© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Giải bài tập SGK Sinh học 9, bài 35: Ưu thế lai

Thứ sáu - 13/04/2018 23:40
Giải bài tập SGK Sinh học 9, bài 35: Ưu thế lai
I. KIẾN THỨC CƠ BẢN
 
1. Ưu thế lai là hiện tượng con lai F1 có sức sống cao hơn, sinh trưởng nhanh phát triển mạnh, chống chịu tốt, các tính trạng hình thái và năng suất cao hơn trung bình giữa hai bố mẹ hoặc vượt trội cả hai bố mẹ.
 
2.  Nguyên nhân di truyền của hiện tượng ưu thế lai ở đời F1, chủ yến do sự tập trung ở con lai F1 các gen trội có lợi.
 
3. Ưu thế lai biểu hiện cao nhất ở đời F1 sau đó giảm dần qua các thế hệ ở các đời sau F1.
 
4. Để tạo được ưu thế lai ở cây trồng, người ta chủ yếu dùng phương pháp lai khác dòng, còn trong chăn nuôi thường dùng lai kinh tế để sử dụng ưu thế lai.  
 
II. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI SGK
 
A. Phần tìm hiểu và thảo luận
 
+ Hãy cho biết ưu thế lai là gì? Cho ví dụ ở thực vật và động vật?
 
Hiện tượng con lai F1 có sức sống cao hơn, sinh trưởng nhanh, phát triển mạnh, chống chịu tốt, các tính trạng hình thái và năng suất cao hơn trung bình giữa hai bố mẹ hoặc vượt trội cả hai bố mẹ được gọi là ưu thế lai.
 
Ví dụ: Cà chua hồng Việt Nam lai với cà chua Hà Lan tạo ưu thế lai.
 
Gà Đông Tảo lai với gà ri tạo ưu thế lai.
 
Vịt lai với ngan tạo ưu thế lai.
 
+ Tại sao khi lai giữa hai dòng thuần, ưu thế lai biểu hiện rõ nhất?
 
Lai giữa hai dòng thuần chủng, ưu thế lai biểu hiện rõ nhất vì ở hai dạng bố mẹ thuần chủng, nhiều gen lặn ở trạng thái đồng hợp biểu lộ một số đặc điểm xấu. Khi lai giữa chúng với nhau, chỉ có các gen trội có lợi mới được biểu hiện ở con lai F1.
 
Tại sao ở thế hệ F1 ưu thế lai biểu hiện rõ nhất, sau đó giảm dần qua các thế hệ?
 
Ở thế hệ F1, ưu thế lai biểu hiện rõ nhất vì chỉ có các gen trội có lợi được biểu hiện, sau đó tỉ lệ dị hợp giảm dần qua các thế hệ nên ưu thế lai cũng giảm dần.
 
+ Hãy cho biết: Lai kinh tế là gì? Tại sao không dùng con lai kinh tế để nhân giống?
 
Lai kinh tế là cho giao phối giữa cặp vật nuôi bố mẹ thuộc hai dòng thuần chủng khác nhau rồi dùng con lai F1 làm sản phẩm.
 
Không dùng con lai kinh tế để nhân giống vì sẽ xuất hiện các kiểu gen đồng hợp lặn biểu hiện tính trạng xấu, ưu thế lai giảm.
 
B. Phần câu hỏi và bài tập
 
1. Ưu thế lai là gì? Cho biết cơ sở di truyền của hiện tượng trên? Tại sao không dùng con lai F1 để nhân giống? Muốn duy trì Ưu thế lai thì phải dùng hiện pháp gì?
 
Hiện tượng con lai F1 khỏe hơn, sinh trưởng phát triển mạnh, chống chịu tốt các tính trạng hình thái và năng suất cao hơn trung bình giữa hai bố mẹ hoặc vượt trội hơn cả hai dạng bố mẹ được gọi là ưu thế lai.
 
Người ta không dùng con lai F1 làm giống vì nếu làm giống thì ở đời sau, qua phân li, sẽ xuất hiện các kiểu gen đồng hợp về các gen lặn có hại, ưu thế lai giảm.
 
Muốn duy trì ưu thế lai phải dùng biện pháp nhân giống vô tính (bằng giâm, chiết. ghép...)
 
2. Trong chọn giống cây trồng, người ta đã dùng những phương pháp gì để tạo ưu thế lai? Phương pháp nào được dùng phổ biến nhất, tại sao?
 
Trong chọn giống cây trồng, người ta thường dùng phương pháp lai khác dòng và lai khác thứ để tạo Ưu thế lai. Phương pháp lai khác dòng được sử dụng phổ biến hơn.
 
3. Lai kinh tế là gì? Ở nước ta, lai kinh tế được thực kiện dưới hình thức nào? Cho ví dụ.
 
Phép lai kinh tế là phép lai giữa cặp vật nuôi bố mẹ thuộc hai dòng thuần khác nhau rồi dùng con lai F1 làm sản phẩm, không dùng nó làm giống.
 
Ở nước ta hiện nay, phổ biến là dùng con cái thuộc giống trong nước giao phối với con đực cao sản thuộc giống nhập nội.
 
Ví dụ: Con cái là ỉ Móng cái x con đực thuộc giống lợn Đại Bạch.
 
III. CÂU HỎI BỔ SUNG
 
+ Hãy nêu thêm vài ví dụ về thành tựu lai kinh tế ở nước ta?
 
Gợi ý trả lời câu hỏi:
 
Ở nước ta đã đạt thành tựu đáng chú ý về lai kinh tế ở lợn, bò, gà.
 
Bò vàng Thanh Hóa lai với bò Hônsten Hà Lan tạo bò F1 chịu khí hậu nóng, lượng sữa cao, tỉ lệ bơ cao. 
© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây