© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Lịch sử 7 - Bài 23: Kinh tế, văn hoá thế kỉ XVI-XVIII

Thứ hai - 25/03/2019 11:25
Kiến thức cần nhớ, Lịch sử 7 - Bài 23: Kinh tế, văn hoá thế kỉ XVI-XVIII
I. Kinh tế
1. Nông nghiệp
- Ở Đàng Ngoài, do chiến tranh liên miên, nhà nước Lê - Trịnh ít quan tâm đến nông nghiệp, ruộng đất. Kết quả là thiên tai, mất mùa, đói kém thường xuyên xảy ra, ruộng đất hoặc bị bỏ hoang hoặc bị bọn địa chủ, cường hào chấp chiếm. Nghiêm trọng nhất là vùng Sơn Nam và vùng Thanh Nghệ nông dân phải bỏ làng phiêu tán khắp nơi.
- Trong lúc đó, ở Đàng Trong, do điều kiện đất đai thuận lợi, cư dân thưa thớt chính quyền chúa Nguyễn một mặt lo việc chiến tranh, mặt khác khuyến khích nhân dân khai hoang mở rộng ruộng đồng, phát triển sản xuất. Hình thành hàng loạt thôn làng mới, nhiều khu vực hành chính mới. Mặc dù xuất hiện nhiều địa chủ lớn, nông dân vẫn có ruộng cày, tình trạng thiếu ruộng chưa đặt ra một cách nghiêm trọng như ở Đàng Ngoài.
 
2. Sự phát triển của nghề thủ công, và buôn bán
- Thế kỉ XVII, ở cả hai miền, do nhu cầu trao đổi tăng 1ên, các nghề thủ công (dệt vải, gốm. rèn sắt, đúc đồng, làm giấy... ) và làng thủ công truyền thống tiếp tục phát triển rộng khắp như gốm Thế Hà (Bắc Giang), Bát Tràng (Hà Nội)... Hiền Lương (Phú Bài - Thừa Thiên Huế)... các làng làm đường ở Quảng Nam..., chất lượng sản phẩm ngày càng cao.
- Trao đổi buôn bán ngày càng mở rộng; chợ búa mọc lên khấp nơi. Cùng lúc đó, hàng loạt thuyền buôn nước ngoài từ Trung Quốc, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á, các nước Tây Âu như Bồ Đào Nha, Hà Lan, Pháp, Anh đã đến nước ta trao đổi, mua bán hàng hóa. Các sản phầm thủ công truyền thống như tơ lụa, gốm sứ có điều kiện gia tăng về số lượng, chất lượng, đồng thời nhân dân ta cũng có dịp tiếp xúc với hàng thủ công của người phương Tây.
- Sự phát triển công thương nghiệp đã tạo điều kiện hình thành nhiều đô thị mới như Hội An, Phố Hiến, Thanh Hà, Gia Định, Kinh kì (Thăng Lông) ngày càng phồn vinh.
- Tuy nhiên từ giữa thế kỉ XVIII, kinh tế công thương nghiệp và đô thi tàn dần.
 
II. Văn hóa
1. Tôn giáo
* Nho Giáo, Phật giáo, Đạo giáo
- Các thế kỉ XVI-XVII Nho giáo vẫn là cơ sở tư tưởng của giai cấp thống trị nhưng suy thoái dần. Đạo giáo, Phật giáo hồi phục. Trong nông thôn nhân dân ta vẫn giữ nếp sống văn hóa truyền thống (làng xã thờ Thành hoàng, gia đình thờ tổ tiên), hình thức sinh hoạt văn hóa qua các lễ hội thắt chặt tình đoàn kết xóm làng, tình yêu quê hương, đất nước.
* Thiên chúa giáo: đặc biệt cùng với sự giao lưu buôn bán với phương Tây. Thiên Chúa giáo (đạo Ki-tô) được du nhập và bước đâu phát triển (thế kỉ XVII - XVIII).
 
2. Sự ra đời chữ Quốc ngữ
Trong quá trình truyền bá đạo Thiên Chúa, một số giáo sĩ đã dùng chữ La-tinh để phiên âm tiếng Việt, từ đó sáng tạo ra chữ Quốc ngữ mà chúng ta đang dùng ngày nay. Một trong những người có công nhất trong sự kiện này là giáo sĩ A-lếc-xăng đơ Rốt. Tuy nhiên, do bây giờ nhà nước phong kiến và nhân dân ta chỉ dùng chữ Hán, chữ Nôm nên chữ Quốc ngữ tuy dễ học nhưng không có điều kiện phổ biến.
 
3. Văn học và nghệ thuật dân gian
Trong các thế kỉ XVI-XVII, tuy văn học chữ Hán vẫn chiếm ưu thế, nhưng văn học chữ Nôm phát triển mạnh hơn trước. Thơ Nôm. truyện Nôm xuất hiện ngày càng nhiều.
Trình độ văn hóa của nhân dân cao hơn trước nhờ phát triển giáo dục. Từ đó, văn học dân gian ngày càng phát triển với nhiều thể loại khác nhau như truyện, ca dao, tục ngữ, truyện cười...
Xuất hiện nhiều nhà thơ xuất sắc như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đào Duy Từ...
Nghệ thuật dân gian cũng phát triển phong phú về tất cả các mặt như tạc trượng, điêu khắc, tuồng, chèo, ca hát v.v... Tất cả đã thể hiện sự vươn lên về mặt tinh thần của người dân Việt.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây