
Câu hỏi: Những hành vi trên thể hiện điều gì?
 
Những hành vi trên thề hiện người có lễ độ.
 
Câu hỏi: Em hãy kể lại những việc làm của Thủy khi khách đến nhà.
 
Trước hết, Thủy giới thiệu khách với bà nội, sau đó:
 
- Thủy nhanh nhẹn kéo ghế mời khách ngồi.
- Thủy đi pha trà.
- Thủy rót nước mời bà, mời khách (đưa bằng hai tay).
- Thủy xin phép bà ngồi nói chuyện với khách.
- Thủy giới thiệu về bố, mẹ mình cho khách.
- Thủy vui vẻ kể lại chuyện học hành, hoạt động Đoàn, Đội ở lớp, ở trường.
- Thủy tiễn khách và hẹn gặp lại.
 
Câu hỏi: Em có nhận xét gì về cách cư xử của Thủy?
 
- Thủy nhanh nhẹn, khéo léo, lịch sự khi tiếp khách.
- Thủy biết tôn trọng bà và khách.
- Thủy đã làm vui lòng khách và để lại ấn tượng tốt đẹp.
 
Câu hỏi: Những hành vi, việc làm của Thủy thể hiện đức tính gì?
 
Những hành vi, việc làm của Thủy thể hiện Thủy là một học sinh ngoan, lễ phép.
 
Câu hỏi: Em học tập ở bạn Thủy điều gì?
 
Em học tập Thủy sự khéo léo, lịch sự, sự ân cần, vui vẻ trong khi tiếp khách, sự lễ phép, tôn trọng, quý mến của mình đối với mọi người.
 
Câu hỏi:  Theo em, như thế nào là người có thái độ đúng trong quan hệ giao tiếp?
 
Có thái độ đúng trong quan hệ giao tiếp là người luôn lễ phép, lịch sự, tôn trọng người đối diện với mình (học sinh đối với thầy cô giáo, con cháu đối với ông bà, cha mẹ, người già, người lớn tuổi, bạn bè với nhau...).
 
Câu hỏi: Hạnh và An là hai người bạn thân cùng học một khối lớp 6, nhưng hai người học khác lớp. Một hôm, cả hai đi siêu thị sách gặp thầy giáo dạy thể dục của lớp Hạnh. Hạnh lễ phép chào thầy giáo, còn An không chào mà chỉ đứng im, khi thầy giáo đi qua, Hạnh hỏi An: “Sao bạn không chào thầy giáo”. An trả lời: “Vì thầy không dạy lớp mình!”. Em có nhận xét gì về cách cư xử của Hạnh và An?
 
Hạnh có cách cư xử lịch sự, lễ độ đối với thầy giáo. Còn An cư xử thể hiện sự thiếu lễ độ dối với thầy giáo.
 
Câu hỏi: Một hôm, Dũng và Thắng đang trên đường đến trường, cả hai rất sợ bị trễ học vì trường còn xa, nếu đến trễ lớp sẽ bị sao đỏ trừ điểm thi đua của lớp. Đang đi, bỗng cả hai phát hiện một chú thương binh chuẩn bị sang đường. Cả hai dừng lại:
 
- Dũng bảo Thắng: Chúng minh đưa chú qua đường nhé.
- Thắng trả lời: Như vậy sẽ bị trễ học, cô giáo sẽ phạt đấy.
- Dũng nói: Dù bị trễ học, chúng mình vẫn dắt chú qua đường rồi tiếp tục đi học.

Em có nhận xét gì về thái độ của Dũng và Thắng?
 
- Dũng có cách cư xử đúng mực, lễ độ, quan tâm đến người khác.
- Thắng cư xử chưa đúng, thiếu lịch sự, thiếu sự quan tâm đến người khác.
 
Câu hỏi: Thế nào là lễ độ?
 
Lễ độ là cách cư xử đúng mực của mỗi người trong khi giao tiếp với người khác.
 
Câu hỏi: Đối với ông bà, cha mẹ, biểu hiện sự lễ độ của em là như thế nào?
 
Biểu hiện sự lễ độ của em đối với ông bà, cha mẹ là tôn kính, biết ơn, biết vâng lời.
 
Câu hỏi: Đối với anh chị em trong gia đình, biểu hiện sự lễ độ của em là gì?
 
Đối với anh chị em trong gia đình, biểu hiện của lễ độ là sự quý trọng, đoàn kết, hòa thuận.
 
Câu hỏi: Đối với thầy cố giáo, biểu hiện sự lễ độ của em là gì?
 
Đối với thầy cô giáo, biểu hiện sự lễ độ của em là kính trọng, lễ phép, biết vâng lời.
 
Câu hỏi: Đối với người già cả, lớn tuổi, biểu hiện sự lễ độ của em là gì?
 
Đối với người già cả, lớn tuổi, sự lễ độ của em là kính trọng, lễ phép, biết vâng lời.

Câu hỏi: Đối với chú bác, cô dì, họ hàng ruột thịt, biểu hiện sự lễ độ của em là gì?
 
Đối với chú bác, cô dì, họ hàng ruột thịt, biểu hiện sự lễ độ của em là quý trọng, gần gũi, chào hỏi đúng phép.
 
Câu hỏi: Theo em, những biểu hiện như thế nào là người lễ độ?
 
- Lễ độ thể hiện ở sự tôn trọng, hòa nhã, quý mến đối với mọi người.
- Lễ độ là biểu hiện của người có văn hóa, có đạo đức.
 
Câu hỏi: Em hãy tìm những hành vi trái với lễ độ và biểu hiện của hành vi đó.
 
- Trái với lễ độ là thái độ vô lễ. Hành vi biểu hiện là: cãi lại ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo và người lớn tuổi...
 
- Trái với lễ độ người có thái độ biểu hiện là lời ăn tiếng nói thiếu văn hóa, biểu hiện hành vi là lời nói, hành động cộc lốc, xấc ngược, xúc phạm đến mọi người.
 
- Trái với lễ độ là người có thái độ ngông nghênh, biểu hiện là cậy học giỏi, cậy có tiền có của, có địa vị xã hội, coi thường người khác.
 
Câu hỏi: Em hãy giải thích câu thành ngữ: “Đi thưa về dạ”.
 
Là con cháu trong gia đình, khi đi phải xin phép, khi về phải chào hỏi.
 
Câu hỏi: Giải thích câu thành ngữ: “Kính trên nhường dưới”.
 
Đối với bề trên phải kính trọng, đối với người dưới phải nhường nhịn.
 
Câu hỏi: Em hiểu thế nào là: “Tiên học lễ, hậu học văn”?
 
Chữ “lễ” ở đây theo nghĩa rộng là đạo đức, học đạo làm người trước rồi mới học kiến thức văn hóa, kiến thức khoa học sau.
 
Câu hỏi: Ý nghĩa của lễ độ là gì?
 
Lễ độ là biểu hiện của người có văn hóa, có đạo đức, giúp cho quan hệ giữa con người với con người trở nên tốt đẹp hơn, góp phần làm cho xã hội tiến bộ, văn minh.
 
Câu hỏi: Em hãy giải thích câu ca dao sau:

“Lời nói không mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
 
Lời ăn tiếng nói đẹp là biểu hiện của người có văn hóa trong khi giao tiếp biết lựa chọn mức độ biểu lộ sự lễ độ, tôn kính, quan tâm đối với người giao tiếp trong những hoàn cảnh khác nhau. Dù trong quá trình giao tiếp không vừa lòng nhau thì phải ứng xử như thế nào để chứng tỏ mình là người có văn hóa.
© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây