© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Một số giải pháp chủ yếu thực hiện kết hợp phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh ở Việt Nạm hiện nay

Thứ năm - 04/03/2021 08:52
Một số giải pháp chủ yếu thực hiện kết hợp phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh ở Việt Nạm hiện nay
Bài 6. Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh (phần 3/3)
I - MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
- Giới thiệu để sinh viên nắm vững tính tất yếu khách quan, nội dung cơ bản và những giải pháp của việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh ở nước ta hiện nay.
- Trên cơ sở đó vận dụng vào thực tiễn học tập, công tác, tích cực góp phần vào tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
II- NỘI DUNG

3. Một số giải pháp chủ yếu thực hiện kết hợp phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh ở Việt Nạm hiện nay

a) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lí nhà nước của chính quyền các cấp trong thực hiện kết hợp phát triển kinh tế xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh

Vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ đảng trong việc kết hợp được thể hiện ở chỗ:
- Thường xuyên nắm vững chủ trương đường lối của Đảng, kịp thời đề ra những quyết định lãnh đạo ngành, địa phương mình, thực hiện kết hợp phát triển kinh tế xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh một cách đúng đắn.

- Gắn chủ trương lãnh đạo với tăng cường kiểm tra việc thực hiện của chính quyền, đoàn thể, các tổ chức kinh tế thực hiện chủ trương đường lối về kết hợp phát triển kinh tế xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh.

- Tổ chức tốt việc sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm kịp thời để bổ sung chủ trương và chỉ đạo thực tiễn thực hiện kết hợp phát triển kinh tế xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh ở ngành, địa phương thuộc phạm vi lãnh đạo của các cấp uỷ đảng.

Để nâng cao hiệu lực quản lí nhà nước của chính quyền các cấp trong kết hợp phát triển kinh tế xã hội với tăng cường, củng cố quốc phòng - an ninh phải:
- Từng cấp phải làm đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và Nghị định 119/2004/NĐ -CP của Chính phủ đã ban hành ngày 11/5/2004.

- Xây dựng và chỉ đạo thực hiện các quy hoạch, kế hoạch kết hợp phát triển kinh tế xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh ở ngành, bộ, địa phương cơ sở của mình dài hạn và hàng năm.

- Đổi mới nâng cao quy trình, phương pháp quản lí, điều hành của chính quyền các cấp từ khâu lập quy hoạch, kế hoạch, nắm tình hình, thu thập xử lí thông tin, định hướng hoạt động, tổ chức hướng dẫn chỉ đạo cấp dưới và kiểm tra ở mọi khâu, mọi bước của quá trình thực hiện, kết hợp phát triển kinh tế xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh ở ngành, địa phương mình.

b) Bồi dưỡng năng cao kiến thức, kinh nghiệm kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh cho các đối tượng

Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu và đang là đòi hỏi cấp thiết đối với cán bộ và nhân dân cả nước ta hiện nay.

- Đối tượng bồi dưỡng: Phải phổ cập kiến thức quốc phòng - an ninh cho toàn dân nhưng trước hết phải tập trung vào đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp, các bộ, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, cơ sở.

- Nội dung bồi dưỡng: Phải căn cứ vào đối tượng, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra để chọn lựa nội dung, chương trình bồi dưỡng cho phù hợp và thiết thực nhằm nâng cao cả kiến thức, kinh nghiệm và năng lực thực tiễn sát với cương vị đảm nhiệm với từng loại đối tượng và quần chúng nhân dân.

- Hình thức bồi dưỡng: Phải kết hợp bồi dưỡng tại trường với tại chức, kết hợp lí thuyết với thực hành. Thông qua sinh hoạt chính trị, qua các cuộc diễn tập thực nghiệm, thực tế ở các bộ, ngành, địa phương cơ sở để nâng cao hoàn thiện sự hiểu biết và năng lực tổ chức thực hiện của đội ngũ cán bộ và của toàn dân, toàn quân về kết hợp phát triển kinh tế xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh trong tình hình mới.

c) Xây dựng chiến lược tổng thể kết hợp phát triển kinh tế xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh trong thời kì mới

Hiện nay, nước ta đã và đang xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội gắn với tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh đến năm 2020. Thực tiễn cho thấy, sự vận dụng tính quy luật kinh tế, quốc phòng, an ninh và quán triệt quan điểm kết hợp của Đảng đã đề ra còn nhiều mâu thuẫn và bất cập do thiếu định hướng chiến lược cơ bản cả ở tầm vĩ mô và vi mô.

Vì vậy, muốn kết hợp ngay từ đầu và trong suốt quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước một cách cơ bản và thống nhất trên phạm vi cả nước và từng địa phương, phải tiếp tục xây dựng và hoàn chỉnh các quy hoạch và kế hoạch chiến lược tổng thể quốc gia về kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh. Coi đó là một trong những mặt, khâu quan trọng hàng đầu để chỉ đạo, quản lí nhà nước, về kết họp phát triển kinh tế với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh một cách có hiệu lực, hiệu quả.

Trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch chiến lược tổng thể về kết hợp phát triển kinh tế xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh và đối ngoại trong thời kì mới, phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương từ khâu khảo sát, đánh giá các nguồn lực (cả bên trong và bên ngoài). Trên cơ sở đó xác định mục tiêu, phương hướng phát triển và đề ra các chính sách đúng đắn, như: chính sách khai thác các nguồn lực; chính sách đầu tư và phân bổ đầu tư; chính sách điều động nhân lực, bố trí dân cư; chính sách ưu đãi khoa học và công nghệ...

d) Hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách có liên quan đến thực hiện kết hợp phát triển kinh tế xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh trong tình hình mới

Mọi chủ trương đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước có liên quan đến kết hợp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, kết hợp phát triển kinh tế xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh đều phải được thể chế hoá thành luật pháp, pháp lệnh, nghị định,... một cách đồng bộ, thống nhất để quản lí và tổ chức thực hiện nghiêm túc có hiệu lực và hiệu quả trong cả nước.

Đảng và Nhà nước phải có chính sách khai thác các nguồn lực và vốn đầu tư cả trong và ngoài nước để thực hiện kết hợp phát triển kinh tế xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; nhất là đối với các công trình trọng điểm, ở những địa bàn chiến lược trọng yếu như miền núi biên giới và hải đảo.

Việc xác lập cơ chế chính sách, bảo đảm ngân sách cho kết hợp phát triển kinh tế xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh cần được xây dựng theo quan điểm quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân. Các ngành, các cấp, các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế, các đoàn thể xã hội đều phải có nghĩa vụ chăm lo cho sự nghiệp xây dựng đất nước cũng như sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Việc phân bổ ngân sách đầu tư cho kết hợp phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh phải theo hướng tập trung cho những mục tiêu chủ yếu, những công trình có tính lưỡng dụng cao đáp ứng cả cho phát triển kinh tế xã hội và củng cố quốc phòng - an ninh trước mắt cũng như lâu dài.

Phải có chính sách khuyến khích lợi ích vật chất và tinh thần đối với các tổ chức, cá nhân, các nhà đầu tư (cả trong và ngoài nước) có các đề tài khoa học, các dự án công nghệ sản xuất, xây dựng có hiệu quả cao phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong thời kì mới.

e) Củng cố kiện toàn và phát huy vai trò tham mưu của cơ quan chuyên trách quốc phòng, an ninh các cấp

Căn cứ vào Nghị định 119/2004/NĐ -CP ngày 11/5/2004 của Chính phủ về Công tác quốc phòng ở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc chính phủ và các địa phương, cần nghiên cứu bổ sung mở rộng thêm chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên trách quản lí nhà nước về quốc phòng, an ninh nói chung và về kết hợp phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh nói riêng trong thời kì mới.

Kết hợp chặt chẽ giữa chấn chỉnh, kiện toàn tổ chức với chăm lo bồi dưỡng nâng cao năng lực và trách nhiệm của các cơ quan và cán bộ chuyên trách làm tham mưu cho Đảng, Nhà nước về thực hiện kết hợp phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh ngang tầm với nhiệm vụ trong thời kì mới.

Kết hợp phát triển kinh tế xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh là một tất yếu khách quan, một nội dung quan trọng trong đường lối phát triển đất nước của Đảng ta, nhằm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Việc kết hợp được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế và có sự phối hợp của các ngành, các cấp, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lí của Nhà nước, tạo nên sức mạnh tổng hợp cho việc phát triển kinh tế xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh.

Để thực hiện tốt việc kết hợp, cần quán triệt và thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó phải quán triệt sâu sắc hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam cho toàn dân, nhất là cho sinh viên - những người quyết định tương lai của đất nước. Quá trình kết hợp phải được triển khai có kế hoạch, có cơ chế chính sách cụ thể, chặt chẽ, đồng bộ.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây