© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Bài soạn "Chiếu cầu hiền" của Ngô Thì Nhậm

Thứ ba - 23/06/2020 10:16
Ngô Thì Nhậm (1746 - 1803) hiệu là Hi Doãn, sinh trưởng trong một dòng họ nổi tiếng về khoa hoạn và trước thuật là họ Ngô Thì ở làng Tả Thanh Oai (Hà Đông), nay thuộc Thanh Trì (Hà Nội), đỗ tiến sĩ năm 1775, từng làm quan dưới thời Lê Cảnh Hưng, rồi theo giúp Tây Sơn, được Nguyễn Huệ tin dùng và giao cho soạn thảo công văn giấy tờ quan trọng.
CHIẾU CẦU HIỀN
(Cầu hiền chiếu)
Ngô Thì Nhậm

A. Tác giả

Ngô Thì Nhậm (1746 - 1803) hiệu là Hi Doãn, sinh trưởng trong một dòng họ nổi tiếng về khoa hoạn và trước thuật là họ Ngô Thì ở làng Tả Thanh Oai (Hà Đông), nay thuộc Thanh Trì (Hà Nội), đỗ tiến sĩ năm 1775, từng làm quan dưới thời Lê Cảnh Hưng, rồi theo giúp Tây Sơn, được Nguyễn Huệ tin dùng và giao cho soạn thảo công văn giấy tờ quan trọng.

Ngô Thì Nhậm là người học giỏi, kiến thức sâu rộng, văn võ toàn tài, có mưu lược chính trị, có tài bang giao, đã phò giúp Nguyễn Huệ trong việc đánh tan 20 vạn quân Thanh và xây dựng triều Nguyễn Quang Trung, ông được xem như một nhân vật chính trị xuất chúng, một tác giả văn học và triết học tôn giáo lỗi lạc dưới triều Tây Sơn, để lại một số lượng trước tác khá lớn gồm nhiều thể loại phong phú.

B. Tác phẩm: Chiếu cầu hiền
1. Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm


Năm 1788, vua Lê Chiêu Thống đưa quân Thanh vào xâm lược nước ta. Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, đặt niên hiệu là Quang Trung, rồi đem quân ra Bắc quét sạch quân Thanh cùng bè lũ bán nước. Vua Lê Chiêu Thống và tàn quân chạy theo Tôn Sĩ Nghị. Triều Lê hoàn toàn sụp đổ. Trước sự kiện đó, một số bề tôi của nhà Lê hoặc mang nặng tư tưởng trung quân lỗi thời, hoặc sợ hãi vì chưa hiểu triều đại mới, nên có người đã bỏ trốn, hoặc đi tự tử, đi ở ẩn,... Vua Quang Trung giao cho tiến sĩ Ngô Thì Nhậm thay lời mình viết Chiếu cầu hiền, kêu gọi những người có tài, có đức ra làm việc giúp triều đại mới.

Như vậy, Chiếu cầu hiền đã ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, từ một chủ trương đúng đắn của vua Quang Trung sau ngày dẹp yên thù trong giặc ngoài nhằm thu hút, tập hợp những người có tài, có đức để xây dựng triều đại mới. Chủ trương đúng đắn đó lại được Ngô Thì Nhậm - một bề tôi tin cẩn và tài năng - đồng tình hưởng ứng nên đã thay lời vua Quang Trung viết ra bài Chiếu cầu hiền tâm huyết của một ông vua vì dân, vì nước, có sức thuyết phục sâu sắc đến sĩ phu Bắc Hà lúc bấy giờ.

2. Phân tích đoạn 1: Mở đầu

Bài chiếu mở đầu bằng việc nêu vai trò của người hiền và khẳng định vị trí của người hiền trong xã hội (ở đây là trong chế độ phong kiến thuộc triều đại Nguyễn Quang Trung). Đó là luận điểm đối với người hiền. Luận điểm đó đã được diễn đạt theo các ý sau: 

- Người hiền ở trên đời cũng như sao sáng trên trời, người hiền là tài sản quý của đất nước, của xã hội, của nhân dân (“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” - Thân Nhân Trung), giống như “sao sáng trên trời”. Vai trò của người hiền đối với đất nước là rất quan trọng.

- Chính vì thế, “người hiền tất phải do thiên tử sử dụng” cũng như “sao tất phải chầu về Bắc thần”, ý nói người hiền phải được sử dụng, và trong chế độ phong kiến thì phải do thiên tử sử dụng để người hiền được đem tài đức của mình mà phò giúp nước.

Cách trình bày luận điểm trên đây của tác giả có hai điều cần lưu ý:

- Một là, tác giả đã mở đầu bài Chiếu, cầu hiền bằng lời Khổng Tử để tăng thêm sức nặng và độ tin cậy cho luận điểm của mình. Người hiền trong chế độ phong kiến thường xuất thân từ cửa Khổng sân Trình, coi đức Khổng Tử như vị thánh của mình. Vì vậy, dẫn lời Khổng Tử ở đây là rất đúng, có tác dụng lớn đối với các nho sĩ lúc bây giờ: lời Khổng Tử là chân lí của họ, đem đến cho họ niềm tin vững chắc vào vai trò người hiền của mình và vị trí mà minh cần phải có mặt trong xã hội.

 Câu nói của Khổng Tử vừa bao hàm được cả hai ý đó, lại là một câu nói so sánh, có hình ảnh ("sao sáng phải chầu về Bắc thần"), hàm chứa ý nghĩa sâu sắc.

- Hai là, nêu phản đề (ý trái ngược) để phủ định nhằm củng cố luận điểm. Đó là: “Nhược bang giấu mình ẩn tiếng, có tài mà không để cho đời dùng, thì đó không phải là ý trời sinh ra người hiền tài” (khóa lại vấn đề, khẳng định mạnh mẽ luận điểm đã nêu).

Như vậy, lôgic của luận điểm được tóm tắt như sau: Người hiền là của quý của đất nước      phải do thiên tử sử dụng; nếu giấu mình ẩn tiếng      không phải là ý trời sinh ra người hiền tài. Hai ý quan trọng nhất của bài Chiếu cầu hiền đã được tác giả đặt ra một cách gọn, rõ trong phần mở bài, báo trước hướng đi và nội dung sẽ nói của bài chiếu.

3. Phân tích đoạn 2: Mong mỏi có người hiền ra giúp triều đại mới.

Đoạn này bài chiếu được viết thành hai ý:

- Ý 2a: Tâm trạng và thái độ của người hiền khi Tây Sơn diệt họ Trịnh.

- Ý 2b: Triều đại mới rất cần người hiền, mong mỏi có người hiền giúp nước.
a) Trước việc Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc diệt chúa Trịnh, các nho sĩ Bắc Hà có nhiều cách ứng xử khác nhau. Đây là lúc “thời gấp vận cùng, trung châu lắm việc”, tâm trạng của họ chưa ổn định trước một sự đổi thay lớn. Tác giả không kể trực tiếp các cách ứng xử ấy mà dùng những hình ảnh ẩn dụ quen thuộc với giới nho sĩ để nói lên thái độ của họ trước thời cuộc lúc đó:

- Người hiền ở ẩn, cố giữ tiết tháo như da bò bền; (chỉ người cố chấp)

- Người ở triều đường không dám nói năng như hàng trượng mã, (chỉ người lặng im)

- Người đánh mõ giữ cửa; (chỉ người làm cầm chừng)

- Người ra bể vào sông; (ám chỉ người đi tự tử)

- Người chết đuối trên cạn (ám chỉ người đi ở ẩn, phí hoài tài năng)

Cách nói như vậy (tránh nói thẳng sẽ không tế nhị với tầng lớp nho sĩ có học thức) vừa dễ cảm nhận, lại thấm thía, nên dễ thuyết phục người nghe. Không những thế, đây còn là một cách nói có tình của một ông vua đối với bề tôi của mình, đồng thời cũng là một cách nói khiêm tốn của một vị hoàng đế để thu phục nhân tâm. Và Ngô Thì Nhậm, hiểu lòng Nguyễn Huệ, đã thay lời vua viết nên những câu thật chí tình và xúc động trong bài chiếu:

“Trẫm đương để ý lắng nghe, sớm hôm mong mỏi. Thế mà những người tài cao học rộng, chưa có ai đến. Hay trẫm là người ít đức, không xứng để những người ấy phò tá chăng? Hay là đương thời loạn lạc, họ chưa thể phụng sự vương hầu?”

Một ông vua mà viết được những câu như thế phải là người muốn cầu hiền biết bao! Đó cũng là một ông vua vì dân, vì nước, nên mới “sớm hôm mong mỏi” người hiền đến để giúp dân, giúp nước.

b) Lòng mong mỏi đó của vua Quang Trung lại được nhấn mạnh và khắc sâu hơn trong ý 2b. Bài chiếu nêu rõ triều đại mới, trong “buổi đầu đại định” còn nhiều khó khăn (“mọi việc còn đương mới mẻ, giềng mối triều đình còn nhiều thiếu sót,...”). Đáng chú ý là câu “Dân khổ chưa hồi sức, (...), trẫm chăm chắm run sợ, mỗi ngày muôn việc lo toan”. Mới biết nhà vua lo cho dân, cho nước đến thế nào. Nhưng chính “khi trời còn thảo muội” mới "là lúc quân tử thi thố" kinh luân” để vạch ra đường lối xây dựng đất nước. Bởi thế, nhà vua càng nóng lòng mong mỏi người hiền đến với mình - cũng là ra giúp triều đại mới - trong một niềm tin son sắt vào nhân tài của đất nước thời nào cũng có và có nhiều. Câu văn của Ngô Thì Nhậm đã bộc lộ chân thành, tha thiết tấm lòng ưu ái đó của vua Quang Trung:

“Hỏi rằng trong nước, một ấp mười nhà hẳn còn có người trung tín, huống chi trong cõi đất rộng lớn đến thế này, há lại không có người kiệt xuất hơn đời, đã giúp rập chính sự buổi đầu cho trẫm ư?”

4. Phân tích đoạn 3: Con đường cầu hiền của Nguyễn Huệ

Chính từ lòng mong mỏi thiết tha đó mà con đường cầu hiền của Nguyễn Huệ hết sức rộng mở. Diện cầu hiền thật rộng rãi mà biện pháp cũng cụ thể, dễ làm, không hề có điều gì gây trở ngại, ảnh hưởng đến người hiền trong việc đem tài đức ra giúp dân, giúp nước, xây dựng triều đại mới. Nhà vua đã mở lòng ra để đón người hiền đến với mình một cách chân thành, thoải mái trên một mục tiêu chung là xây dựng đất nước.

Trước hết là diện cầu hiền hết sức rộng mớ, đến mọi người dân trong nước, từ “quan liêu lớn nhỏ và dân chúng trăm họ, ai có tài năng học thuật, mưu hay giúp ích cho đời, đều cho phép được dâng thư tỏ bày công việc”. Sau nữa là những biện pháp cầu hiền cụ thể, dễ làm, tạo cho mọi người sự an tâm, thoải mái, không có gì phải bận tâm, lo lắng:

- Lời có thể dùng được thì đặc cách bổ dụng, lời không dùng được thì để đấy, chứ không bắt tội vu khoát.

- Các quan văn võ đều được tiến cử những người có tài nghệ, lại cho dẫn đến yết kiến, tùy tài bổ dụng.

- Những người giấu tài ẩn tiếng, không ai biết đến, cũng được dâng thư tự cử, chớ ngại thế là “đem ngọc bán rao”.

Và những người hiền trong sự nghiệp xây dựng triều đại mới sẽ được mọi người biết đến và có một tiền đồ tốt đẹp: “Còn nay trời đất thanh bình, chính lúc người hiền gặp gỡ gió mây.” Bài chiếu kết thúc bằng một lời kêu gọi, động viên người hiền hãy đem tài đức ra giúp nước:

“Những ai tài đức, nên đều gắng lên, để được rỡ ràng chốn vương đình, một lòng cung kính cùng hưởng phúc tôn vinh.”

Lời kêu gọi trang trọng nhưng có sự gắn bó tha thiết giữa ông vua vì dân vì nước và những người hiền trong đất nước lúc bây giờ.

Tóm lại, Chiếu cầu hiền không chỉ nói lên chủ trương cầu hiền đúng đắn của vua Quang Trung mà còn cho ta thấy được tầm nhìn xa trông rộng và tấm lòng vì dân vì nước của nhà vua để xây dựng triều đại mới lúc bấy giờ.

5. Đặc sắc nghệ thuật của bài chiếu

Bài chiếu được viết theo thể nghị luận. Lập luận của tác giả có thể tóm tắt như sau:

Người hiền là tài sản quý của đất nước, phải do thiên tử sử dụng để xây dựng đất nước. Nhưng khi Tây Sơn diệt họ Trịnh, tâm trạng của nho sĩ Bắc Hà chưa ổn định trước việc ra giúp triều đại mới. 

Triều đại mới còn nhiều khó khăn, rất cần người hiền ra giúp nước. Vua Quang Trung đã mở rộng con đường cầu hiền đến mọi người dân trong nước, mong mỏi người hiền sẽ đến với mình và kêu gọi những người tài đức hãy ra giúp dân, giúp nước. Bên cạnh lí, bài chiếu còn được viết có tình: đó là cái tình của một ông vua gắn bó với người hiền trong nhiệm vụ chung xây dựng đất nước. Giọng điệu, cách viết, cách dùng các lời nói của Khổng Tử, ... rất phù hợp và có sức thuyết phục các nho sĩ.
© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây