© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Dàn ý: Bình giảng đoạn thơ sau đây trong bài “Tiếng hát con tàư” của Chế Lan Viên: “Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ…Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn.”

Thứ bảy - 01/07/2017 00:29
Dàn ý chi tiết đề bài: Bình giảng đoạn thơ sau đây trong bài “Tiếng hát con tàư” của Chế Lan Viên: “Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ…Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn.”

I. Mở bài

Tiếng hát con tàu được Chế Lan Viên sáng tác năm 1960 trong cuộc vận động đồng bào miền xuôi lên xây dựng vùng cao Tây Bắc.

Từ những kỉ niệm ân tình với Tây Bắc, từ những ước vọng xây dựng Tây Bắc phồn vinh, tứ thơ gợi mở khát vọng của một hồn thơ muốn vươn lên cái cao cả là trở về với nhân dân,.ngọn nguồn của sáng tạo nghệ thuật, được thể hiện qua năm khổ thơ giàu cảm xúc, tình ý thiết tha (ghi lại năm khổ thơ của đề bài).

II. Thân bài

A. VỀ VỚI NHÂN DÂN, CỘI NGUỒN DÂN TỘC

1. Mở đầu đoạn thơ là một loạt biện pháp so sánh mà mỗi hình ảnh đều mang vẻ

thơ mộng, mượt mà, về với nhân dân là về với cội nguồn thân thuộc của đời sống Hình ảnh so sánh chân thực, gần gũi, tạo sức rung cảm mãnh liệt:

Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Có đón giêng hai, chim én gặp mùa

2. Về với nhân dân vừa là khát vọng, vừa là hạnh phúc. Đó là niềm hạnh phúc tuyệt vời của đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa, ví như nhà thơ trở về với nhân dân, cội nguồn dân tộc:

Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa.

Đây là những lời tâm tình đầy cảm động của một tâm hồn thơ nhận ra nguồn nuôi dưỡng cho cuộc sống và nghệ thuật. Đó là nhân dân.

B. HÌNH ẢNH NHÂN DÂN TÂY BẮC QUA NHỮNG HOÀI NIỆM CỦA NHÀ THƠ

Nhân dân Tây Bắc hiện lên trong hồi ức của nhà thơ qua những hình ảnh con người cụ thể, một lòng một dạ chiến đấu, hi sinh cho cuộc kháng chiến chống Pháp.

1. Đó là người anh du kích mà cuộc đời thật bình dị, cuộc sống thật đạm bạc. Hình ảnh chiếc áo nâu... vá rách... cởi lại cho con tạo ấn tượng mạnh mẽ, gây xúc động sâu sắc về sự hi sinh cao cả, về nghĩa tình đồng đội:

Con nhớ anh con, người anh du kích
Chiếc áo nâu anh mặc đêm công đồn
Chiếc áo nâu suốt một đời vá rách
Đêm cuối cùng anh cởi lại cho con.

2. Đó là thằng em liên lạc - từ xưng hô thân tình ruột thịt - đã xông xáo rừng thưa, rừng rậm từ bản Na qua bản Bác để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giao liên suốt mười năm ròng rã:

Con nhớ em con, thằng em liên lạc,
Rừng thưa em băng, rừng rậm em chờ,
Sáng bản Na, chiều em qua bản Bác
Mười năm tròn! Chưa mất một phong thư.

3. Đó là người mẹ nuôi quân:

Con nhớ mế! lửa hồng soi tóc bạc
Năm con đau, mẹ thức một mùa dài.
Con với mế không phải hòn máu cắt
Nhưng trọn đời con nhớ mãi ơn nuôi.

Cũng như người anh suốt một đời, người em mười năm tròn, ở đây bà mế thức một mùa dài thể hiện tấm lòng sắt son của nhân dân Tây Bắc đối với cách mạng. Hình ảnh bà mẹ già đêm đêm bên bếp lửa hồng soi tóc bạc chăm sóc người chiến sĩ trở nên đẹp đẽ lạ thường, thể hiện ân tình sâu nặng của nhân dân đối với cách mạng trong thời kì kháng chiến chống Pháp.

C. TÌNH CẢM GẮN BÓ VỚI ĐẤT NƯỚC, NHÂN DÂN

1. Từ hình ảnh nhân dân Tây Bắc sâu nặng nghĩa tình đó, dòng hồi ức của nhà thơ trở về những miền đất xa xôi của núi rừng Tây Bắc ngày xưa. Nếu nỗi nhớ trong thơ Tố Hữu thấp thoáng những mây cùng mù, hắt hiu lau xám, bản khói cùng sương (Việt Bắc) và nỗi nhớ chơi vơi của Quang Dũng với hình ảnh Sài Khao sương lấp, Mường Lát hoa về, Pha Luông mưa xa khơi . (Tây Tiến), thì trong thơ Chế Lan Viên, nỗi nhớ bản sương giăng, đèo mây phủ của núi rừng Tây Bắc được nâng lên thành những suy tư.

Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ
Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương?

2. Không chỉ suy tư mà còn cảm xúc. Không chỉ là những dòng tư tưởng mà còn là sự rung động của con tim: những con người đã yêu thương đùm bọc ta, miền đất đã nuôi sống ta đã trở thành một mang tâm hồn ta:

Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn

III. Kết bài

- Bằng hình ảnh gợi cảm, giọng điệu thiết tha trầm lắng, đoạn thơ đã khắc họa hình ảnh nhân dân và vùng đất Tây Bắc đầy tình nghĩa thủy chung đối với Cách mạng trong kháng chiến chống Pháp.

- Qua đó, nhà thơ thể hiện một suy nghiệm: con đường về với nhân dân như một chân lí lớn của đời sống và nghệ thuật:

Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép
Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia.

© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây