© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Bình giảng bài “Tống biệt hành” của Thâm Tâm.

Thứ tư - 07/06/2017 00:37
Xu hướng lãng mạn chủ nghĩa trong văn học hiện đại giai đoạn 1930- 1945 thể hiện trực tiếp và sâu sắc cái tôi trữ tình tràn đầy cảm xúc qua những bài Thơ mới của Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử ...
Nhưng một trường hợp đặc biệt, sáng tác của Thâm Tâm lại mang khí vị vừa cổ điển, vừa cách tân độc đáo từ hơi thơ đến điệu thơ đến hình ảnh, ngôn ngữ, “đã làm sống lại cái không khí riêng của nhiều bài thơ cổ” (Hoài Thanh và Hoài Chân). Đó là bài Tống biệt hành (Ghi lại bài thơ).
 
Thâm Tâm làm bài này để tiễn một người bạn lên chiến khu. Lúc ấy vào khoảng 1941, bắt đầu phong trào Việt Minh, một số thanh niên thành thị được tuyên truyền vận động đi làm cách mạng. Những nhân vật trong bài thơ như mẹ, hai chị, cô em nhỏ đều có thật, ta tức tác giả Thâm Tâm. Bài thơ mang những nét bi tráng đặc biệt. Người ra đi cương quyết nhưng ngậm ngùi, ngang tàng mà đau xót, bề ngoài dửng dưng nhưng vẫn không che giấu được nỗi xót xa đau đớn trong lòng:
 
Đưa người, ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
 
Bài thơ mở đầu bằng những hình ảnh liên tưởng đậm nét trữ tình. Không qua sông như dũng sĩ Kinh Kha sang sông Dịch để hành thích Tấn Vương trong thời Chiến Quốc xa xưa, nhưng người đưa tiễn vẫn như nghe âm vang tiếng sóng trong lòng làm tê tái con tim của kẻ ra đi. Có lẽ lòng người đi đang dằn vặt bao tình thân ái với mẹ, với chị, với cô em nhỏ:
 
Sao có tiếng sóng ở trong lòng
 
Trong buổi tiễn đưa, ánh chiều không thắm, bóng chiều không vàng vọt, nhưng người đưa tiễn vẫn thấy ánh mắt người đi đầy ắp bóng hoàng hôn, không đâu được nét buồn vời vợi:
 
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Một loạt từ không phủ định không gian (“không” qua sông), phủ định thời gian bóng chiều “không” thẳm, “không” vàng vọt) như nhằm diễn tả “cái có thực” là tâm trạng buồn tê tái của con người.
 
Tiết tấu thay đổi, câu thơ đầu gồm toàn thanh bằng trầm lắng như tiếng lòng của kẻ ở người đi, câu thơ kế tiếp có nhóm bốn thanh trắc (có tiếng sóng ở) ẩn dụ tâm trạng dằn vặt của người ra đi. Những câu thơ kế tiếp đan cài giọng điệu của người đưa tiễn và kẻ ra đi, tạo nên tính phức điệu của ngôn ngữ, thể hiện nhưng nét bi tráng:
 
Đưa người, ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình, một dửng dưng ...
Li khách! Li khách! Con đường nhỏ,
Chị nhớn chưa về bàn tay không,
Thì không bao giờ nói trở lại.
Ba năm mẹ già cũng đừng mong.
 
Cái “bi” là hiện thực và hợp lí. Người ra đi cắt đứt với gia đình, bạn bè, thành phố mang đầy kỉ niệm để lên đường. Con đường trước mắt gập ghềnh gian truân mà tương lai thì mờ mịt, ra đi có thể không về. Nhưng cái “tráng” cũng đậm nét. Hình ảnh một khách chinh phụ trên con đường cát bụi thật lãng mạn, hào tráng. Trong hoàn cảnh cụ thể của đất nước lúc bây giờ, thái độ cương quyết, ý chí sắt đá của li khách toát lên nét đẹp tâm hồn, chí khí hào hùng cùa người trai thời loạn:
 
Chí nhớn chưa về bàn tay không,
 
Do đó, cả hai mặt bi và tráng quyện vào nhau, tạo nên sức hấp dẫn của bài thơ.
 
Cái độc đáo của bài thơ còn ở chỗ Thâm Tâm đứng ở vị trí của người đưa tiễn, của người ngoài ruột thịt mà miêu tả. Một sự miêu tả tưởng như lạnh lùng, khách quan nhưng kì thực vô cùng thâm cảm, sâu sắc:
 
Ta biết người buồn chiều hôm trước
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt.
Một chị, hai chị cùng như sẻn,
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót.
Ta biết người buồn sáng hôm nay
Giờ chưa mùa thu tươi lắm thay
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc,
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay...
………………………………..
Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
Chị thà coi như là hạt bụi,
Em thà coi như hơi rượu say.

“Điệu thơ gấp. Lời thơ gắt. Câu thơ rắn rỏi, gân guốc” (Hoài Thanh) của thể hành thật đắc dụng khi diễn tả tâm trạng kẻ ra đi. Người buồn chiều hôm trước, người buồn sáng hôm nay. Nỗi buồn luôn hiện hữu nhưng li khách muốn vượt lên tình cảm thường tình để dứt áo ra đi. Hoạn thư không cần thiết phải nêu rõ lí tưởng, mục đích nào nhưng vẫn cứ để lại ấn tượng đậm nét, niềm tin đáng tin, đáng quý...
 
Tình gia đình, ruột thịt cảm động lắm! Cô em gái nhỏ ngây thơ, đôi mắt biếc thì thà coi như hơi rượu say thoáng qua trong phút giây, biểu lộ nỗi day dứt. Hai chị tàn tạ như sen cuối hạ, đã khóc đến giọt lệ cuối cùng còn sót lại để van nài, nhưng thà coi như là hạt bụi bay qua, biểu lộ nỗi xót xa. Mẹ già sầu muộn sẽ mòn mỏi chờ mong con về, nhưng thà coi như chiếc lá bay, biểu lộ nỗi đau xé ruột. Nhưng tất cả đều không níu kéo được bước chân li khách: chàng cứ lên đường. Li khách đi rồi mà người đưa tiễn vẫn ngỡ ngàng, không tin đó là sự thật:
 
Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực !
 
Sức hấp dẫn của Tống biệt hành gồm nhiều yếu tố, nhưng chủ yếu là khúc hành đã tạo một tổng hợp nghệ thuật độc đáo, một chất lượng thẫm mĩ mới cho một đề tài quen thuộc: sự chia li. Giọng thư bâng khuâng mà rắn rỏi, quyết liệt nhưng xót xa, hình ảnh gợi cảm, nhiều câu hỏi tu từ, điệp từ, điệp câu, làm tăng tính nhạc và độ sâu cảm xúc của bài thơ.
 
Bài thơ còn thể hiện lòng yêu nước thầm kín của Thâm Tâm qua sự mến yêu, ngưỡng vọng đối với những người bạn lên đường vì nghĩa lớn nước nhà. Tình cảm này sẽ thúc đẩy nhà thơ hăm hở dấn thân, hăng hái hoạt động văn nghệ trong Cách mạng tháng Tám, gia nhập bộ đội trong kháng chiến chống Pháp...
© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây