© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh khối 8 qua văn bản nhật dụng và văn học nước ngoài

Thứ ba - 01/02/2022 09:06
Dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh khối 8 qua văn bản nhật dụng và văn học nước ngoài
Việc hình thành và nâng cao năng lực trong việc học của học sinh cũng  sẽ đạt hiệu quả cao trong các tiết học văn bản nhật dụng, bởi những văn bản nhật dụng thường có nội dung gần gũi, bức thiết với cuộc sống trước mắt của con người và cộng đồng trong xã hội hiện đại như: thiên nhiên, môi trường, dân số, các tệ nạn,...

DẠY HỌC THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC HỌC SINH KHỐI 8
QUA CÁC VĂN BẢN NHẬT DỤNG 
VÀ VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI

  

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

       Hiện nay việc giáo dục thiên về phát triển năng lực cho học sinh là rất cần thiết. Bởi lẽ, việc hình thành và phát triển đầy đủ các năng lực  sẽ là nhịp cầu giúp học sinh biến kiến thức thành thái độ, hành vi và thói quen tích cực, lành mạnh. Người có năng lực sẽ luôn vững vàng trước những khó khăn, thử thách; biết ứng xử, giải quyết vấn đề một cách tích cực và phù hợp, hiệu quả.
      Môn ngữ văn là môn học đặc trưng để giúp học sinh có được những năng lực cần thiết trong cuộc sống.Ở đây tôi xin đề cập đến việc dạy học hình thành và nâng cao các  năng lực cho học sinh ở các văn bản văn học nước ngoài và văn bản nhật dụng trong chương trình ngữ văn 8 bởi:  Văn học nước ngoài là một bộ phận quan trọng trong chương trình Ngữ văn 8 Cùng với văn học dân tộc, văn học nước ngoài đã góp phần tạo điều kiện cho học sinh mở rộng tầm nhìn và khả năng cảm thụ tinh hoa văn hoá nhân loại, hiểu biết thêm về cuộc sống và tài năng sáng tạo của các dân tộc từ đó hiểu rõ hơn đất nước, dân tộc và văn hoá dân tộc đồng thời phát triển tinh thần quốc tế và ý thức về cộng đồng văn hoá nhân loại. Đó là những sáng tác được chọn lọc trong kho tàng văn học của các dân tộc. Nói rộng ra đó là tinh hoa văn hoá nhân loại đủ sức vượt qua sự thử thách khắc nghiệt của thời gian, của không gian đến với chúng ta hôm nay. Và cho đến các tác phẩm văn chương nổi tiếng của các nhà văn lớn của các dân tộc cũng là của thế giới như Đôn- ki-hô-tê” của (Xéc-van-tét), Cô bé bán diêm của (An-đéc-xen), Chiếc lá cuối cùng của (OHen-ry), Và đó là những tác phẩm rất giàu giá trị nhân văn, giàu tinh thần dân tộc  có tác dụng rất lớn trong việc giáo dục tình cảm cao đẹp, bồi dưỡng tâm hồn trong sáng và ý thức vươn tới điều chân, thiện, mĩ để phát triển và hoàn thiện nhân cách cho học sinh.
       Việc hình thành và nâng cao năng lực trong việc học của học sinh cũng  sẽ đạt hiệu quả cao trong các tiết học văn bản nhật dụng, bởi những văn bản nhật dụng thường có nội dung gần gũi, bức thiết với cuộc sống trước mắt của con người và cộng đồng trong xã hội hiện đại như: thiên nhiên, môi trường, dân số, các tệ nạn,... Học văn bản  này, học sinh sẽ được tiếp cận với những vấn đề nóng bỏng mang tính thời sự cấp thiết của cuộc sống hiện đại, các vấn đề đang nóng lên những hồi chuông cảnh báo, khiến dư luận xã hội bức xúc. Trên cơ sở đó, học sinh hình thành được những nhận thức và cách ứng xử phù hợp với yêu cầu của cuộc sống. Từ đó, học sinh rèn luyện hành vi có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội. Đồng thời, giúp học sinh có khả năng ứng phó tích cực trước các tình huống của cuộc sống, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với gia đình, bạn bè và mọi người; sống tích cực, chủ động, an toàn hài hòa và lành mạnh nhằm xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho hiện tại và tương lai.

II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
1. Thực trạng

          Việc dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh, lấy học sinh làm trung tâm không còn là vấn đề mới mẻ ở nhà trường và đặc biệt là với bộ môn Ngữ văn. Nó đã được thực hiện và trở thành một trong những giờ học lồng ghép nhiều kĩ năng có hiệu quả khá cao ở trường Trung học cơ sở. Song, qua khảo sát khá nhiều tiết dạy văn văn học nước ngoài và các văn bản nhât dụng trong chương trình chính khóa Ngữ văn lớp 8 ở trong năm học vừa qua, cũng như qua trao đổi ý kiến với các giáo viên và học sinh sau các tiết dạy và trong thực tế quan sát, điều tra của mình, có thể thấy nổi bật một số thực trạng xung quanh việc dạy học  theo hướng phát triển năng lực học sinh  trong dạy học văn bản văn học nước ngoài như sau:
          -  Giáo viên còn thiên về việc giảng giải, tìm hiểu vẻ đẹp, cái hay của một tác phẩm văn chương, khai thác vẻ đẹp của câu từ, hình ảnh, các thủ pháp nghệ thuật tạo nên sức hấp dẫn của văn bản, nên thường sa vào phương pháp thuyết trình. Chưa thật sự chú trọng đến việc rèn luyện,hình thành  các kỹ năng sao  cho  học sinh trở thành hệ thống, thành thói quen, thành nếp nghĩ luôn thường trực trong ý thức hoặc có thì cũng chỉ mới dừng ở mức độ đơn giản. 
- Hơn nữa, trong thực tế dạy và học tác phẩm văn chương nước ngoài ở trung học cơ sở hiện nay gặp rất nhiều khó khăn mà trước hết khó khăn lớn nhất là khoảng cách khá lớn về không gian và thời gian, về lịch sử và tâm lý. Đứng trước nhiều tác phẩm văn chương nước ngoài, nhiều học sinh cảm thấy vô cùng xa lạ. Nếu không được giải thích, hướng dẫn thì trong tiếp cận khó mà hiểu, cảm nổi.
- Học sinh còn rụt rè, chưa mạnh dạn và chủ động trong việc tìm hiểu về các vấn đề được đặt ra trong các Văn bản , mặc dù những vấn đề này rất gần gũi và bức thiết (vấn đề: ô nhiễm môi trường, các tệ nạn xã hội, dân số...). học sinh chưa thật sự đề cao việc học và còn khá xa lạ với việc rèn luyện kĩ năng cũng như các năng lực cơ bản  cho mình nên chẳng mặn mà lắm về những vấn đề ấy, có thái độ sống thờ ơ, bàn quan dẫn đến các hành vi thiếu đúng đắn.

