© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Nghị luận về một phẩm chất cần có của người học sinh

Thứ bảy - 26/11/2022 09:49
Nghị luận về một phẩm chất cần có của người học sinh
Thế giới đối với con là một que kẹo đầy màu sắc. Và bạn bè của con trong thiên đường kẹo ngọt ấy có rất nhiều phẩm chất đáng quý: cần cù, khiêm tốn, trung thực... Nhưng dường như học “hỏi” - học “cách hỏi” là một khái niệm quá xa vời với “teen”. Dũng cảm để hỏi lại là một chuyện mang “tầm vóc vũ trụ”. Theo ý kiến cá nhân con, đây là phẩm chất cần có của một người học sinh.
Khi còn thơ dại, con không biết “hỏi” là gì. Nhưng sau bao năm tháng ngồi trên ghê nhà trường, cuối cùng con cũng biết được khái niệm của “hỏi”. Hỏi là khi ta tơ vương một điều nào đó, khi ta muốn nới rộng kiến thức “người lái đò” truyền cho ta. Vậy vì sao phải dũng cảm để hỏi và học cách hỏi để làm gì? Để con không phải là người đứng bên lề bài học. Để con được tham gia vào những kiến thức thầy cô dạy. Để những khuôn vàng thước ngọc của thầy cô vĩnh viễn trở thành của riêng con. Dẫu biết vậy, nhưng...

Khi được học bài về miền Trung thân yêu ở môn Địa, con muốn hỏi thầy rằng lí do gì khiến vùng giữa đất nước tươi đẹp này lại gặp nhiều tai ương thiên nhiên đến thế. Nhưng con không dám hỏi. Để rồi mỗi khi nhà trường phát động quyên góp tiền, quần áo, đồ dùng học tập cho các bạn miền Trung, lòng con lại thấy rối bời lạ.

Khi được học về cơ thể con người trong môn Sinh học, con muốn hỏi cô, em bé được sinh ra như thế nào lắm. Nhưng con cũng không dám hỏi. Để rồi giờ đây, khi em ruột của con bi bô hỏi rằng nó có mặt trên thế gian này ra sao, con ngượng ngùng nói với em rằng con cũng không biết.

Khi được học bài về “tình yêu” trong môn Giáo dục công dân, cô dặn chúng con rằng không nên yêu đương khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Con muốn hỏi cô rằng làm sao có thể tránh được Thần Cupid gõ cửa khi trái tim không nghe lời lí trí. Nhưng con sợ. Để rồi mỗi khi bóng dáng người ấy lướt qua lớp học, lòng con lại rộn ràng...
Và rất nhiều, rất nhiều lần khác, con đã không dám hỏi. Để rồi khi có chuyện gì xảy ra, con thường nghe các thầy cô phàn nàn: “Tại sao các con không hỏi tôi?”. Đúng rồi! Tại sao con lại không hỏi? Phải chăng con không đủ dũng khí để hỏi? Con được dạy cách học thuộc bài, thật thuộc những gạch đầu dòng trong sách giáo khoa, những ý đúng theo barem đáp án, những tiết học kỉ luật và trật tự. Nhưng con chưa được dạy “cách hỏi”...

Học lên trung học, cho dù thầy cô có nhiệt tình hơn, nhưng con cũng không dám hỏi. Con sợ. Và việc không dám hỏi đã mang đến cho con rất nhiều phiền toái. Con không biết rằng những suy nghĩ sáng tạo, những phát biểu mạnh mẽ đầy dấu ấn cá nhân của con có đúng, có được chấp nhận không?

Hay thực sự con không nên hỏi? Để cuộc sống luôn đẹp như màu xanh đồng lúa. Để áo trắng tinh khôi không dính bụi trần thế. Để con sống hạnh phúc như đám mạ non trong sân nhà. Nhưng con sợ một mai rồi cây mạ non ấy sẽ phải cấy trên những ngọn đồi sỏi đá cằn khô. Bởi thế giới rất rộng lớn, đa dạng, vừa thú vị vừa xù xì và ngọt ngào. Và cũng bởi cuộc sống xáo động ngoài kia không dừng lại trước cổng trường, như cái lạnh cắn vào da thịt con trên đường không thể không theo con vào lớp học...?
Phải. Con phải dũng cảm để hỏi. Nhưng nên hỏi sau khi nghĩ kĩ về điều đó. Con phải thoát ra khỏi cái nỗi sợ vớ vẩn vô hình ấy. Nếu thầy cô không quen trả lời, con cứ hỏi. Và con tin một ngày nào đó, thầy cô sẽ chấp nhận những câu hỏi “ngu ngơ” của con.

Con sẽ học như con tằm. Con đã quá chán ngán với cảnh học như con vẹt rồi. Con sẽ “chăm suy nghĩ” chứ không chỉ có “học thuộc lòng” thôi. Để rồi mai sau, ra trường đời, con sẽ không lúng túng khi gặp trường hợp con la và không biết xếp nó vào giống lừa hay là giống ngựa. Để con sẽ là một người thuộc thế hệ mới dám nghĩ, dám làm những điều mới mẻ, vượt khỏi những lối mòn của tư duy.

Bài Kiểm Tra, Nguyễn Thị Hồng Vân

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây