© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Nghị luận về một nhân vật văn học sống mãi trong em

Thứ sáu - 02/12/2022 10:04
Nghị luận về một nhân vật văn học sống mãi trong em
Tôi sinh ra và lớn lên tại một vùng biển đầy nắng và gió. Quê hương chảy qua tâm hồn tôi với những tiếng sóng vỗ ầm ào đêm ngày không nghỉ, với tiếng dô hò của những người dân chài đánh cá ngoài khơi xa. Và bỗng nhiên, tôi thấy thèm khát biết bao cái yên bình, tĩnh lặng của một dòng sông.
Sông Hương qua bài bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường đã chảy qua tâm hồn một người con vùng biển là tôi và kết lại thành lớp phù sa khó phai mờ. Với tôi, Sông Hương không phải là một dòng sông đơn thuần mà đó là một nhân vật văn học đã để lại trong tôi những ấn tượng sâu đậm. Sông Hương - đó là một người con gái Huế đẹp dịu dàng và trí tuệ, một nhân vật văn học đặc biệt được tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường mang đến cho nền văn học Việt Nam.

Ai cũng nghĩ rằng một nhân vật văn học phải là một con người cụ thể được miêu tả có tính cách, số phận, suy nghĩ, hành động hay chí ít là một đối tượng nào đó được miêu tả nhân hoá như con người (ví dụ như các nhân vật con vật trong Dế Mèn phiêu lưu kí của Tô Hoài...). Vậy thì phải chăng Sông Hương không thể xem như là một nhân vật? Nhưng ai bảo Sông Hương không có cá tính, không có suy nghĩ, hành động như một nhân vật là nhầm! Đọc bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường, sẽ thấy Sông Hương được miêu tả như một sinh thể đầy sống động. Sông Hương mang những nét tính cách cũng như có một đời sống nội tâm vô cùng phong phú. Là một cô học trò mê văn, Sông Hương chính là một nhân vật văn học sông mãi trong lòng tôi.

Là một nhân vật văn học đặc biệt dòng Hương được nhìn dưới nhiều góc độ khác nhau và vì thế dòng sông cũng mang những vẻ đẹp khác nhau. Qua bài kí, Hương Giang để lại trong tôi ấn tượng về ba vẻ đẹp: vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên, vẻ đẹp lịch sử và vẻ đẹp văn hoá.

Trước khi đi vào khám phá từng vẻ đẹp, tác giả giới thiệu: “Trong những dòng sông đẹp ở các nước mà tôi thường nghe nói đến hình như chỉ sông Hương là thuộc về một thành phố duy nhất”. Đó là niềm tự hào và ngưỡng mộ mà người con xứ Huế này dành cho dòng sông quê hương đồng thời cũng thấy được sự quan sát và hiểu biết rất rộng của tác giả. Nhà văn cũng chỉ ra cho người đọc cách tìm hiểu và khám phá một cách đầy đủ và toàn vẹn về sông Hương: “Nếu chỉ mải mê nhìn ngắm khuôn mặt kinh thành của nó, tôi nghĩ rằng người ta sẽ không hiểu một cách đầy đủ bản chất của sông Hương...”. Như vậy tác giả cũng đã chỉ ra cách miêu tả dòng Hương của mình, không phải chỉ khi con sông đã chảy vào lòng thành phố mà ông muốn mọi người cùng nhìn ngắm và cảm nhận đầy đủ về con sông ngay từ quãng thượng nguồn khi nó còn là “một bản trường ca của rừng già” bất tận. Và cũng chỉ người con xứ Huế ấy mới chỉ cho ta thấy vẻ đẹp “tâm hồn sâu thẳm của nó mà dòng sông hình như không muốn bộc lộ đã đóng kín lại ở cửa rừng...”. Vẻ đẹp của Sông Hương quãng thượng nguồn ghi dấu ấn trong lòng ta bởi hai vẻ đẹp rất khác nhau. Sông Hương trước khi về đến vùng châu thổ êm đềm nó “đã sống một nửa cuộc đời của mình như một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại”. Cái phần “tâm hồn sâu thẳm” mà nó muốn giấu kín phải chăng chính là sự “rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác”, là “bản lĩnh gan dạ”“một tâm hồn tự do và trong sáng” mà rừng già nơi đây đã mang lại cho nó! Với những so sánh hết sức độc đáo (“như bản trường ca”, “như cơn lốc”) cùng những từ ngữ gợi hình, gợi cảm (“rầm rộ”, “mãnh liệt”, “cuộn xoáy”) đã cho người đọc nhiều liên tưởng thú vị về con sông vốn rất thơ mộng này. Hoá ra, bên cạnh vẻ đẹp trữ tình, cổ kính, ta vẫn liên tưởng về Sông Hương, thì nhân vật này còn có “một nửa cuộc đời” phóng khoáng và tự do giữa đại ngàn như thế! Và khi ra khỏi rừng, dòng Hương lại “nhanh chóng mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hoá xứ sở”, vẻ đẹp này sẽ được tiếp tục khám phá trong hành trình Sông Hương chảy vào Huế. Ngay từ khúc dạo đầu của bài kí, tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường đã khơi gợi trong ta trí tò mò muốn được tìm hiểu nhiều hơn nữa về dòng sông này.

Vẻ đẹp thiên tính nữ của dòng sông có thể nhận ra ngay trong cách cảm nhận của nhà văn khi miêu tả sông Hương chảy trong thành Huế. Với Hoàng Phủ Ngọc Tường, ngay từ đầu Sông Hương và thành phố Huế đã là một cặp tình nhân trong tình yêu muôn thuở và hành trình kia là “một cuộc tìm kiếm có ý thức để đi tới gặp thành phố tương lai” của dòng sông. Hành trình đi tìm tình yêu thì bao giờ cũng phức tạp và xa xôi, nó nhiều uẩn khúc quanh co song cũng đầy mời gọi. Sông Hương trước khi gặp “người tình trăm năm” của mình cũng trải qua biết bao “trắc trở”: “từ ngã ba Tuần, sông Hương theo hướng nam bắc qua điện Hòn Chén, ...chuyển hướng sang tây bắc, vòng qua thềm đất bãi Nguyệt Biều, Lương Quán rồi đột ngột về một hình cung thật tròn về phía đông bắc, ôm lấy chân đồi Thiên Mụ...”. Cuộc hành trình đến với tình yêu sao mà lắm gian truân! Sau một loạt những hướng chuyển liên tục của dòng sông, nó lại “trôi đi giữa hai dãy đồi” và người đọc không thể không ấn tượng vói những mảng phản quang của dòng sông trên nền trời tây nam thành phố “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím”. Không chỉ thế, chúng ta còn ngỡ ngàng trước vẻ đẹp “như triết lí, như cổ thi” của dòng Hương khi chảy qua những rừng thông u tịch nơi yên nghỉ ngàn năm của các vua chúa nhà Nguyễn. Quả thật đây chính là vẻ đẹp trầm mặc nhất của dòng Hương trên hành trình chảy vào thành Huế. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã vận dụng những hiểu biết của mình về địa lí để miêu tả dòng chảy, hướng chảy của dòng sông, nó không chảy một cách vô thức mà là “một cuộc tìm kiếm có ý thức”. Người đọc cũng như đang cùng hoà mình trong “cuộc kiếm tìm” của nhân vật này.

Và khi đã hội ngộ vói “người tình” của mình, “sông Hương như vui tươi hẳn lên”, rồi “kéo một nét thẳng thực yên tâm đến cuối thành phố” gặp lại cây cầu trắng in ngần trên nền trời như “những vành trăng non”. Cứ nhắc đến Huế là người ta nghĩ ngay đến Sông Hương và Sông Hương dường như chỉ đẹp và thơ mộng đến thế khi chảy trong thành phố cổ kính này. Như mối tình Kim - Kiều trong thơ Nguyễn Du, Sông Hương - Huế cũng chính là một cặp tình nhân mà tạo hoá đã ban tặng. Tác giả Hoàng Phủ đã nhìn những khúc quanh của Sông Hương như “một tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu” khiến người con gái này trở nên thật tình tứ và gợi cảm biết bao! Nhà văn còn so sánh Sông Hương với những dòng sông đẹp nổi tiếng khác trên thế giới như sông Xen của Pa-ri, sông Đa-nuýp của Bu-đa-pét để nhấn mạnh và ca ngợi vẻ đẹp của dòng Hương cũng không kém gì những dòng sông xứ người. Một lí do quan trọng hơn cả khiến ông yêu quý Sông Hương chính là ở cái điệu chảy lặng lờ, hay chính là “điệu slow tình cảm” dành riêng cho Huế! Khác hoàn toàn với dòng chảy như “đoàn tàu tốc hành” của sông Nê-va ở Lê-nin-grát, cũng khác với “những dòng sông đã trôi đi quá nhanh” mà triết gia người Hi Lạp Hê-ra-clít luôn tưởng nhớ, Sông Hương luôn “trôi đi chậm, thực chậm, cơ hồ chỉ còn là một mặt hồ yên tĩnh”. Tác giả đã “bật mí” với người đọc, có thể khám phá “điệu slow tình cảm” ấy trong những đêm hội hoa đăng khi hàng nghìn ánh hoa đăng “bồng bềnh từ điện Hòn Chén trôi về, qua Huế bỗng ngập ngừng như muốn đi muốn ở, chao nhẹ trên mặt nước như những vấn vương của một nỗi lòng”. Phải chăng chính điều này đã tạo nên dấu ấn cho dòng sông, làm nên tính cách thâm trầm, kín đáo của dòng Hương giống như con người Huế vậy. Điệu chảy ấy không chỉ Hoàng Phủ Ngọc Tường mà còn được nhà thơ Thu Bồn ngợi ca qua những câu thơ:

Con sông dùng dằng, con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu

Trước khi đến với biển cả bao la, Sông Hương một lần nữa tìm lại thành phố thân yêu “ở cuối góc thị trấn Bao Vinh xưa cổ” để trao lời hẹn ước với người tình của mình. Hoàng Phủ Ngọc Tường âu yếm gọi đó là “nỗi vấn vương, chút lẳng lơ kín đáo của tình yêu”,“dặm trường đình” trong cuộc chia li của Sông Hương và thành Huế. Qua ngòi bút đầy tài năng của nhà văn, Sông Hương như một thực thể sống động, một người con gái mang vẻ đẹp rất Huế hay chính dòng Hương đã làm đẹp hơn cho Huê vậy!

Bên cạnh vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên, Sông Hương còn mang vẻ đẹp của một dòng sông lịch sử. Từ thuở vua Hùng dựng nước, Sông Hương đã là một “dòng sông biên thuỳ xa xôi” ở biên giới nước Việt cổ. Trong sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi, đó là dòng Linh Giang đã anh dũng bảo vệ Tổ quốc. Đến thế kỉ XVIII, nó kiêu hãnh soi bóng kinh thành Phú Xuân của người anh hùng Nguyễn Huệ. Và Sông Hương cũng đi vào thời kì Cách mạng tháng Tám vớ những chiến công oanh liệt. Hơn thế nữa, dòng sông cũng chính là nạn nhân của tội ác chiến tranh, là nhân chứng cho nhũng năm tháng đau thương mất mát của dân tộc. Mượn lời của chính nhũng người Mĩ nói về những thiệt hại to lớn mà Sông Hương phải gánh chịu, mượn lời đánh giá của đại tướng Võ Nguyên Giáp về chiến công của dòng sông, tác giả muốn nhắn gửi đến tất cả người đọc: Sông Hương là “dòng sông của thời gian, của sử thi viết trên màu cỏ lá xanh biếc”. Chúng ta ngưỡng mộ và yêu mến con sông nơi khúc ruột miền Trung này đâu chỉ bởi cảnh sắc của nó mà còn bởi những chiến công mà dòng Hương đã đóng góp cho mảnh đất này.

Điều làm nên sức sống bền bỉ và mãnh liệt của Sông Hương chính là những nét đẹp văn hoá. Theo tác giả, “toàn bộ nền âm nhạc cổ điển Huế đã được sinh thành trên mặt nước của dòng sông này” và nền âm nhạc ấy cũng chỉ thực sự có giá trị khi được thưởng thức trên dòng Hương Giang thơ mộng. Sông Hương được so sánh giông như “một người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya” đã gieo nhạc cho mảnh đất này, đã gieo nhạc vào kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du khi ông “lênh đênh trên quãng sông này với một phiến trăng sầu”. Âm nhạc trên Sông Hương cũng đã đi sâu vào tiềm thức của người dân Huế như một nghệ nhân hát ca Huế trên sông khi nghe con gái đọc Kiều: “Trong như tiếng hạc bay qua/ Đục như tiếng suối mới xa nửa vời” đã thốt lên đó chính là “Tứ đại cảnh”. Không chỉ âm nhạc mà Sông Hương còn sống trong những nét sinh hoạt của người dân Huế. Phải tinh tế lắm tác giả mới nhận ra được sắc áo điều lục mà các cô dâu Huế hay mặc sau tiết sương giáng chính là “màu của sương khói trên sông Hương giống như tấm voan huyền ảo của tự nhiên”! Người con gái Sông Hương dường như cũng đang khoác lên mình tấm áo cưới tuyệt đẹp ấy. Một sắc màu chỉ thuộc về riêng Sông Hương mà thôi!

Sông Hương còn là một nguồn cảm hứng lớn cho những nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã phải thốt lên rằng: “Có một dòng thi ca về sông Hương... dòng sông ấy không bao giờ tự lặp lại mình trong cảm hứng của các nghệ sĩ”. Và nhà văn cũng đã chứng minh điều đó qua những vần thơ của Tản Đà, của Cao Bá Quát, Bà Huyện Thanh Quan cho đến nhà thơ của lí tưởng cộng sản Tố Hữu... Và cho đến bài kí Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường đã góp thêm một phần của mình cho “dòng chảy thi ca” về dòng sông thơ mộng này.

Cuối cùng, điều khiến tôi luôn ám ảnh về nhân vật văn học đặc biệt này chính là huyền thoại về cái tên của nó: SÔNG HƯƠNG. Bâng khuâng của một nhà thơ đến với Huế rằng: “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” hẳn cũng là câu hỏi của mỗi người khi đến đây đã được tác giả giải đáp bằng một câu chuyện rất thơ. “Người làng Thành Trung có nghề trồng rau thơm. Vì yêu quý con sông xinh đẹp, nhân dân hai bờ sông đã nấu nước của trăm loài hoa đổ xuống dòng sông cho làn nước thơm tho mãi mãi”. Hoá ra cái tên “Hương” chính là để chỉ mùi thơm riêng của con sông này. Và cho đến mãi mãi sau này, tôi tin rằng Sông Hương sẽ còn toả hương thơm với tất cả những ai yêu mảnh đất giàu truyền thông văn hoá này, với những ai say mê những dòng tùy bút Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Dù chưa một lần đến với Huế, chưa một lần được chiêm ngưỡng trực tiếp vẻ đẹp của Sông Hương nhưng qua những trang viết của tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường, tôi thấy yêu mến biết bao dòng sông trữ tình này! Từ cảnh sắc thiên nhiên cho đến những vẻ đẹp về văn hoá, lịch sử, Sông Hương luôn luôn mang một vẻ đẹp riêng rất Huế đầy cuốn hút. Sông Hương - một nhân vật văn học không tiếng nói nhưng ngay từ cái tên của nó đã toả hương thơm ngát trong khu vườn văn học của tôi.

Bài Kiểm Tra, Đặng Thị Việt Hà

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây