© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Bài dự thi viết về những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu

Thứ ba - 01/12/2020 09:38
Bài dự thi viết về những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu
Năm ấy tôi vừa tròn 15 tuổi, rời mái trường cấp hai ở quê, tôi xuống thị xã để học lên cấp ba. Quãng đường khá xa tôi phải đạp xe tốc lực mất 45 phút mới đến trường. Và ở nơi ấy tôi đã gặp được ân nhân của mình, cùng bài học mà có lẽ suốt đời tôi không thể quên.
Một học trò nhà quê chân ướt, chân ráo mới đến trung tâm thị xã thấy cái gì cũng mới mẻ và nhộn nhịp. Với bản tính nhút nhát và rụt rè tôi không quan tâm đến những gì đang diễn ra xung quanh mà chỉ chú tâm vào học và về nhà. Mỗi khi tiếng trống tan trường vừa điểm thì tôi là người dắt xe ra cổng đầu tiên.

Cũng vì sự vội vàng và hấp tấp đó, tôi suýt phải trả giá bằng tính mạng của mình. Lúc đó đã là 17 giờ 10 phút tôi đang hăng say đạp chiếc xe bon bon trên đường cái thì bỗng dưng: bựt – đứt sên. Lại vừa tới đoạn vượt xe, tôi đành phải rẽ tấp vào lề trái, thì nhanh như cắt chiếc hon đa đối diện lao ngang vào, tôi văng ra, chiếc xe đạp của tôi gãy cụp, sách, vở bay tung tóe. Tôi chưa kịp định thần thì chú đi xe máy mắng té tát, tôi hoảng quá bất tỉnh luôn.

Cũng may lúc đó cô giáo dạy lớp tôi đi qua và đưa tôi vào bệnh viện. Nằm trên giường bệnh tôi mới biết mình bị gãy xương đòn gánh, còn chân tay chỉ bị trầy xướt nhẹ. Hôm sau cô đến thăm, còn mang quà cho tôi, tôi thật sự cảm động lắm. Cô dặn dò: Đường đi học về rất xa, em phải chú ý không chạy nhanh, chạy ẩu, may mắn không lặp lại lần nữa đâu em nhé!. Từng lời nhắc nhở, dạy bảo của cô khiến tôi tâm phục khẩu phục, chỉ biết dạ dạ, vâng vâng, cảm ơn cô rất nhiều.

Sau sự cố đó tôi thay đổi hẳn, luôn luôn kiểm tra “con ngựa” của mình và đi với tốc độ vừa phải, không còn cắm đầu, cắm cổ lao đi như trước nữa. Từng buổi học trôi qua lặng lẽ, tôi âm thầm cố gắng và tiếp thu nhiều nhất có thể những bài giảng của cô. Tôi phấn đấu và nỗ lực hết sức để được là trò ngoan, trò giỏi trong mắt cô.

Tuy nhiên, không biết vì ưu ái tôi hay bài làm của tôi có gì đặc biệt mà điểm của tôi lại cao hơn các bạn khác. Hôm ấy là tiết trả bài kiểm tra 2 tiết, tôi đang hí hửng vì được điểm cao thì bỗng dưng ở bàn bên cạnh, bạn Đạo đứng dậy nói:

- Thưa cô, bài của em cũng giống như bài của bạn Ngọc tại sao lại ít điểm hơn?

Cô ân cần bảo hai chúng tôi nộp lại bài để cô kiểm tra. Cô xem qua, xem lại hai bài một lúc lâu rồi nói:

- Đề bài làm và các câu hỏi cô ra chung cho cả lớp. Về phần ngữ pháp các em có thể làm giống nhau, nhưng các em để ý phần làm văn. Trong phần bình luận đoạn trích Trao Duyên, Thúy Kiều quỳ xin em gái mình là Thúy Vân hãy tiếp nối và thay mình trả duyên cho Kim Trọng. Em Ngọc đã viết:

“Sự hi sinh của Thuý Kiều làm cho người đời cảm phục, tình cảm của Thuý Kiều làm cho chúng ta trân quý yêu thương. Đó là điểm sáng chói ngời trong phẩm giá con người Thúy Kiều, khiến cho nàng sống mãi trong lòng người đọc”

Chỉ có bấy nhiêu thôi, nhưng trong các em không có bài nào viết được như vậy. Em Ngọc đã nói lên được “điểm sáng chói ngời” trong con người Thúy Kiều. Dù bản thân Thúy Kiều là một cô gái lầu xanh, nhưng tâm hồn của Thúy Kiều là một tâm hồn hiếu hạnh, tôn trọng chữ tín, nhận phần thiệt về mình. Ở đời, người ta chỉ hơn nhau chút đó thôi: Nhận phần thiệt về mình – để sống mãi trong lòng người khác, các em ạ!

Cô phân tích xong, làm tôi cũng choáng váng, cô đâu biết rằng câu văn trên tôi đã đọc đâu đó trong văn mẫu trên mạng internet. Tuần trước làm bài tôi áp dụng vào bài viết của mình chứ thật sự tôi cũng chưa hiểu lắm về ý nghĩa sâu xa của câu văn trên. Tôi lấy hết can đảm đứng lên:
- Dạ thưa cô,… em,… em, có điều muốn nói ạ!
Em cứ tự nhiên, cô bảo.
- Đó là câu văn em đọc được ở đâu đó chứ không phải do em nghĩ ra ạ! Cho nên bài tập này cô hãy cho bằng điểm các bạn. Em cảm ơn cô ạ!
- Được rồi, em ngồi xuống. Cô lưu ý các em một điều. Kiến thức cô truyền dạy cho các em, các em tiếp thu được thì nó thuộc về các em. Cũng như vậy, các em có thể thao khảo tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau rồi tự mình ghi nhớ, sáng tạo và vận dụng thì kiến thức đó là của các em.

Kể từ đó, tôi càng thêm kính phục và biết ơn cô bội phần. Năm tháng học trò qua đi, rồi cũng đến lúc tôi ra trường. Ngày chia tay cô chỉ viết vào lưu bút của tôi mấy chữ: “Lúa chín cúi đầu, sông sâu tĩnh lặng”, chúc em vững tin và thành công!

Mãi đến sau này tôi mới hiểu nội dung ý nghĩa, triết lý thâm sâu trong mấy chữ đơn giản kia. Cô ơi! Giờ này ở phương xa cô có khỏe không? Em luôn cầu chúc cô vạn sự an khang, mỗi năm luôn có thêm nhiều trò giỏi. Em sẽ về thăm cô trong một ngày sắp tới! Một lần nữa chúc cô và gia đình luôn dồi dào sức khỏe!

Học trò nhỏ của cô!

Hoàng Dung

  Ý kiến bạn đọc

  • lâm quang đạo
    kỉ niệm của bạn thật xúc động và sâu sắc, lúa chín cúi đầu, sông sâu tĩnh lặng, đơn giản thôi nhưng có mấy ai lĩnh ngộ được!
      lâm quang đạo   09/09/2021 08:38
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây