Theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ VIII Ban Chấp hành Trung ương khoá IX về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới thì mục tiêu công tác bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng công an nhân dân là: Huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, sức mạnh của toàn dân, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trong đó lực lượng công an nhân dân đóng vai trò nòng cốt, xung kích, tiếp tục xây dựng lực lượng công an cách mạng, chính quy, tinh nhuệ từng bước hiện đại, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc với Đảng và gắn bó mật thiết với nhân dân, đấu tranh ngăn chặn làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, ngăn chặn các loại tội phạm.
Yêu cầu cơ bản nhất trong thời gian tới là phải tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm chủ đạo nhằm tạo ra một sự chuyển biến thực sự, rõ nét hơn về tổ chức và hoạt động của lực lượng công an nhân dân, để trong bất cứ tình huống nào cũng phải giữ vững được an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.
Căn cứ vào thực tiễn về an ninh trật tự đã và đang diễn ra đưa ra dự báo sau:
a) Tình hình quốc tế trong thời gian tới sẽ diễn biến phức tạp hơn
- Một là, sau cuộc chiến tranh Irắc, các thế lực hiếu chiến tiếp tục thực hiện chiến lược “đánh đòn phủ đầu” lợi dụng đòn tấn công chống lại “chủ nghĩa khủng bố” ra sức lộng hành đe doạ hoà bình chủ quyền của các quốc gia dân tộc.
- Hai là, quan hệ giữa các nước lớn tiếp tục đan xen cả hai mặt đấu tranh và thoả hiệp. Một mặt, vì lợi ích của dân tộc, quốc gia và giai cấp mà họ đại diện, họ tìm cách xoa dịu các mâu thuẫn, tìm những điểm tương đồng để hợp tác tránh đối đầu. Mặt khác, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đơn phương, sự lộng hành của các thế lực hiếu chiến sẽ gia tăng.
- Ba là, phong trào nhân dân thế giới chống chiến tranh bảo vệ hoà bình, độc lập dân tộc sẽ tiếp tục phát triển. Cuộc đấu tranh chống mặt trái của toàn cầu hoá do chủ nghĩa tư bản chi phối sẽ tiếp tục dâng cao. Tuy nhiên, các lực lượng đấu tranh cho hoà bình, độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội hiện nay vẫn chưa có sức mạnh thống nhất.
- Bốn là, xu thế toàn cầu hoá về kinh tế sẽ tiếp tục phát triển. Hiện đã có 150 nước tham gia WTO, trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều nước tham gia. Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ trên các lĩnh vực vật liệu, công nghệ sinh học và tin học sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn. Tình hình đó sẽ mở ra những cơ hội mới, đồng thời đặt ra nhiều thách thức mới.
- Năm là, tình hình kinh tế thế giới sẽ tiếp tục không ổn định. Cuộc khủng hoảng của các trung tâm kinh tế lớn sẽ tiếp tục trầm trọng thêm gây bất ổn định trên thị trường tài chính. Khoảng cách giữa các nước công nghiệp phát triển và các nước đang phát triển sẽ ngày càng rộng ra. Các cuộc tranh chấp trên biển và tranh chấp về nguồn dầu khí sẽ gay gắt hơn.
- Sáu là, tình hình dịch bệnh, đại dịch, các loại bệnh mới ngày một nguy hiểm hơn, hệ thống y tế một số nước và toàn cầu đang lâm nguy, thế giới đối mặt nguy cơ thiếu ăn, đói kém quay trở lại nghiêm trọng hơn.
Tuy vậy, những diễn biến phức tạp đó chưa làm đảo lộn chiều hướng đã diễn ra sau khi chủ nghĩa xã hội bị sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu. Hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn của thời đại.
b) Tình hình khu vực Đông Nam Á vẫn còn tiềm ẩn nhiều nhân tố mất ổn định
- Chủ nghĩa khủng bố vẫn hoạt động ở một số nước gây ra những thảm hoạ cho nhân dân và chính quyền ở nơi đó; mâu thuẫn về sắc tộc, tôn giáo làm bùng nổ những cuộc xung đột ở một số khu vực khá nghiêm trọng. Sự tranh chấp giữa các nước lớn ngày càng tăng. Bằng những hiệp định song phương và đa phương về hợp tác chống khủng bố, các thế lực phản động can thiệp sâu hơn vào khu vực, kích động li khai, lôi kéo các nước kém phát triển vào quỹ đạo của mình, kiềm chế các nước lớn trong khu vực.
- Trước tình hình đó sự gắn kết trong ASEAN và vị trí của Hiệp hội trên trường quốc tế sẽ gặp nhiều thách thức, nhưng ASEAN tiếp tục là nhân tố quan trọng đối với hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực. Cơ chế AFTA của 10 nước ASEAN sẽ được thực hiện triệt để. Các cơ chế hợp tác ASEM (hợp tác Á - Âu), cơ chế thương mại tự do với Trung Quốc đang mở rộng sự tác động trên một quy mô rộng lớn và hiệu quả hơn trước.
c) Những thuận lợi và khó khăn trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội ở Việt Nam trong những năm tới
- Thuận lợi
+ Thuận lợi cơ bản là tiềm lực và vị thế quốc tế của nước ta được tăng cường. Sau hơn 20 năm đổi mới, Đảng đã lãnh đạo nhân dân giành được những thành tựu hết sức to lớn. Tăng trưởng kinh tế liên tục trong nhiều năm đạt trên 7%, được xếp vào loại cao của thế giới. Đời sống vật chất được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người năm 2006 đạt 638 USD/người. Nếu tính theo sức mua của đồng tiền thì con số đó lớn hơn nhiều lần. Chỉ số phát triển con người (HDI) đã vươn lên thứ 101/192 quốc gia.
Do chính sách ngoại giao cởi mở, trên cơ sở độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, chủ động hội nhập, phương châm “là bạn, là đối tác tin cậy của các nước”, chúng ta đã đặt quan hệ ngoại giao với 167 nước và quan hệ thương mại với trên 100 quốc gia, khu vực và vùng lãnh thổ thu hút đầu tư từ nước ngoài trên 40 tỉ USD. Vị thế quốc tế của Việt Nam được tăng cường.
+ Đảng Cộng sản Việt Nam có bản lĩnh chính trị vững vàng, dày dạn kinh nghiệm; đường lối đổi mới của Đảng đã được kiểm chứng qua thực tiễn là đúng đắn, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
+ Nhân dân Việt Nam có truyền thống yêu nước, đoàn kết, tin tưởng vào Đảng và chế độ, ngày càng thể hiện bản lĩnh năng động, sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
+ Lực lượng vũ trang cách mạng tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, nhân dân, vươn lên làm tròn nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Với những thuận lợi trên, chúng ta hoàn toàn có khả năng giữ vững hoà bình, ổn định để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
- Khó khăn
+ Thách thức lớn nhất đối với an ninh trật tự ở nước ta là các mối đe doạ (các nguy cơ): tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới; nạn tham nhũng và tệ quan liêu; “chệch hướng XHCN”. Các mối đe doạ trên diễn biến đan xen phức tạp, không thể xem nhẹ mối đe doạ nào.
+ Những yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, các vấn đề kinh tế, xã hội bức xúc, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, nếu không được kịp thời khắc phục có hiệu quả sẽ là nguy cơ tiềm ẩn đối với an ninh trật tự của nước ta.
+ Hoạt động “Diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch sẽ gia tăng. Các thế lực phản động tiếp tục sử dụng chiêu bài dân chủ, nhân quyền để can thiệp vào nội bộ nước ta.
+ Các hành động xâm hại độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ nước ta vẫn sẽ tiếp diễn.