2. Các giải pháp đã tiến hành để giải quyết vấn đề
2.1. Năng lực giải quyết vấn đề:

- Năng lực giải quyết vấn đề :là khả năng của cá nhân biết quyết định lựa chọn phương án tối ưu và hành động theo phương án đã chọn để giải quyết vấn đề hoặc tình huống gặp phải trong cuộc sống.Giải quyết vấn đề này học sinh cần có các năng lực như :giao tiếp ,tư duy sáng tạo …
       Để việc giáo dục có hiệu quả, Giáo viên rất thận trọng trong việc tạo và lựa chọn tình huống, sao cho thật tự nhiên và thiết thực nhất để các em có thể tự đưa ra quyết định của mình. Từ những quyết định của học sinh, Giáo viên sẽ khéo léo phân tích đúng - sai, thích hợp - không thích hợp, nên - không nên ...Từ đó giúp các em có kinh nghiệm và thận trọng hơn khi đưa ra một quyết định nào đó cho bản thân.
          Ví  dụ như qua văn bản "Ôn dịch, thuốc lá". Ở văn bản này, tôi sẽ chú trọng phân tích và làm rõ về những tác hại của thuốc lá bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin với những hình ảnh sinh động, phong phú cùng với việc phân tích những thông số xác thực nhằm tăng tính thuyết phục. Khi các em đã có được nền tảng cơ sở của kiến thức, tôi sẽ dẫn dắt các em đến với các tình huống. Cụ thể:
Tình huống : Nếu em gặp một người hút thuốc lá ngồi bên cạnh mình em sẽ làm gì?
Ở tình huống này tôi sẽ cho học sinh trao đổi thảo luận theo nhóm, bằng cách chia học sinh thành 4 nhóm, với 4 trường hợp sau:
  • Nhóm 1:  đối tượng ngồi bên cạnh em là một cụ già ở gần nhà em.
  • Nhóm 2: đối tượng ngồi bên cạnh em là một người không quen biết.
  • Nhóm 3: đối tượng ngồi bên cạnh em là bố của mình.
  • Nhóm 4: đối tượng ngồi bên cạnh em là một người bạn thân.
Sau khi nghe học sinh trình bày cách giải quyết vấn đề, giáo viên nên cảm ơn sự hợp tác tham gia của các em, dù đó có thể là những cách giải quyết đúng đắn, thích hợp hay còn lệch lạc, chưa thích hợp. Cách làm này sẽ tạo ra không khí thoải mái, vui tươi, cởi mở đồng thời giúp các em có được sự tự tin hơn khi nghĩ rằng quyết định của mình không đến nỗi nào, từ đó các em sẽ mạnh dạn và tích cực hơn trong việc đưa ra quyết định. Tiếp theo, giáo viên sẽ phân tích và nhận xét về cách giải quyết của từng nhóm, giúp các em nhận biết được cách giải quyết nào là phù hợp để có sự lựa chọn đúng đắn nếu gặp lại tình huống ấy trong thực tế của cuộc sống. Từ đó, cần định hướng rõ ràng cho học sinh bằng cách  đưa ra một số giải pháp tối ưu nhất và chỉ rõ nguyên nhân vì sao lại chọn giải pháp đó.
          Chẳng hạn, ở trường hợp của nhóm 2, giáo viên sẽ đưa giải pháp: Khi gặp trường hợp này các em nên chọn cách đưa ra một lời đề nghị với thái độ hết sức lịch sự, bởi vì đối tượng của em lúc này là một người mà em chưa từng quen biết, cụ thể: Xin lỗi, chú (hoặc anh, ông... tùy thuộc vào độ tuổi để chọn cách xưng hô phù hợp nhất) có thể ra chỗ trống ngoài kia hút được không ạ?. Hay ở trường hợp của nhóm 3, với đối tượng là bố, người có mối quan hệ ruột thịt và giữ vai xã hội là bề trên nên học sinh có thể lựa chọn cách đưa ra một lời khuyên, nhưng cần giữ đúng thái độ lễ phép, chân thành, tha thiết, cụ thể: Bố ơi, hút thuốc có hại cho sức khỏe lắm, bố đừng hút thuốc nữa, bố nhé!
Trên cơ sở đó, giáo viên sẽ nâng cao khả  năng giải quyết vấn đề  cho học sinh bằng tình huống phức tạp, muốn giải quyết, các em phải có sự lựa chọn và suy xét thận trọng. Chẳng hạn: Khi gặp một người bạn cùng lớp (hoặc cùng địa phương) rủ rê, lôi kéo vào việc hút thuốc lá thì em sẽ làm gì?
Ở tình huống này, phần đông học sinh sẽ chọn giải pháp là từ chối một cách nhanh chóng, ít đắn đo, vì các em vừa mới nhận thức được những tác hại của thuốc lá qua việc đọc - hiểu văn bản. Khi các em có lựa chọn ấy, giáo viên nên khen vì các em đã vận dụng kiến thức bài học vào thực tế để có được quyết định đúng đắn. Tuy nhiên, đó chỉ là bước đệm cho tình huống tiếp theo.
Giáo viên sẽ khôn khéo dẫn dắt các em đến với tình huống phức tạp hơn mà các em vẫn không hề thấy khó chịu, ngược lại HS sẽ tiếp tục tham gia một cách rất tự nhiên, không gượng ép.  
Giáo viên tiếp tục với tình huống: Quyết định vừa rồi của các em rất đúng đắn nhưng nếu người bạn ấy không bỏ cuộc, vẫn cố tình lôi kéo bằng những lời như "Ôi, mày đúng là con nít, còn nhát gan lắm! sợ chứ gì? Phải hút thuốc như tao đây mới là thanh niên, là người lớn, mới là dân sành điệu, chịu chơi..." . Đây là tình huống khá nhạy cảm nhưng rất thực tế vì đã đánh đúng vào tâm lí lứa tuổi của các em, đặc biệt học sinh nam lớp 8 đang ở độ tuổi muốn khẳng định, chứng tỏ mình và cũng là độ tuổi rất dễ bị kích động, nên sẽ có tác dụng giáo dục rất cao. 
Đứng trước tình huống này, chắc chắn học sinh sẽ đưa ra nhiều giải pháp khác nhau, có thể các giải pháp đó là trái chiều. Điều ấy sẽ tạo được không khí sôi nổi và hứng thú hơn cho giờ học, cũng như sẽ hữu ích hơn cho việc rèn luyện khả năng giải quyết vấn đề. Với những học sinh có suy nghĩ chính chắn, biết làm chủ bản thân, chắc chắn sẽ đưa quyết định: vẫn giữ được thái độ bình tĩnh và kiên quyết từ chối lời rủ rê của đối phương, đồng thời sẽ biết cách lựa lời để phân tích cho bạn hiểu rõ được tác hại của việc hút thuốc lá và quan trọng nhất là chỉ ra cho bạn thấy được suy nghĩ và hành vi nhằm chứng tỏ mình của bạn ấy là hoàn toàn sai trái, bởi hút thuốc lá không thể khẳng định đựợc mình đã trở thành người lớn. Còn những học sinh có tính khí nóng nảy, không biết cách làm chủ bản thân và không kiểm soát, kiềm chế được cảm xúc, chắc chắn sẽ đưa ra những quyết định thiếu tích cực, thậm chí là tiêu cực, như: dễ dàng bị lôi kéo theo lời kích động của bạn, vì bản thân cũng đang muốn được chứng tỏ mình: "nó hút được thì mình cũng hút được, mình đã là người lớn rồi mà", hoặc sẽ đáp trả lại bằng cách văng tục, chửi thề, thậm chí là ẩu đả...
       Ở tình huống trên, dù học sinh lựa chọn cách giải quyết nào, giáo viên cũng khoan vội phê phán, chỉ trích hay khen ngợi mà nên để cho học sinh nam tự phân tích về cách giải quyết của nhau, tự lí giải vì sao mình lại có quyết định đó. Hoạt động này sẽ giúp các em thật sự được rèn giũa và thực nghiệm với kỹ năng ra quyết định.
          - So sánh các phương án để quyết định lựa chọn phương án tối ưu nhất.
          Sau khi ứng dụng giải pháp này trong tiết dạy văn bản "Ôn dịch, thuốc lá", chúng tôi thấy học sinh tiếp nhận kiến thức bài học rất nhanh chóng và thấu đáo với một trạng thái đầy sự hứng thú. Đặc biệt, học sinh đã chủ động và mạnh dạn hơn khi bày tỏ ý kiến cá nhân hay khi đưa ra quyết định giải quyết vấn đề  của bản thân.

2.2 Năng lực tư duy sáng tạo.

 Năng lực tư duy sáng tạo: Là khả năng nhìn nhận và giải quyết vấn đề theo một cách mới ,với ý tưởng mới ,theo phương thức mới,cách sắp xếp và tổ chức mới.năng lực này giúp con người  có tư duy năng động với nhiều sáng kiến và óc tưởng tương,biết cách phán đoán và có tầm nhìn xa rộng.
Ví dụ :sau khi học xong văn bản “Cô bé bán diêm”của nhà văn (An-đéc-xen),ta có thể đặt ra câu hỏi “Nếu em là người qua đường chứng kiến cảnh cô bé bán diêm em sẽ có suy nghĩ và hành động như thế nào?hay em hãy viết lại kết thúc truyện cô bé bán diêm ? những câu hỏi này học sinh sẽ làm việc và phát huy được năng lực tư duy sáng tạo của mình.dù cho học sinh trả lời như thế nào thì giáo viên cũng nên động viên khích lệ hs với những ý kiến sáng tạo không nên áp đặt.

2.3. Giáo dục năng lực hợp tác.

          Năng lực hợp tác là khả năng cá nhân biết sẻ chia trách nhiệm, biết cam kết và cùng làm việc có hiệu quả với những thành viên khác trong nhóm.
Một số biểu hiện của người có kĩ năng hợp tác: tôn trọng mục đích, hoạt động chung của nhóm; biết bày tỏ ý kiến, tham gia xây dựng, lắng nghe ý kiến quan điểm của mọi người trong nhóm, phát huy năng lực, sở trường của bản thân để hoàn thành tốt nhiệm vụ đã được phân công. Biết hỗ trợ, giúp đỡ các thành viên khác trong quá trình hoạt động
  Năng lực hợp tác là một yêu cầu quan trọng đối với học sinh cũng như với một công dân trong xã hội hiện đại, vì:
- Mỗi người đều có những điểm  mạnh và hạn chế riêng. Sự hợp tác trong công việc giúp mọi người hỗ trợ, bổ sung cho nhau, tạo nên sức mạnh trí tuệ, tinh thần và thể chất, vượt qua khó khăn, đem lại chất lượng và hiệu quả cao hơn cho công việc chung.
- Năng lực hợp tác còn giúp cá nhân sống hài hòa và tránh xung đột trong quan hệ với người khác.
Ví dụ:
  • Điều tra tình hình dân số của địa phương _ văn bản "Bài toán dân số"
  • Dân số tăng nhanh gây hậu quả gì?
  • Quan sát thực trạng môi trường của địa phương và vẽ tranh cổ động kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ môi trường _ văn bản "Thông tin về Ngày Trái Đất năm 2000"
Hoặc, chia nhóm theo khả năng đặc biệt.
Ví dụ:
  • Vẽ tranh cổ động và thuyết trình về ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường của địa phương _ văn bản "Thông tin về Ngày Trái Đất năm 2000"
  • Vẽ tranh cổ động và thuyết trình về các tệ nạn xã hội ở địa bàn cư trú của em _ văn bản "Ôn dịch, thuốc lá".
          Tạo nhóm phù hợp đồng nghĩa với việc tạo ra môi trường hợp tác thuận lợi cho học sinh phát huy được những điểm mạnh của mình, cũng như hỗ trợ được những điểm yếu của bạn cùng nhóm. Chẳng hạn, với văn bản "Thông tin về Ngày Trái Đất năm 2000", giáo viên có thể ra yêu cầu bài tập chuẩn bị ở nhà với hình thức là hợp tác nhóm: Hãy tìm hiểu và thuyết minh về thực trạng môi trường ở địa phương. Từ đó, vẽ tranh tuyên truyền kêu gọi mọi người hãy nâng cao ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường. Từ yêu cầu của bài tập đó, giáo viên nên lựa chọn cách phân nhóm theo khả năng: chia lớp thành 4 nhóm. Mỗi nhóm có ít nhất một học sinh giỏi Mĩ thuật để nhận nhiệm vụ vẽ tranh tuyên truyền; học sinh giỏi Văn sẽ viết bài trình bày về thực trạng môi trường ở địa phương; học sinh giỏi Địa sẽ chịu trách nhiệm thống kê tình trạng ô nhiễm môi trường ở từng thôn, xóm; học sinh có khả năng thuyết trình để trình bày trước lớp……….
          Trong thực tế thực hiện, tôi nhận thấy học sinh rất hứng thú hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau, vì ai cũng được thể hiện thế mạnh của mình, từ đó các em nỗ lực hết sức để thực hiện một cách rất tự tin. Đặc biệt, khi nhận được kết quả đánh giá từ giáo viên, học sinh đều cảm thấy hài lòng và thỏa mãn, vì sự đóng góp sức của mình. Các em càng biết tôn trọng và đánh giá cao sự hợp tác của nhau.
 

2.4. Giáo dục năng lực tự quản bản thân.

      Năng lực tự quản bản thân:  Là làm chủ cảm xúc,suy nghĩ và hành động hướng vào mục tiêu phù hợp với hoàn cảnh,Tự đánh giá, điều chỉnh hành động phù hợp với những tình huống mới. Trong bộ môn ngữ văn HS cần biết xác định các kế hoạch hành động cho cá nhân và chủ động điều chỉnh kế hoạch để đạt được mục tiêu đặt ra, nhận biết những tác động của ngoại cảnh đến việc tiếp thu kiến thức và rèn luyện kĩ năng của cá nhân để khai thác, phát huy những yếu tố tích cực, hạn chế những yếu tố tiêu cực, từ đó xác định được các hành vi đúng đắn, cần thiết trong những tình huống của cuộc sống.
Để giúp học sinh tự  quản và nhận thức đúng về bản thân, chúng ta cần tạo cho các em có được sự trải nghiệm qua thực tế, đặc biệt là giao tiếp với người khác,để thực hiện việc này tôi thường xuyên tìm cách nói chuyện thật nhiều với các em theo những vấn đề có định hướng, để các em có thể cởi mở và mạnh dạn bày tỏ những suy nghĩ của bản thân.
Ví dụ:
Trước khi dạy văn bản nhật dụng "Bài toán dân số", tôi sẽ tạo ra một không khí thật gần gũi và thân mật bằng hình thức trò chuyện với học sinh. Giáo viên có thể là người đầu tiên tự bộc bạch về gia đình mình, sau đó sẽ hỏi thăm học sinh bằng những câu hỏi, như: Nhà em có đông anh em không? Ba mẹ làm gì? Gia đình có mấy gái mấy trai? Cảm giác của em như thế nào khi có một gia đình (đông, ít anh em ) như thế?
Với những câu hỏi đơn giản, chắc chắn học sinh sẽ không khó để trả lời. Nhưng chính những câu hỏi ấy lại tạo được môi trường gần gũi, thân thiện cho các em tự bộc bạch bản thân một cách thoải mái và tự nhiên. Khi đó, các em sẽ không còn ngần ngại để bày tỏ chính mình. Lúc này, giáo viên có thể đưa ra những câu hỏi mang tính đào sâu hơn: Em có mong muốn  được sống trong một gia đình như bạn A, B, C không? (lấy một vài gia đình điển hình nhất trong lớp để làm ví dụ), Nếu cho em có quyền lựa chọn, em sẽ chọn được sống trong một gia đình như thế nào?, Vì sao em lại có chọn lựa đó? ... từ đó, dần dần các em sẽ  hình thành và kiểm soát được cảm xúc cũng như mong muốn của bản thân, qua đó biết  cách đánh giá sự việc, đây chính là bước đệm rất tốt để các em có thể nắm bắt được những vấn đề được đặt ra trong bài học như văn bản sự bùng nổ dân số và những hậu quả của nó; nâng cao ý thức tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình.
    

2.5 Năng lực giao tiếp tiếng Việt:

        Năng lực giao tiếp tiếng Việt: Là sử dụng tiếng Việt một cách phù hợp và hiệu quả trong tình huống giao tiếp . Năng lực giao tiếp trong các nội dung dạy học ngữ văn  được thể hiện ở 4 kĩ năng cơ bản: nghe, nói, đọc, viết  và khả năng ứng dụng các kiến thức và kĩ năng ấy vào các tình huống giao tiếp khác nhau trong cuộc sống.
 

2.6 . Năng lực thưởng thức văn học,cảm thụ thẩm mĩ.

  Năng lực thưởng thức văn học,cảm thụ thẩm mĩ: là biết nhận diện, thưởng thức và đánh giá cái đẹp trong văn học và cuộc sống, biết làm chủ cuộc sống, biết làm chủ cảm xúc của bản thân, biết hành động hướng theo cái đẹp, cái thiện- cảm nhận vẻ  đẹp ngôn ngữ, nhận ra những giá trị thẩm mĩ trong văn học, biết rung cảm,hướng  thiện đây cũng là năng lực căn bản và cuối cùng trong việc dạy học ngữ văn . Chẳng hạn, với "chiếc lá cuối cùng" của O.Henry trong ngữ văn 8. Hình tượng “chiếc lá cuối cùng” không chỉ gợi lại ở đó mà còn gợi ta đến tấm lòng của người nghệ sĩ nghèo của nước Mĩ mà đặc biệt là tấm lòng của bác Bơ- men đã tạo lên kiệt tác “chiếc lá cuối cùng”. Câu chuyện ngợi ca tình cảm trong sáng, cao đẹp của những nghệ sĩ chân chính, ca ngợi sự hy sinh quên mình của cụ Bơ- men để vẽ chiếc lá, cứu sống Giôn- xy,và hơn nữa văn bản toát lên một tinh thần nhân văn sâu sắc bởi cuộc sống  nhân loại cần có tình yêu thương và lòng nhân ái.
 

III. KẾT LUẬN

    Để giảng dạy đạt hiệu quả cao, đòi hỏi người dạy phải luôn có tư duy sáng tạo và đổi mới. Thể hiện rõ trong việc sử dụng phương pháp phù hợp để thực hiện các hoạt động dạy và học, để  thông qua bộ môn,học sinh có khả năng kết hợp một cách linh hoạt  kiến thức, kỹ năng với thái độ,tình cảm, động cơ cá nhân… nhằm đáp ứng hiệu quả một số yêu cầu phức hợp của hoạt động trong một số hoàn cảnh nhất định. Một trong những vấn đề  quyết cho sự thành là  chọn đúng nội dung, phù hợp với đối tượng được giáo dục nên tôi đã rất thận trọng trong việc tích hợp giáo dục các kĩ năng để hình thành năng lực  cho học sinh trong quá trình tìm hiểu một số văn bản nhật dụng và văn học nước ngoài trong chương trình ngữ văn 8.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây