© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Các phương châm hội thoại (tiếp theo)

Thứ tư - 27/09/2017 05:01
Mục đích của bài học giúp các em biết cách vận dụng các phương châm về quan hệ và phương châm cách thức, phương châm lịch sự trong giao tiếp.

A- Hướng dẫn tìm hiểu bài
I. Phương châm quan hệ


Trong giao tiếp phải coi trọng phương châm quan hệ, nghĩa là cần nói đúng vào đề tài giao tiếp, tránh nói lạc đề.

Ví dụ: Các thành ngữ Ông nói gà bà nói vịt, Trống đánh xuôi kèn thổi ngược,... đều ám chỉ phương châm quan hệ trong giao tiếp với nghĩa nói chẳng đâu vào đâu.

II. Phương châm cách thức

Khi giao tiếp cần nói ngắn gọn, rành mạch, tránh cách nói mơi hồ. Đó là phương châm cách thức trong giao tiếp.

1. Các thành ngữ:

- Dây cà ra dây muống: Nói dài dòng, lôi thôi, chuyện nọ xọ chuyện kia, nói hết chuyện này đến chuyện khác mà vẫn không làm rõ được điều muốn nói.

- Lúng búng như ngậm hột thị: Ấp úng, nói không thành lời, không mạch lạc như bị vướng vật gì trong mồm.

Từ đó có thể rút ra bài học: Trong giao tiếp cần phải ngắn gọn, nói rõ ràng, rành mạch.

2. Cho câu sau:

Tôi đồng ý với những nhận định về truyện ngắn của ông ấy.

Câu trên có thể hiểu theo hai nghĩa. Điều này phụ thuộc vào tổ hợp từ của ông ấy bổ nghĩa cho từ ngữ nào trong câu:

- Tổ hợp từ của ông ấy bổ nghĩa cho từ truyện ngắn, tạo thành cụm danh từ truyện ngắn của ông ấy.

- Tổ hợp từ của ông ấy bổ nghĩa cho tổ hợp từ những nhận định (về truyện ngắn), tạo thành cụm danh từ những nhận định của ông ấy về truyện ngắn.

Như vậy, trong giao tiếp cần tránh cách nói mơ hồ, dễ gây hiểu lầm ở người nghe. Và khi đó hiệu quả giao tiếp không đạt được.

III. Phương châm lịch sự

Phương châm lịch sự trong giao tiếp là cử chỉ, cách ăn nói khiêm tốn, tế nhị, chân tình và biết tôn trọng người nghe.

Ví dụ:

Tôi nắm lấy cái vai gầy của lão, ôn tồn bảo:

- Chẳng kiếp gì sung sướng thật, nhưng có cái này là sung sướng: bây giờ cụ ngồi xuống phản này chơi, tôi đi luộc mấy củ khoai lang, nấu một ấm nước chè tươi thật đặc; ông con mình ăn khoai, uống nước chè, rồi hút thuốc lào... Thế là sung sướng.

- Vâng! Ông giáo dạy phải! Đối với chúng mình thì thế là sung sướng.

Lão nói xong lại cười đưa đà. Tiếng cười gượng nhưng nghe đả hiền hậu lại. Tôi vui vẻ bảo:

- Thế là được, chứ gì? Vậy cụ ngồi xuống đây, tôi đi luộc khoai, nấu nước.

- Nói đùa thế, chứ ông giáo cho để khi khác.
(Nam Cao)

Đoạn trích cho thấy thái độ vừa kính trọng, vừa thân tình giữa nhân vật ông giáo và lão Hạc (mặc dù về địa vị xã hội có sự khác nhau).

Đọc truyện Người ăn xin trong SGK, trang 22 và trả lời câu hỏi.

Cả người ăn xin và cậu bé trong truyện đều cảm thấy mình đã nhận được từ người kia một cái gì đó. Đó chính là tình cảm của người này dành cho người kia, đặc biệt là tình cảm của cậu bé dành cho người ăn xin. Cậu đã không tỏ ra khinh miệt, xa lánh mà tỏ ra chân thành, tôn trọng đối với một người đang ở trong hoàn cảnh bần cùng.

Từ câu chuyện này, có thể rút ra bài học: Trong giao tiếp, cần phải tế nhị, tôn trọng người khác, dù họ ở trong địa vị và hoàn cảnh nào.

© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây