© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Cảm nghĩ của em về truyện ‘Sự tích dưa hấu’

Thứ năm - 04/11/2021 10:07
Cảm nghĩ của em về truyện ‘Sự tích dưa hấu’
“Sự tích dưa hấu” là một trong những truyện cổ tích đậm đà ý vị nói về sự tích quả dưa hấu, một đặc sản về hoa trái, ngọt lành, thom mát của quê hương đất nước ta. Sâu xa hơn nứa, truyện còn ca ngợi bản lĩnh sống, tài trí và tinh thần lao động sáng tạo của con người Việt Nam.
Nhân vật An Tiêm được nói đến trong truyện đã tượng trưng cho những phẩm chất tốt đẹp đó, được người đời kính phục ngưỡng mộ.

Là con nuôi của vua, được hưởng nhiều bổng lộc vua ban cho, nhưng An Tiêm đã quan niệm: “Của biếu là của lo, của cho là của nợ”. Mọi giá trị vật chất và tinh thần mà mỗi người được hưởng thụ, phải do bàn tay khối óc của mình làm ra mới đáng tự hào. Nhưng vua Hùng và bọn nịnh thần lại cho anh là kẻ vong ơn, coi thường ân vua lộc chúa. Dù phải đi đày, nhưng câu nói ấy của An Tiêm đã trở thành một phương châm ứng xử, được lưu truyền trong dân gian, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

An Tiêm đã để lại cho mọi người bài học về bản lĩnh khi đứng trước mọi thử thách nghiệt ngã. Bị đày ra hoang đảo là bị đày vào chỗ chết. Một chiếc gươm cùn, một cái nồi, mấy ngày gạo ! Hai đứa con thơ và người vợ chỉ quen sống nơi cung cấm ! An Tiêm đã tổ chức cuộc sống để tồn tại. Nơi trú ẩn nắng mưa là cái hang. Rau dại, con ốc, con ngao, con hến là thức ăn thay com hằng ngày. Hai bố con làm bẫy đánh chim. Gian nan, khổ cực nhưng An Tiêm vẫn tin là một ngày kia có thể làm cho đời sống của gia đình mình noi hoang đảo sẽ khá lên.

An Tiêm là một con người rất thông minh, tài trí và sáng tạo. Một miếng dưa lạ, ruột đỏ, hạt đen do bầy chim đang ăn dở bỏ lại, đối với người khác thì đó chỉ là một hiện tượng bình thường rất dễ bỏ qua. Nhưng với An Tiêm thì miếng dưa lạ lại gợi lên một suy nghĩ, một suy luận: “Chim đã ăn được thì người cũng có thể ăn được”. Anh nếm thử dần, thấy vị ngọt và cảm thấy mát ruột. Rồi anh gom hạt dưa lạ đem trồng. Ba tháng trồng cây không bằng một ngày trông quả. Bao công sức mồ hôi và hy vọng. Một góc đảo hoang đã thành một vườn dưa xanh tốt, trĩu quả. Từng đàn chim quạ bay đến ăn dưa. Chim đã báo cho người một tin vui mới. An Tiêm qua những bước thăm dò thận trọng, anh đã biết trong tay mình đã có một giống dưa quý: ruột đỏ, ngọt ngào, thanh mát. Từ cuộc đời hái lượm đã chuyển sang một cách sống mới: trồng trọt. Trí tuệ An Tiêm đã cải tạo dần hoàn cảnh sống đi đày trên đảo hoang.

Nhưng ở đời, ai có thể ăn dưa mãi quanh năm để thay cơm? An Tiêm đã thông minh đánh dấu một số quả dưa rồi thả xuống biển, bền bỉ làm thế với niềm tin sẽ có ngày “thông thương” được với đất liền. Trí tuệ anh đã thắng. Thuyền buôn đã đến hoang đảo. Vợ chồng con cái anh chẳng còn cô độc nữa. Dưa hấu đã trở thành hàng hóa, đổi được gạo và công cụ, ... Một cuộc sống mới bắt đầu: An Tiêm làm được chiếc nhà lá. Không còn lo chết đói nữa. Con đường sống, con đường sáng, con đường trở về đất liền đã thênh thang rộng mở.

Vua Hùng sau khi thưởng thức hương vị trái dưa hấu đã cho thuyền ra đón vợ chồng con cái An Tiêm về hoàng cung. An Tiêm được trở về sống trên đất liền, sống trong lòng nhân dân đâu phải ân sủng của nhà vua? Mà đó là phần thưởng xứng đáng “trời” dành cho những con người ngay thăng, tài tri, thông minh và giàu tinh thần sáng tạo.

An Tiêm thật đáng yêu và kinh trọng. Giống dưa hấu với hương vị thơm ngon, ngọt ngào cùng với truyện cổ dân gian “Sự tích dưa hấu” mãi mãi lưu giữ công đức một con người vĩ đại vào thời gian năm tháng và lòng người.

Nhớ An Tiêm, nhớ đất Nga Sơn, ta càng thấm thía câu tục ngữ chứa chan nghĩa tình: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây