© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Hướng dẫn trả lời câu hỏi Lịch sử 8, bài 24: Cuộc kháng chiến từ năm 1858 đến năm 1873.

Thứ hai - 11/12/2017 22:28
Hướng dẫn trả lời câu hỏi Lịch sử 8, bài 24: Cuộc kháng chiến từ năm 1858 đến năm 1873.
I. Thực dân Pháp xâm lược Việt Nam.

1. Chiến sự ở Đà Nẵng những năm 1858-1859.
 
Câu hỏi. Tình hình nhà Nguyễn nửa đầu thế kỉ XIX?
 
Nhà Nguyễn rơi vào tình trạng khủng hoảng, suy yếu.
 
Câu hỏi. Pháp có âm mưu xâm lược Việt Nam từ khi nào?
 
Pháp đã có âm mưu xâm lược Việt Nam từ lâu. Họ đã sử dụng các phân tử công giáo phản động đi trước.
 
Câu hỏi. Tại sao thực dân Pháp xâm lược nước ta?
 
Từ giữa thế kỉ XIX, thực dân Pháp cùng với các nước tư bản phương Tây chạy đua giành giật thị trường ở khu vực Đông và Đông Nam Á, trong đó Việt Nam có một vị trí chiến lược đặc biệt, giàu tài nguyên, khoáng sản và nguồn nhân công rẻ mạt.
 
Câu hỏi. Duyên cớ trực tiếp để thực dân Pháp tiến hành đánh chiếm nước ta là gì?
 
Lấy cớ bảo vệ đạo Gia Tô, thực dân Pháp đem quân đánh chiếm nước ta.
 
Câu hỏi. Vì sao thực dân Pháp chọn Đà Nẵng làm nơi tấn công đầu tiên?
 
Đà Nẵng nằm trên địa phận của tỉnh Quảng Nam rộng lớn, đông dân, trù phú lại có cửa biển sâu, tàu chiến Pháp dễ dàng hoạt động. Sau khi chiếm được Đà Nẵng, thực dân Pháp có thể dùng nơi đây làm bàn đạp tấn công ra Huế, buộc triều đình nhà Nguyễn đầu hàng.

Câu hỏi. Bước đầu quân Pháp đã bị thất bại như thế nào?
 
Ngày 1-9-1858, quân Pháp nổ súng xâm lược nước ta. Quân dân ta dưới sự chỉ huy của Nguyễn Tri Phương đã chống trả quyết liệt, không cho quân Pháp tiến sâu vào nội địa. Vì vậy, sau 5 tháng tấn công Đà Nẵng, Pháp chỉ chiếm được bán đảo Sơn Trà.
 
2. Chiến sự ở Gia Định năm 1859.
 
Câu hỏi. Vì sao thực dân Pháp tiến công Gia Định?
 
Thất bại trong âm mưu đánh nhanh thắng nhanh ở Đà Nẵng, quân Pháp đưa quân tiến đánh Gia Định hòng cắt đứt đường tiếp tế lương thực của triều đình Huế và thực hiện kế hoạch đánh chiếm Cao Miên.
 
Câu hỏi. Thực dân Pháp vấp phải những khó khăn nào khi tiến công Gia Định?
 
Nhân dân địa phương đã tự động nổi lên đánh giặc khiến chúng khốn đốn. Trong khi đó, quân Pháp lại không nhận được viện trợ từ Pháp sang mà còn phải rút bớt quân sang các chiến trường châu Âu và Trung Quốc. Vì vậy, số quân còn lại ở Gia Định chưa đến 1000 tên, phải dàn mỏng trên một phòng tuyến dài 10 km.
 
Câu hỏi. Em có nhận xét gì về thái độ chống quân Pháp xâm lược của triều đình Huế?
 
Triều đình Huế đã mắc sai lầm là không kiên quyết chống giặc ngay từ đầu, vì vậy đã không tận dụng được thời cơ khi lực lượng dịch yếu hơn để phản công mà lại chủ trương cố thủ, bỏ lỡ cơ hội giữ độc lập.
 
Câu hỏi. Thái độ sai lầm của triều đình đã dẫn đến hậu quả gì?
 
Sai lầm của triều đình Huế làm cho thực dân Pháp có điều kiện củng cố lực lượng và sau khi kí Hiệp ước Bắc Kinh (25-10-1860), tạm thời kết thúc chiến tranh với Trung Quốc, Pháp đưa thêm quân vào đánh chiếm nước ta. Lúc này, mặc dù quân triều đình Huế chống cự quyết liệt nhưng phải chịu, thất bại trước hỏa lực mạnh của địch. Hậu quả là quân Pháp chiếm được các tỉnh Định Tường, Biên Hòa và Vĩnh Long.
 
Câu hỏi. Nguyên nhân nào khiến nhà Nguyễn kí Hiệp ước Nhâm Tuất (1862) với Pháp? Thái độ của em trước việc nhà Nguyễn kí Hiệp ước đó?
 
- Nhà Nguyễn nhân nhượng vói Pháp để bảo vệ quyền lợi của giai cấp và dòng họ.

- Rảnh tay ở phía Nam để đối phó với phong trào nông dân khởi nghĩa ở Trung Kì và Bắc Kì.

- Hiệp ước đã vi phạm chủ quyền dân tộc: cắt đất cho giặc. Nhà Nguyễn phải chịu trách nhiệm về việc đã để mất một phần lãnh thổ vào tay giặc.
 
Câu ha. Hiệp ước Nhâm Tuất (1862) có những nội dung cơ bản gì?
 
Ngày 5-6-1862, triều đình Huế kí với Pháp Hiệp ước Nhâm Tuất gồm những nội dung cơ bản sau:
 
Thừa nhận cho Pháp cai quản 3 tỉnh miền Đông Nam Kì (Gia Định, Định Tường, Biên Hòa) và đảo Côn Lôn.
 
Mở ba cửa biển (Đà Nẵng, Ba Lạt, Quảng Yên) cho Pháp vào buôn bán.
 
Cho phép người Pháp và người Tây Ban Nha tự do truyền đạo Gia Tô, bãi bỏ lệnh cấm đạo trước đây.
 
Bồi thường cho Pháp một khoản chiến phí tương đương 280 vạn lạng bạc. Pháp sẽ trả lại thành Vĩnh Long cho triều đình Huế với điều kiện triều đình buộc được nhân dân ta ngừng kháng chiến chống lại thực dân Pháp.
 
Câu hỏi. Thái độ của nhân dân ta trước việc triều đình kí Hiệp ước?
 
Nhân dân ta không nản chí, tiếp tục tự động đứng lên kháng chiến chống Pháp, bảo vệ độc lập dân tộc.
 
II. Cuộc kháng chiến chống Pháp từ năm 1858 đến năm 1873.
 
1. Cuộc kháng chiến ở Đà Nẵng và ba tỉnh miền đông Nam Kì.
 
Câu hỏi. Nhân dân ta đã anh dũng kháng chiến chống Pháp như thế nào?
 
Tại Đà Nẵng, nhiều toán nghĩa binh nổi lên phối hợp chặt chẽ với quân triều đình để chống giặc. Khi Pháp đánh vào Gia Định, nghĩa quân Nguyễn Trung Trực đã đốt cháy tàu Ét-phê-răng của Pháp trên sông Vàm cỏ Đông tại địa phận thôn Nhật Tảo (10-12-1861). Đặc biệt, cuộc khởi nghĩa do Trương Định lãnh đạo đã làm cho địch lao đao, khốn đốn.
 
Câu hỏi. Tóm tắt vài nét về Trương Định ?

Trương Định sinh năm 1820 ở Quảng Ngãi. Lớn lên ông theo gia đình vào lập nghiệp ở Tân An (nay thuộc tỉnh Long An). Ồng là một người yêu nước và có tài, được nhân dân tôn làm Bình Tây đại nguyên soái. Bất chấp lệnh bãi binh của triều đình, ông đã cương quyết cùng nhân dân chiến đấu chống lại thực dân pháp. Nghĩa quân theo ông rất đông.
 
Câu hỏi. Quan sát hình 85 (SGK, trang 117), em hãy mô tả “Quang cảnh buổi lễ phong soái Trương Định”?
 
Buổi lễ giản dị nhưng trang nghiêm, tại một vùng nông thôn ở Nam Bộ xưa, có một lễ đài bằng gỗ, trên đặt hương án, có bức trướng ghi dòng chữ Bình Tây Đại nguyên soái. Đông đảo các tầng lớp nhân dân có mặt. Đại diện nhân dân trịnh trọng dâng kiếm lệnh cho Trương Định.
 
Câu hỏi. So sánh hai thái độ, hai kiểu hành động của nhân dân và triều đình Huế trước sự xâm lược của thực dân Pháp:
 
  Thái độ Hành động
Nhân dân - Kiên quyết chổng xâm lược ngay từ khi Pháp nổ súng xâm lược nước ta.
- Kiên quyết chống trả khi địch tấn công Gia Định và các tình Nam Kì.
- Thái độ “bất tuân lệnh” triều đình của nhân dân và sĩ phu yêu nước.
- Anh dũng chống trả chúng tại Đà Nẵng dẫn đến làm thất bại kế hoạch “đánh nhanh thắng nhanh” của địch.
- Nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra quyết liệt chống sự mở rộng chiếm đóng của thực dân Pháp vì chống sự nhu nhược của triều đình.
- Vì nhân dân Trương Định ở lại kháng chiến.
Triều đình - Không kiên quyết động viên nhân dân chông Pháp.
- Bỏ lờ thời cơ để hành dộng.
- Nhu nhược, ươn hèn, ích kỉ vì quyền lợi của dòng họ bán rẻ dân tộc.
- Bỏ lỡ thời cơ khi địch đánh Gia Định.
-Kí Hiệp ước 1862 để mất ba tỉnh miền Đông Nam Kì.
- Để mất ba tỉnh miền Tây (1867).
- Đàn áp phong trào đấu tranh của nhân dân.
 
2. Kháng chiến lan rộng ra ba tỉnh miền Tây Nam Kì.
 
Câu hỏi. Thái độ của triều đình Huế sau khi kí Hiệp ước 1862?
 
Triều đình Huế ảo tưởng vào “lòng tốt” của người Pháp vì thế sau khi kí Hiệp ước Nhâm Tuất (1862) với thực dân Pháp, triều đình Huế đã tập trung đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nông dân ở Trung Kì và Bắc Kì, ngăn cản phong trào kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta ở Nam Kì, cử phái bộ sang Pháp thương thuyết để chuộc lại các tỉnh đã mất.

Câu hỏi. Hậu quả của các việc làm trên của triều đình Huế là gì?
 
Lợi dụng sự bạc nhược của vua quan nhà Nguyễn, từ ngày 20 đến ngày 24-6- 1867 Pháp đã cho quân chiếm các tỉnh miền Tây mà không tốn một viên đạn nào.
 
Câu hỏi. Trình bày những nét chính về cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Nam Kì?
 
Nhân dân nổi dậy khắp nơi, nhiều trung tâm kháng chiến được thành lập. Đồng Tháp Mười, Tây Ninh, Bến Tre, Vĩnh Long, Sa Đéc, Trà Vinh, Rạch Giá, Hà Tiên.
 
Với các lãnh tụ: Trương Quyền, Phan Tôn, Phan Liêm, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân.
 
Các nhà Nho dùng ngòi bút chống thực dân Pháp như: Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị...
 
Câu hỏi. Hãy nêu vài nét về Nguyễn Trung Trực?
 
Nguyễn Trung Trực sinh năm 1838, là người xã Bình Đức, tỉnh Định Tường (nay thuộc tỉnh Long An). Ông thông hiểu chữ Hán, từng tham gia kháng chiến ở miền Đông, là người chỉ huy quân đốt cháy tàu Ét-phô-răng của Pháp trên sông Vàm Cỏ Đông; sau sang miền Tây lập căn cứ ở Hòn Chông (Rạch Giá). Ông là người yêu nước, có chí khí. Bị giặc bắt đem ra chém, ông đã khảng khái nói: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”.
 
Câu hỏi. Hãy nêu vài nét về Nguyễn Hữu Huân?
 
Nguyễn Hữu Huân sinh năm 1813, đỗ đầu kì thi Hương năm 1852 nên còn gọi là Thủ khoa Huân. Ông người huyện Kiến Hưng tỉnh Định Tường (nay thuộc tỉnh Tiền Giang). Đã hai lần bị giặc bắt, được thả ra, ông lại tiếp tục chống Pháp. Khi bị giặc đưa đi hành hình, ông vẫn ung dung làm thơ.
 
Câu hỏi. Nhận xét về phong trào chống Pháp của nhân dân ta ở Nam Kì theo thứ tự sau: hoàn cảnh, số lượng, quy mô, kết quả.
 
- Hoàn cảnh: Cuộc kháng chiến càng ngày càng khó khăn vì thái độ bạc nhược, cấu kết với giặc của triều đình Huế để đàn áp phong trào đấu tranh của nhân dân.
 
- Số lượng người tham gia: Đông đảo, nhiều tầng lớp nhân dân tham gia, đặc biệt là nông dân.
 
- Quy mô: Rộng khắp sáu tỉnh Nam Kì.
 
- Kết quả: Thất bại.

Câu hỏi. Lập niên biểu những sự kiện chính trong cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta từ 1858 đến năm 1873.
 
Thời gian Nội dung chính
1-9-1858 Pháp tấn công Đà Nẵng
17-2-1859 Pháp tấn công Gia Định
24-2-1861 Pháp tấn công đại đồn Chí Hòa
10-12-1861 Nguyễn Trung Trực đốt cháy tàu giặc trên sông Vàm cỏ
5-6-1862 Hiệp ước Nhâm Tuất
2-1863 Pháp tấn công căn cứ Tân Hòa (Gò Công)
20-8 1864 Trương Định hi sinh
24-6-1867 Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây
1867-1875 Hàng loạt cuộc khởi nghĩa chống Pháp nổ ra ở Nam Kì

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây