Trong cuộc đời ai cũng có riêng cho mình những kỉ niệm của một thời ấu thơ hồn nhiên, trong sáng. Kỉ niệm tuổi thơ bao giờ cũng đẹp đẽ, thân thương và chứa chan tình nghĩa. Những kỉ niệm ấy là những điều thiêng liêng thân thiết nhất, nó có sức mạnh phi thường nâng đỡ con người suốt hành trình dài và rộng của cuộc đời.
Với Bằng Việt, ông cũng đã có một kỉ niệm đẹp, một kí ức tuổi thơ tràn đầy tình yêu thương bên người bà và chắc hẳn rằng tình bà cháu ấy sâu nặng lắm, thân thương lắm nên mới đủ sức khơi nguồn cho dòng cảm xúc ấm nóng, để ông sáng tác một bài thơ đặc sắc “Bếp lửa”. Bài thơ “Bếp lửa” được viết lúc Bằng Việt được học tại Nga. Chính hình ảnh bếp lửa thân thương và người bà thân yêu đã trở thành kí ức tuổi thơ sưởi ấm một đời tác giả Bằng Việt. Theo diễn biến tâm tư của tác giả, ta cảm nhận thấm thía từng cung bậc tâm trạng.
Trong thời kì đất nước chống giặc ngoại xâm, biết bao người đã rời khỏi gia đình lên đường ra trận. Và nhà thơ Bằng Việt cũng có một tuổi thơ mà bố mẹ đều đi đánh giặc. Một mình sống với bà nhưng tác giả không hề cảm thấy buồn và cô đơn mà còn rất tự hào và vui sướng vì được sống bên người bà, bên bếp lửa bà nhen và bếp lửa ấy không chỉ làm ấm tình cảm bà cháu mà còn sưởi ấm một đời người:
“Một bếp lửa chờn vờn sương sớm.
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm.
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa”.
Điệp ngữ “Một bếp lửa” đã đi liền với các từ láy “chờn vờn”, “ấp iu”… gợi cho ta cái cảm giác ấm áp với tình cảm chứa chan. Và ngay lập tức hình ảnh người bà đã hiện lên không như một bà tiên mà hiện lên trong trái tim của người cháu nhớ về bà, nhớ về một kí ức tuổi thơ ấm áp tình thương.
Hồi ức tuổi thơ dần dần trở về dưới những dòng thơ của tác giả:
“Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói.
Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi.
Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy.
Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu.
Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay.”
Gia cảnh như thế nên tuổi thơ của cháu cũng như tuổi già của bà làm sao tránh được những cơ cực xót đau. Bao nhiêu kỉ niệm xa xưa được nhớ lại… trong đó có một ấn tượng được nổi lên, tô đậm nhất lay động tâm hồn. Đó là ấn tượng về khói bếp mà đã gần hai mươi năm sau khói ấy vẫn làm cay mắt tác giả.
“Mùi khói” rồi “Khói hun”… nhà thơ chọn được những chi tiết, hình ảnh sát hợp, vừa miêu tả cuộc sống tuổi thơ, vừa biểu hiện thấm thía những tình cảm khi tỏ khi mờ, lúc da diết bâng khuâng, lúc xót xa thương mến. Cái bếp lửa trong thơ Bằng Việt vừa mới khơi lên thoang thoảng mùi khói, chờn vờn trong sương sớm mà đã đầy ắp những hình ảnh kỉ niệm, hình ảnh hiện thực thấm đẫm bao nhiêu ân tình sâu nặng:
“Tu hú kêu trên những cánh đồng xa.
Khi tu hú kêu bà còn nhớ không bà.
Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế.
Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế”…
Chính hình ảnh bếp lửa quê hương, bếp lửa của tình bà cháu đó đã gợi nên một liên tưởng khác, một hồi ức trong tâm trí thi sĩ thuở nhỏ. Đó là tiếng tu hú kêu. Từ “tu hú” được điệp lại ba lần làm cho âm điệu câu thơ thêm bồi hồi tha thiết, làm cho người đọc cảm thấy như tiếng tu hú đang từ xa vọng về trong tiềm thức của tác giả. Tiếng chim tu hú khắc khoải làm cho dòng kỉ niệm của đứa cháu trải dài hơn, rộng hơn trong cái không gian xa thẳm của nỗi nhớ thương:
“Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc.
Tu hú ơi chẳng đến ở cùng bà.
Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa”.
Cái “mùi khói” mà bà nhen nhóm lên đã xua tan đi cái mùi nghèo đói lan tỏa khắp ngõ ngách. Chính cái mùi khói ấy đã quyện lại và bám lấy tâm hồn đứa trẻ. Dù cho tháng năm có trôi qua nhưng những kỉ niệm ấy sẽ mãi để lại trong lòng đứa cháu và hơi ấm của bếp lửa cũng như hơi ấm của tình bà cháu sẽ sưởi ấm cháu cả một đời người.
Bếp lửa càng đỏ rực bao nhiêu thì tình bà dành cho cháu càng nồng cháy bấy nhiêu: “Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa”, nhóm lên ngọn lửa của sự sống và của tình yêu bà cháy bỏng, của một cậu bé hồn nhiên trong trắng như một trang giấy. Giọng thơ thủ thỉ như giọng kể chuyện cổ tích, với thời gian, không gian, sự việc, nhân vật cụ thể. Tám năm ròng con số không lớn như ngày tháng kéo dài ròng rã, nặng nề. Đó là những ngày, bố mẹ đều đi công tác xa chỉ có hai bà cháu cặm cụi bên nhau:
“Mẹ cùng cha bận công tác không về.
Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe.
Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học.”
Nếu như đối với mỗi chúng ta, cha sẽ là cánh chim để nâng cánh ước mơ của con vào một khung trời mới, mẹ sẽ là cánh hoa tươi thắm nhất để con cài lên ngực áo thì đối với bằng Việt, người bà vừa là cha, vừa là mẹ, và là cánh chim, là một cành hoa của riêng tác giả. Trong những năm tháng sống bên cạnh bà, bà không chỉ chăm lo cho cháu từng miếng ăn giấc ngủ mà còn là người thầy đầu tiên của cháu. Bà dạy cho cháu những chữ cái, những phép tính đầu tiên. Không những thế bà còn dạy cháu những bài học quý giá về cách sống, đạo làm người.
Chiến tranh, một danh từ bình thường nhưng sức lột tả của nó thì khốc liệt vô cùng, nó đã gây ra đau khổ cho bao người, bao nhà. Và hai bà cháu trong bài thơ cũng trở thành nạn nhân của chiến tranh:
“Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi.
Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi.
Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh.
Vẫn vững lòng bà dặn cháu đinh ninh:
“Bố ở chiến khu bố còn việc bố.
Mày có viết thư chớ kể này kể nọ.
Cứ bảo nhà vẫn được bình yên.”
Cuộc sống càng khó khăn cảnh ngộ càng ngặt nghèo, nghị lực của bà càng bền vững, tấm lòng của bà càng mênh mông. Qua đó, ta thấy hiện lên một người bà cần cù, nhẫn nại và giàu đức hy sinh. Kết thúc khổ thơ, Bằng Việt đã nâng hình ảnh bếp lửa trở thành hình ảnh:
“Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn.
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng.”
Hình ảnh ngọn lửa tỏa sáng trong câu thơ, nó có sức truyền cảm mạnh mẽ. Ngọn lửa của tình yêu thương, ngọn lửa của niềm tin, ngọn lửa ấm nồng như tình bà cháu, ngọn lửa đỏ hồng soi sáng cho con đường đứa cháu. Nơi nào có ngọn lửa nơi đó có bà. Và ngọn lửa soi sáng chân dung tinh thần của bà, soi sáng tình bà cháu bất diệt, biểu tượng của sự sống muôn đời:
“Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm.
Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi.
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui.
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ”.
Một lần nữa, hình ảnh bếp lửa “ấp iu”, “nồng đượm” đã được nhắc lại ở cuối bài thơ như một lần nữa khẳng định lại cái tình cảm sâu sắc của hai bà cháu. Nhóm lên bếp lửa ấy, người bà đã truyền cho đứa cháu một tình yêu thương những người ruột thịt và nhắc cháu rằng không bao giờ được quên đi những năm tháng nghĩa tình, những năm tháng khó khăn mà hai bà cháu đã sống với nhau. Bà không chỉ là người đã chăm lo cho cháu đầy đủ về vật chất mà còn là người làm cho tuổi thơ của cháu thêm đẹp, thêm huyền ảo như trong truyện cổ tích. Người bà có trái tim nhân hậu, người bà kì diệu đã nhóm dậy, khơi dậy, giáo dục và thức tỉnh tâm hồn đứa cháu để mai này cháu khôn lớn thành người. Người bà kì diệu như vậy ấy, rất giản dị nhưng có một sức mạnh từ trái tim.
Suốt dọc bài thơ, mười lần xuất hiện hình ảnh bếp lửa là mười lần tác giả nhắc tới bà. Âm điệu những dòng thơ nhanh mạnh như tình cảm dâng trào lớp lớp sóng vỗ vào bãi biển xanh thẳm lòng bà. Người bà đã là, đang là, và sẽ mãi mãi là người quan trọng nhất đối với cháu dù ở bất kì phương trời nào. Bà đã trở thành một người không thể thiếu trong trái tim cháu. Giờ đây khi đang ở xa bà nửa vòng trái đất, Bằng Việt vẫn luôn hướng lòng mình về bà:
“Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn lửa trăm tàu.
Có lửa trong nhà. Niềm vui trăm ngã.
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở.
Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?”
Gấp trang sách lại nhưng hơi ấm của bếp lửa và của tình bà cháu vẫn ấm nồng trong tim người đọc. Tình cảm bà cháu trong bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt cứ như một dòng sông với con thuyền chở đầy ắp những kỉ niệm mà suốt cuộc đời này, chắc người cháu không bao giờ quên được và cũng chính từ đó, sức ấm và ánh sáng của tình bà cháu cũng như của bếp lửa lan tỏa toàn bài thơ. Và nó đã trở thành kí ức của một tuổi thơ đẹp, sưởi ấm một đời tác giả. Bài thơ “Bếp lửa” sẽ sống mãi trong lòng bạn đọc nhờ sức truyền cảm sâu sắc của nó. Bài thơ đã khơi dậy trong lòng chúng ta một tình cảm cao đẹp đối với gia đình, với những người đã tô màu lên tuổi thơ trong sáng của ta.
Kính thưa Ban giám khảo, kính thưa quý thầy cô!
Bài thuyết trình của em đến đây là hết. Kính chúc quý thầy cô sức khoẻ, chúc hội thi chúng ta thành công tốt đẹp.
Em xin chân thành cảm ơn!