© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Dàn ý: Hãy bình giảng đoạn thơ sau đây trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng: "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc …. Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi".

Thứ năm - 29/06/2017 00:23
Dàn ý chi tiết đề bài: Hãy bình giảng đoạn thơ sau đây trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng: "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc …. Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi".

I. Mở bài

Nêu trường hợp sáng tác của bài thơ

Dẫn vào đoạn thơ: phản ánh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nhiều gian khổ hi sinh, đậm nét bi hùng, vừa thể hiện tâm tình riêng của những người lính trẻ, qua nghệ thuật thơ độc đáo.

II. Thân bài

A. CHÂN DUNG NGƯỜI LÍNH TÂY TIẾN

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

1. Bằng bút pháp lãng mạn, tác giả tô đậm chân dung người lính Tây Tiến. Diện mạo người chiến sĩ thật khác thường (không mọc tóc, xanh màu lá, dữ oai hùm, mắt trừng...) nhưng lẫm liệt oai phong như hình ảnh người chinh phụ trong thơ cổ.

2.  Lam sơn chướng khi đã hành hạ họ: bệnh sót rét làm tóc họ rụng dần. “Đánh trận, tử vong ít, sốt rét, tử vong nhiều (...). Bệnh thì ghê thế, mà thuốc thì rất hiếm” (Trần Lê Văn). Cho nên quân xanh màu lá vì màu da của người chiến sĩ xanh lướt do bệnh sốt rét rừng hoành hành.

3. Vốn xuất thân từ tầng lớp tiểu tư sản Hà Nội, tâm hồn người lính Tây Tiến rất lãng mạn, hào hoa:

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Người đọc xúc động và hoàn toàn cảm thông tâm tinh chân thực của những người lính trẻ đang ghì chặt tay súng ở chiến trường nhưng vẫn thả hồn mơ bóng giai nhân.

B. KHÚC CA BI TRÁNG

1. Không chỉ lãng mạn trong tâm hồn, người lính Tây Tiến còn lãng mạn trong quan niệm chiến đấu. Những chàng trai trẻ đã tự nguyện dấn thân, hăng hái chiến đấu với khí thế hào hùng: “Như trận Dốc Đẹ (trên đường phố Vàng sang Mường Bi), có những chiến sĩ sốt rét run cầm cập vẫn nằm nguyên ở vị trí chiến đấu, bắn súng, ném lựu đạn, vần đá từ trên cao xuống, tiêu diệt nhiều tên địch. Bọn giặc phải rút lui xuống Suối Kút (Trần Lê Văn).

2. Biết bao thanh niên đã dấn thân như thế, đúng với tên “Tây Tiến”, họ vẫn hăng hái tiến về miền Tây, giáp biên giới Việt - Lào để tiêu hao lực lượng địch, dù có trông thấy những nấm mồ viễn xứ nằm rải rác biên cương và biết rằng phút này họ còn tồn tại nhưng có thể phút sau trở thành hư vô:

Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất

Giọng thơ bi tráng, lời thơ trang trọng. Cái chết của người chiến sĩ Tây Tiến thật đẹp. Thiên nhiên hùng vĩ như trân trọng tấu lên khúc nhạc trầm hùng tiễn đưa những chàng trai trẻ hi sinh vì tổ quốc:

Sông Mã gầm lên khúc độc hành

Đoạn thơ như gợi nhớ đến hình ảnh người chinh phụ thời xưa:

Chí làm trai dặm nghìn da ngựa
Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao

(Chinh phụ ngâm khúc)

C. NỖI NHỚ BÂNG KHUÂNG

Với những kỉ niệm sâu sắc về một thời chiến đấu đầy gian khổ, hi sinh, người lính Tây Tiến luôn gắn bó với miền Tây Bắc Bộ của Tổ quốc, dù đường lên thăm thẳm nhưng vẫn hồn về Sầm Nứa.

Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.

III. Kết bài

- Hơn năm mươi năm qua, bài thơ Tây Tiến vẫn còn sức quyến rũ đối với người đọc hôm nay, gợi về những năm tháng không thể nào quên trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp.

- Bằng bút pháp vừa hiện thực vừa lãng mạn, Quang Dũng đã dựng lên được hình tượng vô cùng đẹp đẽ về người lính Tây Tiến với hào khí ngất trời trong chiến đấu và nét hào hoa lãng mạn trong tâm hồn.

© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây