© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Hướng dẫn trả lời câu hỏi Lịch sử 8, bài 25: Kháng chiến lan rộng ra toàn quốc (1873-1874)

Thứ ba - 12/12/2017 05:18
Hướng dẫn trả lời câu hỏi Lịch sử 8, bài 25: Kháng chiến lan rộng ra toàn quốc (1873-1874)
I. Thực dân Pháp đánh Bắc Kì lần thứ nhất. Cuộc kháng chiến ở Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Kì.
 
1. Tình hình Việt Nam trước khi Pháp đánh chiếm Bắc Kì.
 
Câu hỏi. Âm mưu của thực dân Pháp sau năm 1867?
 
Sau khi chiếm được 6 tỉnh Nam Kì, thực dân Pháp bắt tay ngay vào củng cố bộ máy cai trị và quân đội, đẩy mạnh việc bóc lột nhân dân Nam Kì bằng tô thuế, cướp đoạt ruộng đất của nhân dân, ra sức vơ vét lúa gạo để xuất khẩu, mở trường đào tạo tay sai, xuất bản báo chí nhằm chuẩn bị dư luận cho việc mở rộng đánh chiếm ra Bắc Kì.
 
Câu hỏi. Trước tình hình đó, thái độ của triều đình Huế như thế nào? Nhận xét?.
 
Triều đình Huế ngày càng đối lập sâu sắc với nhân dân. Triều đình Huế ra sức vơ vét tiền của trong nhân dân để phục vụ cho cuộc sống xa hoa và bồi thường chiến phí cho Pháp; kìm hãm các ngành công nghiệp; đàn áp các phong trào đấu tranh của nhân dân, nhượng bộ thực dân Pháp và tiếp tục muốn thương lượng để chia xẻ quyền thống trị với chúng.
 
Nhận xét: Chính sách kìm hãm sự phát triển của nhà Nguyễn => đó là một chính sách bảo thủ làm cho tình hình đất nước suy yếu. Đời sống nhân dân cực khổ, nhân dân dã nổi dậy đấu tranh khắp nơi.
 
Câu hỏi. Nêu những nét cơ bản của tình hình Việt Nam sau năm 1867?

Thực dân Pháp củng cố bộ máy cai trị của chúng ở Nam Kì, đẩy mạnh cướp đoạt ruộng đất, bóc lột nhân dân Nam Kì, mở đường đào tạo tay sai... Chuẩn bị cho việc đánh chiếm Bắc Kì.
 
Trong khi đó triều đình Huế ngày càng bi đát, kinh tế khó khăn, thiên tai mất mùa, tài chính thiếu hụt, chính sách bế quan tỏa cảng vẫn được duy trì.
 
Khởi nghĩa của nhân dân nổ ra ở nhiều nơi.
 
Tình hình đó tạo điều kiện cho Pháp thực hiện mưu đồ mở rộng chiếm đóng ra Bắc Kì.
 
2. Thực dân Pháp đánh chiếm Bắc Kì lần thứ nhất (1873).
 
Câu hỏi. Tại sao đến năm 1873 quân Pháp ở Nam Kì lại triển khai mở rộng đánh chiếm Bắc Kì?
 
Bộ máy cai trị của Pháp ở Nam Kì đã được củng cố. Triều đình Huế suy yếu, nhu nhược, không có phản ứng gì đáng kể.
 
Câu hỏi. Thực dân Pháp đã tiến hành kế hoạch đánh chiếm Bắc Kì như thế nào?
 
Thực hiện kế hoạch đánh Bắc Kì đã được vạch ra từ trước:
 
Cuối 1872, chúng cho lái buôn Đuy-puy gây rối ở Hà Nội nhằm tạo cơ hội cho Pháp can thiệp sâu vào vấn đề Bắc Kì.
 
Lấy cớ giải quyết vụ gây rối của lái buôn Đuy-puy, Gác-ni-ê đưa hơn 200 quân Pháp ra Bắc. Nhưng thực chất, đây là việc làm nằm trong kế hoạch đánh chiếm Bắc Kì của thực dân Pháp.
 
Sau đó, Pháp cho quân đánh thành Hà Nội 20-11-1873. Sau khi chiếm được thành, chúng cho quân đánh chiếm các tỉnh Hưng Yên, Phủ Lý, Hải Dương, Ninh Bình và Nam Định.
 
Câu hỏi. Tại sao quân triều đình ở Hà Nội đông mà vẫn không thắng được giặc?
 
Quân triều đình ở Hà Nội đông nhưng trang bị vũ khí thô sơ, triều đình không tổ chức cho nhân dân kháng chiến. Vì vậy, cuộc chiến đấu do Nguyễn Tri Phương chỉ huy không bảo vệ được thành vì diễn ra đơn lẻ không có sự hỗ trợ của các nơi.
 
3. Kháng chiến ở Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Kì (1873-1874).
 
Câu hỏi. Nhân dân Hà Nội tiến hành kháng chiến chống Pháp như thế nào?
 
Ngay từ khi quân Pháp chiếm Hà Nội, nhân dân ta đã anh dũng đứng lên kháng chiến. Đêm đêm, các toán nghĩa binh tấn công địch, đốt kho đạn địch. Ở cửa ô Thanh Hà (nay là Ô Quan Chưởng), một đội nghĩa binh đã anh dũng chặn đánh địch và hi sinh đến người cuối cùng để bảo vệ thành Hà Nội.
 
Câu hỏi. Nhân dân các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ đã đấu tranh chống thực dân Pháp như thế nào?
 
Tại các tỉnh đồng bằng Bắc Kì, quân Pháp vấp phải sự kháng cự quyết liệt của nhân dân ta. Ở Thái Bình và Nam Định, có căn cứ kháng chiến của cha con Nguyễn Mậu Kiến và Phạm Văn Nghị...
 
Câu hỏi. Em hãy so sánh thái độ, hành động của nhân dân và triều đình Huế trong việc Pháp đánh Bắc Kì lần thứ nhất?
 
  Thái độ Hành động
Nhân dân Hà Nội và các tỉnh Bắc Kì Kiên quyết chống giặc. Nhân dân anh dũng đứng lên kháng chiến ở Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Kì.
Triều đình Không kiên quyết chống giặc, cầm chừng, chủ yếu thiên về thương thuyết. - Tạo điều kiện cho Pháp ra Bắc Kì.
- Làm thất thủ thành Hà Nội.
- Kí Hiệp ước Giáp Tuất (15-3- 1874)
 
Câu hỏi. Trình bày tóm tắt diễn hiến chính của trận cầu Giấy năm 1873?
 
Thấy lực lượng của địch ở Hà Nội yếu, quân ta khép chặt vòng vây nên ngày 21-12-1873, quân Pháp buộc phải phá vòng vây đánh ra cầu Giấy. Chớp thời cơ quân Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc và Hoàng Tá Viêm phục kích, giết tại trận viên chỉ huy Gác-ni-ê cùng nhiều sĩ quan và binh lính địch.
 
Câu hỏi. Chiến thắng cầu Giấy năm 1873 có ý nghĩa như thế nào?
 
Chiến thắng cầu Giấy (1873) của quân dân ta làm cho quân Pháp hoang mang lo sợ, còn quân dân ta thì phấn khởi, càng hăng hái đánh giặc.
 
Câu hỏi. Thái độ của triều đình Huế sau chiến thắng cầu Giấy như thế nào?
 
Triều đình Huế đã không tận dụng ưu thế có được sau chiến thắng cầu Giấy để phản công địch, mà lại thỏa hiệp với Pháp bằng việc kí Hiệp ước Giáp Tuất (15- 3-1874) với những điều khoản nặng nề - chính thức thừa nhận chủ quyền của Pháp ở 6 tỉnh Nam Kì.
 
Câu hỏi. Vì sao triều đình Huế kí Hiệp ước Giáp Tuất 1874? Em có nhận xét gì về Hiệp ước 1874 so với Hiệp ước Nhâm Tuất 1862?
 
Hiệp ước 1874 là một sự tính toán thiếu cẩn thận của triều đình Huế, xuất phát từ ý thức bảo vệ quyền lợi của giai cấp và dòng họ, triều đình Huế trượt dài trên con đường đi đến đầu hàng hoàn toàn thực dân Pháp. Chủ quyền dân tộc bị xâm phạm nhiều hơn. tạo điều kiện để Pháp thực hiện âm mưu xâm lược tiếp theo.
 
- So với Hiệp ước 1862, Hiệp ước 1874 ta mất thêm ba tỉnh Nam Kì, mất thêm một phần quan trọng chủ quyền lành thô, ngoại giao và thương mại của Việt Nam.
 
Câu hỏi. Đường lối kháng chiến của triều đình Huế có gì thay đổi sau chiến thắng Cầu Giấy 12-1873?

Đường lối kháng chiến của triều đình Huế không có gì thay đổi, vì vậy đã không phát huy được chiến thắng cầu Giấy (12-1873), mà chỉ coi đây là một cơ hội để điều đình, thương lượng với Pháp. Hiệp ước cắt đất cầu hòa lần thứ hai (thừa nhận cho Pháp chiếm cả 6 tỉnh Nam Kì) đã nhanh chóng được kí kết vào ngày 15-5-1874.
 
II. Thực dân Pháp đánh Bắc Kì lần thứ hai. Nhân dân Bắc Kì tiếp tục kháng chiến trong những năm 1882-1884.
 
1. Thực dân Pháp đánh chiếm Bắc Kì lần thứ hai (1882).
 
Câu hỏi. Tình hình nước ta sau Điều ước 1874. Thái độ của triều đình Huế như thế nào?
 
Pháp tiếp tục ý để chiếm toàn bộ lãnh thổ nước ta. Kinh tế - tài chính ngày càng kiệt quệ. Nhân dân đói khổ, giặc cướp hoành hành ở khắp nơi, có lúc triều đình Huế đã phải cầu cứu quân Pháp và quân Thanh đánh dẹp. Các đề nghị cải cách, duy tân bị khước từ. Tình hình Bắc Kì rối loạn cực độ.
 
Câu hỏi. Pháp lấy cớ gì đưa quân ra Bắc Kì lần thứ hai?
 
Lấy có triều đình Huế vi phạm Hiệp ước 1874, vẫn giao thiệp với Trung Quốc mà không hỏi ý kiến Pháp, ngăn cản người Pháp đi lại buôn bán trên sông Hồng.
 
Câu hỏi. Thực dân Pháp đánh chiếm Bắc Kì lần thứ hai như thế nào?
 
1882, quân Pháp do Đại tá Ri-vi-e chỉ huy đã đổ bộ đánh thành Hà Nội. Chúng đòi quân ta nộp khí giới và giao thành không điều kiện. Không được ta trả lời, Pháp nổ súng tấn công. Quân ta chống cự quyết liệt nhưng cuối cùng thành Hà Nội vẫn bị rơi vào tay giặc. Quân Pháp nhanh chóng tỏa đi đánh chiếm Hòn Gai, Nam Định và các tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Kì.
 
Câu hỏi. Trước việc Pháp chiếm thành Hà Nội, triều đình Huế đã làm gì?
 
Trước việc Pháp chiếm thành Hà Nội, triều đình Huế vội vàng cầu cứu nhà Thanh, tạo cơ hội cho quân Thanh vào Bắc Kì; nuôi ảo tưởng điều đình với Pháp, đồng thời ra lệnh cho quân ta phải rút lên mạn ngược, giải tán các đội quân địa phương.
 
2. Nhân dân Bắc Kì tiếp tục kháng Pháp.
 
Câu hỏi. Trước sự lấn chiếm của thực dân Pháp, nhân dân Bắc Kì có thái độ như thế nào?
 
Nhân dân Bắc Kì tiếp tục kháng chiến chống Pháp.
 
Câu hỏi. Quân dân Bắc Kì đã phối hợp với quân đội triều đình chiến dấu chống Pháp quyết liệt như thế nào?
 
Khi quân Pháp đánh chiếm Bắc Kì lần thứ hai, nhân dân ta đã tích cực phối hợp với quan quân triều đình kháng chiến. Nhân dân Hà Nội tự tay đốt nhà, tạo thành bức tường lửa chặn giặc; họ tổ chức thành đội ngũ để tham gia bảo vệ thành. Việc Tổng đốc Hoàng Diệu hi sinh với thành Hà Nội đã nêu cao tinh thần yêu nước bất khuất cho nhân dân. Sau khi thành mất, cuộc chiến đấu trong lòng địch diễn ra rất quyết liệt.
 
Quân dân ở các địa phương sôi nổi chống giặc: dựng rào cản, cắm kè trên sông, làm hầm chông, cạm bẫy để cản giặc.
 
Câu hỏi. Chiến thắng cầu Giấy lần thứ hai quân ta đã tiêu diệt Ri-vi-e như thế nào?
 
Khi Ri-vi-e đánh Nam Định, các cánh quân của quân ta từ Sơn Tây và Bắc Ninh kéo về Hà Nội, uy hiếp quân Pháp. Ri-vi-e kéo quân về giải vây cho Hà Nội đã bị quân ta phục kích, tiêu diệt tại cầu Giấy ngày 19-5 -1 883.
 
Câu hỏi. Cuộc chiến đấu bảo vệ thành Hà Nội năm 1882 có gì khác năm 1873?
 
- Tăng cường phòng thủ.
- Cuộc chiến đấu có sự phối hợp trong ngoài.
- Một số người chủ trương trình triều đình thực hiện kế sách chiến đấu lâu dài, dựa vào rừng núi nhưng không được triều đình chấp nhận.
 
Câu hỏi. Sau khi Ri-vi-e bị giết tại cầu Giấy năm 1883, tại sao thực dân pháp không chịu nhượng bộ triều đình Huế?
 
Chiến thắng cầu Giấy lần thứ hai càng làm cho quân Pháp thêm hoang mang dao động. Chúng toàn bỏ chạy nhưng triều đình Huế lại chủ trương thương lượng với Pháp, hi vọng chờ chiến thắng này mà địch sẽ rút quân. Nhân cơ hội vua Tự Đức chết, triều đình Huế đang lục đục, thực dân Pháp có thêm viện binh đã đem quân tấn công thẳng vào Thuận An - cửa ngõ kinh thành Huế.
 
3. Hiệp ước Pa-tơ-nốt. Nhà nước phong kiến Việt Nam sụp đổ (1884)
 
Câu hỏi. Khi Pháp tấn công Thuận An thái độ của triều đình Huế như thế nào?
 
Hoảng hốt, xin đình chiến và kí hiệp ước 1883 (Hác-măng).
 
Câu hỏi. Nhân dân ta có phản ứng gì khi triều đình kí hiệp ước Hác-măng (1883)?
 
Nhân dân ta tiếp tục chống Pháp và chống lại triều đình.
 
Câu hỏi. Nội dung cơ bản của hiệp ước Hác-măng (1883) là gì?
 
Bắc Kì và Trung Kì phải đặt dưới sự bảo hộ của Pháp; cắt tỉnh Bình Thuận ra khỏi Trung Kì, nhập vào đất Nam Kì thuộc Pháp.
 
Triều đình Huế được cai quản Trung Kì nhưng phải thông qua Khâm sứ Pháp ở Huế. Ba tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh được sát nhập vào Bắc Kì.
 
Công sứ Pháp ở Bắc Kì kiểm soát mọi công việc của quan lại triều đình, nắm quyền trị an và nội vụ.
 
Mọi việc giao thiệp với nước ngoài của triều đình Huế đều do Pháp nắm, kể cả việc giao thiệp với Trung Quốc.
 
Câu hỏi. Chủ trương của Pháp sau trận cầu Giấy lần thứ hai (5-1883), có gì khác với trận cầu Giấy thứ nhất (12-1873)? Kết quả của việc Pháp thực hiện chủ trương đó?
 
- Không giống như trận cầu Giấy lần thứ nhất, lần này chủ trương thôn tính toàn bộ Việt Nam đã trở thành đường lối chung của Nhà nước thực dân Pháp.
 
- Vì vậy. Pháp quyết định đem quân đánh thẳng Thuận An, sát kinh thành Huế. Hiệp ước Hác-măng (1883) và sau đó là Hiệp ước Pa-tơ-nốt (1884) đã được kí kết, chấm dứt sự tồn tại độc lập của triều đình phong kiến nhà Nguyễn. Nền “bảo hộ” của Pháp được xác lập trên toàn bộ đất nước Việt Nam.
 
Câu hỏi. Hiệp ước 1884 khúc với hiệp ước 1883 ở điểm gì và âm mưu xảo quyệt của thực dân Pháp được thể hiện như thế nào?
 
Hiệp ước 1884 có nội dung cơ bản giống với hiệp ước 1883, chỉ sửa đổi về ranh giới khu vực Trung Kì như trả lại các tỉnh Bình Thuận và Thanh - Nghệ - Tĩnh cho Trung Kì.
 
Âm mưu xảo quyệt của thực dân Pháp là vừa đánh, vừa tìm cách mua chuộc, xoa dịu, lấy lòng vua quan phong kiến triều Nguyễn.
© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây