© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Dàn ý: Hãy phân tích sức hấp dẫn của hai nhân vật Chiến và Việt trong truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi.

Thứ tư - 05/07/2017 06:10
Dàn ý chi tiết đề bài: Đọc “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi, ta thấy hai chị em Việt và Chiến đều là những hình tượng nhân vật có sức hấp dẫn đặc biệt. Hãy phân tích sức hấp dẫn của hai nhân vật ấy.

I. Mở bài

Trong tác phẩm văn học, một nhân vật thường hấp dẫn độc giả khi nó vừa có những nét tiêu biểu, vừa có cá tính rõ nét. Nhân vật thể hiện cái chung cua một lứa tuổi, một thế hệ, một tầng lớp xã hội nhưng “nó lại là nó”, không thể lẫn với ai khác. Có thể nói ở một mức độ nào đó, Nguyễn Thi đã thành công như vậy khi xây dựng nhân vật hai chị em Chiến và Việt trong tác phẩm Những đứa con trong gia đình.

II. Thân bài

A. NHÂN VẬT VIỆT

1. Một ý thức chiến đấu thường trực của những chiến sĩ trẻ cầm súng vì thù nhà, nợ nước

- Cha bị Tây bắn chết hồi kháng chiến chống Pháp chín năm, mẹ bị chết vì đại bác của giặc Mĩ - một bi kịch dễ làm suy sụp tinh thần, nhưng chị em Việt đã vượt qua, đứng lên.

- Việt ghi tên tòng quân khi chưa tròn mười tám tuổi.

- Trong một trận đọ súng quyết liệt giữa đơn vị Việt với một chiến đoàn lính Mĩ, Việt đã lập công lớn nhưng anh bị thương nặng và bị lạc giữa trận địa. Trong ba ngày đứt liên lạc với đồng đội, trơ trọi một mình trên chiến trường, không có cơm ăn, chỉ còn chút nước nhấp giọng, thương tích đầy mình (hai mắt sưng lên, chân đau điếng và rỏ máu, hai tay, vai, đầu cũng vậy. Chỗ nào đụng đến ruồi cũng bay lên như vãi trấu...), tinh thần của Việt không hề nao núng, cố gắng bò lết để tìm về đơn vị.

- Khi cái chết đến kề bên, Việt chỉ nghĩ: Không được đi bộ đội nữa thì buồn lắm.

- Khi nghe tiếng súng của quân ta: Đúng súng của ta rồi! Việt muốn reo lên... Việt vẫn còn đây, nguyên tại vị trí này, đạn đã lên nòng, ngón cái còn lại vẫn sẵn sàng nổ súng.

- Gặp lại đơn vị, mặc dầu mình đầy thương tích nhưng câu hỏi đầu tiên của Việt: Mình diệt nó hết rồi hả anh?

2. Tuy nhiên, Việt vẫn là thiếu niên chưa tròn mười tám tuổi, rất hồn nhiên

- Ở nhà hay giành nhau với chị (đi bắt ếch thì giành phần nhiều, đánh giặc thì giành nhau cả vết đạn bắn thằng Mĩ trên sông Định Thủy).

- Khi đi bộ đội, có súng nhưng cái ná thun vẫn nằm gọn trong túi áo.

- Rất yêu quý đồng đội nhưng không bao giờ nói thật là mình có chị gái, vì sợ mất chị!

- Bị thương nặng, không sợ chết mà chỉ sợ ma.

- Khi những loạt tiểu liên của địch nghe gần lắm, nghe nổ có thể nghĩ tới họng súng nó đang bốc khói... Việt nghĩ: Chúng đến giết mình đây! Chết là gì nhỉ? Chắc là đau gấp mấy lần bị thương... Gặp lại đồng đội sau ba ngày bị lạc, Việt khóc đó rồi cười ngay đó.

3. Chàng trai hồn nhiên ấy lại có một quan hệ nghĩa tình đằm thắm với bao người

thân xung quanh. Việt đã sống với chú Năm trong tình chú cháu, với anh Tánh trong tình đồng đội, với chị Chiến trong tình ruột thịt, mối quan hệ nào cũng đậm đà, thắm thiết. Ngay trong những đêm bị thương và lạc đơn vị, giữa những giấc ngủ chập chờn, Việt lại nghĩ đến má: Ước gì bây giờ được gặp má. Phải, ví như lúc má đang bơi xuồng, má sẽ ghé lại xoa đầu Việt, đánh thức Việt dậy, rồi lấy xoong cơm đi làm đồng để ở dưới xuồng lên cho Việt ăn...

B. NHÂN VẬT CHIẾN

1. Cũng như Việt - cùng trong một bi kịch gia đình - Chiến đã đăng kí tòng quân, đã cầm súng (là tiểu đội trưởng của bộ đội nữ địa phương quân Bến Tre). Đó là nét chung của một thế hệ.

2. Nhưng Chiến lại là người chị trong gia đình, cha mẹ mất sớm nên Chiến sớm trưởng thành: thay mẹ nuôi em, tính toán việc nhà rất giỏi (cảnh hai chị em trò chuyện bàn tính việc nhà sau khi đã được ghi tên tòng quân, gửi em út cho ai nuôi, nhà cho ai mượn, gửi bàn thờ ba má ở đâu, lại còn tính làm thế nào để có tiền hàng năm làm giỗ...). Chiến dồn tình thương vào hai em, những lần tranh giành với Việt, chị đều nhường em – chỉ trừ một lần không nhường, đó là lần ghi tên tòng quân.

III. Kết bài

- Các nhân vật trong truyện của Nguyễn Thi thật lôi cuốn. Có lẽ do hình tượng nào cũng có nét sống động riêng. Việt có một ý thức chiến đấu thường trực nhưng người chiến sĩ trẻ ấy lại rất hồn nhiên. Chiến hơn tuổi Việt không bao nhiêu nhưng là con gái, lại lớn lên trong hoàn cảnh cha mất sớm, phải gánh vác hết việc nhà, cho nên chị già dặn trước tuổi. Rõ ràng ngòi bút của Nguyễn Thi rất linh hoạt.

- Hai chị em Chiến và Việt vừa tiêu biểu cho một thế hệ thanh niên Nam Bộ trước đây, cầm súng vì thù nhà nợ nước, nhưng đồng thời mỗi nhân vật đều có những nét riêng, rất sinh động, tạo sức hấp dẫn đối với người đọc.

© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây