© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Tin học THCS Quyển 4, Bài 7. Phần mềm trình chiếu

Thứ năm - 10/10/2019 10:47
Hướng dẫn soạn, trả lời câu hỏi và bài tập Tin học THCS Quyển 4, Bài 7. Phần mềm trình chiếu
(Thời lượng: 2 tiết)
A - Mục đích, yêu cầu
- Biết được mục đích sử dụng các công cụ hỗ trợ trình bày và phần mềm trình chiếu là công cụ hỗ trợ trình bày hiệu quả nhất.
- Biết được một số chức năng chính của phần mềm trình chiếu nói chung.
- Biết cách khởi động phần mềm trình chiếu PowerPoint và một số thành phần chính trên cửa sổ của PowerPoint.
- Biết một số lĩnh vực có thể sử dụng phần mềm trình chiếu một cách hiệu quả.

B - Những điểm cần lưu ý và gợi ý dạy học
a) Mục 1 của SGK trình bày ngắn gọn về vai trò của một số công cụ hỗ trợ hoạt động trao đổi thông tin, những hoạt động hướng tới mục đích thay đổi thái độ hoặc nhận thức của người nghe thông qua việc chia sẻ kiến thức hoặc ý tưởng với một hoặc nhiều người khác. Những hoạt động đó được gọi chung là trình bày. Ngoài ra, SGK cũng đề cập một cách sơ lược về sự phát triển của các công cụ đó, từ đó dẫn dắt đến sự xuất hiện của phần mềm trình chiếu trong mục sau và các thuật ngữ sẽ được sử dụng trong suốt chương, như trang chiếu (slide), bài trình bày (presentation), trình chiếu (show),...
Hiện nay, một số loại công cụ trình bày đã không còn được sản xuất và sử dụng, do có những công cụ tiên tiến và hiệu quả hơn. Phần nội dung dưới đây giúp GV tóm lược quá trình sử dụng của một số công cụ hỗ trợ trình bày.
Trong quãng thời gian dài của lịch sử phát triển nhân loại, việc trao đổi thông tin, trình bày ý tưởng, thuyết trình chủ yếu được thực hiện bằng lời nói cùng với sự hỗ trợ của một số công cụ tự nhiên và thô sơ để ra dấu hiệu. Cho đến khi phát sinh nhu cầu học tập ngày càng cao của xã hội, nhiều công cụ khác nhau đã được sử dụng, chẳng hạn như bảng viết, hình vẽ trên giấy khổ rộng, các tờ phát cho người nghe, sách, tài liệu,... 
Trong môi trường học tập phổ thông, có lẽ HS nước ta mới chỉ được biết đến bảng đen, phấn trắng, hình vẽ giấy khổ rộng và một số mô hình và dụng cụ thí nghiệm, còn những công cụ hỗ trợ khác được sử dụng khá phổ biến một thời ở các nước phương Tây như phim dương bản và máy chiếu phim dương bản (còn được gọi là phim đi-a và máy chiếu đi-a) còn chưa được biết đến. Khi máy chiếu ánh sáng (overhead projector, còn được gọi là máy chiếu hắt, máy chiếu qua đầu) ra đời, do hiệu quả sử dụng tốt hơn nhiều, máy chiếu phim dương bản đã không còn được sản xuất và sử dụng.
Dưới đây là một số hình ảnh khác về các thiết bị đó:
may chieu phim
 
Máy chiếu phim dương bản (slide projector)
may chieu anh sang
Máy chiếu ánh sáng (overhead projector)

Ngày nay, với sự phát triển của máy tính và phần mềm máy tính, máy chiếu ánh sáng cũng đã dần được thay thế bằng máy chiếu kết nối trực tiếp với máy tính (video projector, gọi ngắn gọn là máy chiếu).
Sau mục này HS có được khái niệm rằng con người đã sử dụng nhiều công cụ khác nhau để hỗ trợ quá trình trình bày, trong đó máy tính và phần mềm trình chiếu là những công cụ hiện đại và hiệu quả. Công cụ hỗ trợ trình bày được sử dụng nhằm mục đích giúp người nghe theo dõi nội dung và ghi nhớ các điểm chính mà người trình bày muốn truyền đạt, các hình ảnh trực quan giúp người nghe dễ hình dung và hiểu được những nội dung khó trình bày bằng lời nói.

b) Hiện tại trên thị trường phần mềm có khoảng 50 sản phẩm phần mềm trình chiếu khác nhau. Ngoài PowerPoint của Microsoft hiện đang được sử dụng phổ biến trên thế giới, một số phần mềm trình chiếu khác cũng được sử dụng như Lotus Freelance và Keynote của hãng Apple, phần mềm Impress trong bộ phần mềm mã nguồn mở OpenOffice.org và một số phần mềm tạo bài trình chiếu trực tuyến. Số người dùng phần mềm mã nguồn mở OpenOffice.org Impress càng ngày càng tăng.
GV cần nhấn mạnh để HS hiểu được rằng, tuy có khác biệt, hơn kém nhau ở một vài tính năng cụ thể, tất cả các phần mềm trình chiếu đều có chung các tính năng cơ bản là tạo bài trình chiếu và trình chiếu. Ngoài ra cách sử dụng chúng cũng tương tự nhau, nhiều phần mềm còn hỗ trợ mở và lưu các tệp của những phần mềm khác, do đó nếu sử dụng thành thạo một phần mềm thì có thể dễ dàng làm quen nhanh chóng với phần mềm khác.
Cần truyền đạt để HS ghi nhớ được hai chức năng cơ bản của các phần mềm trình chiếu: tạo các bài trình chiếu dưới dạng điện tử và khả năng trình chiếu.
Hình 3.1 của SGK minh hoạ một bài trình chiếu gồm các trang chiếu. GV nên sử dụng hình này để dẫn dắt HS một cách tự nhiên đến khái niệm trang chiếu và các ưu điểm của bài trình chiếu dưới dạng điện tử thông qua những điều đã giảng về các công cụ hỗ trợ trình bày.

c) Để giới thiệu cách thức khởi động phần mềm trình chiếu PowerPoint, GV nên gợi ý HS nhớ lại các cách khởi động phần mềm trong môi trường Windows. Việc khởi động PowerPoint cũng tương tự.
Sau khi được khởi động, màn hình của phần mềm trình chiếu PowerPoint được hiển thị trong chế độ soạn thảo.
Ngoài ra, GV nên yêu cầu HS quan sát và so sánh các thành phần chính trên cửa sổ của phần mềm trình chiếu PowerPoint với phần mềm soạn thảo Word hoặc chương trình bảng tính Excel chẳng hạn (HS đã được học), nhận biết các thành phần giống nhau và khác trên hai cửa sổ. Từ đó HS sẽ nhận biết các dải lệnh và một số lệnh quen thuộc.
Lưu ý HS các thành phần khác biệt sau:
- Trang chiếu nằm ở vùng chính của cửa sổ (trong chế độ soạn thảo);
- Các dải lệnh SlideShow, Animation, Transition;
- Ngăn tổng thể ở bên trái, hiển thị hình ảnh thu nhỏ của các trang chiếu; ngăn chính (ngăn soạn thảo) bên phải hiển thị trang chiếu đang được chọn ở ngăn bên trái.

d) Trong những năm qua, các “bài giảng điện tử” được biên soạn bằng phần mềm PowerPoint đã được sử dụng trong nhà trường để dạy học. Nhờ vậy, HS đã được biết tới một lĩnh vực ứng dụng của phần mềm trình chiếu. GV nên mở rộng để HS hiểu hơn về khả năng ứng dụng của phần mềm trình chiếu trong các lĩnh vực khác, đặc biệt là quảng cáo và giải trí cá nhân như tạo các tờ rơi và các an-bum ảnh, an-bum ca nhạc,...

e) Đây là bài mở đầu của chương để giới thiệu một phần mềm mới, kiến thức tương đối nhẹ nhàng. Để gây hứng thú và đạt hiệu quả cao, GV cần chuẩn bị sẵn các hình ảnh minh hoạ cần thiết. Trường hợp tốt nhất là sử dụng một máy tính trên lớp (có thể có máy chiếu hoặc không) và một bài trình chiếu được tạo sẵn để giới thiệu cho HS làm quen.
Về nội dung của mục 4, GV nên tổ chức cho HS thảo luận theo nhóm để gây không khí cởi mở, hứng khởi và khuyến khích sự sáng tạo của HS.

Hướng dẫn trả lời câu hỏi và bài tập:
1. Có thể liệt kê thêm các mẫu vật, sơ đồ, sa bàn, thí nghiệm,...
2-3. Một số ví dụ về môn học có thể sử dụng rất hiệu quả phần mềm trình chiếu: Lịch sử, Địa lí (chiếu các hình ảnh và phim tư liệu), Sinh học, Vật lí (chiếu mô phỏng các quá trình sinh học và vật lí, các thí nghiệm), Ngoại ngữ (nếu có loa để phát âm thanh),...

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây