© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Dàn ý: Bình giảng đoạn thơ sau đây trong bài thơ “Tiếng hát con tàu” của Chế Lan Viên: “Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ…Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương”.

Thứ bảy - 01/07/2017 00:33
Dàn ý chi tiết đề bài: Bình giảng đoạn thơ sau đây trong bài thơ “Tiếng hát con tàu” của Chế Lan Viên: “Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ…Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương”.

- Thể loại

Kiểu bài bình giảng văn học, cụ thể là bình giảng một đoạn thơ trữ tình.

- Nội dung

Tình cảm gắn bó với con người và miền đất mà ta đã sống.

GỢI Ý

Thân bài có thể triển khai như sau.

A. ĐẤT ĐÁ HOÁ TÂM HỒN

1. Đoạn thơ này thuộc mạch hồi tưởng vừa da diết, vừa ân tình đối với Tây Bắc. Xứ thiêng liêng rừng núi đã anh hùng này hiện lên bằng hàng loạt nỗi nhớ, trong có nỗi nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ và bỗng nhớ em như đông về nhớ rét.

Từ những nỗi nhớ cụ thể ở các khổ trên, đến hai khổ thơ này, tác giả như nâng lên, cô đúc thành triết lí, quy luật của tình cảm: Khi ta ở..., khi ta đi..., tình yêu làm đất hóa quê hương.

2. Nhà thơ không chỉ huy động một trí tuệ sắc sảo, mà chủ yếu là từ những cảm xúc, rung động của chính tâm hồn mình, bằng sự trải nghiệm của chính bản thân

(kỉ niệm về một anh du kích đêm công đồn, một em bé liên lạc mười năm tròn chưa mất một phong thư, về bà mế không phải hòn máu cắt, nhưng trọn đời con nhớ mãi ơn nuôi...) mà rút ra một chân lí phổ quát của đời sống con người:

Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ
Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương?
Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn.

Đất là một trạng thái vô tri, tâm hồn là một trạng thái của cảm xúc, ở đây là sự chuyển hóa từ trạng thái vô tri thành trạng thái có cảm xúc. Vì thế những câu thơ có sức lay động cả tâm hồn và trí tuệ của mỗi người, khơi dậy trong mỗi chúng ta bao ấn tượng, kỉ niệm về những miền đất xa xôi ẩn hiện trong mây núi, trong sương khói của hoài niệm. Mặt khác, nhưng câu thơ chứa đựng một sự phát hiện sâu sắc về một quy luật của tình cảm, của đời sống con người.

B. TÌNH YÊU VÀ ĐẤT LẠ

1. Trong bốn câu thơ sau, mạch thơ được chuyển sang một rung cảm, suy tưởng về tình yêu và đất lạ:

Anh bỗng nhớ em như dòng về nhớ rét
Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng,
Như xuân đến chim rừng lông trở biếc
Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương.

Khổ thơ được xây dựng từ những cảm xúc cụ thể, những xốn xang rung động (nhớ em như đông về nhớ rét, tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng, chim rừng lòng trở biếc). Xuân Diệu từng nói lên nỗi đau khổ, mất mát không gì bù đắp nổi trong tình yêu:

Thôi đã xa rồi khôn níu lại
Lòng thương chưa đã mến chưa vừa
Người đi một nửa hồn tôi chết
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ.

(Những giọt lệ)

Còn ta có cảm tưởng Chế Lan Viên nghiêng về mặt triết lí suy ngẫm về tình yêu qua những trải nghiệm của đời mình. Những trải nghiệm ở đây mang một ý nghĩa triết lí: các hiện tượng, sự việc chỉ có thể tồn tại và phát triển trong những mối quan hệ chằng chịt với những hiện tượng, sự việc khác (như cái rét mùa đông, mùa xuân với bộ lông trở biếc của chim rừng). Đó cũng là bản chất của tình yêu như là một sự khăng khít giữa hai tâm hồn. Đến đây, nhà thơ rút ra một chân lí của đời sống, một quy luật của tình cảm:

Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương.

2. Cái quy luật của tình cảm này, người đọc dường như có thể tự cảm nhận được, nhưng nhà thơ đã nói giúp chúng ta bằng một mệnh đề cô đúc như một châm ngôn, giản dị như một chân lí vậy.

© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây