- Bốn dòng đầu miêu tả thiên nhiên rất gợi cảm, cảnh và tình thấm vào nhau càng hiện rõ theo từng đường nét.
- Thôn Vĩ nằm bên bờ Hương Giang với cây trái xanh tươi, với những ngôi nhà quý phái thấp thoáng, vườn tược, sông nước mây trời và các cô thiếu nữ có những nét riêng thơ mộng làm say đắm lòng người.
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”
Câu thơ không trách cứ ai mà như chào mời khách đến thăm một cảnh đẹp. Mà đẹp thật. Vĩ Dạ có những hàng cau thẳng tắp cao vượt lên trên những tán cây khác. Cứ vào buổi sáng khi mặt trời mọc, ánh nắng ban mai chiếu sáng lấp lánh trên những hàng cau tạo cho cảnh vật thiên, nhiên một vẻ đẹp đầy sức sống làm nao lòng người:
“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền?”
Vẫn là cảnh vật thân quen gần gũi của một miền quê. Cảnh nắng sáng long lanh trên những hàng cau còn đẫm sương đêm. Những hàng cau vươn lên đón nắng trời ban mai lại hòa vào một không gian mượt mà xanh tươi “xanh như ngọc”. Màu xanh “mướt” của cây vườn gợi cho ta một cảm giác trong trẻo, nõn nà, tinh khiết.
- Đấy là những câu thơ tả cảnh thần diệu về buổi sáng, những vườn cây được chăm sóc chu đáo sạch sẽ, cành lá mơn mởn, ướt sương đêm, xanh mướt như ngọc. Nhưng câu thơ thứ tư xuất hiện như đột ngột không chỉ là tả mà còn biểu hiện được thần thái tâm hồn Vĩ Dạ:
“Lá trúc che ngang mặt chữ điền”.
Câu thơ cách điệu hóa, mang ý nghĩa biểu trưng cho vẻ đẹp của con người ở đây. Thấp thoáng sau hình ảnh những lá trúc mảnh mai, thanh tú là khuôn “mặt chữ điền” vuông vức, đầy đặn ẩn chứa bên trong cái bản chạt hiền lành, trung thực. Con người xuất hiện, thiên nhiên bỗng trở nên sinh động hẳn lên. Cảnh đẹp, người đẹp. Thiên nhiên và con người hài hòa trong một vẻ đẹp kín đáo, dịu dàng.
- Cảnh và người đẹp, đáng yêu như vậy, “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?” Thế thì câu thơ mở đầu này đâu chỉ là sự mời chào mà còn hàm chứa cả niềm nuối tiếc của nhà thơ. Bởi vì thôn Vĩ chỉ còn là hoài niệm, là nhớ thương tha thiết của Hàn Mặc Tử.
- Cái đẹp của đoạn thơ trên cũng như cả hài thơ là cái đẹp của cảnh và người xứ Huế. Nhưng sâu hơn, đẹp hơn là tâm hồn tác giả luôn hướng về cái thánh thiện, khát khao với cái đẹp của tình người, tình đời, dù xa xôi mờ ảo.