© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Chủ đề nhánh: Ngày Tết quê em, ngày thứ hai

Chủ nhật - 17/01/2021 10:30
Chủ đề nhánh: Ngày Tết quê em, ngày thứ hai
Giáo án mầm non: Kế hoạch giáo dục chủ đề: Tết và mùa xuân. Chủ đề nhánh: Ngày Tết quê em, ngày thứ hai

KẾ HOẠCH GIÁO DỤC
CHỦ ĐỀ: TẾT VÀ MÙA XUÂN
CHỦ ĐỀ NHÁNH: NGÀY TẾT QUÊ EM

Ngày: Thứ hai
 

I. Đón trẻ:

- Chơi với các đồ chơi trong lớp
- Trò chuyện với trẻ về các hoạt động trong ngày tết.
- Giao dục trẻ ăn chín, uống sôi, giữ gìn sức khỏe.

II. Thể dục buổi sáng

Tập với đĩa thể dục bài: “Bánh chưng xanh”
* Khởi động: Xoay cổ tay, bả vai, eo, gối, chạy nhanh, chạy chậm.
* Trọng động:
+ Hô hấp: gà gáy
+ Tay: Đưa tay ra trước lên cao
+ Lườn: Đứng quay người sang hai bên
+ Chân: Bước khụy một chân ra phía trước, chân sau thẳng
+ Bật: Bật chân sáo.
* Hồi tĩnh: Thả lỏng điều hòa.

III. Hoạt động học:
HOẠT ĐỘNG HỌC: KPKH
ĐỀ TÀI: TÌM HIỂU NGÀY TẾT NGUYÊN ĐÁN

1. Mục đích, yêu cầu
*Kiến thức:
- Trẻ hiểu ‎ý nghĩa này tết Nguyên đán
- Trẻ biết các hoạt động, phong tục diễn ra trong ngày tết
- Trẻ biết một số loại hoa quả, thức ăn, không khí ngày tết
*Kỹ năng:
- Rèn khả năng quan sát chú ý, ghi nhớ có chủ định
- Phát triển tư duy, ngôn ngữ cho trẻ.
*Thái độ:
- Dạy trẻ biết yêu qu‎ý, quan tâm, chúc tết ông bà, bố mẹ...
- Giáo dục trẻ biết yêu qu‎ý giữ gìn ngày tết cổ truyền của dân tộc.
2. Chuẩn bị
- Bài giảng điện tử
- Đất nặn, bảng con cho trẻ.
3. Tiến hành tổ chức
Hoạt động 1: Ổn định
- Vận động “Mùa xuân ơi”
- Mùa xuân có ngày gì vui nhất, đặc biệt nhất mà tất cả mọi người đều háo hức mong chờ, tất cả mọi người đều được nghỉ học, nghỉ làm để sum họp cùng gia đình?
- Các con có thích tết không? Ai biết gì về tết?
- Các con ai cũng thích tết, vậy hôm nay chúng mình cùng tìm hiểu kỹ hơn về ngày tết Nguyên Đán nhé
Hoạt động 2: Hoạt động nhận thức
Cung cấp kiến thức
 Trò chuyện về ngày tết Nguyên Đán
- Chúng mình vừa chơi trò chơi về các mùa, vậy một năm có mấy mùa? Bao nhiêu tháng ?
- Tết Nguyên Đán năm trước gọi là tết Tân Mão năm 2012, vậy tết nay gọi là tết gì ? (Cho trẻ xem slide)
- Các con vừa trải qua những ngày nghỉ tết rồi, các con hãy nói lại cảm nhận của các con về ngày tết ( cô gọi một số trẻ trả lời)
+ Không khí trong những ngày tết như thế nào? Có vui vẻ, náo nhiệt không?
+ Con có nhận xét gì về quang cảnh ngày tết? (thời tiết, cây cối, đường phố đông vui, nhiều hoa, nhiều người đi lại…) ( Cho trẻ xem slide: Chợ tết)
- Gần đến ngày tết cổ truyền của dân tộc, mọi người, mọi nhà thường chuẩn bị làm những gì để đón tết ?( Gọi 3-4 trẻ)
- Trong dịp tết vừa rồi, các con đã giúp bố mẹ làm những gì để đón tết ? ( Gọi 3-4 trẻ)
+ Bạn nào được đi chợ sắm tết?
+ Con đi chợ với ai, con nhìn thấy chợ tết bán nhiều loại hàng gì nhất?
+ Nhà con đã mua những gì?
+ Ai có nhận xét gì về màu sắc các loại hàng con nhìn thấy? màu gì nhiều nhất, đặc trưng nhất cho ngày tết?
Để chuẩn bị đón tết thì nhà nào cũng dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng, trang trí đẹp và mua sắm đầy đủ các đồ dùng sinh hoạt trong nhà và sắm quần áo mới cho các con.
- Loại bánh gì mà mọi nhà thường hay gói trong ngày tết? (Cho trẻ xem slide: gói bánh chưng)
+ Tết vừa rồi nhà con có gói bánh chưng không?
+ Ai biêt để gói được bánh chưng thì cần chuẩn bị những nguyên vật liệu gì?
+ Các con có giúp bố mẹ gói bánh chưng không ? Con giúp bố mẹ làm gì?
- Chúng mình có muốn được gói bánh chưng nữa không? Hãy cùng làm động tác mô phỏng việc gói bánh chưng nhé
- Trong những ngày tết mọi nhà thường trang trí bằng những loại hoa gì ? ( cho trẻ xem slide: Hoa đào, hoa mai)
+ Hoa mai thường có ở miền nào ? Còn miền Bắc mình thường có hoa gì?
+ Nhà con tết vừa rồi trang trí hoa gì? Ai là người trang trí?
Mỗi khi xuân về tết đến thì miền nam hoa mai nở rộ, còn miền Bắc thì có hoa đào đặc trưng cho ngày tết. Ngoài ra còn một số loài hoa khác: cây quất, hoa cúc, hồng, vạn thọ...Các con có biết bài thơ nói về hoa đào không? ( Đọc bài thơ cây đào)
- Có những loại hoa quả, bánh mứt gì đặc trưng cho ngày tết ?
+ Ở nhà con ai là người bày mâm ngũ quả?
+ Mâm quả nhà con gồm có những loại quả gì ? (Cho trẻ xem slide: mâm ngũ quả).
- Ngày tết thường có những phong tục gì?
+ Bạn nào biết mọi người thường cúng ông bà tổ tiên vào lúc nào, gọi là gì ?
+ Trong mâm cơm ngày tết ở nhà mẹ và bà nấu những món ăn gì? Con thích ăn những món nào nhất?
+ Vào đêm giao thừa thường có hoạt động gì nổi bật?(Xem video bắn pháo hoa)
- Sau đêm giao thừa, những ngày tết tiếp theo các con được đi những đâu? Có bạn nào được về quê ăn tết với ông bà không?
- Khi đến thăm hỏi nhau ngày tết mọi người thường chúc nhau điều gì?
- Con chúc tết ông bà, bố mẹ như thế nào? (Cho một vài cháu lên chúc tết trên nền nhạc bài: Bé chúc tết).
- Ngày tết nguyên đán là ngày tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam ta, mọi người vui vẻ đón tết, mong năm mới sẽ có nhiều điều mới tốt lành đến với mình. Bánh chưng xanh là loại bánh truyền thống không thể thiếu trong ngày tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam ngoài ra còn một sô món ăn khác có ‎ý nghĩa với phong tục tập quán cuả người Việt như dưa hành, giò lụa. Khi chúc nhau, mọi người cũng thường chúc nhau năm mới nhiều may mắn, hạnh phúc, chúc người già sống lâu trăm tuổi, chúc các bé chăm ngoan học và được mừng tuổi - đó chính là những phong tục tập quán của người Việt
Luyện tập:
Trò chơi: “Nặn bánh chưng”
Cô cho trẻ về góc nghệ thuật nặn bánh chưng.
Hoạt động 3: Kết thúc
Cô nhận xét, tuyên dương và chuyển sang hoạt động khác

IV. Hoạt động ngoài trời:

- Hoạt động có mục đích: Hát múa Xúc xắc xúc xẻ
- Trò chơi vận động: Kéo co
- Chơi tự do: Chơi với đồ chơi ngoài trời tùy thích.

V. Hoạt động góc:

- Góc xây dựng: Xây dựng vườn hoa mùa xuân.
- Góc phân vai: Gia đình trong ngày tết.
- Góc nghệ thuật: Vẽ, tô màu hoạt động ngày tết.
- Góc học tập: Xếp hột hạt, ghép nét chữ các chữ cái đã học

VI. Vệ sinh, ăn ngủ:

- Rèn kỹ năng rửa tay đúng cách sau khi ăn và sau khi đi vệ sinh, lau miệng sau khi ăn.
- Trẻ ăn đúng giờ, ngủ đủ giấc. Biết lấy gối, chăn về vị trí của mình.
- Sau khi ngủ dậy biết cất đồ dùng và làm vệ sinh cá nhân.

VII. Hoạt động chiều:

- Cho trẻ thực hiện vở ở trường
- Nhận xét, nêu gương, cắm cờ
- Cho trẻ xem truyện cổ tích

VIII. Trả trẻ:

- Cho trẻ vệ sinh sạch sẽ, chải tóc gọn gàng cho trẻ.
- Trả trẻ tận tay phụ huynh.
- Trao đổi với phụ huynh một số biện pháp phòng bệnh khi thời tiết giao mùa

IX. Đánh giá cuối ngày:

…………………………...........................

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây