Tổ quốc bao giờ cũng gắn với nhà nước và giai cấp thống trị xã hội. Vấn đề Tổ quốc của giai cấp nào và giai cấp nào không có Tổ quốc. Theo nghĩa đó mà C. Mác và Ph.Ăngghen đã khẳng định: “Dưới chủ nghĩa tư bản, giai cấp công nhân không có Tổ quốc”. Trong điều kiện lịch sử cụ thể, thời C. Mác và Ph.Ăngghen sống, vấn đề bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa chưa được đặt ra một cách trực tiếp. Bài học kinh nghiệm của Công xã Pari có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc bảo vệ thành quả cách mạng, sau khi giai cấp vô sản giành chính quyền, nhưng mới chỉ là ý kiến ban đầu về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Học thuyết bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là một cống hiến mới của V.I. Lênin vào kho tàng lí luận chủ nghĩa Mác, đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đang đặt ra trực tiếp ở nước Nga Xô viết ngay sau khi cách mạng vô sản Nga thành công năm 1917.
a) Bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là một tất yếu khách quan
- Xuất phát từ yêu cầu bảo vệ thành quả cách mạng của giai cấp công nhân. Trong điều kiện giai cấp tư sản nắm chính quyền, C. Mác và Ph. Ăngghen chỉ ra rằng, giai cấp công nhân phải đấu tranh trở thành giai cấp dân tộc, khi ấy chính giai cấp công nhân là người đại diện cho Tổ quốc, họ có nhiệm vụ phải đẩy lùi sự tấn công của bọn phản cách mạng.
- Xuất phát từ quy luật xây dựng chủ nghĩa xã hội phải đi đôi với bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. V.I. Lênin là người có công đóng góp to lớn trong việc bảo vệ và phát triển học thuyết về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, Người khẳng định: “Kể từ ngày 25 tháng Mười năm 1917, chúng ta là những người chủ trương bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta tán thành “bảo vệ Tổ quốc”, nhưng cuộc chiến tranh giữ nước mà chúng ta đang đi tới là một cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chủ nghĩa xã hội với tư cách là Tổ quốc”.
Ngay sau khi cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa thắng lợi, nhà nước của giai cấp công nhân và nhân dân lao động được thiết lập thì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa cũng bắt đầu hình thành. Giai cấp công nhân bắt tay vào công cuộc cải tạo xã hội cũ và xây dựng xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa. Cùng với nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa cũng được đặt ra một cách trực tiếp, nó trở thành nhiệm vụ chiến lược của các nước xã hội chủ nghĩa, hai nhiệm vụ chiến lược này gắn bó hữu cơ với nhau trong suốt quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa.
- Xuất phát từ quy luật phát triển không đều của chủ nghĩa đế quốc. Ngay từ những năm cuối thế kỉ XIX, V.I. Lênin đã chỉ ra, do quy luật phát triển không đều của chủ nghĩa đế quốc mà chủ nghĩa xã hội có thể giành thắng lợi không đồng thời ở các nước. Do đó, trong suốt thời kì quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi thế giới, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản là hai chế độ xã hội đối lập nhau cùng tồn tại và đấu tranh với nhau hết sức quyết liệt.
- Xuất phát từ bản chất, âm mưu của kẻ thù và thực tiễn cách mạng thế giới. Sự thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa, giai cấp tư sản trong nước tuy đã bị đánh đổ về mặt chính trị, nhưng chúng vẫn chưa từ bỏ tham vọng muốn quay trở lại địa vị thống trị đã mất. Do vậy, chúng tìm mọi cách liên kết với các phần tử phản động và chủ nghĩa tư bản bên ngoài hòng lật đổ chính quyền cách mạng còn non trẻ của giai cấp công nhân. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh rằng, từ khi Tổ quốc xã hội chủ nghĩa xuất hiện, nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa phải đương đầu chống trả những âm mưu và hành động lật đổ, xâm lược của kẻ thù bên trong và bên ngoài. Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, mười bốn nước đế quốc tập trung bao vây hòng tiêu diệt nước Nga Xô viết. Từ khi chủ nghĩa xã hội phát triển thành hệ thống thế giới, sự chống phá của kẻ thù càng quyết liệt hơn. Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu là một tổn thất của phong trào cách mạng thế giới, song nó cũng để lại cho các nước xã hội chủ nghĩa những bài học đắt giá rằng: xây dựng chủ nghĩa xã hội phải luôn gắn liền với bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Có như vậy, Tổ quốc xã hội chủ nghĩa mới tồn tại và phát triển. Thực tiễn trên đây một lần nữa đã chứng minh cho luận điểm của V.I. Lênin rằng: giành chính quyền đã khó, nhưng giữ được chính quyền còn khó khăn hơn.
b) Bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là nghĩa vụ, trách nhiệm của toàn dân tộc, toàn thể giai cấp công nhân và nhân dân lao động
Trong những năm đầu của chính quyền Xô Viết, V.I. Lênin trực tiếp lãnh đạo xây dựng đất nước, chống lại sự chống phá của kẻ thù trong nước và sự can thiệp của đế quốc bên ngoài. Đó là những năm tháng cực kì gian khổ, khó khăn, Người chỉ rõ: bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, của giai cấp vô sản trong nước, nhân dân lao động và giai cấp vô sản thế giới có nghĩa vụ ủng hộ sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, V.I. Lênin luôn nhắc nhở mọi người phải luôn nêu cao cảnh giác, đánh giá đúng kẻ thù, tuyệt đối không chủ quan, phải có thái độ nghiêm túc đối với quốc phòng. Người luôn lạc quan tin tưởng về sức mạnh bảo vệ Tổ quốc của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Người khẳng định: “Không bao giờ người ta có thể chiến thắng được một dân tộc mà đa số công nhân và nông dân đã biết, đã cảm và trông thấy rằng họ bảo vệ chính quyền của mình, chính quyền Xô viết, chính quyền của những người lao động, rằng họ bảo vệ sự nghiệp mà một khi thắng lợi sẽ đảm bảo cho họ cũng như con cái họ có khả năng hưởng thụ mọi thành quả văn hoá, mọi thành quả lao động của con người”.
c) Bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, phải thường xuyên tăng cường tiềm lực quốc phòng gắn với phát triển kinh tế - xã hội
Học thuyết Bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của V.I. Lênin đã khẳng định: Bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp thiêng liêng, cao cả, mang tính cách mạng, chính nghĩa và có ý nghĩa quốc tế sâu sắc, sự nghiệp đó phải được quan tâm, chuẩn bị chu đáo và kiên quyết. V.I. Lênin đã đưa ra nhiều biện pháp để bảo vệ Tổ quốc như: củng cố chính quyền Xô viết các cấp; bài trừ nội phản, tiêu diệt bọn bạch vệ; đẩy mạnh phất triển kinh tế - văn hoá, khoa học kĩ thuật, vận dụng đường lối đối ngoại khôn khéo, kiên định về nguyên tắc, mềm .dẻo về sách lược, triệt để lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù; hết sức chăm lo xây dựng quân đội kiểu mới. V.I. Lênin cùng Đảng Bôn-xê-vích Nga lãnh đạo nhân dân, tranh thủ thời gian hoà bình, xây dựng đất nước mạnh lên về mọi mặt, từng bước biến các tiềm lực thành sức mạnh hiện thực của nền quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
d) Đảng Cộng sản lãnh đạo mọi mặt sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa
V.I. Lênin chỉ ra rằng: Đảng Cộng sản phải lãnh đạo mọi mặt sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đảng phải đề ra chủ trương, chính sách phù hợp với tình hình, có sáng kiến để lôi kéo quần chúng và phải có đội ngũ đảng viên gương mẫu hi sinh. Trong quân đội, chế độ chính uỷ được thực hiện, cán bộ chính trị được lấy từ đại biểu ưu tú của công nông, thực chất đó là đại diện của Đảng, để thực hiện sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội. Đảng hướng dẫn, giám sát các hoạt động của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, các đoàn thể nhân dân lao động. Sự lãnh đạo của Đảng là nguyên tắc cao nhất, là nguồn gốc sức mạnh vững chắc bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.