© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Vận dụng một số bài học kinh nghiệm về nghệ thuật quân sự vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong thời kì mới và trách nhiệm của sinh viên

Thứ năm - 20/05/2021 10:32
Vận dụng một số bài học kinh nghiệm về nghệ thuật quân sự vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong thời kì mới và trách nhiệm của sinh viên
Nghệ thuật quân sự Việt Nam đã hình thành, phát triển trong quá trình dựng và giữ nước của dân tộc. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nghệ thuật quân sự ngày càng phát triển, đó là nghệ thuật chiến tranh nhân dân, nghệ thuật lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh...
>> Phần 1: Bài 7. Nghệ thuật quân sự Việt Nam
>> Phần 2: Bài 7. Nghệ thuật quân sự Việt Nam

Những bài học kinh nghiệm về nghệ thuật quân sự vẫn còn giữ nguyên giá trị để chúng ta tiếp tục nghiên cứu và vân dụng vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong thời kì mới.

a) Quán triệt tư tưởng tích cực tiến công

Trong lịch sử chiến tranh giữ nước, nghệ thuật quân sự của cha ông ta trước đây luôn nhấn mạnh tư tưởng tích cực, chủ động tiến công địch. Ngày nay, với sức mạnh của cả nước đánh giặc dưới sự lãnh đạo của Đảng, nghệ thuật quân sự của ta càng có điều kiện phát huy mặt mạnh của mình, khoét sâu chỗ yếu của địch để “kiên quyết không ngừng thế tiến công”, tiến công địch vào đúng thời cơ, địa điểm thích hợp.

Ngày nay, kẻ thù của đất nước ta là chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, có ưu thế về tiềm lực kinh tế, quân sự, khoa học công nghệ mạnh, nhưng do tiến hành chiến tranh xâm lược, phi nghĩa, nên chúng sẽ bộc lộ nhiều sơ hở. Trên cơ sở đánh giá đúng mạnh, yếu của địch và ta, chúng ta phải biết phát huy sức mạnh của mọi lực lượng, vận dụng linh hoạt mọi hình thức và quy mô tác chiến, mọi cách đánh, mới có thể tiến công địch một cách liên tục mọi lúc, mọi nơi.

Không chỉ tiến công trên mặt trận quân sự, mà phải tiến công toàn diện trên mọi mặt trận, đặc biệt là mặt trận chính trị, binh vận, thực hiện “mưu phạt công tâm”, đánh vào lòng người, góp phần thay đổi cục diện chiến tranh.

Như vậy, trên cơ sở không ngừng nâng cao cảnh giác cách mạng, phát huy lòng dũng cảm, trí thông minh sáng tạo giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa con người và vũ khí, nắm vững tư tưởng tích cực tiến công, chúng ta hoàn toàn có thể giành quyền chủ động trên chiến trường và kết thúc chiến tranh trong điều kiện có lợi nhất.

b) Nghệ thuật quân sự toàn dân đánh giặc

Đây là sự kế thừa và phát huy lên một trình độ mới từ nghệ thuật quân sự truyền thống của dân tộc. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nghệ thuật quân sự chỉ đạo mọi hoạt động tác chiến của lực lượng vũ trang và nhân dân. Đó là một nguyên tắc trong nghệ thuật quân sự của toàn dân đánh giặc. Nguyên tắc đó phải được thể hiện cụ thể trong việc xác định phương hướng, mục tiêu, đối tượng và thời cơ tiến công... trong kế hoạch chiến lược, chiến dịch, cũng như từng trận đánh cụ thể.

Trong hoạt động tác chiến của các lực lượng vũ trang, kết hợp đánh phân tán với đánh tập trung, kết hợp đánh nhỏ, đánh vừa và đánh lớn. Mỗi lực lượng, mỗi thứ quân đều có vị trí tác dụng và có những quy luật hoạt động riêng. Vì vậy, cần phải phối hợp tác chiến của các lực lượng, các thứ quân cả về chiến lược cũng như trong chiến dịch và chiến đấu.

Có kết hợp đánh phân tán, rộng khắp của lực lượng vũ trang địa phương với đánh tập trung của lực lượng cơ động, kết hợp đánh nhỏ, đánh vừa, đánh lớn mới phát huy được uy lực của mọi vũ khí từ thô sơ đến hiện đại, làm cho binh lực của địch bị phân tán, dàn mỏng, khiến cho chúng đông mà hoá ít, mạnh mà hoá yếu và luôn bị động đối phó; trên cơ sở đó, thực hiện những đòn đánh quyết định, tạo sự thay đổi trên chiến trường có lợi cho ta.

c) Nghệ thuật tạo sức mạnh tổng hợp bằng lực, thế, thời và mưu kế

Trong đấu tranh vũ trang, trước một đối tượng có sức mạnh vượt trội về quân sự, khoa học công nghệ phải biết kết hợp chặt chẽ các yếu tố: lực lượng, thế trận, thời cơ và mưu trí, sáng tạo. Dùng lực phải dựa vào thế có lợi, dùng đúng nơi, đúng lúc mới đạt hiệu quả cao, lực nhỏ hoá lớn, yếu hoá mạnh. Tạo thế, tạo lực để sẵn sàng đánh địch khi thời cơ có lợi nhất. Đặt thế, lực vào đúng thời cơ có lợi thì “sức dùng một nửa mà công được gấp đôi”.

Muốn đánh thắng, còn phải dùng mưu kế, hạn chế cái mạnh của địch, phát huy cái mạnh của ta. Luôn chú ý lừa địch và giữ bí mật, bất ngờ. Đánh bất ngờ, tạo hiệu quả diệt địch, nhất là trong điều kiện lực lượng quân sự địch mạnh, có vũ khí công nghệ cao.

Nghệ thuật quân sự của ta còn phải biết đánh giá đúng và triệt để khai thác các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”. Đó là nghệ thuật nắm bắt và phát huy sức mạnh của thời đại, phát huy tiềm năng, thế mạnh của đất nước, con người Việt Nam, trong đó, cần đặc biệt chú trọng “nhân hoà”. Chỉ có kết hợp chặt chẽ lực, thế, thời, mưu và các yếu tố khác, ta mới có thể tạo ra sức mạnh tổng hợp, đánh thắng kẻ thù có kinh tế, quân sự mạnh khi chúng liều lĩnh xâm lược nước ta.

d) Quán triệt tư tưởng lấy ít đánh nhiều, biết tập trung ưu thế lực lượng cần thiết để đánh thắng địch

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, ông cha ta luôn phải chống lại kẻ thù xâm lược lớn hơn nhiều lần. Đứng trước thực tế đó, ông cha ta đã sáng tạo ra nghệ thuật “lấy ít địch nhiều”, nhưng biết tập trung ưu thế lực lượng trong những thời điểm quan trọng để đánh thắng quân xâm lược.

Ngày nay, vận dụng tư tưởng lấy ít đánh nhiều, ta phải phát huy được khả năng đánh giặc của toàn dân, của cả ba thứ quân, tạo ra sức mạnh tổng hợp hơn địch để đánh thắng địch trong mọi tình thế. Mặt khác, phải tận dụng địa hình, tận dụng được yếu tố bí mật, bất ngờ, tiết kiệm được lực lượng để đánh lâu dài, càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng.

e) Kết hợp tiêu hao, tiêu diệt địch với bảo vệ vững chắc các mục tiêu

Từng trận đánh, từng chiến dịch có mục đích cụ thể khác nhau, nhưng mục đích chung nhất của mọi hoạt động tác chiến trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là tiêu diệt lực lượng địch phải đi đôi với bảo vệ vững chắc mục tiêu. Muốn giành thắng lợi triệt để trong chiến tranh, chúng ta phải kết hợp đánh tiêu hao với đánh tiêu diệt lớn quân địch.

Đánh tiêu hao rộng rãi bằng đánh nhỏ, đánh vừa của chiến tranh nhân dân địa phương sẽ tạo điều kiện cho tác chiến tập trung của chiến tranh bằng các binh đoàn chủ lực, thực hiện đánh lớn, tiêu diệt lớn quân địch. Đi đôi với tiêu hao, tiêu diệt lực lượng của địch, phải bảo vệ vững chắc mục tiêu của ta, là vấn đề có tính quy luật trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.

g) Trách nhiệm của sinh viên

Nghiên cứu nghệ thuật quân sự của các thế hệ ông cha ta, chúng ta có quyền tự hào về tinh thần dũng cảm, ý chí kiên cường trong chống giặc ngoại xâm để bảo vệ non sông đất nước.

Ngày nay, đất nước đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nhưng kẻ thù còn đó, chúng đang tìm mọi thủ đoạn để xoá bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Do vậy, trách nhiệm của sinh viên rất nặng nề đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trước hết, mỗi sinh viên cần phát huy tinh thần tự lực, vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ học tập, đặc biệt là không ngừng bồi đắp lòng yêu quê hương, đất nước. Mặt khác, phải phấn đấu, tu dưỡng để trở thành những công dân tốt, sẵn săng làm nhiệm vụ khi Tổ quốc cần.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây