© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Dàn bài và bài văn mẫu: Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh

Thứ năm - 26/11/2020 07:37
Dàn bài và bài văn mẫu: Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh
Hướng dẫn lập dàn bài chi tiết và bài văn mẫu: Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh

Dàn bài chi tiết: Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh

 

I. Mở bài

Xứ Huế nổi tiếng với nhiều thắng cảnh sơn thuỷ hữu tình, trong đó có núi Ngự.

II. Thân bài

– Núi Ngự tựa như bức bình phong làm tiền án trên trục chính của kinh thành Huế.
– Ngự Bình trông xa như con chim đại bàng vỗ cánh bay lên trời. Núi cao 105m, hai bên có núi đất là Tả Phù Sơn và Hữu Bật Sơn.
– Gần núi Ngự là đồi Vọng Cảnh, kế bên là núi Bân. Đứng trên đỉnh núi Ngự phóng mắt về xa, ta thấy màu xanh ấy còn trải dài trên một rừng đồng bằng bát ngát của các huyện Hương Thủy, Hương Trà, Phú Vang.
– Đến núi Ngự vào buổi bình minh hay lúc hoàng hôn sẽ thấy vẻ đẹp nên thơ, nên họa của một ngọn núi, một khúc sông, một góc trời xứ Huế.

III. Kết bài

Cùng với sông Hương, núi Ngự Bình là quà tặng vô giá thứ hai của tạo hóa ban cho xứ Huế.

Bài văn mẫu: Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh

Thuyết minh về núi Ngự Bình


Nhắc đến sông Hương người ta không thể bỏ qua núi Ngự và nói đến núi Ngự người ta cũng không thể không nhắc đến sông Hương. Hai địa dành này gắn liền với nhau như không thể tách rời. Có lẽ vì thế mà khi nhắc đến Huế người ta thường nhắc đến sông Hương, núi Ngự Bình.

Núi Ngự Bình là một trong những thắng cảnh tự nhiên nổi tiếng ở Huế. Mặc dù không hùng vĩ, cheo leo gập ghềnh như những ngọn núi khác nhưng núi Ngự toát lên vẻ trầm mặc, thanh thoát và cũng rất hữu tình như tâm hồn người dân xứ Huế.

Núi Ngự Bình (hay còn gọi là Bằng Sơn hay Bình Sơn), thuộc phường An Cựu, Tp. Huế. Núi Ngự Bình cách Kinh Thành Huế khoảng 6,4km. Núi Ngự Bình cao khoảng 105m, dáng núi cân đối nằm uy nghi sừng sững, hai bên có hai núi đất là Tả Phù Sơn và Hữu Bật Sơn. Trên núi có rừng thông tỏa bóng mát quanh năm, khí hậu mát mẻ và dễ chịu.

Với vị trí cân đối, lý tưởng; núi Ngự Bình được nhiều vua triều Nguyễn làm thế cân đối khi xây dựng công trình. Đặc biệt, khi vua Gia Long xây dựng kinh thành Huế đã chọn núi Ngự Bình làm tiền án (ý là bình phong che chắn phía trước thủ phủ) theo thuật phong thủy.

Ngoài vị trí lý tưởng, núi Ngự Bình còn là điểm dã ngoại quen thuộc của các vua triều Nguyễn. Ngày trước, các vua chúa cho người trồng nhiều loại thông, trải dài từ chân núi lên đến đỉnh núi. Đứng trên đỉnh núi Ngự Bình, có thể vừa lắng nghe tiếng thông reo vừa có thể thu vào tầm mắt toàn cảnh kinh thành Huế hiện ra mờ ảo với những lâu đài thành quách đồ sộ, mái chùa cổ kính uy nghiêm giữa một màu xanh của cây cối và dòng sông Hương như dải lụa uốn lượn quanh co.

Sách “Đại Nam Nhất Thống Chí” của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn viết “Phía Đông bắc Hương Thuỷ, nổi vọt lên ở quãng đất bằng “như hình bức bình phong làm lớp án thứ nhất trước kinh thành, tục gọi là núi Bằng, đời Gia Long đặt cho tên hiện nay (Ngự Bình), đỉnh núi bằng phẳng, khắp nơi trồng thông”.

Bởi núi có hình dạng như thế, nên khi chúa Nguyễn Phúc Trăn (ở ngôi: 1687-1691) dời thủ phủ Đàng Trong từ làng Kim Long (thuộc huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên) về làng Phú Xuân (chỗ của Kinh thành Huế ngày nay) vào năm 1687, đã dùng núi ấy làm án (chắn ngang) trước thủ phủ. Về sau, khi chúa Nguyễn Phúc Khoát (ở ngôi: 1738-1765) xây dựng đô thành Phú Xuân (hoàn tất năm 1739), và vua Gia Long xây dựng Kinh thành Huế (1805) cũng đặt núi Bằng làm án.

Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn viết: Ở phía đông bắc Hương Thủy, nổi vọt lên ở quãng đất bằng như hình bức bình phong làm lớp án thứ nhất trước Kinh thành Huế, tục gọi là núi Bằng, đời Gia Long đặt cho tên hiện nay (Ngự Bình), đỉnh núi bằng phẳng, khắp nơi trồng thông.

Núi này là một trong 20 thắng cảnh của Kinh đô. Nơi đây được coi đây là chốn ngắm cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp của xứ Huế. Đứng từ trên đỉnh núi Ngự, có thể thu vào tầm mắt một bức tranh thu nhỏ của thành phố với cung điện nguy nga, những mái chùa cổ kính và dòng sông Hương xanh biết uốn lượn quanh co. Chính vì vậy cùng với sông Hương, núi Ngự Bình là món quà vô giá thứ hai của tạo hóa, hòa quyện  vào nhau tạo nên vẻ đẹp sơn thủy hữu tình của Huế. Núi Ngự và sông Hương trở thành biểu tượng của thiên nhiên Huế.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, thì từ thời Gia Long, tất cả các quan lại không phân biệt phẩm trật lớn nhỏ, mỗi người đều phải trồng ở Ngự Bình một cây thông, cho nên trải các đời vua, Ngự Bình trở thành một rừng thông vi vu. Bởi vẻ đẹp ấy, nên núi được nhiều người đến viếng và làm thơ đề vịnh, trong số đó có vua Minh Mạng và vua Thiệu Trị. Trong tập thơ ngự chế của vua Thiệu Trị, có bài “Bình lĩnh đăng cao” (Núi Ngự lên cao) là để chỉ núi Ngự Bình.

Vẻ đẹp của sông Hương – núi Ngự đã làm nổi bật lên khung cảnh thiên nhiên xứ Huế, góp phần làm cho Huế thêm đẹp và thi vị hơn trong mắt người dân cố đô và cả du khách phương xa. Nếu có cơ hội ngắm bình minh hoặc hoàng hôn trên sông Hương, các bạn sẽ hiểu rõ vì sao điểm đến này cuốn hút du khách đến vậy.

Núi Ngự Bình có ý nghĩa về mặt phong thủy, che chở cho kinh thành Huế từ xa. Vẻ đẹp của núi Ngự còn thể hiện ở chỗ là ngọn núi này rất gần gũi với người dân Huế. Ngọn núi sừng sững hiện ra để mọi người có thể phóng tầm mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp dịu hiền từ phía xa.

Quanh chân núi Ngự là những nghĩa trang rộng lớn của người dân xứ Huế. Nhờ vẻ đẹp thơ mộng nên dù là nơi an nghỉ của nhiều người nhưng núi Ngự vẫn thu hút khách du lịch ghé thăm. Núi Ngự Bình còn là nguồn cảm hứng cho nhiều nhà thơ, nhà văn và nhiếp ảnh gia.

“Đi đâu cũng nhớ quê mình
Nhớ sông Hương gió mát, nhớ non Bình trăng treo”

“Núi Ngự Bình trước tròn, sau méo
Sông An Cựu nắng đục, mưa trong”.

“Dạ thưa xứ Huế bây giờ
vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”.
                             Bùi Giáng

Gần núi Ngự là đồi Vọng Cảnh, kế bên là núi Bân. Đứng trên đỉnh núi Ngự phóng mắt về xa, ta thấy màu xanh ấy còn trải dài trên một rừng đồng bằng bát ngát của các huyện Hương Thủy, Hương Trà, Phú Vang. Đến núi Ngự vào buổi bình minh hay lúc hoàng hôn đều sẽ thấy vẻ đẹp nên thơ, nên họa của một ngọn núi, một khúc sông, một góc trời xứ Huế.

Cùng với sông Hương, núi Ngự Bình hòa quyện vào nhau tạo nên vẻ sơn thủy hữu tình của Huế, và đã trở thành biểu tượng của thiên nhiên Huế từ rất lâu. Vì vậy, người ta quen gọi Huế là xứ sở của “sông Hương - núi Ngự”.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây