© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Hướng dẫn trả lời câu hỏi Lịch sử 8, bài 1: Những cuộc cách mạng tư sản đầu tiên.

Thứ ba - 05/12/2017 03:25
Hướng dẫn trả lời câu hỏi Lịch sử 8, bài 1: Những cuộc cách mạng tư sản đầu tiên.
I. Sự biến đổi về kinh tế, xã hội Tây Âu trong các thế kỉ XV - XVII. Cách mạng Hà Lan thế kỉ XVI.

l. Nền sản xuất mới ra đời.

Câu hỏi. Nền sản xuất mới ra đời trong điều kiện lịch sử như thế nào?
 
Giữa thế kỉ XV, một nền sản xuất mới được ra đời ngay trong lòng xã hội phong kiến đã suy yếu, bị chính quyền phong kiến kìm hãm, song không thể ngăn cản được sự phát triển của nó. Đó là nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, với sự hình thành 2 giai cấp mới: giai cấp vô sản và giai cấp tư sản.
 
Câu hỏi. Hãy nêu những biểu hiện mới về kinh tế, xã hội ở Tây Âu trong các thế kỉ XV-XVII?
 
Những biểu hiện mới về kinh tế, xã hội ở Tây Âu trong các thế kỉ X V-XVII:

- Sau những cuộc phát kiến địa lí, các quý tộc và thương nhân châu Âu ra sức cướp bóc của cải, tài nguyên các nước thuộc địa mang về châu Âu nhờ thế, những người này giàu lên nhanh chóng.

- Họ còn buôn nô lệ từ châu Phi sang các đồn điền châu Âu, châu Mĩ. Trong nước. quý tộc phong kiến, tư sản dùng bạo lực cướp ruộng đất  -> nông nô không có ruộng, phải làm thuê trong xí nghiệp của tư bản.

- Có vốn, có công nhân làm thuê, nên tư bản mở rộng kinh doanh, lập các xưởng sản xuất lớn, công trường thủ công, các công ti thương mại, những đồn điền,..., nhiều thành thị trở thành trung tâm sản xuất và buôn bán. Các ngân hàng được thành lập và ngày càng có vai trò lớn hơn.

- Cùng với sự phát triển của sản xuất, xã hội có những chuyển biến: các chủ xưởng, chủ đồn điền và những thương nhân giàu có trở thành giai cấp tư sản. Đông đảo công nhân làm thuê trở thành giai cấp vô sản đây là hai giai cấp mới: tư sản và vô sản.
 
Câu hỏi. Vậy theo em, mâu thuẫn mới nào sẽ nảy sinh và dẫn tới hệ quả gì?
 
Mâu thuẫn cơ bản của xã hội phong kiến là mâu thuẫn giữa giai cấp thống trị phong kiến và giai cấp nông dân (nông nô, nông dân lĩnh canh) bị trị. Vậy trong lòng xã hội phong kiến suy yếu đã nảy sinh và bước đầu phát triển nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, dẫn tới mâu thuẫn ngày càng tăng giữa phong kiến và tư sản và các tầng lớp nhân dân lao động -> Hệ quả là một cuộc cách mạng sẽ nổ ra để lật đổ chế độ phong kiến, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển.
 
2. Cách mạng Hà Lan thế kỉ XVI.

Câu hỏi. Trình bày diễn biến và kết quả của cách mạng Hà Lan?
 
Vào đầu thế kỉ XVI, trong các nước Tây Âu, vùng đất Nê-đéc-lan có nên kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển nhất. Vùng đất này lại bị tư bản Vương quốc Tây Ban Nha thống trị, ngăn cản sự phát triển kinh tế, vì vậy nhân dân Nê-đéc-lam nhiều lần nổi dậy chống sự đô hộ của Tây Ban Nha. Tháng 8 - 1566, một cuộc khởi nghĩa lớn nổ ra nhưng bị đàn áp đẫm máu. Đến năm 1581, các tỉnh miền Bắc Nê-đéc-lan thành lập nước Cộng hòa. Cuộc đấu tranh vẫn tiếp tục cho đến năm 1648, nền độc lập của Hà Lan mới chính thức được công nhận.
 
Câu hỏi. Cách mạng Hà Lan diễn ra dưới hình thức nào?
 
Một cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc lật đổ ách thông trị của Vương quốc Tây Ban Nha. Kết quả: Hà Lan được giải phóng, nước Cộng hoà ra đời, tạo điều kiện cho kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển.
 
II. Cách mạng tư sản Anh giữa thế kỉ XVII.

1. Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Anh.

Câu hỏi. Vài điểm về tình hình nước Anh trước cách mạng?
 
Vào đầu thế kỉ XVII, nước Anh có một nền kinh tế phát triển nhất châu Âu. Các công trường thủ công xuất hiện ngày càng nhiều. Kinh tế hàng hóa phát triển. Thành thị của Anh trở thành trung tâm công nghiệp, thương mại và tài chính bậc nhất châu Âu, kinh tế tư bản thâm nhập vào nông nghiệp... Xã hội dần dần phân hóa thành những giai cấp có địa vị kinh tế, chính trị khác nhau, chia thành hai phe đối lập: một bên là quý tộc phong kiến phản động, một bên là quý tộc mới, tư sản, nông dân và các tầng lớp lao động thành thị. Chính mâu thuẫn giữa hai phe này đã dẫn tới sự bùng nổ cách mạng tư sản Anh.
 
Câu hỏi. Vì sao nông dân phải rời bỏ quê hương đi nơi khác sinh sống?
 
Ở Anh, số đông địa chủ là quý tộc vừa và nhỏ chuyển sang kinh doanh theo lối tư bản. Họ đuổi tá điền, rào đất, biến ruộng thành đồng cỏ (hiện tượng “rào đất cướp ruộng”), thuê nhân công nuôi cừu, lấy lông cung cấp cho thị trường, “cừu ăn thịt người”. Họ trở thành tầng lớp quý tộc mới, có thế lực về kinh tế. Nông dân trở nên nghèo khổ, kéo ra thành thị làm thuê, hay di cư ra nước ngoài.
 
Câu hỏi. Quý tộc mới có vai trò như thế nào đối với cách mạng Anh?
 
Tầng lớp quý tộc mới có quyền lợi kinh tế gắn liền với giai cấp tư sản, muốn xoá bỏ những trở ngại của quan hệ sản xuất phong kiến, nhưng quyền lợi chính trị, thân phận xã hội lại gắn bó với chế độ phong kiến. Vì vậy tầng lớp này vừa tham gia lãnh đạo cách mạng, vừa tìm cách hạn chế cách mạng cho phù hợp với lợi ích của mình. Nó chi phối tiến trình, kết quả và tính chất của cách mạng. Quý tộc mới vừa muốn kinh doanh theo phương thức tư bản chủ nghĩa nhằm thu nhiều lợi nhuận, vừa muốn giữ lại quyền lợi quý tộc phong kiến nên không thể tiến hành cách mạng triệt để.
 
Câu hỏi. Trình bày sự phát triển của chủ nghĩa tư bản Anh và những hệ quả của nó?
 
+ Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản Anh:
- Nhiều công trường thủ công: luyện kim, cơ khí, làm đồ sứ, dệt len dạ... ra đời, phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
- Nhiều trung tâm lớn về công nghiệp, thương mại, tài chính được hình thành, tiêu biểu là Luân Đôn.
- Những phát minh về kĩ thuật, về các hình thức tổ chức lao động hợp lí làm cho năng suất lao động tăng nhanh.
- Số đông địa chủ là quý tộc vừa và nhỏ chuyển sang kinh doanh theo lối tư bản. Họ trở thành tầng lớp quý tộc mới.

+ Hệ quả: Sự thay đổi về kinh tế, những mâu thuẫn gay gắt giữa tư sản, quý tộc với chế độ quân chủ chuyên chế (bên cạnh mâu thuẫn cũ giữa nông dân và địa chủ, quý tộc) dẫn tới cuộc cách mạng lật đổ chế độ phong kiến, xác lập quan hệ sản xuất, tư bản chủ nghĩa.
 
2. Tiến trình cách mạng

Câu hỏi. Trình bày những nét chính về cuộc nội chiến ở Anh?
 
* Giai đoạn từ 1640 - 1648:
- 1640: Quốc hội được triệu tập.
- 8-1642: Nội chiến bùng nổ do Crôm-oen chỉ huy.
- 1648: nội chiến chấm dứt.

* Kết quả:
-Tố cáo chính sách cai trị độc đoán của nhà vua Sác-lơ I, yêu cầu vua không được đặt thuế mới.
- Đánh bại quân đội nhà vua.
- Kết thúc giai đoạn 1 nội chiến.
 
* Giai đoạn 1640 - 1688:
- 30-1 -1649, Sác-lơ I bị xử tử 12 - 1688, Quốc hội làm đảo chính.
 
* Kết quả:
- Đỉnh cao của Cách mạng: chế độ phong kiến bị sụp đổ, chế độ cộng hòa được thành lập.
- Chế độ quân chủ lập hiến ra đời.
 
Câu hỏi. Cách mạng tư sản Anh diễn ra dưới hình thức nào?
 
Cách mạng diễn ra dưới hình thức một cuộc nội chiến, giữa quân đội nhà vua Sác-lơ I - dựa vào địa chủ quý tộc phong kiến mộ lính đánh thuê với quân đội của Quốc hội - dựa vào giai cấp tư sản, quý tộc mới, nông dân, thợ thủ công, đứng đầu là Crôm-oen. Nó phản ánh cuộc đấu tranh giai cấp quyết liệt giữa hai thế hực đối lập: quý tộc, địa chủ phong kiến phản động với giai cấp tư sản và các tầng lóp nhân dân khác.
 
Câu hỏi. Sau khi vua Sác-lơ I bị xử tử, tại sao cách mạng Anh vẫn chưa chấm dứt ?
 
Sau khi vua Sác-lơ I bị xử tử, Anh trở thành nước Cộng hoà. Cách mạng đạt tới đỉnh cao. Song, cách mạng vẫn chưa chấm dút, bởi vì quần chúng, trước hết là nông dân, chưa được hưởng quyền lợi gì, muốn đẩy cách mạng đi xa hơn nữa và nêu ra những yêu sách riêng của mình. Nền cộng hòa đã đàn áp họ không thương tiếc. Để có một chính quyền mạnh mẽ hơn, tư sản và quý tộc mới đã đưa Crôm-oen lên cầm quyền với chức Bảo hộ công, thiết lập chế độ độc tài quân sự.
 
Câu hỏi. Vì sao nước Anh từ chế độ cộng hòa lại trở thành chế độ quân chủ lập hiến?
 
Quý tộc mới liên minh với tư sản lãnh đạo cách mạng, xử tử vua Sác-lơ I, lập nền cộng hòa, mọi quyền hành thuộc về quý tộc mới và tư sản. Nhân dân động lực chính của cách mạng không được hưởng một chút quyền lợi gì, nhân dân tiếp tục đấu tranh. Để bảo vệ quyền lợi của mình, quý tộc mới và tư sản lại chủ trương khôi phục chế độ quân chủ mà vẫn giữ thành quả cách mạng.
 
Câu hỏi. Chế độ quân chủ lập hiến là gì?
 
Là chế độ xã hội vua không có thực quyền, chỉ có Quốc hội, cơ quan (quyền lực của tư sản và quý tộc mới mới có quyền định đoạt các chính sách và ban hành các đạo luật.
 
Câu hỏi. Tại sao nói Cách mạng tư sản Anh là cuộc cách mạng tư sản không triệt để?
 
Lãnh đạo cách mạng là liên minh tư sản - quý tộc mới, nên nhiều tàn dư phong kiến không bị xoá bỏ. Nông dân không những không được ruộng đất mà còn tiếp tục bị chiếm ruộng đất và bị đẩy tới chỗ bị phá sản hoàn toàn.
 
Câu hỏi. Nêu ý nghĩa lịch sử của cách mạng tư sản Anh?
 
Đây là một cuộc tấn công quyết liệt vào thành trì của chế độ cũ để xay dựng xã hội mới, lật đổ quan hệ sản xuất phong kiến lạc hậu, mở đường cho sản xuất tư bản phát triển. Đây là cuộc cách mạng tư sản thứ hai trên thế giới nhưng là cuộc cách mạng đầu tiên có ý nghĩa to lớn đối với quá trình hình thành chủ nghĩa tư bản ở châu Âu và trên thế giới.
 
Câu hỏi. Em hiểu thế nào về câu nói của Mác: “Thắng lợi của giai cấp tư sản có nghĩa là tháng lợi của chế độ xã hội mới, thắng lợi của chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa đối với chế độ phong kiến”?
 
Thắng lợi của giai cấp tư sản và quý tộc mới trong cuộc đấu tranh lật đổ giai cấp phong kiến, lật đổ quan hệ sản xuất phong kiến lỗi thời lạc hậu đã xác lập chế độ tư bản chủ nghĩa (hình thức quân chu lập hiến), mở đường cho nền sản xuất mới: quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa phát triển và thoát khỏi sự thống trị của chế độ phong kiến.
 
Câu hỏi. Kết quả của cách mạng tư sản Anh?
 
Cách mạng tư sản Anh thành công mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh mẽ hơn, đem lại thắng lợi cho giai cấp tư sản và quý tộc mới. Nhưng quyền lợi của nhân dân lao động lại không được đáp ứng.
 
Câu hỏi. Lập bảng niên biểu các giai đoạn phát triển cua Cách mạng tư sản Anh (1640-1688).
 
Các giai đoạn Sự kiện, diễn biến chính Kết quả
* 1640 - 1649 - 1640, Quốc hội được triệu tập.
- 8 - 1642. Nội chiến bùng nổ do Crôm-oen chỉ huy.
- 1648, nội chiến chấm dứt.
- Tố cáo chính sách cai trị độc đoán của nhà Vua Sác-lơ I, yêu cầu Vua không được đặt thuế mới...
- Đánh bại quân đội nhà vua.
- Kết thúc giai đoạn 1 nội chiến.
 
* 1649 - 1688 - 30 - 1 - 1649, Sác-lơ I bị xử tử
- 12 - 1688, Quốc hội làm đảo chính.
- Đỉnh cao của Cách mạng: chế độ phong kiến bị sụp đổ, chế độ cộng hòa được thành lập.
- Chế độ quân chủ lập hiến ra
đời.
 
III. Chiến tranh giành độc lập của các thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ.

1. Tình hình các thuộc địa. Nguyên nhân của chiến tranh.

Câu hỏi. Nêu một vài nét về sự xâm nhập và thành lập các thuộc địa của thực dân Anh ở Bắc Mĩ?
 
Sau khi Cô-lôm-bô tìm ra châu Mĩ, nhiều nước châu Âu lần lượt chiếm và chia nhau châu lục mới này làm thuộc địa.

Các thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ (ven bờ Đại Tây Dương) lần lượt được thành lập từ đầu thế kỉ XVII đến nửa đầu thế kỉ XVIII. Đây vốn là đất đai của người In-đi-an (thổ dân da đỏ). Thực dân Anh đã tiêu diệt hoặc dồn đuổi họ vào rừng sâu phía Tây để chiếm đoạt vùng đất đai phì nhiêu này và mua nô lệ da đen từ châu Phi sang để khai khẩn đồn điền. Trong hai thế kỉ XVII - XVIII, thực dân Anh vừa di cư lập nghiệp, cướp đất đai của người da đỏ, vừa tiến hành những cuộc chiến tranh chống những di dân Hà Lan, Pháp. Dần dần, Anh xây dựng được một vùng đất thực dân rộng lớn, giàu có gồm 13 thuộc địa ở Bắc Mĩ.
 
Câu hỏi. Vì sao nhân dân các thuộc địa ở Bắc Mĩ đẩu tranh chống thực dân Anh ?
 
Do mâu thuẫn giữa sư phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa ở các thuộc địa với chính sách thống trị của thực dân Anh.
Biểu hiện: Đến giữa thế kỉ XVIII, nền kinh tế của 13 thuộc địa đang trên đà phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa. Nhiều ngành sản xuất như luyện kim, đóng tàu, dệt vải... đã cạnh tranh được với chính quốc. Trong khi đó, chính phủ Anh lại tìm cách hạn chế sự phát triển kinh tế ở các thuộc địa, coi nơi này chỉ là nơi cung cấp nguyên liệu, tiêu thụ hàng hóa. Những chính sách trên của chính phủ Anh đã xâm phạm quyền lợi của tất cả các tầng lớp nhân dân thuộc địa, từ tư sản, chủ nô, chủ trại đến công nhân và nô lệ. Do đó, đã gây nên một phong trào phản ứng mạnh mẽ, kích thích nguyện vọng độc lập và tinh thân đoàn kết của các thuộc địa.
 
2. Diễn biến cuộc chiến tranh.

Câu hỏi. Theo em, tính chất tiến bộ của “Tuyên ngôn Độc lập “ (Mĩ) thể hiện ở điểm nào?
 
Tuyên ngôn Độc lập (4 - 7 - 1776) xác định quyền của con người và quyền của các thuộc địa. Tuyên ngôn mang tính chất dân chủ tự do, thấm nhuần tư tưởng tiến bộ của thời đại. Nó nêu các nguyên tắc bình đẳng, quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi con người.
Nhưng Tuyên ngôn còn hạn chế: không thủ tiêu chế độ nô lệ, người phụ nữ không có quyền tham gia bầu cử, khẳng định quyền lực của người da trắng, quyền tư hữu tài sản.v.v...
 
Câu hỏi. Cuộc chiến tranh giành độc lập của các thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ diễn ra như thế nào?

Mặc dù đến năm 1775, cuộc chiến tranh giữa các thuộc địa với thực dân Anh mới bùng nổ, nhưng nhiều cuộc bạo động khởi nghĩa đã nổ ra trước đó: Cuối năm 1 773, nhân dân Bô-xtơn nổi dậy tấn công ba tàu chở chè của Anh và ném các thùng chè xuống biển. Để trả thù hành động này, Chính phủ Anh ra lệnh đóng cửa cảng Bô-xtơn. Mâu thuẫn giữa thuộc địa với chính quốc ngày càng căng thẳng. Năm 1774, các thuộc địa cử đại biểu đến họp đại hội Phi-la-đen-phi-a, yêu cầu Chính phủ Anh bãi bỏ các chính sách hạn chế công thương nghiệp ở Bắc Mĩ. Năm 1775 chiến tranh bùng nổ giữa chính quốc và thuộc địa. Ngày 4 - 7 - 1776, trong khi chiến sự đang diễn ra ác liệt, đại hội Phi-la-đen-phi-a thông qua bản tuyên ngôn Độc lập, tố cáo chế độ áp bức thuộc địa của thực dân Anh, thành lập một quốc gia độc lập.

Tháng 10 - 1777, quân thuộc địa chiến thắng quân Anh trong trận đánh lớn ở Xa-ré-tó-ga, tạo nên bước ngoặt của cuộc chiến tranh. Năm 1781, quân Anh ở Bắc Mĩ phải đầu hàng và năm sau chiến tranh kết thúc.
 
3. Kết quả và ý nghĩa của cuộc chiến tranh giành độc lập của các thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ.

Câu hỏi. Cuộc chiến tranh giành độc lập của các thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ đạt được kết quả gì?
 
Cuộc chiến tranh giành độc lập của các thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ đạt được kết quả là nột nước Cộng hòa tư sản ra đời: Hợp chủng quốc Hoa Kì (viết tắt theo tiếng Anh là USA, thường gọi là nước Mĩ hay Hoa Kì) với hiến pháp 1787.
 
Câu hỏi. Hiến pháp 1787 ở Mĩ đưa đến kết quả gì? Những điểm tích cực và hạn chế của Hiến pháp 1787?
 
- Kết quả: Theo Hiến pháp, Mĩ là nước Cộng hòa liên bang.
- Điểm tích cực và hạn chế của Hiến pháp 1787:
+ Tích cực: Thể hiện tính tư sản: Tăng cường bộ máy chính quyền trung ương, các bang được quyền tự trị rộng rãi. Tổng thống nắm quyền hành pháp, Quốc hội nắm quyền lập pháp.
+ Hạn chế: Quyền dân chủ bị hạn chế: phụ nữ, nô lệ da đen, người In-đi-an không có quyền chính trị.
 
Câu hỏi. Tại sao nói cuộc đấu tranh giành độc lập của các thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ là một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, đồng thời là một cuộc cách mạng tư sản?
 
Vì nó thực sự giải phóng nhân dân Bắc Mĩ thoát khỏi ách thống trị của thực dân Anh thiết lập một quốc gia tư sản độc lập ở Bắc Mĩ. Hợp chủng quốc Hoa Kì ra đời sau cuộc chiến tranh này. Mặt khác, nó gạt bỏ những cản trở của chế độ phong kiến, thiết lập quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, thống nhất thị trường dân tộc, mở đường cho tư bản chủ nghĩa phát triển, thiết lập chế độ cộng hòa tư sản.
 
Câu hỏi. Nêu ý nghĩa của các cuộc cách mạng tư sản đầu tiên?
 
Xác lập sự thắng lợi của Chủ nghĩa tư bản đối với chế độ phong kiến ở mức độ khác nhau (ở Anh chưa triệt để vì sự tham gia của quý tộc mới), tạo điều kiện cho sản xuất tư bản chủ nghĩa phát triển (Ở Hà Lan: thành lập nước Cộng hòa, ở Anh: nhà nước quân chủ lập hiến, ở Mĩ là nước Cộng hòa liên bang).
Những các cuộc cách mạng tư sản đầu tiên chưa triệt để (ở Anh: Vua còn nhưng không cai trị, quyền lực thuộc về Quốc hội, ở Mĩ chưa xóa bỏ chế độ nô lệ, chỉ có mười da trắng mới được hưởng các quyền tự do dân chủ. Tất cả các cuộc cách mạng nhờ động lực là quần chúng nhân dân nhưng cuối cùng họ không được hưởng quyền lợi gì, chế độ tư bản chủ nghĩa xác lập chẳng qua thay đổi hình thức bóc lột mới mà thôi).
 
Câu hỏi. Lập niên biểu về Chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ theo mẫu sau:
 
Thời gian Sự kiện, diễn biến chính Kết quả
1/12/1773 Nhân dân cảng Bô-xtơn tấn công 3 tàu chở chè Anh. - Tạo điều kiện cho nền kinh tế Mĩ phát triển.
- Một nước Cộng hòa ra đời với Hiến pháp 1787.
5/9 - 26/10/1774 Đại hội Phi-la-đen-phi-a
4/1775 Chiến tranh bùng nổ do G. Oa- sinh-tơn chỉ huy
4/7/1776 Tuyên ngôn Độc lập ra đời
17/10/1777 Chiến thắng Xa-ra-tô-ga
 
Câu hỏi. Lập bảng so sánh sự khác nhau giữa cuộc Cách mạng tư sản Anh và Chiến tranh giành độc lập của các thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ theo mẫu sau:
 
  Cách mạng tư sản Anh Chiến tranh giành độc lập
Hình thức cách mạng (a)  Là một cuộc nội chiến Là một cuộc chiến tranh giành độc lập
Kết quả cách mạng (b) Thiết lập chế độ quân chủ lập hiến Thiết lập chế độ cộng hòa
© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây