© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 – 1954 và chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Thứ tư - 22/11/2017 02:55
Cuộc kháng chiến thắng lợi. Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 – 1954 và chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
1. Kế hoạch Nava và chiến lược của ta trong đông- xuân 1953-1954
a. Hoàn cảnh ra đời, nội dung của kế hoạch quân sự Nava

* Hoàn cảnh:

- Sau 8 năm kháng chiến, lực lượng của ta ngày càng lớn mạnh, thu được nhiều thắng lợi trên các mặt trận chính trị, kinh tế, quân sự và ngoại giao. Trên mặt trận quân sự, ta giành được quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính ở Bắc Bộ: mở một loạt chiến dịch Trung du, đường số 18, Hà Nam Ninh. Hòa Bình, Tây Bắc, đẩy sâu địch vào thế bị động đối phó, lúng túng.

- Thực dân Pháp càng tiếp tục chiến tranh, càng suy yếu và thất bại nặng nề. Đến năm 1953 số quân địch bị thiệt hại là 39.000 tên. Vùng chiếm đóng bị thu hẹp, kinh tế, tài chính gặp nhiều khó khăn. Nhân dân thế giới và nhân dân Pháp lên án cuộc chiến tranh của Pháp ở Đông Dương.

- Mĩ lợi dụng khó khăn của Pháp ngày càng can thiệp sâu hơn vào Đông Dương.

- Trước tình thế đó, Pháp phải dựa vào sự viện trợ của Mĩ để kéo dài chiến tranh, tìm “thắng lợi” trong quân sự và ra đi trong “danh dự”. Vì vậy, tháng 5/1953 Pháp đã quyết định cử tướng Nava sang làm tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương, kế hoạch quân sự của Nava ra đời.

* Nội dung của kế hoạch Nava:

Kế hoạch quân sự Nava đề ra thực hiện trong 18 tháng và chia ra làm 2 bước:

+ Bước 1. (từ Thu Đông 1953 đến Xuân 1954): Chủ yếu phòng ngự chiến lược ở miền Bắc, thực hiện tiến công chiến lược trên chiến trường miền Nam, đồng thời ra sức mở rộng ngụy quân, tập trung binh lực, xây dựng lực lượng cơ động mạnh.

+ Bước 2: (từ Thu 1954): chuyển lực lượng ra chiến trường Bắc Bộ, thực hiện tiến công chiến lược, cố giành thắng lợi quyết định, buộc Việt Nam phải đàm phán theo những điều kiện có lợi cho chúng.

Để thực hiện kế hoạch, thực dân Pháp tập trung quân cơ động ở chiến trường Đông Dương 84 tiểu đoàn, trong đó ở đồng bằng Bắc Bộ 44 tiểu đoàn, hành động theo khẩu hiệu: “Luôn luôn chủ động, luôn luôn tiến công”, mở nhiều cuộc hành quân càn quét lớn ở Bắc Bộ, Bình Trị - Thiên, Nam Bộ, bình định, bắt lính, phá hoại vùng tự do của ta, tập kích Lạng Sơn, tấn công vùng giáp ở Ninh Bình, Thanh Hóa.

b. Chủ trương chiến lược và các cuộc tiến công quân sự của ta trong đông xuân 1953 – 1954.

* Chủ trương chiến lược

Trước âm mưu và hành động của địch, vào 9/1953 Bộ chính trị, TW Đảng đã thông qua chủ trương chiến lược của ta trong Đông xuân 1953 – 1954.

Tập trung lực lượng mở những cuộc tấn công vào những hướng quan trọng về chiến lược mà địch tương đối yếu, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng đất đai, buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó với ta trên những điểm xung yếu mà chúng ta không thể bỏ. Do phải phân tán binh lực, mà tạo điều kiện thuận lợi mới cho ta tiêu diệt thêm từng bộ phận của chúng. Phương châm chiến lược của ta là: tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt, đánh ăn chắc, tiến ăn chắc, chắc thắng thì đánh cho kỳ thắng, không chắc thì kiên quyết không đánh.

* Các cuộc tiến công quân sự (kế hoạch Nava bước đầu bị phá sản)   

- 11/1953 quân ta tấn công lên thị xã Lai Châu, bao vây Điện Biên Phủ. Sau 10 ngày, quân ta giải phóng toàn bộ thị xã Lai Châu, tiêu diệt 24 đại đội địch. Nava buộc phải điều 6 tiểu đoàn cơ động ở đồng bằng Bắc Bộ lên tăng cường Điện Biên Phủ, biến Điện Biên Phủ thành nơi tập trung quân thứ hai của địch (sau đồng bằng Bắc Bộ).

- Đầu tháng 12/1953 cùng với quân dân Pathét Lào, ta tiến công Trung Lào, giải phóng thị xã Thà Khẹt, tỉnh Khâm Muộng uy hiếp Xê-nô. Địch phải điều quân từ Bắc Bộ sông Xê-nô biến Xê-nô thành nơi tập trung quân thứ ba của địch.

- Đầu tháng 2/1954 ta tấn công địch ở Bắc Tây Nguyên giải phóng Kon tum, uy hiếp Playcu, buộc địch phải điều quân lên Nam Tây Nguyên, biến Playcu trở thành nơi tập trung quấn thứ tư của địch.

Cùng thời gian này, ta tấn công sang Thượng Lào. Quân đội nhân dân Việt Nam và quân Pathét Lào đã tấn công quân địch ở Lưu vực sông Nậm Hu, giải phóng Phong xa lì, uy hiếp Luông Pha băng, địch phải tăng cường cho Luông Pha băng và Mường sài, biến nơi này thành nơi tập trung quân thứ năm của địch.

Ngoài ra, ta còn đẩy mạnh chiến tranh du kích ở vùng sau lưng địch, phá đường giao thông, sân bay, kho tàng của địch, buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó với ta.

Như vậy, kế hoạch tập trung quân cơ động lớn của Nava không thực hiện được do ta tấn công nhiều chiến lược khác nhau, địch buộc phải phân tán lực lượng đối phó với ta ở những vùng xung yếu mà chúng ta không thể bỏ. Kế hoạch Nava bước đầu bị phá sản.

2. Chiến dịch Điện Biên Phủ: (Kế hoạch Nava bị phá sản hoàn toàn)

a. Âm mưu của địch.

Sau khi phát hiện ta tiến lên Tây Bắc ngày 20/11/1953, Pháp cho quân nhảy dù xuống chiếm đóng Điện Biên Phủ. Cả Pháp và Mĩ đều cho rằng Điện Biên Phủ là một địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng bậc nhất ở Đông Dương, có thể trở thành một căn cứ lục, không quân lợi hại.

Pháp và Mĩ tập trung xây dựng Điện Biên Phủ thành lập một tập đoàn cứ điểm hùng mạnh nhất ở Đông Dương gồm: 49 cứ điểm, 2 sân bay được bố trí thành 3 phân khu:

- Phân khu phía Bắc gồm: Độc Lập, Bàn Kéo, Him Lam.

- Phân khu trung tâm: Ở giữa cánh đồng Mường Thanh, nơi đặt cơ quan chỉ huy, có trận địa pháo binh, kho hậu cần, sân bay, tập trung 2/3 lực lượng địch.

- Phân khu phía Nam: gồm một cụm cứ điểm có trận pháo binh và sân bay Hồng Cúm.

Tổng số quân địch ở Điện Biên Phủ lên đến 16.200 tên, phần lớn là quân tinh nhuệ ở Đông Dương. Điện Biên Phủ trở thành trung tâm của kế hoạch Nava. Với cách bố phòng như vậy, các tướng tá Pháp, Mĩ đều nhận xét rằng: “Điện Biên Phủ là một pháo đài không thể công phá”, “Một con nhím khổng lồ” giữa núi rừng Tây Bắc “một véc đoong không thể công phá”

b. Chủ trương của ta.

- Khi Điện Biên Phủ trở thành trung tâm của kế hoạch Nava. Vào tháng 6/12/1953 Trung ương Đảng đã họp và nhận định: Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm mạnh nhưng thế yếu của địch ở Điện Biên Phủ dễ bị cô lập, chỉ có thể tiếp tế bằng đường không.

+ Quân đội ta ngày càng trưởng thành và có kinh nghiệm có thể đánh địch ở tập đoàn cứ điểm.

+ Hậu phương của ta đã vững mạnh, có thể khắc phục những khó khăn đảm bảo chi viện cho chiến trưởng.

- Trên cơ sở phân tích tình hình, TW Đảng đã quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Biến Điện Biên Phủ thành điểm quyết chiến chiến lược giữa ta và địch. Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng địch ở Điện Biên Phủ. Đến ngày 25/1/1954 mọi việc chuẩn bị xong bộ đội ta đã đến vị trí xuất phát tiến công với phương châm lúc đầu: “Đánh nhanh giải quyết nhanh”

Nhưng sau khi cân nhắc kiểm tra kĩ các mặt, đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định thay đổi phương châm tác chiến: Từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc” nhằm đảm bảo yêu cầu thắng lợi.

c. Diễn biến của chiến dịch: Chiến dịch trải qua 3 đợt.

Đợt I: (Từ 13 – 3 đến 17 – 3 - 1954) Quân ta tấn công vào Him Lam và toàn bộ phân khu phía Bắc (Độc Lập, Bản Kéo) tiêu diệt và bắt sống gần 2000 tên địch, phá hủy 26 máy bay. Đợt tấn công này đã làm cho tinh thần của binh lính Pháp ở Điện Biên Phủ suy sụp nhanh chóng.

Đợt II: (Từ 30 – 3 đến 26 – 4 - 1954) quân ta đồng loạt tấn công vào các cao điểm phía Đông khu trung tâm Mường Thanh, như đồi E1, C1, C2, A1. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt nhất là ở đồn A1, C1. Vòng vây khép chặt, dần dần đường tiếp tế bằng hàng không đã bị cắt đứt. Quân địch ở Điện Biên Phủ rơi vào tình thế khốn quẫn.

Đợt III: (Từ ngày 1 – 5 đến ngày 7 – 5 - 1954): Quân ta đồng loạt tấn công vào khu trung tâm Mường Thanh và phân khu phía Nam, lần lượt tiêu diệt các căn cứ đề kháng của địch. Chiều ngày 7 -5 quân ta đánh vào sở chỉ huy địch, đến 17h30 ngày 7 – 5 tướng Đờcát Tơri cùng toàn bộ tham mưu của địch đầu hàng và bị bắt sống. Lá cờ “quyết chiến quyết thắng” của quân dân ta phất phới tung bay trên nóc hầm Đờcat Tơri. Chiến dịch toàn thắng.

d. Kết quả.

- Sau 56 ngày đêm chiến đấu quân ta đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ. Gồm 16.200 tên trong đó có 1 tướng, 16 đại tá.

- Hạ 62 máy bay, thu toàn bộ vũ khí và cơ sở vật chất kỹ thuật của địch.

- Đập tan kế hoạch quân sự Nava và mưu đồ chiến lược của đế quốc Pháp – Mĩ.

e. Ý nghĩa

- Điện Biên Phủ là thắng lợi lớn nhất trong lịch sử của cuộc kháng chiến chống Pháp và là một trong những thắng lợi oanh liệt nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.

- Điện Biên Phủ đã tác động đến quá trình diễn biến của Hội nghị Giơnevơ, quyết định việc chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương.

- Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm nức lòng nhân dân thế giới, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở Á, Phi, Mĩ Latinh, làm lung lay hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân.

- Điện Biên Phủ ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa của thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới một chiến công hiển hách đột phá thành trì hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc.
© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây