© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Buổi học cuối cùng (Chuyện của một em bé người An-dát) An-Phông-Xơ Đô-Đệ

Thứ bảy - 08/08/2020 04:38
Buổi học cuối cùng (Chuyện của một em bé người An-dát) An-Phông-Xơ Đô-Đệ
An-phông-xơ Đô-đê, Alphonse Daudet, (1840 - 1897) nhà văn Pháp, tác giả của nhiều tập truyện ngắn nổi tiếng. Truyện Buổi học cuối cùng lấy bối cảnh từ một biến cố lịch sử: Sau cuộc chiến tranh Pháp - Phổ năm 1870 - 1871, nước Pháp thua trận, hai vùng An-dát và Lo-ren giáp biên giới với Phổ bị nhập vào nước Phổ. Phổ là tên của một nước chuyên chế trong lãnh thổ Đức trước đây. Cho nên các trường học (ở hai vùng này bị buộc học bằng tiếng Đức. Truyện viết về buổi học cuối cùng bằng tiếng Pháp ở một trường làng thuộc vùng An-dát (theo SGK).
Truyện có bốn nhân vật, ngoài bác phó rèn Oát-stơ đang đọc cáo thị ở trụ sở xã, nhân vật “tôi”, các học trò và cụ già Hô-de cùng tham dự buổi học cuối cùng khác thường do thầy Ha-men dạy. Người đọc cảm nhận và xúc động vô cùng về lòng yêu nước sâu đậm của thầy Ha- men từ buổi học khác thường ấy.

Mở đầu truyện, nhân vật “tôi” kể về lỗi lầm sớm được sửa sai của mình vào “buổi sáng hôm ấy”. Nguyên nhân là “chẳng thuộc lấy một chữ trong bài học” “các phân từ” (một hình thức biến đổi của động từ trong tiếng Pháp - tiếng mẹ đẻ cua nhân vật “tôi”). Lỗi lầm ấy là có ý định “trốn học và rong chơi ngoài đồng nội”. Nếu lỗi lầm ấy không kịp được sửa sai thì “tôi” không dự “Bài học Pháp văn cuối cùng” của mình.

Cưỡng lại được sự quyến rũ của cánh đồng cỏ Ríp-pe, Phrăng “ba chân bốn cẳng chạy đến trường”. Cảnh “thấy có nhiều người đứng trước bảng dán cáo thị” cũng đã làm cho Phrăng nhủ thầm “Lại có chuyện gì nữa đây?”. Tất cả những chi tiết đều có liên quan đến quân Phổ đang chiếm đóng vùng An-dát của nước Pháp. Chúng có vai trò gợi mở tâm trạng của Phrăng, giúp Phrăng nhớ lại “những vụ trưng thu, những mệnh lệnh của ban chi huy Đức”. Phân tích sâu xa hơn thì đó là nguyên nhân chính của buổi học cuối cùng mà cậu bé Phrăng chưa nhận ra.

Bước chân vào khoảng sân nhỏ nhà thầy Ha-men, cậu đã thấy khác thường. Không khí buổi học hôm nay không ồn ào, náo động như những buổi học trước, “mọi sự đều bình lặng y như một buổi sáng chủ nhật”. Cùng là thầy Ha-men với cây thước sắt khủng khiếp, nhưng thầy nói “thật dịu dàng”, lại mặc lễ phục của người Pháp, trong lúc Phrăng thì “đỏ mặt tía tai và sợ đến chừng nào!”, Chuyến qua “ngạc nhiên hơn cả” là buổi học hôm ấy có cả “dân làng ngồi lặng lẽ giống như chúng tôi, cụ già Hô-de, trước đây là xã trưởng”. Tại sao lại có những người ấy? Cậu bé không hiểu nên ngạc nhiên là phải.

Kể từ giây phút đó, tâm trạng của Phrăng diễn biến theo tâm trạng của thầy Há-men cùng với bài học hôm đó. Thầy mói với giọng dịu dàng và trang trọng. “Các con ơi, đây là lần cuối cùng thầy dạy các con. Lệnh từ Béc-lin là từ nay chỉ dạy tiếng Đức ở các trường vùng An-dát và Lo-ren... Thầy giáo mới ngày mai sẽ đến. Hôm nay là bài học Pháp văn cuối cùng của các con. Thầy mong các con hết sức chú ý”.

Đấy là những thông tin cụ thể nhằm trả lời câu hỏi thầm của Phrăng khi cậu thấy đám đông người xem cáo thị ở trụ sở xã, cũng là thông tin gây sốc cho cậu. Từ tâm trạng “choáng váng”, Phrăng chuyển sang căm giận: “A! Quân khốn nạn, thì ra đó là điều chúng vừa niêm yết ở trụ sở xã”. Rồi từ căm giận Phrăng bước vào tâm trạng ân hận tiếc nuối khi lơ là học tiếng Pháp, và giờ đây biết mini không còn được học tiếng mẹ đẻ. Những câu văn mang nghệ thuật so sánh đã nói lên tâm trạng ấy của Phrăng với ngôn ngữ Pháp và với thầy dạy tiếng Pháp: “Những cuốn sách vừa nãy tôi còn thấy chán ngán đến thế, mang nặng đến thế, quyển ngữ pháp, quyển thánh sử của tôi giờ đây dường như những người bạn cố tri mà tôi sẽ rất đau lòng phải giã từ. Cũng giống như thầy Ha-men”. Trong câu văn ấy, người đọc nhận ra sự tỉnh thức của Phrăng trong việc học tiếng mẹ đẻ. Từ sự chán ngán quyển ngữ pháp đến sự xem nó là người bạn cố tri, rồi cảm thấy đau lòng khi phải giã từ nó phải chăng là từ sự thờ ơ chuyển qua lòng yêu nước qua việc học tiếng mẹ đẻ do thầy Ha-men giảng dạy. Và sau đó, khi nghe thầy đọc bài ngữ pháp thì Phrăng lại “kinh ngạc thấy sao mình hiểu bài đến thế”. Rồi tự hào về thầy, “cảm thấy thầy lớn lao đến thế”.

Tự hào về thầy, cảm thấy thầy lớn lao là do ở phong cách của thầy Ha-men trong buổi học cuối cùng. Gọi Phrăng đọc bài chỉ là một cái cớ để thầy kêu gọi, tỏ bày nỗi lòng và nhận xét của mình. Cả ba điều ấy có quan hệ nhân quả với nhau. Thầy nhận xét rằng: “Tai họa lớn của xứ An-dát chúng ta là bao giờ cũng hoãn việc học đến ngày mai”. Thầy đã chứng minh một cách cụ thể về việc trì hoàn ấy. Không chỉ có “Phrăng tội nghiệp” lười học, các bậc cha mẹ không thiết tha, cho đến cả thầy cùng cho học sinh nghỉ học để đi câu cá. Ấy là thầy đã tỏ bày lòng mình một cách trung thực. Thầy đã dũng cảm nói lên nguyên nhân của tai họa lớn ấy là tất cả đã vì sở thích, vì mối lợi trước mắt mà trì hoãn việc học, nhất là học tiếng mẹ đẻ đã dẫn đến tai họa rõ ràng là quân Phổ đã ra lệnh bỏ việc học tiếng Pháp, thay vào bằng tiếng Đức, gián tiếp bảo rằng: “Thế nào! Các người tự nhận là dân Pháp, vậy mà các người chẳng biết đọc, biết viết tiếng của các người!...”. Đúng là tai họa lớn, một nỗi nhục lớn!

Từ việc trung thực nêu nguyên nhân, hậu quả của việc trì hoãn việc học như đã phân tích, thầy Ha-men đã lên tiếng ca ngợi và kêu gọi rằng tiếng Pháp là “ngôn ngữ hay nhất thế giới, trong sáng nhất, vững vàng nhất: phải giữ lấy nó trong chúng ta và đừng bao giở quên lãng nó”. Và để mọi người hiểu rõ hơn về ý nghĩa và sức mạnh của ngôn ngữ, thầy giải thích thêm: “bởi vì khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình thì chẳng khác gì nắm được chìa khóa chốn lao tù...”. Chúng ta biết rằng mỗi dân tộc có một thứ ngôn ngữ riêng. Chức năng của ngôn ngữ là thông tin, để tăng thêm sự hiểu biết. Từ chức năng đó mà mỗi người thể hiện bằng hành động do hiệu quả thông tin mang lại. Thông tin quân Phổ ra lệnh trường học cấm dạy và học tiếng Pháp làm cho mọi người An-dát căm giận, từ căm giận họ kêu gọi mọi người đoàn kết. Có đoàn kết là có sức mạnh. Như thế ngôn ngữ là “chìa khóa” mở toang cánh cửa lao tù.

Rồi thầy bắt đầu bài dạy, trao cho học sinh những bài tập viết mẫu đã được thầy viết bằng “chữ rông” thật đẹp, và chỉ tập viết có mấy chữ: “Pháp, An-dát, Pháp, An-dát”. Thầy đã chủ tâm ghi sâu ấn tượng về nguồn gốc vào tâm trí của người dân vùng này. Lòng yêu nước của thầy cụ thể và sâu xa đến vậy!

Cảm động nhất là những hình ảnh của thầy trong những đoạn văn cuối. Thầy đứng lặng im nhìn những đồ vật quen thuộc mà thầy phải chia tay sau bốn mươi năm gắn bó. Rồi hình ảnh cụ Hô-de nâng cuốn sách vỡ lòng lên đọc... Và nhất là hình ảnh thay vì nói những nghẹn họng vì quá xúc động nên “Thầy bèn quay về phía bảng cầm một hòn phấn và dằn mạnh hết sức, thầy cố viết thật to:
 
“NƯỚC PHÁP MUÔN NĂM!”.

Rồi thầy đứng đó, dầu dựa vào tường, và chẳng nói, giơ tay ra hiệu cho chúng tôi:
“Kết thúc rồi... đi đi thôi!”.”

Hình ảnh ấy như một tượng đài của người thầy giáo yêu nước khiến Phrăng cảm thấy thầy là nhân vật lớn lao và đáng khâm phục vô cùng.

Buổi học cuối cùng, An-phông-xơ Đô-đê viết về thầy trò người vùng An-dát (nước Pháp) thời bị quân Phổ chiếm đóng nhưng ý nghĩa nội dung của truyện thì không dừng lại ở đó. Dường như nó là bài học cho tất cả mọi dân tộc trong đấu tranh giành độc lập, trong đấu tranh bảo vệ và phát triển ngôn ngữ, tiếng nói riêng của dân tộc mình. Bởi vì, thời đại nào cũng thế, kẻ mạnh bao giờ cũng muốn đồng hóa kẻ yếu, muốn mọi thứ thuộc về mình. Trong truyện, Phrăng có thắc mắc khi nghe tiếng bồ câu gù: “- Liệu người ta có bắt cả chúng nó cũng phải hót bằng tiếng Đức không nhỉ?”. Câu trả lời là có nếu quân Phổ có quyền năng.

* Ghi chú:
- Truyện được viết bằng lối văn tự sự, kể bằng ngôi thứ nhất (nhân vật: tôi). Ngoài nhân vật “tôi”, truyện còn có các nhân vật: Thầy Ha-men, bác phó rèn Oát-stơ, và cụ già Hô-de, trong đó thầy Ha-men là nhân vật nổi bật nhất.
- Thầy là người gieo tư tưởng giữ vững tiếng nói của mình là không mất gốc, tạo được thông tin liên lạc (chìa khóa) thì có ngày tạo được sức mạnh đoàn kết để mở toang cánh cửa lao tù và thoát vòng nô lệ. Yêu nước là yêu tiếng mẹ đẻ, và ngược lại.
- Kể, miêu tả với nhiều câu văn mang nghệ thuật so sánh.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây